Có ngọn đèn lung linh trên bàn thờ tiên tổ. Có ngọn đèn tỏa sáng trong bữa cơm gia đình. Ngọn đèn có mặt trong bữa cơm của người dân việt từ thời xửa thời xưa. Từ ngày xưa, những người mẹ, những người chị, những người con dâu của các gia đình đã phải dậy từ tờ mờ tối đất để sắp sửa bữa cơm cho cả nhà để cả nhà kịp ăn sáng rồi vác cày, vác cuốc, vác cào, dong trâu, quảy quang gánh, liềm hái ra đồng ra bãi. Tối thì tối nhọ mặt người, tối sà tối sịt mới về bởi còn phải làm cho kịp thời vụ, phải làm cho tận tới lúc cuốc kêu. Bữa sáng và bữa tối của nhà nông hầu như hôm nào cũng phải thắp đèn. Cả nhà quây quần bên mâm cơm và ngọn đèn chai toàn bọt là bọt hay ngọn đèn hoa kỳ nhỏ xíu. Cơm tám xoan, cá chép, gà tần… hay cơm gạo mậu dịch, rau muống, rau dền, rau dệu… thì cũng quyện quanh ngọn đèn thân quen ấy. Ngọn đèn thân quen ấy đã chứng kiến bao số phận, bao cuộc đời của con người. Có bao nhiêu tiếng cười hỉ hả của người lớn, bao nhiêu tiếng ríu rít của trẻ thơ cùng với tiếng lách cách của muôi thìa, bát đĩa, tiếng sì soạp chan húp những món canh “râu tép, ruột bầu” đã bao đời quyện quanh ngọn đèn thân quen ấy? Cũng có bao nhiêu số phận đã lặng lẽ âm thầm lấy nước mắt làm canh chan húp một đời quanh ngọn đèn thân quen ấy.
Có những ngọn đèn hạt đỗ bên đầu giường của bao nhiêu bà mẹ, của các nàng dâu. Đó là ngọn đèn của nhớ thương, thương nhớ. “khăn thương nhớ ai/ khăn vắt lên vai?/ đèn thương nhớ ai/ mà đèn không tắt? / mắt thương nhớ ai/ mà mắt không khô?”… những ngọn đèn của nhớ thương, thương nhớ ấy đã bao nhiêu đời thức bên đầu giường của những người chinh phụ thời xưa, của những người vợ lính, của những người con gái đã trót nặng lòng với những người chiến sĩ vệ quốc quân, giải phóng quân…
Có những ngọn đèn của sự mưu sinh đêm đêm le lói trong lều vó của những “tiên ông” râu trắng như cước đêm đêm cần mẫn đong nước sông dài đổ vào những phiên chợ sớm. Có những ngọn đèn chai trong tay các cô bé, cậu bé cất vó tép, vó tôm bên bờ những con sông con trong mùa nước nổi để phụ giúp gia đình lấy tiền mua sách vở, giấy bút – đêm đêm…
Có những ngọn đèn nhỏ bên quán nước bên đường của những người mẹ liệt sĩ, những người mẹ cô đơn, những ngọn đèn nhỏ le lói trên gánh hàng rong đồng hành với tiếng rao não nùng của mẹ, của dì, của những người đàn bà lam lũ trong những đêm tối giời, gió bấc, mưa dầm, rét buốt thấu xương… có những ngọn đèn trên những con thuyền đêm đêm khuya khoắt vẫn le lói soi cho cha, cho mẹ, cho em khâu lành mắt lưới để để kịp kéo lưới, quăng chài vào buổi sớm mai.
Có những ngọn đèn le lói trong rừng nứa, rừng tre, rừng trúc, rừng vầu, trong những mái nhà sàn cheo leo trên vách núi. Những người lạc rừng trong đêm hễ cứ nghe văng vẳng tiếng gà và thấy le lói ánh đèn là tìm thấy hướng ra, là tìm thấy đường sống.
Có những ngọn đèn cần mẫn những đêm thâu bên chiếc máy khâu đạp chân mải miết vá lành những áo khăn, vá lành những mảng màu thời gian, vá lành tình lành nghĩa…
Có những ngọn đèn đêm đêm thức bên trang giáo án, bên những chồng cao bài vở học trò. Những ngọn đèn ấy, tự ngày xưa và mãi mãi sau này soi đường cho bao thế hệ học sinh, sinh viên tiến bước.
Có những ngọn đèn chỉ đường cho con người ta đi trên bộ, trên không, trên sông, trên biển. Ngọn đèn chỉ đường trên biển là ngọn hải đăng. Dù có phong ba bão tố thế nào, ngọn hải đăng không khi nào được tắt. Ngành đường sắt thì có những ngọn đèn báo hiệu riêng trên những tuyến đường sắt chạy qua làng, qua phố, qua núi, qua sông… ngành đường sông thì có những ngọn đèn trên mặt nước. Ở các vị trí giao thông quan trọng trên các quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ ngày nay có các hệ thống đèn xanh, đèn đỏ cùng với các biển báo hiệu, chỉ đường, chỉ dẫn cho từng loại phương tiện giao thông. Mỗi một loại phương tiện cần có một loại đèn tín hiệu riêng. Tất cả các loại đèn ấy đều nhằm đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng và tài sản cho con người. Bởi thế, tất cả mọi người, mọi phương tiện tham gia giao thông đều phải chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông đã quy định. Những ngọn đèn trên những con đường ấy đã chỉ đường cho chúng ta, đã góp phần bảo vệ con người chúng ta. Những đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng sáng đúng lúc, tắt đúng lúc trên những con đường chúng ta đi cần thiết cho con người biết bao!
Thế rồi những ngọn đèn điện được sáng lên từ dòng điện của các nhà máy thủy điện, nhiệt điện (và sau này cả nhà máy điện nguyên tử nữa) đã và đang làm bừng lên không khí tưng bừng, sầm uất, của phố phường, của các công trình, của các lâu đài tráng lệ, nguy nga… những ngọn đèn điện từ các nhà máy điện đã và đang làm thức dậy cả một cánh rừng âm u, một vùng biển hoang sơ. Những ngọn đèn điện từ các nhà máy điện đã và đang làm cho cả một vùng trời đất, một vùng núi non hùng vĩ trở nên lung linh, huyền ảo diệu kỳ…
Thế rồi những ngọn đèn chiếu sáng các đường phố, các con ngõ phố, ngõ xóm đường làng, những ngọn đèn chiếu sáng những tòa nhà cao tầng, những căn biệt thự, những căn nhà ngói, nhà tranh… đã và đang mang niềm vui đến từng mâm cơm gia đình, mang hạnh phúc đến từng mái ấm trên mọi miền đất nước.
Có thể nói những ngọn đèn – những ngọn đèn được thắp lên từ những phao dầu hỏa, dầu ma dút, những bó đuốc, những ngọn nến, những bếp củi than xưa kia và những ngọn đèn điện các loại ngày nay… là người bạn thân thiết của con người. Ngọn đèn - ngọn đèn là một cái gì vô cùng thân thiết không thể thiếu đối với con người, đối với sự sống.
Nhớ lại những năm sáu lăm, sáu sáu thế kỷ trước, bị thua đau ở chiến trường miền nam, giặc mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền bắc với tất cả các loại vũ khí tối tân hiện đại nhất. Máy bay thì nào là “thần sấm”, “con ma”, “cánh cụp”, “cánh xòe” rồi “pháo đài bay” lừng lững… bom thì bom phá, bom bi, bom na pan, rốc két, chất độc hóa học… đế quốc mỹ đã rải xuống mảnh đất thân yêu của chúng ta không biết bao nhiêu là tấn bom đạn hòng biến mảnh đất này trở lại thời kỳ đồ đá. Tất cả những con đường, những cây cầu trên đất nước này đều bị cày xới. Bao nhiêu phố phường bị đổ nát, bao nhiêu cánh đồng, cánh rừng, làng mạc bị tàn phá tan hoang. Tất cả các công trình, các công trường, nhà máy, các trận địa, các cỗ máy, các khẩu súng và hàng triệu hàng triệu chiến sĩ ta đều phải khoác lên mình màu xanh ngụy trang của cây lá. Các đoàn xe băng băng lên phía trước không được bật đèn. Làng xóm, phố phường tắt đèn, tối lửa. Thế nhưng, ngày ngày đêm đêm lại có hàng triệu, hàng triệu “những ngọn đèn/ không bao giờ tắt/ những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt”. Đó là những ngọn đèn của niềm tin và ý chí của người việt nam, của dân tộc việt nam.
Dân tộc ta đã thắng hai đế quốc to cũng là bởi có những ngọn đèn thiêng liêng ấy.
Giờ đây, giặc covit-19 đang đe dọa và tàn phá sức khỏe, tính mạng con người trên đất nước việt nam và trên toàn thế giới. Cà thế giới đang đấu tranh chống loại giặc nguy hiểm này.
Ở nước ta, toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta – ngành ngành cấp cấp, người người nhà nhà đang hàng ngày hàng giờ chung sức chung lòng chống giặc covit 19. Có thể nói đây cũng là một cuộc chiến tranh lớn - cuộc chiến tranh không hề kém các cuộc chiến tranh vệ quốc trước kia. Trong các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước trong lịch sử, dân tộc việt nam ta đã chiến thắng tất cả các loại kẻ thù.
Với ngọn đèn của niềm tin và ý chí việt nam, chúng ta đang chiến đấu, kiên quyết chiến đấu, kiên cường chiến đấu và nhất định sẽ chiến thắng giặc covit.
Cảm ơn những người lãnh đạo của đất nước, cảm ơn những người anh hùng, những người lính xung kích trên mặt trận cam go, quyết liệt này.
Tổ quốc và nhân dân sẽ ghi công, sẽ tôn vinh những con người cáo quý ấy.
Hòa bình và bình yên, hạnh phúc và ấm no lại trở về trên khắp các nẻo đường quê, làng bản, khắp các ngõ phố, khắp các làng chài xóm thợ trên đất nước này.
Hòa bình và bình yên, hạnh phúc và ấm no lại trở về trong hàng triệu mái ấm thân thương của chúng ta!
Theo trái tim người lính
Phạm Minh Giang
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-ngon-den-khong-bao-gio-tat-a4511.html