Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 27)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến năm 2007” của PGS TS Cao Văn Liên  do NXB Thanh niên ấn hành năm 2009.

cvl2-1626830228.jpg
Chú thích ảnh

Kỳ 27

Thời kỳ đấu tranh tự giác

Tháng 8 năm 1925 bãi công của 1000 công nhân công binh xưởng Ba Son do Tôn Đức Thắng lãnh đạo đòi tăng lương 25%, đòi thu hồi lại những công nhân bị sa thải. Đây là lý do kinh tế để công nhân kéo dài việc sửa chữa tàu Mi sơ lê, làm chậm thời gian nó sang đàn áp cách mạng Trung Quốc. Cuộc đấu tranh thắng lợi đánh dấu bước chuyển từ tự phát sang tự giác của công nhân Việt Nam. Đấu tranh kinh tế kết hợp với đấu tranh chính trị, không chỉ biết đoàn kết công nhân trong nước mà còn hành động đoàn kết với công nhân và nhân dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.

Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời

Năm 1920 tại Pa ri (Pháp), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy chủ nghĩa Mác-Lê nin, tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc bằng con đường  cách mạng vô sản mà điều kiện tiên quyết cho cách mạng thắng lợi là phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô, quê hương của cách mạng tháng Mười.Tại đây Người hoàn thiện thêm tư tưởng cách mạng của mình, ra sức chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Đông Dương .

Tháng 6 năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc lựa chọn một nhóm chiến sĩ trẻ tuổi trong tổ chức Tâm tâm xã rồi thành lập một tổ chức cách mang có xu hướng Mác xít là Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Mục đích của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội là làm cách mạng dân tộc dân chủ, đánh đổ đế quốc,  phong kiến, lập chính quyền công nông và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, hệ thống tổ chức gồm 5 cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Tỉnh bộ, Huyện bộ và Chi bộ. Tổng bộ là cơ quan cao nhất giữa hai kỳ đại hội. Tổng bộ đầu tiên bao gồm Nguyễn Ái Quốc (Lý Thuỵ), Hồ Tùng Mâụ, Lê Hồng Sơn.

Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội mở trường chính trị, bồi dưỡng cho cán bộ những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lê nin, về đường lối cách mạng, về phương pháp tổ chức quần chúng. Từ năm 1925 đến 1927, trường mở được 10 khoá, bồi dưỡng được 200 học viên. Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo chung và là giảng viên chính của các khoá huấn luyện. Huấn luyện xong một số được đi học tiếp tại Đại học Phương Đông (Liên Xô) như Trần Phú, Lê Hồng Phong v. v. Phần lớn học viên được cử về nước vận động nhân dân, truyền bá chủ nghĩa Mác vào Việt Nam và vào phong trào công nhân, xây dựng cơ sở Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở những đô thị, trung tâm văn hoá chính trị, kinh tế quan trọng, ở đồn điền, hầm mỏ, nhà máy. Ban đầu 90% hội viên là trí thức tiểu tư sản, 10% là công nhân và nông dân, về sau tỉ lệ công-nông tăng lên.

Tháng 6 năm 1925, Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội xuất bản tờ báo “Thanh niên” bằng chữ quốc ngữ, mỗi số in vài trăm bản. Đến tháng 4 năm 1927, báo ra được 88 số. Báo giáo dục lòng yêu nước, nêu cao truyền thống bất khuất của dân tộc, khơi sâu lòng căm thù đế quốc Pháp và tay sai, nêu lên nguyên lý xây dựng Đảng Cộng sản, phác thảo con đường cách mạng Việt Nam theo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lê nin; giới thiệu chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, đấu tranh chống tư tưởng cải lương tư sản trong phong trào giải phóng dân tộc. Báo “Thanh niên” đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào phong trào công nhân, vào nhân dân, chuẩn bị tư tưởng cho sự ra đời của Đảng.

Một tài liệu khác đóng vai trò không kém phần quan trọng trong chuẩn bị tư tưởng, chính trị cho sự ra đời của Đảng là tác phẩm “Đường cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. “Đường cách mệnh” nêu mục tiêu của cách mạng Việt Nam là dân tộc cách mạng, đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập tự do. Dân tộc cách mạng gắn bó mật thiết với giai cấp cách mạng có nhiệm vụ đánh đổ tư bản, giải phóng  quần chúng công nông. “Đường cách mệnh” xác định động lực của cách mạng Việt Nam là công nông, tư sản dân tộc, tiểu tư sản là đồng minh, bầu bạn của cách mạng. Tác phẩm nhấn mạnh tầm quan trọng cách mạng Việt Nam đoàn kết với cách mạng thế giới, chỉ ra nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác Lê nin. “Đường cách mệnh” cũng chỉ ra tầm quan trọng của phương pháp tổ chức, phương pháp hoạt động cách mạng, xác lập đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng Việt Nam. Tác phẩm nêu tôn chỉ, mục đích, cách tổ chức, nội dung và phương pháp hoạt động của công hội, nông hội, phác thảo cương lĩnh của cách mạng Việt Nam.

Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội tổ chức phong trào “Vô sản hoá”, đưa đảng viên vào lao động trong nhà máy, hầm mỏ để rèn luyện mình trở thành những người cộng sản, đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước, tạo tiền đề cho sự ra đời của Đảng Cộng sản.

Do  chủ nghĩa Mác-Lê nin được truyền bá, phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh đòi hỏi phải có chính đảng vô sản ra đời để lãnh đạo. Đảng Cộng sản ra đời trở thành đòi hỏi bức thiết của lịch sử.

Tháng 3 năm 1929,  Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở phố Hàm Long ( Hà Nội) làm cơ sở cho ngày 7 tháng 6 năm đó Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc kỳ.Tuyên ngôn và điều lệ của Đảng được công bố. Tờ “Búa liềm” cơ quan trung ương của Đảng ra đời. Đảng lập ra Công hội đỏ ở nhiều nơi. Dưới tác động của Đông Dương cộng sản Đảng, tháng 11 năm 1929, tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Nam Kỳ quyết định thành lập An Nam cộng sản Đảng, thông qua điều lệ và bầu ra ban chỉ đạo lâm thời do Châu Văn Liêm làm bí thư. Ngày1 tháng 1 năm 1930, Đảng Tân Việt cải tổ thành Đông Dương cộng sản liên đoàn ở Trung Kỳ.

 Sự tồn tại của 3 tổ chức cộng sản trong một nước sẽ khó tránh khỏi sự phân tán về tư tưởng, chia rẽ hành động. Cả 3 tổ chức đều tự nhận là chính đảng chân chính của giai cấp công nhân,  ra sức vận động quần chúng theo  mình. Sự chia rẽ này làm suy yếu lực lượng cách mạng. Thống nhất 3 tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản là một yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam. Điều này được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế cộng sản quan tâm. Quốc tế cộng sản giao cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam thành một Đảng cộng sản. .

Từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 2 năm 1930,  dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách đại diện Quốc tế  cộng sản, hội nghị thống nhất Đảng được họp trong căn nhà nhỏ của một gia đình công nhân tại Cửu Long (Hương Cảng) gồm hai đại diện của Đông Dương cộng sản Đảng và hai đại diện của An Nam cộng sản Đảng. Hội nghị nhất trí hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện do Nguyễn Ai Quốc khởi thảo: Chính cương vắn tắt, Sách lược văn tắt, Điều lệ tóm tắt và Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc gửi toàn thể nhân dân Việt Nam nhân dịp thành lập Đảng. Hội nghị cũng quyết định thành lập các tổ chức quần chúng của Đảng: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Hội phụ nữ giải phóng, Hội cứu tế đỏ và thành lập Hội phản đế đồng minh (Mặt trận dân tộc thống nhất). Cuối tháng 2 năm 1930, ĐôngDương cộng sản liên đoàn gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 7 năm 1930, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời.

Từ ngày14 đến 31 tháng 10 năm 1930,  Ban chấp hành Trung ương lâm thời họp hội nghị lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) do đồng chí Trần Phú chủ trì. Hội nghị đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, cử ra Ban chấp hành Trung ương chính thức do đồng chí Trần Phú làm Tổng bí thư, thông qua Điều lệ và bản “Luận cương chính trị” do Trần Phú khởi thảo.

“Luận cương chính trị” tháng 10 năm 1930 cùng với những văn kiện trong hội nghị thành lập Đảng tạo nên cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Những cương lĩnh chính trị đầu tiên này đều khẳng định tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền. Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng này thì chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội. Cách mạng tư sản dân quyền làm hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập và ruộng đất cho nông dân. Các văn kiện đều khẳng định lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong của họ là Đảng cộng sản lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin làm nền tảng tư tưởng. Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho cách mạng thắng lợi. Phương pháp cách mạng là sử dụng bạo lực cách mạng quần chúng lật đổ chính quyền thực dân Pháp, giành lấy chính quyền. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, phải đoàn kết với vô sản thế giới, với vô sản Pháp và với các dân tộc bị áp bức. Tuy nhiên, Luận cương chính trị tháng 10 -1930 hạn chế trong việc sắp xếp lực lượng cách mạng, chỉ thấy được vai trò của công,  nông mà không thấy được mặt tích cực của tư sản dân tộc, tiểu tư sản, của một số cá nhân yêu nước trong giai cấp phong kiến để đoàn kết, lôi kéo họ vào mặt trận dân tộc thống nhất, cô lập cao độ kẻ thù chính nhằm đánh đổ chúng. Những hạn chế này của Luận cương sẽ được Đảng dần dần nhận thức và điều chỉnh trong quá trình cách mạng.

Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời là một bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, kết thúc quá trình khủng hoảng đường lối, khủng hoảng giai cấp lãnh đạo cách mạng, mở ra một thời đại mới, thời đại cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo, theo đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương, đường lối vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Đảng ra đời cũng chứng minh quá trình tự giác của vô sản Việt Nam đã hoàn thành và bước lên vũ đài chính trị, độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-27-a4367.html