Trò chơi dân gian của người Dao đỏ ở Hà Giang (bài 2): Vật chày – Trò chơi mang đậm màu sắc huyền bí

Trong các lễ hội truyền thống của người Dao đỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang có rất nhiều trò chơi dân gian được đưa vào nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Đặc biệt là trò chơi vật chày thu hút đông đảo người dân tham gia, được lưu truyền gìn giữ như một nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Dao.

Trò chơi vật chày hay trò giữ gậy (Shinh tờ chùi) là một hoạt động giao lưu trong những dịp lễ, tết, ngày vui của người Dao đỏ mang nét văn hóa dân gian đặc sắc trên miền cực bắc Hà Giang. Cũng chính vì thế mà mỗi khi có cơ hội, cộng đồng người Dao đỏ lại tổ chức vậy chày, nhằm tạo không khí sôi động, phấn khởi, vui tươi.

vat-cchay-1-1627878843.JPG
Thầy cúng làm phép để trò chơi được bắt đầu. Ảnh: Tư liệu

Cách chơi và thủ tục chơi của trò vật chày khá đơn đơn giản hơn. Nhưng muốn chơi trò chơi này nhất thiết phải có sự giúp sức của một thầy cúng. Thầy cúng được chọn cũng phải là người có uy tín, am hiểu trò chơi, nhiều người ở đây còn cho rằng thầy cúng này còn phải có sức khỏe hơn người và có pháp thuật giỏi để điều khiển chiếc chày không bị người chơi kéo xuống đất.

Trò này thường được tổ chức vào ngày thứ 2 và thứ 3 của lễ hội và bất cứ ai cũng có thể tham gia, kể cả những người thuộc dân tộc khác hoặc những người hiếu kỳ.

Để thực hiện trò chơi này, người ta lấy một đoạn gậy bằng tre hoặc trúc có đường kính khoảng 4-5 cm, dài 1,5 m được róc nhẵn mắt mấu, sau đó người ta vẽ một vòng tròn có đường kính khoảng 2,5 m ở ngoài sân hoặc một bãi đất bất kỳ rồi cứ 2 hay 3 người chơi một vào phía trong vòng tròn rồi cùng nhau cúi xuống dùng tay và vai đè chặt một đầu gậy xuống đất theo chiều thẳng đứng như cách đè một mũi khoan trong khi những người xem đứng vòng quanh vừa đánh trống chiêng vừa gieo hò ầm ĩ để cổ vũ. Tiếp theo, khi những người chơi đã sẵn sàng tâm lý thì người thầy cúng đặt một bàn tay lên đầu gậy phía trên vừa đi vòng quanh vừa niệm mấy câu thần chú như sau:

Quan tài Stia pháo

Quan pháo Stia phỉa.

Chấp quan, chấp cóng, chấp hó, chấp vùi.

Liềm chời Stá tông luồi tình hoang cóng hoang công.

Stin sán pạ tố luản nhần cháng pá chẩu.

(Tạm dịch: Hỡi các thần ma, hỡi các tổ tiên: nếu có linh thiêng thì nếu trên ấn xuống dưới phải nâng lên. trăm người đẩy không xuống, nghìn người nhấc không lên. có làm được thì mới linh thiêng, ngày tết mới vui).

Sau khi đọc hết câu thần chú thì thầy cúng bỏ tay ra, lúc đó cây gậy tự nhấc lên theo chiều thẳng đứng cách mặt đất khoảng 25- 30 cm kéo theo cả hai người chơi trong khi họ dùng hết sức để kéo đầu cây gậy xuống, nhiều khi có người hứng lên liền nhảy lên lưng những người đang chơi để giúp họ ấn đầu gậy xuống đất trong sự hò gieo cổ vũ cho mọi người.

Khi một trong 2 người hoặc cả hai thấm mệt rời tay khỏi cây gậy thì cây gậy sẽ tự rơi xuống và lượt chơi kết thúc, trò chơi lại được bắt đầu bằng một lượt khác. Sau tất cả các lượt chơi, người ta sẽ chọn ra cặp chơi nào giữ được gậy lâu nhất để thưởng rượu và những người này luôn nhận được sự thán phục của mọi người.

vat-cchay-3-1627878889.JPG
Nhiều người đu lên nhưng đầu gậy không thể bị ấn xuống đất. Ảnh: Tư liệu

Điều đặc biệt của trò chơi này đó là, cho dù nhiều người chơi khác liền nhảy lên lưng những người đang chơi để giúp họ ấn đầu gậy xuống đất trong sự hò reo cổ vũ của mọi người. Tuy nhiên, dù mọi người cố gắng ấn xuống nhưng không thể nào làm cho đầu chày bên dưới chạm đất được… Chỉ đến khi có người buông tay, hoặc người chủ trò hô dừng lại, thì chày mới rơi xuống.

Theo truyền thống địa phương, những chàng trai nào tham gia luôn nhận được sự tin yêu, thán phục và ngưỡng mộ của người dân và du khách, đặc biệt là các cô gái Dao. Với dân tộc Dao, trò vật chày mang tính chất huyền bí cũng như tính chất cộng đồng cao, là dịp để mọi người cùng nhau vui vẻ, thư giãn sau những ngày mùa làm lụng vất vả.

vat-cchay-4-1627878807.JPG
Trò vật chày không phân biệt tuổi tác, dân tộc. Ảnh: Tư liệu

Hiện nay, khi đời sống đang ngày càng phát triển, các nền văn hóa đang có sự giao thoa mạnh mẽ thì việc bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa nói chung, trò chơi truyền thống của người Dao đỏ nói riêng là rất cần thiết. Bởi vậy, trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bảo Dao đỏ, các cấp, ngành địa phương tại tỉnh Hà Giang đã khôi phục các lễ hội văn hóa tiêu biểu của đồng bào, trong đó có việc tổ chức các trò chơi dân gian như trò vật chày.

Trò chơi vật chày không phân biệt tuổi tác, không phân biệt dân tộc nên tại nhiều lễ hội của đồng bào Dao có tổ chức trò chơi này, các du khách, không nhất thiết phải là người Dao đỏ đều tham gia được. Vì vậy nó đã vượt qua khuôn khổ của trò chơi dân gian một nhóm dân tộc, dần trở thành trò chơi chung của cộng đồng.

Hiện nay, do nhiều yếu tố khách quan đã và đang khiến cho các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và các môn thể thao, trò chơi dân gian nói riêng có  nguy cơ bị mai một, thay vào đó là các trò chơi, giải trí mang tính hiện đại.

Tuy nhiên, trong đời sống văn hóa của đồng bào Dao đỏ tỉnh Hà Giang các trò chơi dân gian mà tiêu biểu là trò vật chày vẫn chiếm một vị trí nhất định, nó như một dòng chảy len lỏi qua những nếp nhà đơn sơ, đượm hương rừng. Và trong tâm thức của cộng đồng, mỗi trò chơi tuy có ý nghĩa, cách chơi khác nhau nhưng tựu chung đều xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất hằng ngày của đồng bào và phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, cũng như tăng cường tình đoàn kết cộng đồng.             

Bài 3: Nét đẹp văn hóa trò nhảy lửa của người Dao đỏ

Lê Hoàn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tro-choi-dan-gian-cua-nguoi-dao-do-o-ha-giang-bai-2-vat-chay-tro-choi-mang-dam-mau-sac-huyen-bi-a4841.html