Đấu bùa (1985)

Ông Mười thầy pháp. Một ông thầy bùa Lỗ Ban chuyên trị bệnh tà ma nhập nổi tiếng ở vùng nông thôn hẻo lánh này

dau-bua-1627918263.jpg

Đoàn Cải lương Sông Thanh dọn về hát ở xã Hòa Tú Huyện Mỹ Xuyên Tỉnh Sóc Trăng. Từ bến sông đến chỗ hát gần 500 mét nên những người có ghe nhỏ như vợ chồng tôi không biết làm sao. Chẳng lẽ đậu ghe ngoài sông lớn mà mỗi lần nước ròng sát thì làm sao mà lội lên lội xuống? Còn đoàn ghe của Bầu gánh và của Đoàn thì tới trước nên chiếm hết chỗ đậu ? Chỉ còn một chỗ là có thể đậu ghe được là bến của ông Mười thầy pháp. Một ông thầy bùa lỗ ban chuyên trị bệnh tà Ma nhập nổi tiếng ở vùng nông thôn hẻo lánh này. Từ Sông lớn có một con rạch nhỏ dài từ bến sông lên tới con lộ xã mà đậu ghe trong con rạch thì lo gì sóng gió hay nước lớn nước ròng.

Thầy Mười coi hì hợm vậy mà cũng dễ tính hỏi đậu nhờ là thầy đồng ý liền, thầy còn nhiệt tình chỉ chỗ lấy nước, lấy củi... tha hồ mà xài. Mà cái xứ gì cũng lạ, tuy là vùng khỉ ho cò gáy muốn đi chợ Sóc Trăng hay Vu Gia phải đón tàu đò vì không có đường xe chạy. Chắc có lẽ như vậy nên ngày nào nhà thầy Mười cũng có người đến. Khi thì chữa bệnh khi thì đem đầu heo lại tạ lễ khi bệnh nhân hết bệnh. Mỗi lần nhậu nhẹt thì thầy Mười đích thân xuống bến mời:

- Chút hai vợ chồng bây bồng đứa nhỏ lên ăn cháo với qua nhe.

Tất nhiên là không thể từ chối. Mà lần nào cũng được thầy Mười đãi nhậu, lúc đã thân tình thầy Mười kể :

- Ngày xưa qua cũng bỏ nhà đi theo gánh hát, ham vui đi cho biết đó biết đây chứ ca thì trật nhịp lại đâm hơi nên đi mấy năm mà chẳng ai cho hát vai gì nên chán, nghỉ theo gánh hát mà không muốn về nhà nên tìm lên núi Cấm xin làm đệ tử một ông thầy Bùa. Được hơn 10 năm sau khi truyền hết nghề lại cho qua thì thầy cũng qua đời. Lúc còn một mình trên Núi mới cảm thấy buồn nhớ nhà, nhớ quê nên qua để am cốc lại cho các huynh đệ rồi về xứ cưới vợ và hành nghề trị bệnh tà ma cho bà con...

Qua chữa bệnh không lấy tiền, khi hết bệnh thì bà con cúng tạ lễ cúng gì là tùy lòng thành của bà con. Cứ mỗi lần có ai cúng là đem lại cái đầu heo ăn riết rồi cũng ngán... Hai vợ chồng con cứ gom hết đem xuống ghe ăn tiếp giùm qua..

Một hôm khách mang lại cúng tới hai cái đầu Heo, thầy Mười mời :

- Hôm nay nhiều quá ăn sao hết. Con lại gánh hát mời anh em nghệ sĩ lại ăn cháo vừa lai rai vừa ca hát cho vui, từ ngày qua giải nghệ cũng còn nhớ được vài câu mà chưa có dịp ca.

Được mời ăn chùa nên ai cũng khoái, dân đi theo ghe hát toàn là "Hiệp sĩ say" nên tất nhiên là không ai từ chối lời mời ăn nhậu từ thiện nên chẳng mấy chốc đào kép quân sĩ kéo lại nhà thầy Mười đầy cả nhà. Đang nhậu ngon lành thầy Mười cũng cao hứng góp vui một câu vọng cổ vai Muồng Tênh trong tuồng Sơn nữ Phà ca, vừamới xuống xề thì bỗng anh chàng bệnh nhân vừa chữa dứt bệnh đang ngồi ăn cháo bỗng đứng dậy vỗ ngực cười ha hả... Thầy Mười lẹ như chớp chộp cái khăn đang vắt lên vai choàng vội qua đầu nhảy lại bàn thờ rút vội mấy cây nhang rồi dặm chân phùng mang thổi mấy cây nhang hướng về người bệnh miệng thầy lâm râm gì đó rồi dậm chân nạt lớn mấy tiếng anh chàng bệnh nhân bỗng ngã ra xụi lơ. Cả đoàn hát có mặt ai cũng hết hồn khi chứng kiến tài nghệ của thầy Mười. Thấy không khí căng thẳng quá nên tôi bỗng nói vui: - Thưa thầy cái ông hồi nảy bị gì mà cười thấy ghê vậy?

Thầy Mười :

- Nó bị Vong của con Quỷ chết oan nhập. Qua trị nó xuất rồi nhưng con quỷ này nó dữ lắm nên cứ trở lại nhập vô xác hoài.

Tôi chợt hỏi :

- Vậy là thầy thấy con Quỷ luôn hả?

- Thấy chứ.. Không thấy Sao trị nó được?

Tôi hỏi thêm :

- Con thí dụ với thầy nghen, nếu con cũng học Bùa, thầy nhìn con thầy biết con có Bùa không?

Đang sung nên thầy Mười nhào lại bàn thờ Tổ rút mấy cây nhang đang còn cháy dở hướng mắt nhìn thẳng vào mặt tôi miệng thì lầm bầm chân thì dậm thình thịch, tôi hoảng quá không ngờ nói vui mà ông thầy ổng làm thiệt.

Tôi nhắm mắt lại vái thầm :

- Cứu con tổ nghiệp ơi, con mà bị gì ai nuôi con của con. Cứu con với...

Mấy anh chàng kép hát thấy tôi đọc lầm bầm cũng tưởng là tôi đang đấu phép với thầy Mười nên ai cũng xanh mặt mày vì lo cho tôi..

Bỗng thầy Mười cắm mấy cây nhang và vỗ vai tôi khen : - Chú mày cũng khá lắm nghen, quả là chân nhân bất lộ tướng. Khá lắm.. Khá lắm..

Tôi cười thầm:

Trời ơi mình có biết con khỉ khô gì đâu mà thầy nói khá lắm? Hay là nhờ Tổ nghiệp về bảo vệ cho tôi chăng?

 

Từ buổi đó, mấy tay trong gánh hát gặp tôi ai cũng e dè, họ nói với vợ tôi :

- Chồng của bà ghê thiệt. Thầy Mười nổi tiếng như vậy mà còn nể ổng, mà ổng học bùa gì vậy?

Con vợ tôi nghe người ta nói riết nó cũng tin là tôi có học bùa phép gì đó mà giấu, một hôm bả hỏi :

- Ông đừng giấu tôi nữa, ai cũng nói là ông có Bùa. Mà ông học bùa gì, ở đâu vậy?

Tôi bí quá trả lời : - Ừa.. Tui học bùa lỗ... Hang.

- Ông học hồi nào? Ở đâu sao tui không biết?

Tôi nghe bả truy riết nên nói đại:

- Ờ học hồi chưa gặp bà ở kế núi Tà lơn . - Kế núi Tà lơn là núi gì? - Núi tào... Lao. Khi hiểu chuyện, con vợ tôi nó cười quá trời, rồi hỏi ngu : - Vậy thầy Mười là thầy bùa thiệt hay thầy bùa giả mà bị ông gạt? Tôi nói : - Ổng không là thầy thiệt sao chữa hết bệnh cho người ta? Còn tại sao ổng khen tui thì bà đi hỏi ổng.

 

Theo Chuyện quê

Bùi Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dau-bua-1985-a4863.html