Từ 5 điểm sáng, 4 điểm “mờ”, toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến", phấn đấu hoàn thiện về thể chế và cơ chế chính sách

Trong bức tranh về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tháng đầu năm 2021, nổi lên 5 điểm sáng và còn 4 điểm “mờ”.

bo-truong-nguyen-van-hung1-1626275052.jpg
 

Năm điểm sáng là:

Thứ nhất, chức năng quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL, của các Sở VHTTDL ở địa phương đều phải thông qua công cụ pháp luật, đó là quản lý nhà nước bằng luật. Vì vậy, bước vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, trách nhiệm của ngành là phải thể chế hóa chủ trương của Đảng bằng các chính sách pháp luật của Nhà nước. Tiếp cận hướng này, trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành, chủ động báo cáo, đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước theo sự phân cấp quản lý, đề xuất bổ sung, hoàn thiện sửa đổi. Trong đó chúng ta đã đạt được một số yêu cầu, đối với 1 số lĩnh vực mà Bộ phải làm và phải có bộ luật để quản lý, chúng ta đã hoàn thành Luật Điện ảnh, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10 trong phiên họp của Quốc hội sắp tới. Chúng ta đã chọn được 8 lĩnh vực sau rà soát để tiếp tục đề xuất, sửa đổi và ban hành một số bộ luật, trong đó có một số lĩnh vực mà lâu nay chúng ta chưa có luật, như nghệ thuật biểu diễn. Các nghị định chúng ta thấy đang bất cập cần thiết phải đề xuất Chính phủ. Đáng mừng là, trong tổng thể đó, Chính phủ đã cho phép chúng ta nghiên cứu để đề xuất một nghị định liên quan đến vấn đề đặc thù của ngành trong lĩnh vực nghệ thuật, về Chế độ chính sách cho văn nghệ sĩ. Đây là một bước tháo gỡ cơ bản giúp cho ngành chúng ta tiếp tục phát huy được giá trị nghệ thuật, thông qua nghệ thuật thực hiện vai trò dẫn dắt, vai trò truyền cảm hứng, vai trò giáo dục vẻ đẹp của nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam theo hướng Chân, Thiện, Mỹ.

Thứ hai, chúng ta đã cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đối với cấp tỉnh, đó là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của các tỉnh, thành phố. Đối với Bộ, đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc. Vì vậy Bộ đã chủ động tham mưu xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện theo hướng các chiến lược, các kế hoạch đều sát, đúng, đón nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ủy đảng. Riêng 2 lĩnh vực lớn, đó là Chiến lược văn hóa và Chương trình phát triển Du lịch của Việt Nam đã lần đầu tiên Bộ nhận được 63 ý kiến của tỉnh, thành uỷ đóng góp cho ngành. Chúng ta đã phát huy được trí tuệ, sức mạnh tổng hợp, lắng nghe ý kiến từ cơ sở để hoàn thiện và tạo ra sự kết nối để khi triển khai thuận lợi hơn, sát hơn. Tương tự như vậy, giám đốc các Sở đã chỉ đạo ngành mình làm được những công việc đó và cũng đã được đánh giá cao.

Thứ ba, đã có một sự chuyển biến khá rõ nét trong tư duy, trong tiếp cận lĩnh vực VHTTDL. Làm rõ hơn chức năng quản lý nhà nước, phân định rõ về vấn đề phát triển sự nghiệp, bắt đầu tập trung chỉ đạo theo hướng quyết liệt hơn. Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến không chỉ là khẩu hiệu của Bộ nêu ra mà đã lan tỏa đến tất cả các ngành, các đơn vị để chúng ta tập trung thực hiện. Gắn với đó, chúng ta đã tập trung rà soát, phát hiện điểm nghẽn, nút thắt, tìm giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ. Trong đó, vấn đề quan trọng là tìm nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài. Riêng nguồn lực ngoài ngành, chúng ta coi sự lãnh đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước là nguồn lực quan trọng, nguồn lực to lớn để toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ. Có thể nói chưa từng có trong lịch sử của Bộ trong thời gian ngắn gần đây, chưa đầy 1 tháng Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã có 2 phiên làm việc với tập thể Lãnh đạo Bộ với 2 chuyên đề rất rõ. Tổng Bí thư đã dành thời gian để lắng nghe Bộ trưởng báo cáo, chỉ đạo những vấn đề có tính chất chiến lược, gợi mở những vấn đề để Bộ Văn hoá suy nghĩ, chỉ báo một cách ân cần, cổ vũ anh em, động viên để chúng ta làm tốt hơn, đặc biệt là nhắc lại những luận điểm của Bác Hồ: "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi", giúp cho ngành chọn cho được hướng và cũng là sự trăn trở của người đứng đầu Đảng và Nhà nước trước những vấn đề quan trọng của đất nước.

Thứ tư, chúng ta đã góp phần tích cực cùng với Đảng, Nhà nước, với các địa phương thực hiện nhiệm vụ mục tiêu kép đối với ngành. Chúng ta đã phòng chống dịch bệnh tốt tại các điểm du lịch, trong các hoạt động văn hoá, thể thao mà ngành đang quản lý. Đồng thời trong 6 tháng đầu năm, cùng với toàn hệ thống chính trị, chúng ta đã biết phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của toàn dân tộc, để từ đó cùng Chính phủ phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Những giá trị cao đẹp về truyền thống đoàn kết, về sẻ chia, về gánh vác trách nhiệm, về lá lành đùm lá rách một lần nữa được nhân lên, đó chính là sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc mà chúng ta có một phần đóng góp.

Thứ năm, trong công tác tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Lãnh đạo Nhà nước, cho cấp uỷ chính quyền địa phương chúng ta đã từng bước có chất lượng, kịp thời hơn, sát hơn, đúng và trúng hơn. Qua trao đổi với các đồng chí Bí thư một số tỉnh, thành uỷ, nhiều đồng chí Giám đốc Sở được các đồng chí Bí thư các tỉnh, thành uỷ đánh giá cao vì sự sâu sát, nắm vấn đề chắc, tham mưu chuẩn. Rất nhiều đồng chí Giám đốc các Sở đã tạo ra hình ảnh tốt, đồng thời với đó là tận tuỵ làm việc, nêu gương, vượt khó, trăn trở để làm. Chúng ta có thể điểm danh, nêu một vài đồng chí học tập lẫn nhau như: Giám dốc Du lịch TP.HCM, Giám đốc Văn hoá TP.HCM, của Nghệ An, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ninh, Phú Thọ và rất nhiều địa phương khác trong cả nước. Ở đây không chỉ là sự ghi nhận của Lãnh đạo Bộ, mà qua đó chúng ta thấy sự kết nối liên thông, vai trò của Bộ với Sở, đồng hành để cùng nhau thực hiện. Hơn lúc nào hết, 6 tháng này giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của Bộ, của Sở. Bộ mạnh Sở mạnh, Bộ yếu Sở yếu, Sở mạnh sẽ giúp cho Bộ mạnh hơn.

Có thể nói chúng ta đã thống nhất xác định 5 điểm sáng này, vì vậy chúng ta đã nhận thức rõ được công việc của mình. Tôi mong rằng toàn ngành sẽ cố gắng phát huy 5 điểm sáng này trong bức tranh chung.

bo-truong-nguyen-van-hung2-1626275052.jpg
 

Bốn điểm "mờ" và có góc tối là:

Thứ nhất, trong công tác tham mưu, chúng ta chưa làm rõ được vị trí của văn hoá trong phát triển kinh tế, xã hội để lan toả được những giá trị, sức mạnh mềm của văn hoá trong toàn hệ thống chính trí. Hay nói gọn hơn, chúng ta chưa làm tốt vai trò chuyển nhận thức để nhận thức đúng, nhận thức đủ, nhận thức sâu sắc về văn hoá. Đặc biệt đối với ngành, chúng ta chưa khu trú được một số lĩnh vực vì văn hoá tác động đến nhiều đối tượng, liên quan đến toàn bộ đời sống. Nhìn từ góc độ định nghĩa UNESCO đến khái niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra, ta làm cái gì và ở đâu, công việc nào Bộ mình quản lý, sắp tới đây chúng ta phải làm gì nữa, lĩnh vực nào để từ đó chúng ta tham mưu, đề xuất, làm rõ, góp phần chuyển đổi nhận thức. Khi nhận thức chưa chuyển đổi thì rõ ràng không thể phát triển văn hoá và xây dựng con người để đáp ứng yêu cầu. Thời gian qua việc này chúng ta đang lúng túng.

Thứ hai, hệ thống cơ sở vật chất cho toàn ngành của chúng ta hiện nay đang còn thiếu, đang còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển. Cá biệt, có nhiều tỉnh thành ba thiết chế cơ bản bắt buộc ghi trong luật đến nay vẫn chưa được hoàn thiện, hay nói cách khác là còn chưa có. Nếu có thì mới chỉ có tên chứ chưa đúng với vị trí thiết chế của nó. Ở cấp Bộ lại càng khó khăn hơn, vì vậy khi yêu cầu phát triển đòi hỏi phải có những cơ sở vật chất tương xứng.

Thứ ba, chúng ta chuyển hướng hoạt động của các đơn vị nghệ thuật trong lúc gắn với đó là sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng ta đang áp dụng một cách cào bằng, bình quân chủ nghĩa, chưa thấy được tính đặc thù để đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền cho phép tạo dựng, xây dựng những cơ chế, chính sách riêng để những đoàn nghệ thuật, những đơn vị làm nghệ thuật tiêu biểu đại diện cho tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, thông qua nghệ thuật để truyền cảm hứng, làm rõ cái sáng, cái đẹp của nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà văn hoá Việt Nam. Chính vì vậy mà chúng ta lúng túng, chưa đáp ứng được các yêu cầu. Chí ít là đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật chính đáng của đông đảo cộng đồng. Vì vậy có nguy cơ đứng trước vấn đề bị ảnh hưởng bởi văn hoá của nước ngoài.

Thứ tư, là công tác cán bộ của ngành. Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, trong lần về thăm và làm việc với Bộ cách đây mấy năm về trước, Tổng Bí thư cũng yêu cầu phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành, nhưng nhìn tổng thể, chúng ta vẫn chưa đạt được mong muốn. Cán bộ của ngành vẫn chưa đạt chuẩn, còn sự hẫng hụt ở nhiều cấp và chưa đồng bộ. Chính vì vậy, tổ chức thực hiện lại rơi vào khâu khó do đội ngũ cán bộ của chúng ta. Khi làm việc với Thủ tướng, chỉ có lĩnh vực thể thao thôi, riêng điều này tôi cũng đã báo cáo với Thủ tướng trước là xin Thủ tướng cho tôi một Thứ trưởng phụ trách thể thao đúng chuyên ngành. Thủ tướng đồng ý ngay nhưng bây giờ Bộ chưa làm. Muốn làm thì chúng ta phải xây dựng hình ảnh, phải suy tôn, ủng hộ nhau, chúng ta phải tìm kiếm con người và đưa họ vào trong hoạt động thực tiễn để đào tạo, đưa vào quy hoạch. Bây giờ những lát cắt này bị cắt ngang mà không đi theo một lát cắt dọc có tính chất chỉnh tề, quả rất khó.

4 điểm nghẽn này, 4 điểm chưa được sáng, có phần góc tối này toàn ngành phải kiên quyết khắc phục.

Từ tình hình trên, bên cạnh phương châm "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến", trong 6 tháng còn lại, chúng ta phải tập trung hoàn thiện về thể chế và cơ chế chính sách để đồng bộ hơn, để giải quyết bài toán mà thực tiễn cuộc sống đang đề ra.

bo-truong-nguyen-van-hung-1626275052.jpg
 

Tiếp cận theo hướng này, chúng ta phải thực hiện 7 việc lớn như sau:

Thứ nhất, khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược văn hóa, phê duyệt Chương trình hành động phát triển du lịch trong 5 năm tới; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết Chỉ thị 08 của Bộ Chính trị về Phát triển Thể dục thể thao, đề xuất với Trung ương ban hành Chỉ thị mới và xây dựng Chiến lược Thể thao. Gắn với đó là ban hành một số Nghị định để quản lý nhà nước, ban hành một số Thông tư trong chức năng, thẩm quyền của Bộ, làm tốt hơn nữa vai trò quản lý.

Thứ hai, ngoài việc tham mưu, phải biết chọn việc, chọn lĩnh vực mang tính dẫn dắt. Hiện nay Bộ đang được giao quản lý 3 lĩnh vực: Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Ba lĩnh vực này có mối quan hệ tác động qua lại với nhau mật thiết, hữu cơ, gắn bó. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy, Thể thao có thể ổn hơn, khó nhưng vừa rồi cũng làm được. Du lịch, nếu như không bị ảnh hưởng Covid, cũng còn nhiều điểm sáng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xét cho cùng, lực lượng xã hội làm du lịch nhiều hơn, còn chúng ta đóng vai trò quản lý nhà nước. Còn lại là Văn hoá là lĩnh vực mà chúng ta phải làm, phải khẳng định, lần này chúng ta phải chọn hướng đó. Chúng ta đã nói với nhau: vận dụng hình ảnh cỗ xe tam mã của người Nga mà có lần Thủ tướng đã nói, chúng ta phải vận hành nhuần nhuyễn nhất, nhanh nhất, trong đó văn hóa là dây cương để đưa đi. Vì vậy, phải khẩn trương trong 6 tháng còn lại, các cơ quan nghiên cứu, những người thực hành văn hóa phải làm rõ nội hàm về hệ giá trị văn hóa Việt Nam, nội hàm về hệ giá trị con người Việt Nam, nội hàm về văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phải luận giải đúng, đủ, từng bước bổ sung, để nâng cao nhận thức cho tất cả các cấp, các ngành, từ đó hiểu đúng văn hóa, thực hành văn hóa đúng, không chệch hướng. Trên cơ sở đó, phải trả lời cho được trước công luận, trước Đảng, trước Nhà nước về những vấn đề văn hóa hiện nay có bị đứt gãy hay không? Văn hoá Việt Nam đang nằm trong sự biến dị hay đang tiếp tục khẳng định giá trị của nó? Văn hoá Việt Nam là một dòng chảy liên tục, là hình ảnh dòng sông sâu nước bao giờ cũng chảy nhẹ hay dòng sông lớn cuồn cuộn sóng? Hỡi các nhà văn hoá, hỡi những người đang làm việc tong ngành và các anh các chị đang theo dõi ngành Văn hóa, phải cùng với chúng tôi trả lời, phải trả lời bằng được những nội dung đó trong 6 tháng còn lại.

Thứ ba, 6 tháng còn lại phải đặt hàng, làm rõ để từng bước xác lập bộ chỉ số về đóng góp của văn hóa trong quá trình phát triển. Chỉ khi lượng hóa được công việc của mình bằng chỉ số này thì chúng ta mới khẳng định được vị thế của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Các báo cáo bao giờ cũng chỉ có một câu duy nhất, ngắn như: văn hoá có sự chuyển biến hoặc văn hoá được phát huy. Còn văn hoá như thế nào, có bao giờ những người làm công tác văn hoá thấy giật mình, tự nhiên chữ văn hoá đã biến mất trong các văn bản không? Trước đây chúng ta nói báo cáo kinh tế, văn hóa, xã hội thì hiện nay chỉ có báo cáo kinh tế, xã hội. Trong khi quan điểm của Đảng ta đặt ra là Văn hóa phải đặt ngang chính trị và ngang kinh tế. Ai đã làm mất danh văn hóa? Tôi cho rằng là do chính chúng ta chứ không do người khác. Lỗi đó phải là lỗi của chúng ta, chúng ta phải sửa sai, không trách ai cả. Muốn trách người phải trách mình. Tôi muốn nói với các đồng chí Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ ở đơn vị phải cùng chúng tôi luận giải.

Thứ tư, phải xây dựng các kịch bản, đề án, gói kích cầu để thực hiện bằng được du lịch của chúng ta trong thời điểm khó khăn này. Vừa phải đối mặt với dịch bệnh, phải cơ cấu lại thị trường khách, chú ý nhiều hơn đến thị trường nội địa, từng bước xem xét thí điểm mở cửa du lịch quốc tế mà đã được Bộ Chính trị cho phép làm thí điểm. Số hóa trong du lịch phải được thực hiện nhanh nhất, quyết liệt nhất, không còn độ trễ cho sự chờ đợi. Chương trình đã cần nhưng những kế hoạch nhỏ để thực hiện lại cần hơn bao giờ hết.

Thứ năm, phát triển thể thao theo hướng một trọng tâm, ba đề án, nhiệm vụ. Trọng tâm đó là phải đề xuất, báo cáo để tổng kết được Nghị quyết của Đảng để có Nghị quyết mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện. Ba đề án là: chiến lược thể thao; đề án về phát triển thể lực, tầm vóc của con người; đề án cuộc vận động học tập, rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại. Hai đột phá về nhiệm vụ là: thể thao thành tích cao đi ra đấu trường quốc tế mang vinh quang về cho đất nước; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức ngày hội thể thao của khu vực ASEAN (SEA Games). Báo cáo kịp thời với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để chuẩn bị thật tốt những điều kiện này.

Thứ sáu, văn hóa liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều bộ ngành, phải chủ động phối hợp. Tuy nhiên, không phải bộ ngành nào cũng phối hợp và cũng không phải phối hợp theo kiểu đến ký một chương trình rồi 5 năm sau mới sơ kết. Phải chọn việc, chọn điểm, chọn phương pháp trọng tâm và những vấn đề đang nóng. Trên tinh thần đó phải khẩn trương làm việc với Ban Thường vụ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Văn hoá và Kinh tế Việt Nam để bàn bạc có một kịch bản về triển khai, xây dựng văn hoá doanh nghiệp và doanh nhân. Nghĩa là tác động bằng văn hoá trong kinh tế thị trường để có những doanh nghiệp Việt, những doanh nhân thành đạt có khát vọng xây dựng đất nước, cống hiến vì nhân dân, trách nhiệm với xã hội. Đó là môi trường văn hoá trong doanh nghiệp mà mọi người được thụ hưởng các quyền lợi mà khi họ được đóng góp. Vì vậy những vấn đề về thiết chế văn hoá, thể thao, đời sống văn hoá, đã đến lúc chúng ta không hoài cổ nhưng những giá trị tốt đẹp cần phải được nhân lên. Phong trào liên hoan tiếng hát của công nhân, giọng hát hay tại các công trường, xí nghiệp phải được tôn vinh, qua đó nghệ thuật đỉnh cao, nhân tài mới có điều kiện được phát hiện, chứ không phải chỉ chờ vào Sao Mai của Đài Truyền hình. Những việc này phải làm và phải làm thực sự, phải nghiên cứu để tiến tới chọn điểm để triển khai trên địa bàn dân cư của ba vùng, sau đó chúng ta sẽ tổng kết.

Thứ bảy, tập trung xây dựng sức mạnh trong nội bộ ngành mà sức mạnh chính là sức mạnh con người, của những người đang làm công tác văn hoá, thể thao và du lịch từ trung ương, đến xã phường, thị trấn. Có thể nói quá trình này theo phân cấp quản lý, Bộ phải lo cán bộ cho Bộ, Sở phải lo cán bộ cho Sở, Huyện phải lo cán bộ cho Huyện. Nhưng luôn luôn phải đồng hành với nhau, tạo những véc tơ cùng chiều cổ vũ, động viên, khích lệ, phát hiện nhân tố mới để đào tạo, bồi dưỡng. Đưa lên Trung ương những cán bộ làm tốt, cho phép điều chuyên một số cán bộ Trung ương về địa phương chứ không phải như trước đây Bộ chúng ta chỉ luân chuyển 2 đồng chí, mà phải thực chất hơn để chúng ta có một đội ngũ cán bộ. Phải chăng trong 6 tháng tới, toàn ngành của chúng ta sẽ tổ chức cuộc vận động riêng, đó là học tập, rèn luyện để xây dựng tấm gương về sống và làm việc có văn hoá của cán bộ văn hóa.

Toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hãy nhóm lên ngọn lửa hồng từ trái tim những người làm văn hoá, sau đó lan toả ra bạn bè và toàn xã hội, để lan toả những điều tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng chúng ta có quyền tin tưởng 6 tháng còn lại chúng ta sẽ đặt được nền tảng vững chắc cho ngành của chúng ta có bước phát triển trong 5 năm tới tốt hơn, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

 

Ghi lại phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra ngày 14-7-2021.

 

Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-5-diem-sang-4-diem-mo-toan-nganh-van-hoa-the-thao-va-du-lich-quyet-liet-hanh-dong-khat-vong-cong-hien-phan-dau-hoan-thien-ve-the-che-va-co-che-chinh-sach-a4212.html