Số phận một con chim mồi đáng thương ! Một câu chuyện tình có một không hai

Huyền Quang chỉ là pháp danh của vị Trạng nguyên Lý Đạo Tái (1251-1334), người làng Vạn Tải, nay là xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

1.

Chùa Quỳnh Lâm này thời kỳ thịnh vượng nhất, do Thiền Sư Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trụ trì. Số tăng ni đến tu tập có lúc tới hơn ba ngàn người. Trong sự nghiệp xiển dương Phật pháp, Pháp Loa từng đi thuyết giảng ở nhiều nơi, nhưng nhiều nhất có lẽ là ở chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc, nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

vbl1a-1626146580.jpg
Tác giả Vũ Bình Lục

Năm trước, tôi đã đến thăm ngôi chùa nổi tiếng này. Nhưng thật đáng buồn là ngôi chùa từng là một trong vài ba trung tâm Phật giáo lớn nhất ở đời Trần, giờ nó tan hoang đến mức thê thảm. Vẻ đẹp hoành tráng của chùa Báo Ân trong thơ ca đời Trần, một đi không trở lại. Có một lần, Vua Trần Nhân Tông từ Yên Tử về Thăng Long thăm chị gái sắp mất. Xong mọi việc, rồi ngài lại từ Thăng Long lên Yên Tử. Mỗi lần lên xuống, Phật Hoàng Nhân Tông đều nghỉ lại ở chùa Báo Ân. Các vị vua tiếp nối và các Hoàng Hậu, Hoàng Phi, Công Chúa cùng nhiều vị Vương Hầu khác, cũng thường đến làm lễ ở chùa Báo Ân. Vua Trần Nghệ Tông một lần đến thăm viếng chùa, ngài có làm một bài thơ khá hay. Thiền sư Pháp Loa còn đi giảng kinh Hoa Nghiêm theo yêu cầu của vua Trần Anh Tông và các Vương Hầu, Hoàng Hậu, Phi Tần, các Công Chúa, ở các cung điện của vương triều, kể cả hành cung Thiên Trường, nơi các Thượng Hoàng, Thái Thượng Hoàng ngự ở đó.

2.

Cũng ở chùa Quỳnh Lâm, sách TAM TỔ THỰC LỤC còn ghi lại một câu chuyện tình rất hấp dẫn. Câu chuyện tình có thật mà cũng có đôi ba phần bí ẩn này, lại dẫn đến sự ra đời của nàng cung nữ Nguyễn Thị Điểm Bích. Theo đó là câu chuyện về việc vua Trần Anh Tông muốn thử thách đạo hạnh của Quốc Sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Về cái “sự cố” ra đời của nàng Điểm Bích, cũng có đôi chút ly kỳ mà cũng không kém phần thú vị. Một câu chuyện tình chớp nhoáng của cô gái quê huyện Đường An (sau là huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương) nhà nghèo, lại độc thân. Gặp phải năm ông trời gây ra cái sự hạn hán mất mùa, đói kém nghiêm trọng, nàng buộc lòng phải đi ăn xin khắp chốn cùng quê. Đến Đông Triều, cô gái nhà quê xinh đẹp vào chùa Quỳnh Lâm để hy vọng tìm kiếm nguồn sống bác ái ở nơi cửa Phật từ bi cho qua ngày đoạn tháng. Chỉ một đêm dừng chân tại đó thôi, ấy thế mà câu chuyện tình ngắn ngủi của nàng với một thanh niên không nhìn rõ mặt, lại chửa biết tên, đã diễn ra trong cái khoảng canh ba yên tĩnh và mát mẻ dưới mái hiên chùa, đã đi mãi vào sử sách văn chương, phảng phất hơi hướng liêu trai. Chàng thanh niên trẻ tuổi kia, có thể là ai đấy nhỉ ? Phải chăng là một tăng ni từ đâu đó đến tu tập ở Thiền viện Quỳnh Lâm? Sau cái đêm ân ái nhanh gọn ấy, cô gái có thai, rồi nàng bỏ về quê. Đủ ngày đủ tháng, nàng trở dạ sinh ra một người con gái, liền đặt tên là Điểm Bích. Không biết họ cha, nên Điểm Bích mang họ mẹ, Nguyễn Thị Điểm Bích.

Nàng Điểm Bích được một phú ông gần đó mua với giá chỉ một quan tiền đem về làm con nuôi. Nàng càng lớn càng biểu hiện sự thông minh xinh đẹp. Được chín tuổi, vừa lúc triều đình có lệnh tuyển cung nữ, Phú ông kia liền đem dâng nàng vào cung vua Trần Anh Tông.

Một buổi thiết triều, bỗng dưng vua Anh Tông chợt nghĩ về Thiền Sư Huyền Quang. Nhà vua nói với quần thần, rằng cái lòng lo ăn mặc, hưởng sự sung sướng ở đời thì ai cũng muốn. Lòng dục tự nhiên điều hòa âm dương thì ai cũng có. “Chỉ riêng có Sư Huyền Quang thì không phải vậy. Từ khi sinh đến giờ, vẫn sắc sắc không không, như nước không sóng, như gương không bụi, phải chăng ngài đè nén lòng dục, hay là không có lòng dục” ?...

Sau câu hỏi này, có viên quan văn tên Mạc Đĩnh Chi liền bước ra tâu:

“Vẽ cọp, vẽ da, xương khó vẽ,

Biết người, biết mặt, biết đâu lòng” !

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đề nghị vua nên thử xem thực hư thế nào, mới có thể khẳng định được thực chất đạo hạnh của Huyền Quang. Vua Trần Anh Tông lấy làm phải, liền bí mật chọn một cung nữ trẻ đẹp, “nõn nà chẳng kém gì nàng Phi Yến (ở đời Tấn), khéo léo còn hơn cả Điêu Thuyền”, (vợ Lã Bố ở đời Tam Quốc). Cô gái được vua chọn, chính là nàng cung nữ Nguyễn Thị Điểm Bích.

Nàng Điểm Bích chẳng những nhan sắc chim sa cá lặn, mà còn là một cô gái rất thông minh, “tam giáo cửu lưu, không thứ gì là không thông hiểu”. Rồi thì “Trường thiên, Ngũ ngôn, hễ mở miệng là thành chương”. Nhưng sở trường của nàng vẫn là Quốc ngữ, tức chữ Nôm phát âm tiếng Việt. Vua khen nàng là “thần đồng”, rồi ban cho một cái thẻ bài, dặn: “Vị Tăng ấy (tức Huyền Quang-VBL) vốn không ưa sắc dục, tính tình rất cương trực, giới hạnh lại cao nghiêm. Ngươi có nhan sắc, lại có tài ăn nói, thông hiểu kinh sử, vậy hãy đến thử Thầy ấy. Nếu thấy còn động lòng quyến luyến tình dục, ngươi hãy dụ lấy cho được kim tử làm bằng chứng. Nếu gian trá sẽ có tội. Ngươi phải kính cẩn vâng lời”!…

Nhớ lời vua dặn, nàng cung nữ điểm Bích liền đem theo một nữ tì, đến chùa Vân Yên xin được xuất gia học đạo tu hành, rồi khéo léo tìm cách tiếp cận với vị Quốc Sư khả kính. Nhưng sau một thời gian, Huyền Quang nhận ra Thị Bích không phải là cô gái chuyên tâm học đạo, lại còn lẳng lơ đùa cợt với Sư, nên ngài quyết định cho đuổi về quê lấy chồng, bảo đến khi già mới được vào chùa tiếp tục tu hành. Trước đó, vốn giỏi thơ Nôm, nàng Điểm Bích sáng tác một bài thơ thật hay chủ ý quyến rũ lòng dục của vị cao tăng bậc nhất lúc bấy giờ.

“Vằng vặc trăng mai ánh nước,

Hiu hiu gió trúc ngâm sênh.

Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ,

Mâu Thích ca nào thử hữu tình”

Nhan sắc không lay chuyển được lòng dục của Huyền Quang. Nàng Điểm Bích thông minh lại nghĩ ra một mẹo khác, rằng gia đình của cô đang lúc khốn quẫn quá. Thương cảm trước việc gia đình một cô gái đáng thương (hoàn cảnh do Điểm Bích bịa ra), Quốc Sư Huyền Quang ban cho nàng một lượng kim tử, để mang về giúp đỡ gia đình mau được tai qua nạn khỏi. Mọi tăng ni trong chùa thấy vậy cũng đồng tình hưởng ứng, tùy theo mỗi người, ai cũng mở lòng từ bi giúp đỡ. Điểm Bích trở về trình vua, rằng kim tử nay đã có được. Nghĩa là nàng đã thành công. Nhan sắc chim sa cá lặn của nàng đã lay chuyển được lòng dục của Huyền Quang. Vua có ý không vui. Ngài than rằng: “Việc này nếu có thực thì đó là cái kế ngang qua cửa mà giăng lưới bắt chim của ta, còn nếu không thì ông ta cũng khó tránh mối ngờ “ngồi xỏ dày trên đám ruộng dưa”…

Ít ngày sau, vua Trần Anh Tông cho mở hội Vô Già ở phía tây kinh thành Thăng Long, bày biện các nghi thức đàn tràng, rồi sai sứ giả thỉnh Huyền Quang về triều. Vị cao tăng Quốc Sư vội vã về ngay. Rồi ngài vào đàn tràng. Trông thấy những thứ bày biện trên bàn, Huyền Quang hiểu ngay việc cung nữ Điểm Bích đã thử mình dạo trước, liền ngửa mặt than thầm. Sau, Huyền Quang lên đàn 3 lần, lại xuống đàn 3 lần, rồi ngài đứng ngay giữa đàn vọng bái thánh hiền mười phương tám hướng. Tay trái ngài cầm bình bạch ngọc, tay phải ngài cầm cành dương xanh, niệm và tẩy tịnh trên dưới trong ngoài khắp nơi xung quanh đàn tràng. Một chốc, bỗng thấy một đám mây đen cồn lên ở phía Đông Nam, gió cuốn bụi bay tối sầm cả trời đất. Lát sau, cơn nổi giận của thiên nhiên lặng ngắt. Các thứ tạp vật mà nhà vua cho bày biện trước đó, đã bay đâu hết chả còn gì. Chỉ duy nhất còn lại hương đăng lục cúng Phật mà thôi. Mọi người chứng kiến buổi hành lễ, ai cũng kinh hoàng, thất sắc.

Vua Anh Tông thấy rõ tấm lòng trung thực, đạo hạnh sáng ngời của Thiền Sư Huyền Quang đã cảm thấu đến cả trời đất, đến cả quỷ thần. Nhà vua liền rời chỗ ngồi xuống cầm tay Huyền Quang tạ lỗi. Sau đó, ngài quay ra trừng phạt cung nữ Điểm Bích, bắt làm tì nữ chuyên quét dọn một ngôi chùa trong nội điện cung Cảnh Linh. Từ đó, Anh Tông càng thêm tôn kính Huyền Quang.

3.

Huyền Quang chỉ là pháp danh của vị Trạng nguyên Lý Đạo Tái (1251-1334), người làng Vạn Tải, nay là xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Huyền Quang từng đỗ thứ nhất một kỳ thi Đình dưới triều Trần, làm quan ở Hàn Lâm Viện một thời gian ngắn, rồi ngài theo chân vua Phật Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành ở chùa Vân Yên. Sách nhà Phật chép rằng chùa Vân Yên trên núi Yên Tử vốn có cái tên dân gian là Chùa Cả. Chùa này do Thiền sư Hiện Quang khai sơn. Hiện Quang là đệ tử nối pháp của Thiền sư Thường Chiếu (Phạm Thường Chiếu). Kế tiếp Hiện Quang là Quốc sư Trúc Lâm, Quốc sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Diêu, Huệ Tuệ, rồi đến Đại Đầu Đà Trúc Lâm, tức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1229), Đệ Nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Phật Hoàng Nhân Tông cho mở rộng quy mô chùa Vân Yên về mọi mặt, khiến chùa Vân Yên trở thành trung tâm Phật giáo lúc bấy giờ. Khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), vua Lê Thánh Tông lên chùa Vân Yên vãng cảnh, thấy chùa có nhiều hoa đẹp, ngài cho đổi tên chùa Vân Yên thành chùa Hoa Yên…

Như vậy, cái tên HOA YÊN TỰ có từ đời vua Lê Thánh Tông. Ở thời Nguyễn Trãi, vẫn còn là VÂN YÊN TỰ. Bài thơ của Nguyễn Trãi, đầu đề phải là ĐỀ VÂN YÊN TỰ, chứ không thể là ĐỀ HOA YÊN TỰ như các sách đời sau nhầm lẫn !

(Trích Tùy bút TRẦM TÍCH ĐÔNG TRIỀU của Vũ Bình Lục)

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/so-phan-mot-con-chim-moi-dang-thuong-mot-cau-chuyen-tinh-co-mot-khong-hai-a4170.html