Bạc Liêu thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được tỉnh Bạc Liêu quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Các di tích văn hóa, lịch sử, khu, điểm du lịch được quan tâm tôn tạo và phát huy giá trị, tạo sức hút hấp dẫn du khách đến tham quan, nghiên cứu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chú thích ảnh

Chùa Xiêm Cán - điểm du lịch nổi tiếng của Bạc Liêu. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Các di tích được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh đều được phát huy giá trị dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhiều di tích đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, có sức hấp dẫn khách tham quan như: Đền thờ Bác Hồ (huyện Vĩnh Lợi); Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (thành phố Bạc Liêu); Di tích Đồng Nọc Nạng (thị xã Giá Rai), nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh (huyện Đông Hải); Căn cứ Tỉnh ủy (huyện Hồng Dân); Đồng hồ Thái dương (Đồng hồ Đá), Phước Đức Cổ miếu (Chùa Bang), Thành hoàng Cổ miếu (Chùa Minh), chùa Xiêm Cán, chùa Giác Hoa... ngày càng được đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu và vui chơi giải trí.

Cùng với đó, Bạc Liêu còn có khoảng 150 di sản văn hóa vật thể là bất động sản, trong đó có gần 50 công trình, địa điểm có dấu hiệu di tích được đưa vào danh mục kiểm kê bảo tồn; có 47 di sản văn hóa vật thể được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa (trong đó gồm 13 di tích quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh); các bảo vật quốc gia: Tượng Nữ thần Parvati (đá, thế kỉ VII), Tượng Sadasiva, Đầu tượng thần Siva (đồng, thế kỷ XII)... được trưng bày và đưa vào khai thác du lịch.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Bạc Liêu đã tu bổ, sửa chữa 6 di tích; lập 150 hồ sơ khoa học các hiện vật, cổ vật do các nhà sưu tập hiến tặng Bảo tàng tỉnh; tổ chức sưu tầm được 55 hiện vật; sưu tầm mới được 148 ảnh; tổ chức 3 cuộc trưng bày chuyên đề, triển lãm Bảo tàng; công nhận 3 di tích cấp tỉnh Căn cứ Thị ủy Bạc Liêu, Chùa Khánh Long An, Chùa Vĩnh Phước An. Tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung hồ sơ đề nghị xếp hạng hai di tích quốc gia đối với Di tích nơi diễn ra sự kiện lịch sử Ninh Thạnh Lợi năm 1927 (sự kiện Chủ Chọt) tại xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân và Di tích nơi diễn ra sự kiện Trận Giồng Bốm năm 1946 tại xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai.

Tỉnh trình Cục Di sản văn hóa Thỏa thuận cho lập hồ sơ khoa học di tích cấp quốc gia đối với Di tích lịch sử văn hóa Komphir Sa Kor PrêkChu (Chùa Xiêm Cán) và Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Công tử Bạc Liêu; hoàn thiện hồ sơ trích ngang trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho Thỏa thuận lập hồ sơ khoa học Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi); lập hồ sơ khoa học Đồng hồ Thái Dương để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia; sớm hoàn thiện hồ sơ khoa học 5 di tích lịch sử Đình Nguyễn Trung Trực, Trận Mỹ Trinh năm 1973, Nơi thành lập Quận ủy Giá Rai năm 1938, Đình thần Long Điền, Chùa Hộ Phòng cũ (Chùa Khmer). Thời gian tới, Bạc Liêu thực hiện Kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh năm 2021 và Kế hoạch kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh năm 2021 để có cơ sở đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bạc Liêu sẽ xây dựng bộ sưu tập hiện vật về "Nghề làm muối truyền thống" tại huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình phục vụ công tác trưng bày tại Bảo tàng tỉnh; tổ chức triển lãm chuyên đề "Cách mạng tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt lịch sử của dân tộc"; phối hợp thực hiện triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tại một trường Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh; tham gia triển lãm tại tỉnh Ninh Bình, Thành phố Cần Thơ.

Đồng thời, tỉnh hỗ trợ huyện Phước Long thực hiện trưng bày phòng truyền thống của huyện; hỗ trợ một số ban, ngành, đơn vị của tỉnh xây dựng kế hoạch và thực hiện trưng bày phòng truyền thống. Công tác tuyên truyền, quảng bá các loại hình di sản văn hóa qua các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh. Tỉnh sớm thực hiện việc di dời Bảo tàng tỉnh về khối nhà B, C thuộc Nhà hát Cao Văn Lầu; tiếp tục bổ sung và điều chỉnh một số nội dung thuyết minh cho chính xác, phù hợp với từng di tích bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thuyết minh viên tại các di tích; thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích. Một số di tích quốc gia đang xuống cấp đã được khảo sát để lập dự toán trình UBND tỉnh đầu tư kinh phí tu bổ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích bền vững gắn với phát triển du lịch…

Trong 6 tháng đầu năm, du lịch Bạc Liêu đón trên 1 triệu lượt khách, đạt 36% kế hoạch năm; trong đó có khoảng 435 nghìn lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Doanh thu du lịch - dịch vụ đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm (năm 2021 dự kiến đạt 3,2 nghìn tỷ đồng); trong đó doanh thu nhà hàng - khách sạn ước đạt 385 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch năm (năm 2021 dự kiến đạt 1,2 nghìn tỷ đồng).

Nhật Bình (TTXVN)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bac-lieu-thuc-hien-tot-cong-tac-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-a4147.html