Trước tình hình số ca bệnh Covid-19 đang tăng cao ở một số tỉnh thành phố, một số người dân đã lập tức đi tìm mua các thiết bị y tế cung cấp khí oxy để chủ động phòng dịch tại nhà.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VOV, dọc tuyến phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội địa điểm kinh doanh các thiết bị vật tư y tế bày bán tràn ngập bình oxy với mức giá dao động từ 1 - 3 triệu đồng.
Một số đơn vị kinh doanh vật tư y tế tại địa bàn Phương Mai cho biết, dịp này, bình oxy được vận chuyển vào Sài Gòn khá nhiều, tại một số cửa hàng, mặt hàng này cũng trở nên khan hiếm.
Cùng với đó, Hà Nội đang trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, mặc dù nằm trong danh mục hàng thiết yếu được phép lưu thông nhưng các chủ cửa hàng này cho biết, bình oxy về chậm và tại một số thời điểm, không có hàng để nhập. Vậy nên các cửa hàng đã chọn cách nhập dự phòng từ trước để phòng khi không có hàng hoặc hàng chưa về kịp.
Trong thời gian này, nhu cầu của người dân mua dự trữ bình oxy tăng cao khiến cung không đủ cầu. Tại một số cửa hàng, ngoài lượng người mua bình oxy dự trữ trong nhà để cho người già bị viêm phế quản, hen suyễn thì nhiều người đã liên hệ đặt mua các sản phẩm này để phòng trường hợp có người thân tại nhà mắc Covid-19.
Ngoài bình oxy, máy tạo oxy cũng là mặt hàng “hot”, hiện, do nhu cầu người mua tăng cao nên giá trên thị trường cũng đã tăng từ 3 - 4 lần và đang “cháy hàng”. Phóng viên đã liên hệ với một số nơi cung cấp máy tạo oxy thì được chủ cửa hàng giới thiệu với các mức giá khác nhau. Cụ thể, máy tạo oxy Philippe (Mỹ), loại 5 lít có giá 16.600.000 đồng; sản phẩm Yuwell (Trung Quốc), loại 5 lít có giá 7.300.000 đồng, loại 3 lít, giá 5.300.000 đồng; Máy tạo oxy Owgels của Đức, loại 5 lít có giá 12 triệu đồng….
Theo chuyên gia y tế, việc người dân tự ý mua bình hay máy tạo oxy để phòng hoặc điều trị Covid-19 là không nên. Điều này không chỉ gây khan hiếm nguồn hàng cho các cơ sở y tế mà việc tự sử dụng còn rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc làm này không nên và không cần thiết. Việc thiết lập và vận hành bình oxy, máy trợ thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn để vận hành.
Theo PGS. TS. Nguyễn Huy Nga : “Trong quá trình bệnh nhân sử dụng máy trợ thở, cần được người có chuyên môn thường xuyên kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết và có những chỉ định, xử lý kịp thời. Bởi nếu người dân sử dụng sai có thể dẫn đến chết người. Oxy không phải dùng bao nhiêu cũng được, máy thở cũng vậy, phải theo liều lượng nhất định, chỉ khi cần thiết thì mới cần đến máy tạo oxy để hỗ trợ người bệnh. Nếu dùng thừa oxy cũng dẫn đến tử vong”.
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, nếu có quá nhiều người mua máy tạo oxy về dùng thì sẽ dẫn đến khan hiếm hàng cục bộ, những khu vực cần thiết lại không có và người có nhu cầu sẽ mất cơ hội để sử dụng.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, lượng oxy điều trị cho bệnh nhân nói chung, bệnh nhân Covid-19 nói riêng, các đơn vị sản xuất oxy đang nâng cao công suất. Do đó, người dân không nên hoang mang lo lắng, mua bình oxy dự phòng tại nhà./.
Nguyễn Hà - Chung Thủy
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-dan-mua-binh-oxy-tich-tru-chuyen-gia-noi-gi-a4749.html