Tôi và Vũ Duy Thông đã có thời gian cùng làm phóng viên trong tiểu ban Công Thương của Thông tấn xã Việt Nam. Thế cuộc xoay vần, mỗi người đi một ngả. Hồi gặp lại Vũ Duy Thông, tôi làm việc tại Văn phòng Bộ Văn hóa – Thông tin. Thông đang trong cơn bĩ vận. Vị trí công tác của anh đang bất ổn. Cũng lúc này, anh làm Nghiên cứu sinh. Tôi khuyên anh: Thôi, bây giờ cứ tập trung mà làm cho xong Luận án Tiến sĩ, rồi tính sau. Đề tài Luận án của anh rất hay: Cái đẹp trong thơ kháng chiến! Tiếp cận dòng thơ cách mạng trong thời kháng chiến oanh liệt từ góc nhìn mỹ học, đó là lối tiếp cận mới để đạt được kết quả mới. Tận dụng lợi thế của Văn phòng, tôi đã giúp Thông in luận án và cả bản tóm tắt Luận án khi bảo vệ. Sau này, thành công rồi, Thông luôn luôn nhắc tới cái “công” ấy của tôi! Trời không phụ lòng người, Thông đã bảo vệ xuất sắc Luận án. Không những thế, anh đã được bó trí công tác, tại Ban Tư tưởng Văn hoá trung ương (nay là Ban tuyên giáo trung ương).
Lúc làm báo thì xông xáo, xả thân, lúc bị thơ nhập hồn thi lơ mơ, lãng đãng, đó là Vũ Duy Thông. Người thơ cũng hay rượu nữa. Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn kể với tôi rằng, Thông và Sơn hay chén chú chén anh khiến vợ Thông lo phiền. Có hôm, rình lúc vợ đi vắng, hai nhà thơ lục chai rượu giấu trong tủ ra nhâm nhi. Được một lúc thì vợ Thông về. Bị bắt quả tang, hai chàng ngồi im thin thít chịu trận. Nhưng, vợ Thông không nói gì, mà chỉ lặng lẽ cầm chai rượu cất đi! Hai chàng đành xơi mồi khan! Bây giờ, hai nhà thơ đã gặp nhau nơi tiên cảnh, không biết đã có với nhau cuộc rượu nào chưa?
Cuộc đời chìm nổi, vui buồn, thẳm sâu hay bảng lảng, đã đọng vào hồn Thông, để anh biến thành thơ, trong đó có nhiều bài đọng sâu trong lòng người đọc! Đánh giá thơ Thông, PGS. TS Lê Thị Bích Hồng viết: “Nét nhất quán trong thơ Vũ Duy Thông tạo nên phong cách riêng chính là chất thơ hồn hậu, trong trẻo mang hơi thở của cuộc sống, con người được thể hiện chiều sâu nội tâm, ấm áp tình người, tình đời. Trái tim thơ ấy vẫn luôn vẹn nguyên cảm xúc tươi mới kể cả lúc tâm trạng nhà thơ buồn, cô đơn, không bình an. Trong 10 tập thơ đậm chất trữ tình vừa có lúc chậm rãi, lắng suy, vừa có sự đúc kết, triết lý chừng mực, không cao giọng, không lên gân, nhằm gửi vào đó những thông điệp. Thơ anh lưu dấu ấn lâu bền trong lòng bạn đọc là vì thế. Nói như Trịnh Thanh Sơn: “Sự sống vững bền và tươi rói luôn là điều nhà thơ quan tâm. Tất cả sẽ là hư vô nếu không còn sự tươi rói ấy. Biết tôn trọng sự sống, thành tâm tôn thờ sự sống xanh tươi là quan điểm bất di bất dịch trong tư tưởng thơ Vũ Duy Thông”.
Trở lại bài thơ Mưa bụi bay, toàn văn như sau:
Không biết điều gì sẽ đến
Nhưng em ơi, sáng nay mưa bụi bay
Lâm thâm đường khô sỏi đá
Long lanh cây bàng lá gầy
Không biết điều gì sẽ đến
Niềm vui chăng, hay nỗi buồn chăng?
Có thể hôm nay chúng mình chia tay
Nhưng em ơi, mưa bụi bay
Mùa xuân đến, tìm ta từng chấm nhỏ
Có thể ngày mai khổ đau thêm nữa
Khi còn thương ngôi sao rụng trong đêm
Thương sóng biển xanh một mình
Thương đá núi cô đơn tự vỡ…
Nhưng em ơi, sáng nay mưa bụi êm
Đất trời trắng sữa
Mùa xuân thì thầm bên tai
Lời mưa xa cách lấp đầy… Lấm tấm … thơ ngây.
Bài thơ đầy tính nhạc, phù hợp với một ca khúc, cho nên tôi phổ nhạc nguyên văn lời thơ mà nhạc không bị gò ép. Bài thơ – ca khúc có nét buồn nhưng không thảm, ngập tràn tình yêu thương, lòng vị tha. Không biết sẽ có niềm vui hay nỗi buồn, không biết sẽ chia tay hay không, nhưng rồi, dù thế nào, thì cũng nhẹ nhàng, êm thấm. Đúng như phong cách của Vũ Duy Thông được thể hiện trong câu thơ: “Khi ra đi, biết nhón chân thật khẽ”. Một con người không muốn làm phiền ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào!
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông (bút danh Thi Vũ, Duy Vũ) sinh ngày 26-2-1944 tại xã Tự Lập, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) năm 1968 và từ đó gắn bó với sự nghiệp báo chí. Ông giữ chức Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1996 - 2005); Phó Tổng Biên tập Website Đảng Cộng sản Việt Nam (2005 - 2009)... Nhà thơ Vũ Duy Thông được trao giải Ba Cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969 với 2 bài thơ “Bè xuôi sông La” và “Ngọn đèn lò”; 2 giải thưởng sáng tác dành cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức với các tập truyện “Ai là bạn tốt” (1978) và “Về thăm bà nội” (1988)... |
Phạm Việt Long
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhin-mua-bui-bay-nho-vu-duy-thong-a4194.html