Kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7): Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và nghĩa “đồng bào” - Nét đẹp nhân văn của người Việt

Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, ý chí anh dũng kiên cường bất khuất, thủy chung, nhân hậu đã đem cả máu xương, công sức, của cải của mình để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước.

dsc00141-1627291983.jpg
Thắp hương tại Đài tưởng niệm Trung tâm Chiến khu Đ (Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai).  Ảnh: Vũ Xuân

Từ thực tiễn đó, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7/1947 là ngày để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước. Kể từ đó, ngày 27/7 đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, nhân văn sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Hàng năm, mỗi dịp 27/7 đến, mỗi người dân Việt Nam lại vô cùng xúc động, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sỹ, các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với nước.

Kỷ niệm 74 năm ngày thương binh liệt sĩ năm nay trong bối cảnh đất nước đang phải gồng mình “chống dịch như chống giặc”. Cuộc chiến “chống giặc” vô hình này không chỉ ở Việt Nam mà lan rộng toàn cầu kéo dài  hơn năm rưỡi nay, chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Cả nước đang bước vào đợt dịch thứ 4 mà tâm dịch là TPHCM và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội nhiều ngày. Trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách, truyền thống nhân ái Việt Nam “Lá lành đùm lá rách” và nghĩa “Đồng bào” - “ thương người như thể thương thân” tiếp tục phát huy, lan tỏa. Hàng nghìn y bác sĩ, các bộ y tế từ khắp mọi miền Tổ quốc không quản ngại gian khó chi viện cho TPHCM và các tỉnh phía Nam chống dịch.

Cả dân tộc Việt Nam những ngày này đều hướng trái tim của mình về Miền Nam ruột thịt- từ cụ già đến cháu nhỏ cứ đợi đến giờ thời sự để xem hôm nay Miền Nam bao nhiêu ca, TPHCM bao nhiêu ca mắc mới CoVid 19...

Bên cạnh chính sách của Nhà nước lo cuộc sống cho người dân, đồng bào khắp nơi từ Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Phú Thọ, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Sóc Trăng ... rủ nhau tập hợp gạo, rau quả, thực phẩm, quà từ thiện gửi tới TP HCM chống dịch CoVid 19.  Những siêu thị, máy ATM gạo, chợ thực phẩm, quán cơm từ thiện  không đồng tại những nơi phải giãn cách phòng dịch đã thấm đượm nghĩa “đồng bào” của người Việt những lúc đất nước đứng trước gian lao, thử thách,  sẻ chia bớt khó khăn thật là thiêng liêng, cao cả, tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng dịch bệnh.

Mặc dù vậy, kỷ niệm lần thứ 74 Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2021), chúng ta không bao giờ sao nhãng công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, cũng là dịp để phát huy truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Những ngày cuối tháng 7 này, hàng ngàn, hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước đến các nghĩa trang liệt sĩ dâng hương tưởng nhớ, tri ân những người con thân yêu, đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc, thăm tặng quà các gia đình liệt sĩ, thương binh có công với nước. Đất nước Việt Nam hình chữ S bên bờ biển Đông trong quá trình hình thành và phát triển luôn luôn phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và giặc ngoại xâm. Hoàn cảnh đó buộc người dân đất Việt phải đoàn kết lại đấu tranh chiến thắng thiên tai, địch họa thì mới tồn tại và phát triển. Chính đó là nguyên nhân sâu xa cắt nghĩa trong suốt chiều dài lịch sử mỗi khi bị họa ngoại xâm, thiên tai, dịch bệnh đe dọa, người dân Việt Nam “tối lửa tắt đèn có nhau”, triệu người như một đồng lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

dsc00148-1627292189.jpg
Trước cổng nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà - Trung tâm Chiến khu Đ- huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Vũ Xuân

Để non sông thu về một mối, biết bao thế hệ người con đất Việt đã ngã xuống, góp phần xây nên giang sơn gấm vóc Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta”.

Chiến tranh đã lùi xa, suy ngẫm về chặng đường lịch sử đã qua, có nơi nào trên trái đất  này phải lo công tác xã hội, chăm sóc thương binh, liệt sĩ, người có công với nước như ở Việt Nam.  74 năm thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Nhà nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số cả nước; nhiều người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. Từ nhiều năm nay,  các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  trong cả nước đã thực hiện cơ bản xong việc hỗ trợ về nhà ở cho những  người có công với cách mạng. Đất nước Việt Nam chỉ rộng hơn 331. 212 Km2 mà có tới hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, nơi yên nghỉ của hơn một triệu liệt sĩ đã được quy tập (hầu hết các tỉnh, thành phố, huyện, quận, xã, phường, thị trấn trên đất nước Việt Nam đều có nghĩa trang Liệt sỹ…) hy sinh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nghĩa vụ quốc tế và bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

 Chưa dừng lại ở đó, Bộ Quốc phòng đang phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện đề án tìm kiếm tiếp trên 200.000 hài cốt liệt sĩ ở các chiến trường Việt Nam- Lào- Campuchia, biên giới phía Bắc và biển Đông  còn chưa tìm thấy để quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ. Hơn 300.000 hài cốt Liệt sỹ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê quán, đơn vị…

tbls1e-1627292753.jpg
Thắp hương tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vi Xuyên, Hà Giang. (Ảnh: Lê Hoàn


Ai từng đến Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ (Điện Biên); Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, nơi yên nghỉ của trên 12.000 liệt sĩ; nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị), nơi yên nghỉ của 10.333 liệt sĩ; Nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang) nơi yên nghỉ của 1.750 liệt sĩ; Nghĩa trang Quốc tế Việt – Lào (Anh Sơn, Nghệ An); Nghĩa trang Liệt sỹ  và đền Bến Dược TP Hồ Chí Minh;  Nghĩa trang Liệt sỹ Hàng Dương (Côn Đảo, Bà Rịa Vùng Tàu)… đều xúc động, thắp một nén hương tưởng nhớ những người con đất Việt đã ngã xuống nơi đây, không cầm được nước mắt. Đây là những nghĩa trang quốc gia, là một trong những chứng tích lịch sử về sự hy sinh lớn lao trong cuộc đấu tranh khốc liệt nhưng kiên cường, quả cảm của quân và dân ta giải phóng miền Bắc, giải phóng  miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền biên giới và lãnh hải  thiêng liêng của Tổ quốc.

74 năm đã trôi qua kể từ ngày Thương binh, liệt sĩ đầu tiên, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”,  “Đền ơn đáp nghĩa” và nghĩa “Đồng  bào” - “Tối lửa tắt đèn có nhau” tiếp tục phát huy, lan tỏa, là nét đẹp nhân văn sâu sắc của của người Việt bằng những việc làm thiết thực, có ý nghĩa với những người đã dành một phần thân thể, dành trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Xin thắp một nén tâm hương tưởng nhớ và tri ân những người đã hi sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất giang sơn để “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay".

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-niem-74-nam-ngay-thuong-binh-liet-si-277-dao-ly-uong-nuoc-nho-nguon-va-nghia-dong-bao-net-dep-nhan-van-cua-nguoi-viet-a4575.html