Nam Định: Sức sống nhạc kèn xứ đạo ở Xuân Trường

Huyện Xuân Trường (Nam Định) có 23 nhà thờ xứ, 50 nhà thờ họ lẻ với trên 30% đồng bào theo đạo Thiên chúa. Nơi đây còn có Tòa Giám mục Bùi Chu, Tiểu Vương cung Thánh đường Giáo xứ Phú Nhai... là những nơi diễn ra nhiều hoạt động lớn của cộng đồng giáo dân. 

ken-dao-1625950930.jpg
Biểu diễn kèn đồng trong lễ hội truyền thống xã Xuân Bắc (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Để phục vụ các nghi lễ, các đội kèn đồng được thành lập, phát huy thế mạnh của loại nhạc cụ tạo âm hưởng hùng tráng. Toàn huyện có hơn 50 đội kèn đồng, trong đó nhiều đội kèn đồng đã có từ 100 năm trước, tập trung nhiều ở các xã có tỷ lệ giáo dân cao như: Xuân Ngọc, Xuân Tiến, Xuân Phương, Thọ Nghiệp, Xuân Ninh... Theo thời gian, nhạc kèn đã trở thành loại hình nghệ thuật độc đáo không chỉ phục vụ sinh hoạt tôn giáo mà đã tham gia biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hoá, xã hội ở các địa phương.

Xã Xuân Ngọc có 4 nhà thờ xứ, 4 nhà thờ họ, với tỷ lệ đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm 92% dân số. Toàn xã có 8 đội kèn đồng, trong đó có 7 đội kèn đồng nam nữ và 1 đội kèn đồng nữ tại các giáo xứ: Bùi Chu, Trung Linh, Liên Thủy, Liên Thượng; giáo họ: Trung Lễ, Hạ Linh, Phú An. Đội kèn nữ xứ Bùi Chu thành lập năm 2016 do linh mục Nguyễn Đức Giang vận động, tập hợp các chị em đam mê nhạc kèn ở địa phương tham gia. Kinh phí hoạt động của đội được huy động từ nguồn xã hội hóa; trong đó ông Vũ Đình Nghi là người tiên phong ủng hộ hàng trăm triệu đồng mua sắm nhạc cụ. Đến nay, đội kèn Giáo xứ Bùi Chu có 50 thành viên, độ tuổi từ 20-45. Để có dàn nhạc kèn đồng bộ hơn 60 chiếc các loại, mỗi thành viên đã tự nguyện đóng góp từ 5-10 triệu đồng để mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Hiện nay, đội đã dàn dựng một số chương trình hợp xướng kèn đồng với những ca khúc cách mạng như: “Cô gái vót chông”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Bài ca non sông”… Đội kèn nữ xứ Bùi Chu không chỉ phục vụ dịp lễ trọng của đồng bào Thiên chúa giáo mà còn nhiều lần đại diện cho xã tham dự ngày hội VH-TT huyện Xuân Trường và tham dự Liên hoan nhạc kèn nhân kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định (năm 2012).

Đội kèn xứ Liên Thượng có từ năm 1911 với 7 thành viên. Trải qua hơn một thế kỷ, hoạt động của đội kèn đồng xứ Liên Thượng từng có lúc mai một. Ông Phạm Văn Chính, đội trưởng đội kèn xứ Liên Thượng cho biết: Nhạc kèn đã đi vào đời sống tinh thần của bà con nên dù có lúc khó khăn song đội kèn xứ Liên Thượng luôn nhận được sự ủng hộ của người dân nên đã được khôi phục. Đến nay, đội có trên 30 cây kèn các loại, trong đó có 8 cây kèn đồng gốc của Pháp tuổi đời gần 100 năm. Hiện nay, đội có 35 người cả nam và nữ. Phần lớn các thành viên trong các đội đều làm nghề nông, kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ nhưng cùng chung đam mê, sở thích âm nhạc. Sau những giờ lao động mệt nhọc, mọi người lại cùng nhau tập luyện những bản nhạc mới chia sẻ niềm đam mê những giai điệu đẹp. Ông Phạm Tri Phương, người cầm nhịp đội kèn xứ Liên Thượng cho biết: Với bề dày truyền thống, các thành viên trong đội có điều kiện rèn luyện các kỹ thuật biểu diễn khó, độc đáo từ những bài nhạc quen thuộc như “Quốc ca” đến những bài nhạc dài như: “Hát mãi khúc quân hành”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”… Các đội kèn đồng ở xã Xuân Ngọc ngoài biểu diễn trong lễ hội truyền thống của xã - lễ kính Thánh Đa Minh (8-8 dương lịch) còn tham gia phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Xã Thọ Nghiệp có 3 nhà thờ xứ, 5 nhà thờ họ, thì có 7 xứ họ đạo đã thành lập được đội kèn. Được thành lập từ năm 1950 đến nay, đội kèn xứ Thánh Thể là một trong những đội kèn tiêu biểu về công tác xã hội hóa hoạt động. Đội có hơn 100 thành viên đều là nam. Tổng chi phí mua sắm các nhạc cụ và trang phục của đội hiện nay lên tới hàng trăm triệu đồng, phần lớn do các thành viên tự nguyện đóng góp và sự ủng hộ của người dân. Nhiều năm liền, đội kèn xứ Thánh Thể đều tham gia biểu diễn trong ngày hội VH-TT huyện Xuân Trường và đạt giải cao. Trước những ngày lễ trọng của đồng bào Thiên chúa, những thành viên nhiều kinh nghiệm trong đội đã tổ chức dạy kèn miễn phí từ 1-2 tuần cho con em trong giáo xứ để chuẩn bị phục vụ biểu diễn, đồng thời truyền lửa đam mê và tạo nguồn kế cận. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Thủy, đội trưởng đội kèn và anh Ngô Văn Long, công chức văn hóa xã, chỉ huy trưởng đội kèn là người tận tình hướng dẫn các thành viên mới. Không chỉ ngoài dạy kèn tại địa phương, anh Long còn dạy cho nhiều người ở các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng và một số tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… Ở xã Thọ Nghiệp, hình ảnh người dân cùng nhau học kèn, chơi đàn, học hát đã trở nên quen thuộc. Ngoài phục vụ Thánh lễ, các đội kèn tích cực tham gia biểu diễn phục vụ việc hiếu, hỉ và các hoạt động văn hóa, chính trị của địa phương như: Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Tết Trung thu, lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ, lễ khai giảng năm học mới…

Xã Xuân Tiến rất nổi tiếng với nghề làm kèn đồng. Những chiếc kèn đồng ở Xuân Tiến không chỉ phục vụ nhu cầu của địa phương mà còn được ưa chuộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước do hình thức đẹp, chất lượng tốt, giá cả chỉ bằng một nửa so với kèn nhập ngoại. Chiếc kèn đồng Trumpet lớn nhất cả nước (chiều dài 5,5m, loa rộng 1,5m, nặng 300kg) do ông Đinh Văn Mạnh sản xuất năm 2004 hiện đang đặt tại Tòa Giám mục Bùi Chu được nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Với 72 năm tuổi đời, hơn 40 năm tuổi nghề, ông Mạnh đã làm hơn 400 chiếc kèn đồng. Ông Mạnh còn là nhạc công tiêu biểu của đội kèn đồng xã. Ông có thể chơi được các loại kèn gồm: Trumpet, Trombone, Baritone, Bas, Saxophone... Hầu hết những chiếc kèn của các đội kèn ở địa phương đều do ông Mạnh sản xuất. Hiện nay, các đội kèn đồng ở các nhà thờ xứ Kiên Lao, Thánh Danh đã tập hợp được gần 100 nhạc công ở 2 xã Xuân Kiên và Xuân Tiến. Vào mỗi dịp cuối tuần, người dân thường tập trung tại nhà thờ, thưởng thức nhạc kèn như một nhu cầu tất yếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Đội kèn xã Xuân Ninh thường xuyên tham dự các liên hoan nhạc kèn khu vực và toàn quốc. Hiện nay, đội kèn đồng Xuân Ninh có khoảng 70 người. Nhiều gia đình có 3 thế hệ cùng tham gia đội kèn như các ông: Nguyễn Văn Cản, Nguyễn Văn Cát, Nguyễn Văn Tín... Các thành viên trong đội luôn quan tâm chăm lo bồi dưỡng, đào tạo thế hệ kế cận tiếp nối. Cứ mỗi dịp xuân về, đội kèn đồng xã hoạt động sôi nổi nhất ở các lễ mừng thọ, lễ hội ở các di tích trong và ngoài xã…

Những đội kèn đồng trong các xứ, họ đạo ở Xuân Trường đang ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các ca khúc cách mạng ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước đều đặn vang lên qua âm hưởng dàn kèn đồng đã hun đúc tinh thần, khát vọng dựng xây, bảo vệ quê hương, đất nước, bồi đắp tình làng, nghĩa xóm, gắn kết mối đoàn kết lương - giáo, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nam-dinh-suc-song-nhac-ken-xu-dao-o-xuan-truong-a4123.html