Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 37)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến năm 2007” của PGS TS Cao Văn Liên  do NXB Thanh niên ấn hành năm 2009.

cvl2-1627692045.jpg

KỲ 37

III - CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ XÂM LƯỢC (1954-1975 )

1-Đánh bại cuộc chiến tranh một phía của Mỹ- Nguỵ (1954-1959)

Sau Đại chiến thế giới thứ II (1939-1945), trung tâm phản cách mạng từ Đức chuyển sang Mỹ. Với tiềm năng kinh tế, quân sự to lớn, Mỹ vươn lên đứng đầu thế giới tư bản chủ nghĩa, thực hiện chiến lược toàn cầu chống chủ nghĩa xã hội, chống phong trào giải phóng dân tộc, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới để mưu làm bá chủ thế giới. Việt Nam với vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á, đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc và phong trào chủ nghĩa xã hội ở khu vực. Vì thế Mỹ quyết tâm đè bẹp cách mạng Việt Nam . Sau khi Pháp thất bại, Mỹ nhảy vào thay thế Pháp ở Đông Dương. Mỹ ra sức phá hoại hiệp định Giơnevơ, phá hoại sự nghiệp thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chiếm đóng và biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, thành căn cứ quân sự để ngăn chặn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, ngăn chặn và tấn công chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á mà trước hết là chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc Việt Nam. Đông Nam Á trở thành một trong các khu vực thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ. Để dạt mục đích trên Mỹ đã tiến hành xâm lược Miền Nam Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân mới, tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam, gấp rút chuẩn bị tấn công Miền Bắc.

Để thực hiện mục đích xâm lược nói trên, Mỹ gấp rút xây dựng bộ máy nguỵ quyền , đứng đầu là Ngô Đình Diệm, ra sức xây dựng quân đội nguỵ lên đến 50 vạn, trong đó có 20 vạn là quân chính qui. Chính quyền Ngô Đình Diệm tự mạo nhận là “Cách mạng quốc gia” nêu chiêu bài “Đả thực - bài Phong” để che dấu dã tâm bán nước. Trên thực tế, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện chính sách tố cộng, diệt cộng để đàn áp tiêu diệt những người kháng chiến chống Pháp,  gây nên những cuộc tàn sát đẫm máu ở Miền Nam Việt Nam. Chính sách đàn áp khủng bố của Mỹ-Diệm gây cho ta những tổn thất nặng nề .

Do sự xâm lược của đế quốc Mỹ bằng chủ nghĩa thực dân mới mà tính chất xã hội miền Nam Việt Nam là xã hội thuộc địa kiểu mới nửa phong kiến. Mâu thuẫn cơ bản của xã hội miền Nam là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược, mâu thuẫn cơ bản thứ hai là mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến. Trong hai mâu thuẫn cơ bản đó nổi bật là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ và mâu thuẫn này trở thành mâu thuẫn chủ yếu. Để giải quyết những mâu thuẫn trên, miền Nam phải tiếp tục tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đại diện cho tư sản mại bản , địa chủ phản động ở Miền Nam. Con đường cơ bản của cách mạng Miền Nam là phải thực hiện khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng sức mạnh chính trị của quần chúng, kết hợp với lực lượng vũ trang đánh đổ ách thống trị của đế quốc phong kiến, xây dựng chính quyền cách mạng của nhân dân, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước .

Trước sự khủng bố tàn bạo của quân thù, nhân dân Miền Nam đã tiến hành cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn từ 1954 đến 1959 để  bảo toàn, xây dựng, phát triển lực lượng chính trị. Từ cuối 1954 đến tháng 7-1955, phong trào hòa bình của trí thức sinh viên Sài Gòn- Chợ Lớn đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo qui định của hiệp định Giơnevơ, đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống, đòi cứu tế những nạn nhân trong các cuộc xung đột giữa chính quyền Ngô Đình Diệm với các giáo phái khác, chống khủng bố.  Nông dân đấu tranh chống cướp đoạt ruộng đất, chống đàn áp những người kháng chiến cũ. Ngày 1-5-1950, 15 vạn công nhân Sài Gòn- Chợ Lớn mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Ác liệt nhất là cuộc đấu tranh chống các chiến dịch “Tố cộng-diệt cộng”, bảo vệ những người kháng chiến cũ. Đấu tranh chống Mỹ-Diệm bùng nổ cả trong các khu dinh điền, trong các trại tập trung. Phong trào đấu tranh chính trị lôi cuốn hàng triệu người bao gồm tất cả các tôn giáo: Phật giáo, đạo Cao đài, đạo Hoà hảo, Thiên chúa giáo. Phong trào lôi cuốn cả đồng bào dân tộc thiểu số, cả đồng bào Miền Bắc bị bị địch dụ dỗ, cưỡng ép di cư vào Nam. Trong đấu tranh đã hình thành sự phối hợp giữa nhân dân thành thị và nông dân nông thôn, nhiều hình thức đấu tranh phong phú. Kết quả của thời kỳ đấu tranh chính trị là cách mạng Miền Nam đứng vững,  phục hồi và từng bước phát triển, chuẩn bị lực lượng cho thời kỳ khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng .

Từ năm 1957 trở đi, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm thất bại hoàn toàn trong thủ đoạn chính trị. Mỹ -Diệm phải thay đổi biện pháp, chuyển sang chính sách phát xít, đàn áp, công khai tiến hành một cuộc chiến tranh đơn phương để chống lại đồng bào Miền Nam. Chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành những cuộc càn quét hành quân có qui mô lớn liên tục để dồn dân vào các Khu dinh điền, các trại tập trung. Tháng 12-1957, chúng đầu độc giết chết hàng nghìn người ở nhà tù Phú Lợi. Chúng ban hành luật 10/59, lập các toà án quân sự đặc biệt để chém giết khắp Miền Nam .

Việc chuyển từ chính sách mỵ dân lừa bịp sang chính sách phát xít, khủng bố công khai chứng minh kẻ địch đã thất bại về chính trị và khủng hoảng, suy yếu càng làm cho mâu thuẫn  giữa nhân dân với chúng ngày càng gay gắt dẫn tới bùng nổ cách mạng của nhân dân Miền Nam là không thể tránh khỏi. Vì nếu không vùng dậy thì cách mạng Miền Nam không thể tồn tại  và nhân dân cũng không thể sống được nữa. Từ năm 1957, trong phong trào đấu tranh chính trị của hàng triệu người đã xuất hiện hình thức đấu tranh vũ trang và lượng vũ trang phối hợp. Đêm 17-1-1960, nhân dân Bến Tre  nhất tề vùng dậy tấn công lật đổ chính quyền địch, lập chính quyền cách mạng. Từ Bến Tre, phong trào đồng khởi lan ra khắp các tỉnh Nam Bộ , Tây Nguyên và một số tỉnh Miền Trung. Sự vùng dậy của nhân dân đã tạo nên một cao trào đồng khởi toàn Miền Nam. Kết quả của phong trào đồng khởi là vùng giải phóng ra đời, từ Tây Nguyên nối liền đồng bằng Nam Bộ với đồng bằng Liên khu 5, phá vỡ từng mảng lớn và làm lung lay chính quyền Ngô Đình Diệm, đưa cách mạng Miền Nam từ đấu tranh chính trị sang chiến tranh cách mạng kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Ngày 20 tháng 12-1960,  Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam ra đời đoàn kết tất cả các lực lượng, tôn giáo,  đảng phái để tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà. Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng nhân dân để thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Miền Nam đi tới thắng lợi.

2-Đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ và nguỵ (1961-1964) 

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng Miền Nam                              chuyển từ đấu tranh chính trị  sang thời kỳ kết hợp chiến tranh với cách mạng, giữa năm 1961, Mỹ chính thức phát động cuộc chiến tranh chống nhân dân Miền Nam với chiến lược chiến tranh đặc bịêt. Chiến lược chiến tranh đặc biệt là một trong 3 chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ nhằm thực hiện mưư đồ bá chủ thế giới . Loại chiến tranh thứ nhất là chiến tranh tổng lực, huy động cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân , loại chiến tranh thứ hai là chiến tranh cục bộ do quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến nhằm chống các nước xã hội chủ nghĩa, loại chiến tranh thứ 3 là chiến tranh đặc biệt chống lại phong trào giải phóng dân tộc, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Nội dung chính của chiến tranh đặc biệt là sử dụng  quân đội của nguỵ quyền tay sai với sự trang bị hiện đại và vũ khí, kỹ thuật quân sự , sự chỉ đạo của cố vấn  Mỹ.  Miền Nam Việt Nam trở thành nơi thí điểm chiến tranh đặc biệt của Mỹ để rút kinh nghiệm đàn áp phong trào giải phóng dân tộc thế giới vì nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng, có phong trào giải phóng dân tộc mạnh mẽ do Đảng cộng sản lãnh đạo.

Để thực hiện chiến tranh đặc biệt, Mỹ vạch ra kế hoạch Stalâytaylơ, sau này được bổ sung bằng kế hoạc Giôn xơn-Mắcnamara gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1: Bình định Miền Nam,  giai đoạn 2: tăng cương phá hoại Miền Bắc, giai đoạn 3: tấn công thôn tính Miền Bắc. Toàn bộ kế hoach chiến lược này thực hiện trong 18 tháng. Chiến tranh dặc biệt dựa vào ba trụ cột xương sống, đó là xây dựng ấp chiến lược dồn dân  để cô lập lực lượng cách mạng miền Nam; thứ hai là xây dựng nguỵ quân; thứ ba là xây dựng nguỵ quyền vững mạnh. Lúc cao điểm nhất của chiến tranh đặc biệt, Mỹ-Nguỵ đã xây dựng 17.000 ấp chiến lược, biến toàn Miền Nam thành một trại tập trung khổng lồ. Năm 1964, số lính nguỵ đã lên đến 50 vạn tên. Đồng thời Mỹ ra sức củng cố nguỵ quyền, tăng viện trợ quân sự, tăng cố vấn và nhân viên quân sự Mỹ ở Miền Nam Việt Nam lên 16 000 người. Ngày 8-2-1962, Mỹ thành lập bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài gòn MAC do tướng Hackin cầm đầu để điều khiển cuộc chiến tranh . Mỹ đưa hàng vạn tấn vũ khí vào Miền Nam Việt Nam, 1962 đưa 500 máy bay, chủ yếu là trực thăng. Mỹ rải chất độc hoá học xuống nhiều vùng dân cư để buộc nhân dân phải vào ấp chiến lược. Phối hợp với quân sự là các thủ đoạn chính trị, kinh tế, văn hoá để lừa bịp nhân dân.  Địch mở các chiến dịch lớn càn quét. Năm 1962, chúng mở 20 chiến dịch lớn đánh vào vùng giải phóng bằng những thủ đoạn tàn bạo .

Để đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ và tay sai, nhân dân Miền Nam đã tiến hành cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn từ nông thôn đến thành thị nhằm phá và trì hoãn việc lập ấp chiến lược, chống khủng bố, chống bắt lính, chống rải chất độc hoá học phá hoại mùa màng. Đấu tranh chính trị ở đô thị mạnh mẽ đã đẩy nguỵ quyền vào cuộc khủng hoảng. Tháng 11-1963, Mỹ và phe  quân sự đối lập đã làm cuộc đảo chính lật đổ  Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết chết khi bị bắt dẫn độ về Sài Gòn. Sự sụp đổ của Diêm-Nhu mở đầu cho sự khủng hoảng của nguỵ quyền Sài Gòn không bao giờ khắc phục được nữa . 20-8-1964, 30 vạn người bao vây dinh Độc Lập đòi Nguyễn Khánh từ chức. Ngày 20-9-1964, 10 vạn công nhân bãi công ở Sài Gòn-Gia Định phản đối chế độ độc tài Nguyễn Khánh. 24-8-1964, 3 vạn nhân dân Đà Nẳng bãi chợ tuần hành. Tháng 12-1964, nhân dân Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt biểu tình chống chính phủ Trần Văn Hương. Tham gia đấu tranh chính trị có nông dân, công nhân, nhân dân đô thị,  học sinh, sinh viên, trí thức đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế dân chủ. Năm 1963 có 23 triệu lượt người đấu tranh. Phong trào đấu tranh lôi cuốn cả các tôn giáo như Phật giáo. Đấu tranh chính trị làm tan rã từng mảng chính quyền địch, làm thất bại những cuộc hành quân càn quét, cùng với binh vận đã vận động hàng vạn binh sĩ nguỵ trở về với nhân dân, làm tan rã ấp chiến lược của địch.  Phối hợp với đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự là hình thức cơ bản vì từ sau 1960 cách mạng đã chuyển sang hình thái kết hợp với  chiến tranh. Phải tiêu diệt lực lượng quân sự địch thì mới đập tan được chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ -nguỵ. Đòn quân sự còn hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy đấu tranh chính trị phá thế kìm kẹp của địch. Kết hợp đấu tranh chính trị và quân sự là bạo lực cách mạng, là qui luật cơ bản của cách mạng miền Nam. Mở đầu cho chiến thắng quân sự của ta trong chiến tranh đặc biệt là chiến thắng Âp Bắc (Mỹ Tho-Tiền Giang). Ngày 2-1-1963, địch dùng 2.000 quân, 30 máy bay, 13 xe M113, 13 tàu các loại đánh vào Ấp Bắc. Ta có 600 quân. Địch bị tiêu diệt 450 tên, 8 máy bay lên thẳng bị bắn rơi, 3 xe M113, 1 tàu chiến bị bắn cháy. Chiến thuật trực thăng vận của địch bị đập tan. Trận Âp Bắc mở đầu cho một loạt chiến thắng khác vào năm 1963 ở Giồng Trôm (Bến Tre),          Sóc Trăng 7-1963, ta đánh sân bay Bình Dã 12-1964, đánh Ba Gia,  Đồng Xoài. Trong các trận đó, ta đã tiêu diệt đến cỡ chiến đoàn và trung đoàn của Nguỵ. Trận Bình Dã (Bà Rịa ) sau hai ngày chiến đấu, ta chủ động tấn công quân nguỵ tiêu diệt 2 tiểu đoàn cơ động . Âp Bắc là mở đầu, còn Bình Dã đánh dấu bước phá sản  không cứu vãn nổi của chiến tranh đặc biệt.  Đấu tranh chính trị và quân sự đã làm cho 8.000 ấp chiến lược (85% số ấp) bị phá. Để cứu vãn  chiến lược chiến tranh đặc biệt, ngày 1-11-1963, Mỹ đảo chính giết chết Diêm-Nhu. Dương Văn Minh lên cầm quyền nhưng bị Nguyễn Khánh lật đổ. Các cuộc đảo chính tranh giành quyền lực của các phe phái trong chính quyền nguỵ đã đẩy chính quyền này vào cuộc khủng khoảng triền miên. Nguyễn Khánh lật đổ Dương Văn Minh và lên làm thủ tướng, Dương Văn Minh làm Quốc trưởng, sau đó Nguyễn Khánh làm Quốc trưởng, Trần Văn Hương làm thủ tướng. Rồi Phan Khắc Sửu lại thay Nguyễn Khánh làm Quốc trưởng. Đầu năm 1965, Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi cùng nhau lật đổ Nguyễn Khắc Sửu, đưa  Phan Huy Quát lên làm Thủ tướng, nguỵ quyền càng suy nhược khủng hoảng. Năm 1964, chiến tranh đặc biệt hoàn toàn phá sản khi ba xương sống của nó là ấp chiến lược, nguỵ quân, nguỵ quyền bị đập nát .

(Còn nữa)
CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-37-a4753.html