Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 21)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến năm 2007” của PGS TS Cao Văn Liên  do NXB Thanh niên ấn hành năm 2009.

cvl2-1626307887.jpg
Chú thích ảnh

Kỳ 21

PHẦN IV: THỜI KỲ CẬN ĐẠI (1858-1945)

CHƯƠNG V: Pháp xâm lược Việt Nam và cuộc kháng chiến chống pháp cuả nhân dân ta 50 năm cuối thế kỷ XIX.

I:pháp xâm lược Việt Nam.

Pháp tấn  công Đà Nẵng: Chiều ngày 31 tháng 8 năm 1858, Liên quân pháp - Tây Ban Nha gồm 2.500 quân (450 lính Tây Ban Nha), 13 chiến thuyền, trang bị vũ khí hiện đại, có tàu chiến đặt tới 50 đại bác, dưới quyền chỉ huy của sĩ quan Pháp Đơ Giơ nui, có Giám mục Pe rơ lanh làm cố vấn nổ súng tấn công Đà Nẵng, bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Nếu hoàn thành việc đánh chiếm Đà Nẵng, Pháp sẽ vượt đèo Hải Vân tấn công kinh thành Huế, buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Dưới sự chỉ huy của Tổng chỉ huy quân thứ Quảng Nam Nguyễn Tri Phương, quân ta đã kìm chân được quân Pháp. Âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng thất bại.

Thất bại ở Đà Nẵng, Đơ Giơ nui thấy phải tính kế lâu dài, đưa quân vào đánh Gia Định để chiếm một vùng giầu lúa gạo, từ đó đánh chiếm Cam pu chia,  Lào và chiếm toàn bộ Đông Dương. Ngày 10 tháng 2 năm 1859, Hải quân Pháp đánh phá Vũng Tàu. Quân pháp tiến đánh Cần Giờ, Nhà Bè. Ngày 17 tháng 2, Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Gia Định thất thủ. Hộ đốc Võ Duy Ninh và Án sát Lê Từ tự sát. Thượng thư bộ hộ Tôn Thất Cáp, kế đó Nguyễn Tri Phương được cử làm Tổng thống quân vụ mặt trận. Nhưng cả hai đều án binh bất động, qua 5 tháng với hàng vạn quân mà không tiêu diệt được 1000 quân pháp ở thành Gia Định. Ngày 23 tháng 2 năm 1861, 4.000 quân Pháp với 50 chiến thuyền do Đô đốc Sác Ne chỉ huy tấn công Đại đồn Gia Định. Sau hai ngày chiến đấu Nguyễn Tri Phương bị thương, Đại đồn thất thủ. Triều đình Tự Đức khiếp sợ không nghĩ tới chiến mà chỉ nghĩ  tới hoà. Ngày 28 tháng 2 năm đó, Pháp chiếm phủ Tân Bình, ngày 12 tháng 4, Pháp chiếm thành Định Tường, 18 tháng 12, Biên Hoà mất, 23 tháng 3 năm 1862, Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Nhân dân các tỉnh miền Đông, miền Tây kháng chiến quyết liệt gây cho Pháp nhiều thiệt hại và chúng ở trong tình trạng hết sức nguy ngập. Đúng lúc đó, triều đình Huế ký hoà ước. Chính thực dân Pháp phải thốt lên: “May mắn thay đang lúc phải đón lấy một tình thế xấu thì Huế lại yêu cầu ký hoà ước”. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp thay mặt Tự Đức ký với Pháp “Hiệp ước hoà bình và hữu nghị”. Hiệp ước gồm 12 khoản qui định triều đình Huế nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hoà) và đảo Côn Lôn, bồi thường chiến phí cho Pháp 2. 880. 000 lạng bạc (4.000.000 USD), mở các cửa biển Đà Nẵng, Bà Lạt, Quảng Yên cho Pháp và Tây Ban Nha buôn bán. Do thái độ hèn nhát đầu hàng của triều đình Huế, chỉ 5 ngày từ 20 đến 24 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần1: Ngày 20 tháng 11 năm 1783, quân pháp gồm 180 tên do Gác Ni ê chỉ huy cùng với quân của Đuy Puy tiến đánh thành Hà Nội. Thành Hà Nội thất thủ. Nguyễn Tri Phương bị trọng thương ở bụng, ông nhịn ăn mà chết. Phò mã Nguyễn Tri Lâm (con Nguyễn Tri Phương ) cũng hi sinh. Từ Hà Nội, Pháp đánh lan ra các tỉnh miền Bắc, chỉ 3 tuần lễ chúng chiếm tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình. Nhưng từ hai ngã Bắc Ninh, Sơn Tây, hai cánh quân của Trương Quang Đản, Hoàng Tá Viêm phối hợp với quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc (Người Hoa) tạo thế bao vây uy hiếp thành Hà nội. Ngày 21 tháng 12 năm 1873, trong trận phục kích ở Cầu Giấy, quân ta giết chết Gác Ni ê và nhiều tên Pháp. Trận Cầu Giấy làm cho Pháp rất hoang mang. Chính phủ Pháp điện sang yêu cầu quân Pháp rút khỏi Hà Nội và toàn miền Bắc. Thắng lợi đã ở trong tầm tay thì triều đình Huế lại điều động quân Hoàng Tá Viêm lên Sơn Tây, điều Lưu Vĩnh Phúc về Lào Cai. Và sau đó ngày 15 tháng 3 năm 1874, Huế ký với Pháp một hiệp định đầu hàng tại Sài Gòn, “Hiệp ước hoà bình và liên minh” gồm 22 khoản qui định’Triều đình Huế công nhận quyền của Pháp tại 6 tỉnh miền Nam, không được ký hiệp ước thương mại với bất cứ nước nào ngoài Pháp, Việt Nam phải đổi lại chính sách đối với đạo Thiên chúa, giáo sĩ Phương Tây được tự do đi lại ở khắp Việt Nam để truyền đạo, phải mở cửa sông Hồng, các cửa biển Thi Nại (Qui Nhơn), Ninh Hải và thành phố Hà Nội cho Pháp buôn bán. Pháp đặt Lãnh sự quán ở Hà Nội và có quân đội riêng ở đó.

Tháng 3 năm 1882, Thống đốc Nam kỳ phái Trung tá hải quân Hăng ri Vi e đem 300 quân đổ bộ lên Hà Nội, nâng tổng số quân pháp ở Hà Nội lên 600 tên và 3 tàu chiến. Ngày 25 tháng 4 năm 1882, Hăng ri vi e tiến đánh Hà Nội. Quan lại triều đình sợ hãi bỏ chạy. Thành Hà Nội thất thủ. Tổng đốc Hoàng Diệu treo cổ tự sát. Nhân dân miền Bắc vẫn anh dũng kháng chiến. Tháng 5 năm 1883, quân ta do Hoàng Tá Viêm chỉ huy  có quân của Lưu Vĩnh Phúc phối hợp mai phục giết chết Hăng ri vi e, 5 sĩ quan và 28 lính Pháp tại Cầu Giấy, 6 sĩ quan khác và 45 lính bị thương nặng. Bọn còn lại phải chạy tháo thân về thành Hà Nội. Sau trận này quân Pháp hoang mạng cực độ. Tên đô đốc Pháp thay Hăng ri vi e rút bỏ Hà Nội về cố thủ ở Hải Phòng. Nhưng triều đình Huế không tận dụng thắng lợi của cuộc kháng chiến, vẫn quyết tâm chủ trương hoà hoãn với Pháp. Pháp lấn tớí. Lúc này chính phủ Pháp dưới quyền của Thủ tướng Phe Ri quyết tâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa, tăng quân đội Pháp ở Miền Bắc từ 600 tên năm 1882 lên 1.500 tên vào năm 1884.

Ngày 19 tháng 7 năm 1883, Tự Đức chết. 20 tháng 8 năm  đó, Pháp đánh chiếm Thuận An. 25 tháng 8 năm 1883, triều đình Nguyễn ký với Pháp tại Huế “Hiệp ước hoà bình”. Đây là hiệp ước đầu hàng toàn diện của nhà Nguyễn, thừa nhận cho Pháp đặt ách cai trị lên toàn cõi Việt Nam, Nhà Nguyễn bị tước quyền ngoại giao. Hiệp ước chia nước ta thành 3 kỳ: Nam Kỳ (từ Ninh Thuận vào Nam) là thuộc địa của pháp (Cô sanh sin), từ Khánh Hoà tới Đèo Ngang gọi là An Nam (Trung Kỳ) là chế độ bảo hộ,  từ Đèo Ngang trở ra gọi là Bắc kỳ (Tông canh) chế độ nửa bảo hộ.  Ngày 6 tháng 6 năm 1884, Pháp làm sẵn một Hiệp ước mới  đưa cho triều đình Huế ký nhận.  Đó là hiệp ước Pa tơ nốt gồm 19 khoản giống như hiệp ước năm 1883, chỉ khác là đưa Bình Thuận từ phía Nam và Thanh hoá phía Bắc là thuộc địa phận Trung Kỳ.

Ngày 26 tháng 6 năm 1887, Pháp và nhà Mãn Thanh ký hiệp ước phân chia biên giới Việt -Trung và vịnh Bắc Bộ. Nhà Mãn Thanh nhân lúc Pháp xâm lược Việt Nam đã chiếm thêm nhiều đất đai của nước láng giềng nhỏ bé.

II: Phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược (1858-1896)

Vốn có truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường nên dù triều đình Huế phản bội đầu hàng, nhân dân ta vẫn liên tục đứng dậy chống thực dân Pháp ngay rừ khi chúng sang xâm lược. Đi đầu trong cuộc kháng chiến là nhân dân Gia Định (Nam Kỳ), mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định (quê ở Quảng Ngãi), khi đó giữ chức Quản cơ.

Năm 1859, Trương công Định lãnh đạo nhân dân chống Pháp xâm lược ngay ở trung tâm Gia Định. Sau khi Đại Đồn thất thủ, Trương Công Định đem quân về xây dựng căn cứ ở Tân Hoà, Gò Công, nghĩa quân lên đến hàng nghìn người, hoạt động khắp miền Gia Định, Gò Công, Mỹ tho, Tân An, Chợ Lớn, Vàm Cỏ thuộc các tỉnh Định Tường, Gia Định.

Năm 1862, triều đình Huế phong ông chức Phó lãnh binh tỉnh Bình Định, sau đó lại điều ông đi nhậm chức Lãnh binh ở Phú Yên. Nhân dân Gia Định, Định Tường giữ ông lại và tôn ông làm “Bình Tây đại nguyên soái”. Tháng 12 năm 1862, nghĩa quân đã tấn công địch ở Biên Hoà, Gia Định, Mỹ Tho, đánh trận Rạch Tra (trên đường Sài Gòn - Tây Ninh), giết chết tên đồn trưởng Pháp. Ba pháo hạm Pháp bị đánh trên sông Vàm Cỏ. Nghĩa  quân làm chủ được Sài Gòn,  Biên Hoà.  Ở Bà Rịa nghĩa quân chiếm lại được nhiều huyện. Tại Tân An, nghĩa quân đánh địch ở Cần Giuộc, Gò Đen là những trận đánh lớn của nghĩa quân.

Ngày 25 tháng 2 năm 1863, tướng Pháp Bô na dốc tất cả lực lượng tấn công vào căn cứ Tân Hoà, Gò Công. 3 ngày sau căn cứ Tân Hoà mất. Ngày 20 tháng 8 năm 1864, quân Pháp có tên phản bội Huỳnh Long Tấn dẫn đường đánh bất ngờ vào nghĩa quân ở Phước Lộc-Tiên Phước, Trương Công Định trúng đạn gãy xương sống, ông rút gươm tự sát , khi đó ông mới 44 tuổi.

Ngoài cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định còn nhiều cuộc  khởi nghĩa khác chống Pháp quyết liệt khi địch đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông. Ở Định Tường có khởi nghĩa của Cử nhân Trần Xuân Hoa, Hương thân Lê Cao Dũng, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân. Mỹ Tho, Gò Công có Đỗ Trình Thoại, Nguyễn Ngọc Thăng. Ở Long An có khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực (Nguyễn Văn Lịch), ngày 10 thánh 12 năm 1861, nghĩa quân đốt cháy pháo hạm Et pê răng xơ, tiêu diệt 37 tên Pháp. Tân An có khởi nghĩa của Phan Trung. Ở Đồng tháp có khởi nghĩa của Võ Duy Dương. Ở vùng Gia Định có Đốc binh Kiều, tri huyện Âu Dương Lân, Cử nhân Phan Văn Trị. Ở Bình Thuận có khởi nghĩa của Lê Quang Kiều, Phan Chính. Trương Quyền, con trai của Trương Công Định đã liên hệ với Pu kum Pao, nhà yêu nước Campuchia khởi nghĩa ở Tây Ninh.

Khi lửa chiến tranh xâm lược của Pháp lan đến các tỉnh miền Tây,  nhân dân các tỉnh này đã anh dũng chống Pháp. Lớn nhất là hoạt động của  nghĩa quân Nguyễn Trung Trực ở Hà Tiên với căn cứ Hòn Chông. Ngày 16 tháng 6 năm 1868, nghĩa quân tấn công đồn Rạch Giá (Kiên Giang), giết chết tên tỉnh trưởng kiêm đồn trưởng người Pháp, làm chủ Rạch Giá 6 ngày. Tháng 9 năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị Pháp bắt ở Phú Quốc và ngày 27 tháng 10 năm 1868, ông bị chúng tử hình ở Rạch Giá. Năm 1867, Phan Tôn, Phan Liêm, hai con của Phan Thanh Giản chống Pháp ở Bến Tre, hoạt động khắp vùng Vĩnh Long, Trà Vinh , Sa Đéc.  Bến Tre còn có nghĩa quân Phan Tòng. Trần Văn Thành hoạt động ở An Giang. Lê Công Thành, Lâm Lễ chống Pháp ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên.

Nhân dân Trung kỳ,  Bắc kỳ kháng chiến chống xâm lược:

Sau khi Tự Đức chết, quyền lực triều đình Huế rơi vào tay Hội đồng phụ chính mà người đứng đầu là Tôn Thất Thuyết thuộc phái chủ chiến. Ông đã phế truất các vua thân Pháp như Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc và đưa Hàm Nghi mới 7 tuổi lên ngôi.

Ngày 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết cho quân đội đánh vào đồn binh Pháp và toà Khâm sứ nhưng thất bại. Quân Pháp mở cuộc phản công và kinh thành Huế thất thủ. Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi lên sơn phòng Quảng Trị. Ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, kêu gọi các văn thân và sĩ phu nổi dậy đánh Pháp, giúp vua cứu nước. Lời kêu gọi của vua Hàm Nghi đã dấy lên một phong trào chống Pháp mạnh mẽ ở Bắc và Trung kỳ: Phong trào Cần Vương. Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Duy Cung, Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận, Phạm Toản hoạt động ở Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định. Lê Trung Đình, Nguyễn Tú Tân, Nguyễn Bá Loan, Trần Văn Dự, Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Hàm đánh Pháp ở Quảng Ngãi, Quảng Nam. Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Nguyễn Tự Như, Trương Đình Hội, Đặng Hữu Phổ, Hoàng Văn Phúc hoạt động ở Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên. Nghĩa quân của Lê Ninh, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ, Phạm Cát Thu, Nguyễn Đôn Tiết, Nguyễn Hanh, Đinh Nha Hạnh, Nguyễn Phương, Phan Đình Phùng-Cao Thắng, Trần Xuân Soạn, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Cao Điền đánh Pháp ở Hà Tĩnh, Nghệ An,  Thanh Hoá. Ở Thái Bình, Nam Định có nghĩa quân Tạ Hiên, Lã Xuân Uy, Đỗ Huy Liệu, Vũ Đức Lợi, Nguyễn Đức Huy. Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Cao, Đốc Tích hoạt động ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh. Ở  Phú Thọ có nghĩa quân Trần Văn Giáp. Vùng Tây bắc có nghĩa quân Nguyễn Quang Bích. Phong trào Cần Vương bắt đầu từ năm 1885 kéo dài cho đến hết thế kỷ XIX, kể cả sau khi vua Hàm Nghi bị bắt (1-11-1888). Trong đó, khởi nghĩa Ba Đình (Thanh Hoá), khởi nghĩa Bãi Sậy (Hưng Yên), khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) là tiêu biểu nhất cho phong trào Cần Vương rộng lớn.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-21-a4223.html