Hà Giang: Trường PTDTBT THCS Yên Thành (Quang Bình) phấn đấu đạt chuẩn quốc gia

Vượt qua khó khăn về điều kiện đi lại và thiếu thốn về đời sống vật chất, tinh thần do trường nằm tại địa bàn xã vùng cao, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Yên Thành, xã Yên Thành (Quang Bình - Hà Giang) vẫn miệt mài viết lên câu chuyện vượt khó nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

dt1-13a-1626671326.jpg
Thư viện Trường PTDTBT THCS Yên Thành được tổ chức phi chính phủ tài trợ.

Học tập và làm theo Bác ở tinh thần trách nhiệm, tận tụy với học sinh (HS) thân yêu, nhà trường triển khai các nội dung, chương trình giáo dục phù hợp với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương, ngôi trường tự hào là cái nôi đào tạo nhiều học trò vùng cao tiến xa hơn trên con đường tri thức. Cô giáo Hoàng Thị Dung, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi với phóng viên trong dịp hè này cho biết: Trường thực hiện theo hình thức bán trú nhưng trong đó có gần một nửa số học sinh ở nội trú do điều kiện đi lại khó khăn nên nhiệm vụ và hoạt động của nhà trường rất đa dạng, phong phú. Ngoài tổ chức dạy và học, nhà trường còn có trách nhiệm chăm lo bữa cơm, giấc ngủ, quản lý việc tự học, rèn luyện của học sinh. Chính vì đặc thù trên, bên cạnh việc đổi mới các phương pháp dạy và học để học sinhtiếp thu hiệu quả kiến thức được truyền đạt mà còn giáo dục đạo đức, kỹ năng, lối sống tích cực, giúp các em tự tin, năng nổ, tự lập hơn trong cuộc sống, tăng cường kết nối với các tổ chức cá nhân có lòng hảo tâm kêu gọi hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà ký túc xá thư viên, bếp ăn bán trú…song để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, nhà trường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

dt2-4c-1626671430.jpg
Ký túc xá Trường PTDTBT THCS Yên Thành được tổ chức phi Chính phủ tài trợ.

Năm học 2020-2021, Trường có 8 lớp với tổng số 224 học sinh, trong đó có 98% HS là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với trường nằm ở địa bàn vùng cao, câu chuyện duy trì sĩ số học sinh đến lớp luôn là vấn đề được nhà trường đặc biệt quan tâm. Nhằm kéo giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học cách nhật, trong những năm qua, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với thực tế địa phương như: Phối hợp cùng chính quyền địa phương, phụ huynh trong quản lý học sinh; nâng cao nhận thức phụ huynh, HS về tầm quan trọng của giáo dục; tổ chức các nhóm vận động học sinh ra lớp.... Ngoài ra, nhà trường còn tích cực triển khai các chương trình, phong trào mà ngành Giáo dục phát động nhằm tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh cho HS. Theo đó, bên cạnh tổ chức cho học trò thực hiện các nhiệm vụ học tập trên lớp, nhà trường còn lồng ghép các buổi sinh hoạt ngoại khóa sinh động gắn với tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí giúp học sinh có nhiều có nhiều trải nghiệm, kỹ năng sống. Những thuận lợi trong quá trình triển khai các hoạt động dạy học, vui chơi có sự đóng góp rất lớn từ sự quan tâm của Nhà nước, tỉnh nhà trong hỗ trợ hoàn thiện cơ sở vật chất. Dựa vào lợi thế trường bán trú, học 2 buổi/ngày mà trường có phương pháp giảng dạy phù hợp dành cho HS. Vào buổi sáng học chính khóa, nhà trường dành nhiều thời gian cho HS luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ ý kiến của bản thân để HS tiếp nhận và vận dụng hiệu quả các kiến thức, qua đó tạo sự chủ động, dạn dĩ hơn cho các em trong quá trình xây dựng tiết học cùng với thầy, cô giáo. Còn đối với buổi học chiều, trường tổ chức phân luồng học sinh để có phương pháp ôn luyện phù hợp với năng lực các em, trong đó triển khai dạy phù đạo kiến thức cho HS yếu kém; HS khá, giỏi thì bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nhờ đó, trong 3 năm học vừa qua, tỷ lệ HS khá, giỏi có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Với mục tiêu đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện hướng đến xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhà trường yêu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xứng đáng là tấm gương sáng để HS noi theo. Học tập ở Bác bằng những việc làm thiết thực, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, ý thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tìm tòi, học hỏi, đưa ra nhiều sáng kiến trong quá trình xây dựng bài học, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy.

Với những nỗ lực của đội ngũ sư phạm nhà trường và học sinh Trường PTDTBT THCS Yên Thành đang phấn đấu hoàn thành mọi tiêu chí để được công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia vào tháng. Với bước ngoặc này, tin rằng đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường sẽ nỗ lực hơn nữa với sự nghiệp “trồng người”, với niềm tin và khát vọng đưa sự nghiệp giáo dục ở miền núi.

Đình Thơm

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-giang-truong-ptdtbt-thcs-yen-thanh-quang-binh-phan-dau-dat-chuan-quoc-gia-a4319.html