Nhà văn thương binh Sơn Tùng

Nhà văn Sơn Tùng - tác giả tiểu thuyết "Búp sen xanh" - mất lúc 23h ngày 22/7 ở nhà riêng vì tuổi già, thọ 93 tuổi. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước nhà văn và xin đưa lên bài viết của tôi, nói về sự nghiệp văn chuong của ông, trông đó đặc biệt nói đến tiểu thuyết Búp sen xanh.

bu-p-sen-xanh-1627442946.jpg
Bìa sách "Búp sen xanh", bản ra mắt năm 2020. Ảnh: NXB Kim Đồng.

 

Nhà văn thương binh Sơn Tùng, bút danh khác Sơn Phong, tên khai sinh là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 8 tháng 8 năm 1928, mất ngày 22 tháng 7 năm 2021, hưởng thọ 93 tuổi. Quê quán xã Diễn Kim, huyện diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sinh thời sinh sống tại, quận Đống Đa, Hà Nội. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1979). Năm 2011, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Sơn Tùng sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước. ông nội là Bùi Văn Tài, người thường xuyên chăm lo chấn hưng kinh tế biển. Người em cụ Tài là Bùi Xuân Phong, đỗ Phó bảng, không ra làm quan, mà theo cụ Nguyễn Xuân Ôn đứng lên đánh Pháp. Sau đó ra Bắc theo cụ Đề Thám, giữ chức Tham mưu quân vụ. Cha của nhà văn Sơn Tùng là cụ Bùi Phú, một sáng lập viên chi bộ Đảng Cộng sản ở làng.

Nhà văn Sơn Tùng sớm tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi (1944), hoạt động chủ yếu trong đoàn thanh niên qua các thời kỳ. Năm 1955, Sơn Tùng là đại biểu của Đoàn đại biểu Thanh niên Sinh viên Việt Nam đi dự Đại hội Thanh niên Sinh viên Thế giới lần thứ V, họp tại thủ đô Vacxava, Ba Lan. Sơn Tùng từng là giáo vụ, Trường Đại học Nhân dân, Hà Nội và là giảng viên Trường Báo chí Trung ương.

Trong những năm chống chiến phá hoại của giặc Mỹ (1965 – 1967), Sơn Tùng là phóng viên mặt trận Khu IV. Sau đó ông dẫn đầu một đoàn nhà báo vượt Trường Sơn vào mặt trận Nam Bộ, Năm 1971, ông bị trọng thương, là thương binh hạng nặng ¼. Năm 1972, ông được chuyển ra Bắc. Tuy bị thương nặng, nhưng Sơn Tùng đấu tranh với thương tật để viết. Trang viết của ông chủ yếu về danh nhân cách mạng và lịch sử.

Số lượng sáng tác của ông khá nhiều, ở đây chỉ nêu lên những tác phẩm tiêu biểu; Chim én mùa xuân (diễn ca, 1961); Mười hai cô gái nông trường (truyện thơ, 1962); Xuân Lỗ Khê (ký, 1964); Bên khung cửa sổ (tập truyện 1974); Nhớ nguồn (tập truyện,1975); Con người và con đường (tập truyện 1976); Trần Phú (truyện danh nhân,1981); Anh họa sỹ mù (truyện ký, 1981); Người vẽ cờ Tổ quốc (1981); Trái tim quả đất (tiểu thuyết, 1990); Mẹ về (truyện ký, 1990); Lõm (tiểu thuyết, 1994); Vườn nắng (1997); Hoa râm bụt (1999). Song công chúng yêu thích văn học nhớ nhà văn Sơn Tùng nhất là tiểu thuyết Búp sen xanh (1982 và tái bản trong các năm: 1993, 1994, 1996, 1998) và tiểu thuyết Búp sen vàng (1990, tái bản 1996).

Nhà văn Sơn Tùng được giải đặc biệt của cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 40 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh với tiểu thuyết Búp sen xanh.

Nói về trang viết của nhà văn Sơn Tùng, Hoàng Tiến cho rằng về danh nhân cách mạng và lịch sử “mảng đề tài này tưởng dễ mà hóa khó”, khi Sơn Tùng viết Con người và con đường, kể về cuộc đời của bà Đặng Quỳnh Anh, một phụ nữ rời nhà theo cha anh đi làm cách mạng, thân gái dặm đường, đi bộ xuyên rừng đại ngàn Trường Sơn, qua Lào tới Xiêm (Thái Lan) tham gia hoạt động cách mạng tại đây 40 năm.

Tuy Sơn Tùng không được chứng kiến, mà chỉ nghe qua lời kể của bà cụ 90 tuổi, nhưng với sự kỳ công tìm hiểu và tài phán đoán cũng như trí tưởng tượng bay bổng, Sơn Tùng đã “dựng nên cuốn truyện cảm động Con người và con đường nói về lớp người đi làm cách mạng trước đây, với bao buồn tủi, lo âu, mong chờ, vấp ngã, rồi lại đứng lên đi tiếp cho đến cùng đoạn đường mình đang đi”.

Phải thừa nhận rằng, những danh nhân đã khuất, bị lớp bụi thời gian che lấp, bị bọn thống trị xuyên tạc biến có thành không, biến không thành có. Họ chỉ để lại những dấu vết hết sức mờ nhạt đâu đó trong dân chúng. Ấy thế mà Sơn Tùng có “một năng khiếu đặc biệt: với những tư liệu còn lại rất ít ỏi, rời rạc, và đứt quảng, anh biết chắp vá, tái tạo bóng dáng một thế hệ cách mạng. Đó là trường hợp Nguyễn Hữu Tiến Người vẽ cờ Tổ quốc”.

Sơn Tùng một nhà văn không biết mệt mỏi, chiến đấu với thương tật, với những cơn đau khủng khiếp, vẫn đi tìm tài liệu, nhân vật để viết Búp sen xanh. Ông đã vào Huế, Sài Gòn, Sa Đéc, Cao Lãnh, tìm đến những con người từng biết về Bác Hồ và cụ Phó bảng. Đó là gia đình cụ Hồ Tá Bang, cụ Nguyễn Thông, gặp gia đình cụ Cử Hoành, một chí sỹ yêu nước, bị đày đi Côn Đảo, rồi bị an trí ở Sa Đéc. Sơn Tùng đã gặp được sư thầy Hồ thị Tường Vân, con gái cụ Hồ Tá Bang, gặp người thủy thủ Đào Nhất vinh, biết Bác Hồ từ 1911.Và nhờ manh mối ông đã trực tiếp nói chuyện với bà Lê Thị Huệ (út Huệ), đang tu hành “sống không chồng con, giữ lòng trinh bạch với mối tình đầu tiên và có ảnh cũng như thơ Nguyễn Tất Thành gửi cho bà".

Nhận định về Búp sen xanh, Hoàng Tiến khẳng định: “Tiểu thuyết Búp sen xanh của anh là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về thời thơ ấu và thời thiếu niên của Bác Hồ. Dựng truyện về thời thơ ấu và thời thiếu niên của Bác Hồ là phải lý giải được sự nảy sinh và sự hình thành nhân cách Bác Hồ sau này.

Với tay nghề vững vàng, mỗi sự việc của vĩ nhân được đưa ra đều có sự chuẩn bị trước tâm lý cho người đọc. Tác giả Búp sen xanh làm ta không phải khiên cưỡng chấp nhận những điều dị thường ở các vĩ nhân.

Búp sen xanh đã dựng lại cho chúng ta biết thế nào là một gia đình Việt Nam có gia giáo ngày xưa…

Búp sen xanh đã trình bày một thiên tài xanh của non sông đất nước đã được hình thành và lớn lên như thế nào. Sẽ là thiếu sót lớn và khó hiểu, nếu cuốn sách không miêu tả được sự nỗ lực bản thân của bậc vĩ nhân”.

Trong lời tựa xuất bản lần hai, cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Búp sen xanh nói lên một vấn đề: Ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân…”, mà Theo Thủ tướng “Tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng được độc giả, nhất là trong giới thanh niên, thiếu niên ưa thích…”.

Dưới nhan đề Sơn Tùng và Búp sen xanh, Phan Ngọc khẳng định: “…Búp sen xanh cấp cho ta một câu chuyện về một tuổi thơ cực kỳ tủi nhục, trong đó con người chống lại ngoại cảnh tìm mọi cách để thắng cái tủi nhục ấy. Chính do nhận thức được sự tủi nhục của mình không phải là của riêng mình mà là của chung mọi người, cho nên các vĩ nhân mới tìm cách lý giải được nguồn gốc của tủi nhục để khắc phục nó. Trong tuổi thơ nào, con người cũng gắn bó với gia đình, quê hương và chính tình gắn bó này sẽ tạo nên nhân cách từng người để sống cho mọi người bị tủi nhục. Từng bước một, con người vĩ nhân xây dựng cái chí của mình để sống trọn đời cho chí hướng ấy. Nét then chốt khiến một người như Marx (…), Hồ Chí Mính sống trong lòng mỗi người là tính khiêm tốn và giản dị, luôn luôn thấy mình có trách nhiệm chấp nhận nghèo khổ, gian nguy, không sợ mọi uy lực. Nếu thức tỉnh được con người thì cái uy lực kia phải sụp đổ, để thức tỉnh con người,mình phải sống nhất quán, chân thành và giản dị”.

Theo Phan Ngọc: Tiểu thuyết Búp sen xanh cung cấp cho ta những kết quả sau đây:

- Một, nó là công trình miêu tả chân thực nhất và sinh động nhất giai

đoạn mất nước, từ khi Tự Đức chết đến mấy năm đầu của thế kỷ XX.

- Hai, nó cung cấp cho ta hình ảnh trung thực nhất của sự phân hóa

tư tưởng ở lớp người có học trong giai đoạn này (…). Đồng thời cũng thấy sự phân hóa ở tầng lớp dưới.

- Ta hiểu thế nào là giáo dục gia đình kiểu Nho phong, trong đó vai

vai trò của bà mẹ là quan trọng nhất.

- Ta thấy nhân cách Nguyễn Sinh Côn hình thành. Một cậu bé thần

đồng, cực kỳ thông minh, nhanh trí, nhưng lại hết sức quan tâm tới những người bất hạnh và được mọi người yêu mến.

Từ những phân tích trên, Phan Ngọc kết luận: “…Như vậy, tuổi thơ của một con người nói lên cả một giai đoạn lịch sử và một bức tranh xã hội chân xác. Tác phẩm này giáo dục không những thế hệ trẻ trong việc nhận thức trách nhiệm với gia đình, bạn bè và đất nước, mà còn quan trọng hơn nó giáo dục thế hệ làm cha, làm mẹ phải biết xây dựng gia đình hòa thuận, hiểu trách nhiệm để qua đó giáo dục con cái thành những người hữu ích”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nha-van-thuong-binh-son-tung-a4630.html