Lào Cai: Nghệ thuật trang trí trên trang phục người Pa Dí

 Người Pa Dí cư trú chủ yếu ở huyện Mường Khương (Lào Cai). Người Pa Dí luôn giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trên trang phục, đặc biệt là trên bộ y phục nữ với nghệ thuật trang trí thêu chỉ màu, ghép vải, phản ánh tư duy sáng tạo của người Pa Dí.

padi-1626390192.jfif
Người Pa Dí giữ nét đẹp văn hóa truyền thống

Áo của phụ nữ Pa Dí là áo dài tứ thân, xẻ nách chỉ cài 1 cúc. Để tạo bộ y phục rực rỡ sắc màu với bố cục, đường nét, mô típ hoa văn, phụ nữ Pa Dí sáng tạo vận dụng kỹ thuật thêu thùa với 2 thủ pháp chính là thêu và ghép vải. Sử dụng 3 kiểu kỹ thuật thêu: Thêu buộc, thêu xuyên và thêu luồn chỉ. Thêu buộc làm cho hoa văn và đường chỉ thêu nổi rõ trên đường đồ án của trang trí, dùng mũi kim xuyên qua 2 sợi vải rồi vòng sợi chỉ ngược lại đầu mũi kim, rút kim lên và thắt chỉ chặt vào tấm vải, làm như vậy cho tới khi thành hình hoa 4 cánh, mắt con chim, chuột, hình tam giác... Thêu xuyên là kỹ thuật thêu dùng mũi kim xuyên thủng xuống mặt sau của tấm vải rồi cách 2 hàng chỉ lại xuyên ngược lên theo kiểu đan nóng mốt, cứ móc 2 mũi lại đè 2 mũi. Thêu luồn trên tấm vải màu trắng, luồn kim qua lại trên tấm vải cần thêu, họ đan những sợi chỉ nhiều màu sắc vào nhau sao cho khít, các họa tiết hoa văn nổi rõ trên trang phục, loại hoa văn thường thấy khi sử dụng kiểu thêu này là hoa văn hình thoi, hình chữ nhật… Cả 3 cách thêu này được sử dụng thêu trên phần hoa văn dây thắt lưng của phụ nữ.

Các biện pháp thêu, ghép vải kết hợp với nhau tạo ra những mẫu hoa văn phong phú, nhiều màu sắc, đồng thời với những khổ vải ghép đậm sắc màu bên cạnh các đường thêu thanh mảnh, tạo cho người ngắm cảm giác như các hoa văn luôn biến đổi.

Cổ áo nữ thường cắt theo kiểu cổ tròn, là một miếng vài dài khoảng 40 cm, rộng 6 cm, viền mép khâu chỉ trắng trên nền vải xanh, vải hoa trông rất đẹp. Phía ngoài là bản vải hoa ghép hai màu xanh, đỏ, phía trong là lớp vải hoa hoặc vải đỏ lộ ra làm cho cổ của cô gái trông càng đẹp và bộ trang phục cũng gây được ấn tượng. Ngoài ra, người Pa Dí dùng các hạt bạc, cúc bạc để đính trên bề mặt cổ áo, cúc bạc to được đính để cài khóa ở hai đầu, tạo điểm nhấn cho người sử dụng.

padi1-1626390192.jfif
Trang phục truyền thống của đồng bào Pa Dí

Màu sắc chủ đạo trên trang phục là màu chàm đen, họ tạo ra những điểm nhấn, trang trí bằng màu sắc như dùng chỉ màu để thêu hoặc khâu ở dưới cầu vai áo hai bên cánh tay, trang trí trên cổ áo bằng cách ghép vải màu và khâu vải màu ở lớp bên trong cổ áo, phía trước ngực được đeo dải bạc trắng có biểu tượng mũ mái nhà (hình tam giác) vắt chéo trước ngực từ trên nách trái kéo dài xuống eo phải. Người Pa Dí rất biết cách phối màu. Bao giờ cũng là đường thêu màu nóng, rực rỡ, sau đó gam màu giảm dần như 3 đường thêu dích dắc ở ngực áo nữ, đầu tiên là chỉ thêu màu hồng, kế đó là màu xanh, cuối cùng là màu nâu.

Bộ nữ trang phục truyền thống còn là của hồi môn khi người con gái Pa Dí đi lấy chồng. Với giá trị và nghệ thuật thêu trang trí trên trang phục, năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Pa Dí là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc công nhận này góp phần bảo tồn và phát huy trang phục trong cộng đồng, đồng thời làm cho cộng đồng người Pa Dí thêm tự hào với truyền thống văn hóa và đặc biệt là trang phục truyền thống dân tộc.

Nguyễn Ngọc Thanh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lao-cai-nghe-thuat-trang-tri-tren-trang-phuc-nguoi-pa-di-a4243.html