Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 20)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến năm 2007” của PGS TS Cao Văn Liên  do NXB Thanh niên ấn hành năm 2009.

cvl2-1626224915.jpg

Kỳ 20

Thơ văn Hán, Nôm chứa đựng nhiều nội dung phong phú, phản ánh cuộc sống sản xuất và đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, đấu tranh cho tự do, công lý, đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, đấu tranh cho tình yêu đôi lứa, nêu lên đạo lý làm người, đức tính thuỷ chung, tín nghĩa. Thơ văn Hán, Nôm mang hơi thở nóng bỏng, gấp gáp của thời đại đầy biến loạn,  đau thương, bất công ngang trái. Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn lấy chữ “Nhàn” và chữ “Ẩn” làm chỗ dựa cho tinh thần đang sụp đổ trước sự rối ren của thời cuộc. Thế kỷ XVIII, văn học chữ Nôm chiếm ưu thế trên văn đàn, có giá trị bậc nhất về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Khuynh hướng hiện thực chứa chan tinh thần nhân đạo phát triển mạnh mẽ. Các tác phẩm tố cáo xã hội đương thời thối nát, chỉ trích mạnh mẽ vua quan, cường hào thối nát, tàn bạo. Các tác phẩm đã đặt vấn đề quyền sống, đòi những giá trị chân chính, đòi giải phóng con người khỏi mọi áp bức, nêu lên những ước mơ, khát vọng chân chính của con người.

Văn học đã đề cập đến số phận của người phụ nữ tài sắc bị xã hội vùi dập, lên án chiến tranh gây ra bao thảm hoạ đau khổ mất mát cho nhân dân, trong đó đau khổ nhất là ngưòi phụ nữ có chồng đi chinh chiến.

Bên cạnh văn học chữ viết có giới hạn thì văn học dân gian các thế kỷ XVI, XVII, XVIII vô cùng phong phú về thể loại, nội dung, phản ánh sâu rộng nguyện vọng của nhân dân. Những tục ngữ, ca dao, truyện khôi hài, trào phúng, tiếu lâm đã phản ánh trung thực cuộc sống lao động chiến đấu, tư tưởng tình cảm tâm hồn của người Việt Nam, đúc kết những kinh nghiệm vô giá trong sản xuất, trong đối nhân xử thế, là vũ khí sắc bén của nhân dân trong đấu tranh chống áp bức bóc lột. Các truyện “Trạng Quỳnh”, “Trạng Lợn” nêu lên tài trí của nhân dân. Văn học dân gian khai chiến với toàn bộ giai cấp thống trị, nho sĩ, quan lại, vua chúa, là đề tài, là nguồn sữa nuôi dưỡng cho văn học viết phát triển trưởng thành. Văn học dân gian thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời, sức sáng tạo phong phú của nhân dân.

Thế kỷ XVI, XVII, XVIII cũng là các thế kỷ phát triển của nghệ thuật dân gian cổ truyền: Ca múa nhạc, tuồng, chèo, trong dân gian có những gánh hát chèo lưu động, hát ả đào, hát trống quân, hát ví, hát cò lả, quan họ (Bắc Ninh), hát xoan (Phú Thọ), hát dậm (Hà Nam), hát giậm (Nghệ-Tĩnh), ca, hò, lý (miền Trung, miền Nam), hát tài tử-cải lương (Nam Bộ). Ca múa nhạc các dân tộc ít người cũng phát triển. Dân tộc Tày-Nùng có hát si, hát lượn, dân tộc Thái có hát khắp, múa xoè, người Tây Nguyên có hát khan.

Còn có ca múa nhạc cung đình phục vụ cho triều đình Lê-Trịnh-Nguyễn.

Cuối Lê, nghệ thuật hội họa điêu khắc phát triển, vẽ tranh chân dung, tranh sinh hoạt tôn giáo ở các đình chùa. Tranh dân gian với các đề tài sinh hoạt,  sự tích các anh hùng. Nghệ thuật tạc tượng phát triển với trình độ điêu luyện như tượng ở chùa Tây Phương: tượng Tuyêt Sơn và 18 vị tổ là một điển hình mẫu mực. Kiến trúc các thế kỷ này vẫn kế thừa truyền thống kiến trúc cổ truyền. Tuy nhiên kiến trúc thời Nguyễn mô phỏng nhiều kiến trúc Trung Hoa và pha lẫn kiến trúc vô băng của Pháp.

Khoa học lịch sử các thế kỷ này đặc biệt phát triển. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư”, Ngô Gia Văn Phái viết tiểu thuyết lịch sử “Hoàng Lê nhất thống chí” mô tả sự đổ nát của triều Lê, nêu lên tính phức tạp của các mâu thuẫn xã hội, mô tả sức mạnh của nông dân đang vùng dậy làm cho cục diện xã hội thay đổi. Các tác phẩm của Phan Huy Chú “Lịch triều hiến chương loại chi”, Lê Quí Đôn: “Phủ biên tạp lục” v. v.  là những tác phẩm tiến bộ, mô tả nhiều mặt của cuộc sống xã hội. Quốc sử quán triều Nguyễn  biên soạn nhiều bộ sử lớn: “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, 52 quyển, “Đại Nam thực lục” gồm 444 quyển. Khoa học quân sự cũng ra đời, các tác giả đã đúc kết lý luận quân sự: “Hổ trướng khu cơ” bộ binh pháp nổi tiếng của Đào Duy Từ (1572-1634). Ông không chỉ là nhà quân sự mà còn là nhà thơ, nhà văn, nhà kiến trúc tài giỏi. Nhiều tác phẩm đặt nền tảng cho khoa học địa lý nước nhà như : “Nhất thống địa dư chí”  của Lê Quang Định, “Phương Đình địa dư chí” của Nguyễn Văn Siêu, “Hoàng Việt dư địa chí” của Phan Huy Chú. Các tác phẩm này đã nêu lên sự phong phú tươi đẹp toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Địa lý địa phương cũng được các học giả nghiên cứu, “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch, “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức. Trong số danh nhân lỗi lạc của thế kỷ này nổi bật Lê Quí Đôn, nhà bác học xuất sắc thế kỷ XVIII với kiến thức uyên bác nhiều lĩnh vực: thơ, văn, sử,  địa lý, triết học, y học, thiên văn, nông học với 50 bộ sách bao quát tất cả cảc tri thức đương thời. Tác phẩm “Vân đài loại ngữ” của ông là bộ bách khoa toàn thư, tập hợp tất cả những tri thức của khoa học xã hội và khoa học tự nhiên của nhiều thế kỷ. Trong đó, ông thống kê vào thế kỷ XVIII, nước ta có 18 giống lúa. Y học cổ truyền tiếp tục phát triển mà tiêu biểu chói sáng là nhà y dược Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông:1720-1791). Ông sưu tầm được 305 vị thuốc Nam, tạo nên 2.854 phương thuốc chữa hàng trăm chứng bệnh. Ông cho rằng môi trường,  khí hậu có ảnh hưởng đến cơ thể con người. Từ nhận định khoa học đó, ông đề ra phương pháp chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh thích hợp. Bộ sách lớn của ông: “Hải thượng y tâm tĩnh” gồm 66 quyển đã tổng kết toàn bộ phương pháp y học cổ truyền, xây dựng toàn bộ lý, pháp, phương, dược của nền y học Việt Nam thời kỳ trung đại. Ông nêu cao y đức, chỉ cần giúp người mà không cầu lợi. Hải Thượng Lãn Ông còn là nhà văn, nhà thơ xuất sắc. Các tác phẩm của ông mang đậm tinh thần nhân đạo, yêu nước, thương nòi.

Chế độ phong kiến không lưu ý phát triển kỹ thuật. Tuy nhiên Nguyễn Văn Tú (Quảng Trị) đã chế tạo được đồng hồ máy và ống nhòm. Những người thợ trong xưởng đóng tàu nhà Nguyễn thành công trong việc thử chế tạo tầu chạy bằng hơi nước.

Ngoài Phật giáo, Hồi giáo, đạo Bà la môn đã có từ trước, thế kỷ XVII, Thiên chúa giáo do các cố đạo Bồ đào nha và Pháp truyền bá vào Việt Nam. Năm 1668, “Hội truyền giáo nước ngoài” của Pháp được thành lập. Hội này ra sức truyền bá đạo Thiên chúa vào Việt Nam. Giáo sĩ Alếch xan đrốt đã hoạt động 30 năm ở Việt Nam và thu được nhiều kết quả. Để truyền đạo, các giáo sĩ trước hết phải biết tiếng Việt. Họ dùng chữ La tinh ghi âm tiếng Việt để học. Chữ quốc ngữ xuất hiện. Các giáo sĩ Bồ Đào Nha dùng chữ quốc ngữ để soạn sách giáo lý và soạn từ điển “Việt- Bồ”. Năm 1649, giáo sĩ Alếch xan đrốt đã xuất bản ở Rôma cuốn từ điển Việt- Bồ bằng tiếng La tinh và một cuốn “Giáo lý cương yếu” bằng tiếng Việt Nam. Các giáo sĩ Phương Tây chế ra chữ quốc ngữ ban đầu với mục đích truyền giáo. Sau này vào thế kỷ XX, người Việt Nam biết sử dụng làm thành chữ viết của mình. Tuy nhiên, chữ quốc ngữ trong các thế kỷ này chưa có tác dụng gì trong sự phát triển văn hoá Việt Nam.

Sự khủng hoảng suy tàn của chế độ phong kiến và đạo đức phong kiến làm cho Nho giáo cũng sụp đổ suy tàn dù thế kỷ XIX, vương triều Nguyễn ra sức duy trì và củng cố.

Về hoạt động lập pháp thế kỷ XVI, XVII, XVIII ở Đàng Ngoài không có gì đáng kể. Năm 1777, triều đình Lê-Trịnh ban hành bộ “Quốc triều điều lệ”, nội dung cơ bản như “Luật Hồng Đức”, có bổ sung thêm như cấm truyền đạo Thiên chúa vào Đại Việt. Ở Đàng Trong cơ bản thực hiện pháp luật nhà Lê. Thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn có ban hành một số đạo luật về kinh tế, tài chính, luật về sở hữu ruộng đất và thuế ở ruộng đất mới khai phá. Dưới triều đại Tây Sơn, vua Quang Trung ban hành một số văn bản mang tính chất pháp lý như “Chiếu lên ngôi năm 1789”, “Chiếu cầu hiền”, “Chiếu khuyến nông”, “Chiếu Lập học” và một số qui định thuế khoá nhằm tiến hành cải cách kinh tế, văn hoá, xã hội.

Năm 1815, vương triều Nguyễn công bố bộ luật Gia Long, gọi là “Hoàng triều luật lệ”. Bộ luật gồm 398 điều, 22 quyển, các điều khoản của Bộ luật chia thành 6 loại mà nội dung tương ứng với công việc của 6 bộ phụ trách như hình luật, lại luật, công luật, lễ luật, binh luật và hộ luật. Nội dung chính của các qui phạm bao gồm những chế định về hôn nhân gia đình, về dân sự, hình sự, luật  tố tụng. Tư tưởng Nho giáo chi phối tuyệt đối trong “Hoàng Việt luật lệ”, tư tưởng đàn áp xuyên suốt Bộ luật. Các học giả Pháp khi đó cũng phải thừa nhận đây là bộ luật tàn nhẫn rập khuôn theo luật nhà Thanh Trung Quốc, một thứ luật lệ của kẻ thống trị ngoại tộc.

   Giáo dục Thế kỷ XVI, XVII, XVIII, XIX và 20 năm đầu của thế kỷ XX vẫn duy trì Nho học. Kết quả thi cử Nho học như sau:

Triều đại         số khoa thi        Tiến sĩ          Trạng nguyên

Mạc                     22                      485                 20

Lê Trung Hưng   73                      493                   6

Nguyễn                40                      588                   0

  Nhà Nguyễn không lấy học vị Trạng nguyên trong thi Nho . Khoá thi cuối cùng của Nho học là năm 1919. Khoa thi đầu tiên năm 1075 triều Lý đến khoa thi cuối cùng năm 1919 triều của Nguyễn, tổng cộng đã có 185 khoá thi, 2.906 người đỗ Tiến sĩ, trong đó có 56 người đỗ Trạng nguyên. Nguyễn Hiền người phủ Thiên Trường Nam Định đỗ Trạng nguyên năm 13 tuổi đời vua Trần Thái Tông năm 1247. Có lẽ Trạng nguyên đầu tiên của nước nhà là Lê Văn Thịnh (Gia Lương-Bắc Ninh) đỗ khoa thi đầu tiên năm 1075 thời Lý. Trạng nguyên cuối cùng là Trịnh Huệ (Quảng Xương-Thanh Hoá) đỗ khoa thi năm 1736 đời Lê Y Tông.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-20-a4192.html