Câu chuyện bắt đầu từ trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng, ở đó có người đồng đội của tôi tên là Nguyễn Đình Dũng.
Nguyễn Đình Dũng, cao 1m72, dáng vẻ thư sinh, hát hay, đàn giỏi… Dũng nhập ngũ năm 1977, khi bắt đầu có cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam. Nhanh nhẹn, tháo vát, Dũng được điều về làm nhiệm vụ ở đơn vị Trinh Sát. Trước khi nhập ngũ, Dũng đã thi đỗ vào trường Đại Học Mỏ-Địa Chất.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam vô cùng gian khổ và ác liệt. Thời kỳ này, chỉ lùi lại phía sau mấy cây số là cuộc sống hòa bình, còn nơi đây là chiến trường, đánh trả bọn lính Pôn Pốt (Căm Pu Chia) xâm phạm biên giới, phá hoại tài sản, tàn sát dân ta. Tình hình rất phức tạp. Bọn chúng chỉ có cơm nắm với chút mắm bò hóc mà lì lợm, gan góc, man rợ… Quân ta bị thương vong rất nhiều do mìn của chúng. Mìn có trên đường lớn, trên những lối mòn, nơi thường đến lấy củi, hái rau, thậm chí những mô đất anh em ta ngồi lên để “giải quyết nỗi buồn” trong mùa mưa cũng bị vướng mìn của chúng… Chính mìn của bọn Pôn Pốt đã cắt đứt mất phần nửa dưới thân thể Dũng, thậm chí cái “của quý” của cậu ấy cũng bị bay đi mất, may mắn được các Bác Sĩ Quân Y tài giỏi đã cứu được sinh mạng cho Dũng. Sau thời gian điều trị ở quân y viện 175 – TP Hồ Chí Minh, Dũng được chuyển về trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng, với tỷ lệ thương tật 93%.
Cuối năm 1981, được chuyển ngành về cơ quan cũ ở Hà Nội, tôi sắp xếp thời gian đến thăm gia đình các đồng đội đã hy sinh, thăm một số anh em khác bị thương được chuyển ngành hoặc phục viên. Qua anh em cho biết, Dũng đã xin chuyển ra một trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng ở ngoài miền bắc. Tuy anh em ở cùng đơn vị mới được 14 tháng, ngoài quan hệ thủ trưởng-chiến sĩ, tôi coi Dũng như người em trai. Hai anh em chia sẻ với nhau nhiều điều trong công việc, trong sinh hoạt, trong tình cảm… Đầu năm 1983 tôi đến trung tâm thăm Dũng. Nhìn thấy Dũng mà thật sự ngỡ ngàng: một chàng trai trẻ đẹp, da dẻ hồng hào, khỏe khoắn, mắt sáng, tóc quăn đen nhánh… Dũng đang chơi đàn ghi ta, bài: “cuộc đời vẫn đẹp sao” mà Dũng vẫn thích. Dũng bảo: em mới xin ra đây được hơn năm tháng, ở đây mọi điều đều rất tốt, em tham gia làm báo tường, và một số việc khác ở trung tâm, có điều phải ngồi trên xe lăn để di chuyển, làm việc. Em chỉ bị mất có hai chân chính và “chân phụ” thôi còn lục phủ ngũ tạng, đầu và hai tay đều còn tốt cả.
Có lần đến chơi, tôi thấy một phụ nữ và hai cháu bé đang vừa ăn cam vừa nói chuyện vui vẻ với Dũng.Thấy có khách đến, cô đưa hai cháu ra ngoài, Dũng bảo đấy là chị Thảo y tá, người được giao chăm sóc em đấy, chồng chị Thảo hy sinh ở Căm Pu Chia năm 1980, lúc này chị đang mang thai cháu thứ hai được 6 tháng. Hồi em mới về đây, hai đứa nhỏ không dám đến gần đâu, nó nói: người gì chỉ có hai cánh tay dài ngoằng mà chẳng thấy chân đâu cả. Lúc đầu em cũng hơi tự ti, ở đây toàn thương binh nặng, nhưng không ai giống em hết, có 3 đồng chí đã lấy vợ (cùng là thương binh hay nhân viên của trung tâm), dần dà rồi em cũng quen. Hai cháu con chị Thảo cũng không còn sợ người không có chân nữa. Em dạy thêm cho cháu lớn (đang học lớp 2), kể chuyện, vẽ tranh cho tụi nhỏ nên các cháu cũng quý em. Em cũng có cảm tình với mẹ con chị Thảo. Chồng chị ấy, cha của hai cháu nhỏ đã hy sinh, em muốn bù đắp phần nào có thể làm được cho chị và hai cháu, hôm nào không thấy thì cũng nhớ, chị Thảo cũng quan tâm đến em nhiều hơn.
- Thế cậu có muốn lấy vợ không (tôi hỏi)
- Em thế này thì ai người ta lấy
- Phải tìm hiểu chứ, cái chính là cậu có thích mình có một gia đình riêng?
- Ai mà chả muốn thế hả anh. Bố Mẹ em đều đã qua đời, còn chị gái thì cùng chồng vào Lâm Đồng làm ăn rồi.
Gần trung tâm này có một đơn vị trực thuộc ngành nên tôi hay đến, lần này cùng đoàn công tác của Tổng Cục về làm việc ở đây hơn hai tuần, cứ xong công việc và cơm nước buổi chiều, tôi lại đạp xe sang trung tâm chơi, có lần tôi hỏi Thảo:
- Em có ý định đi bước nữa không?
- Em đã có hai con, một trai một gái rồi, bây giờ em chỉ lo sao nuôi dạy các con cho tốt thôi anh ạ.
- Nuôi con đâu chỉ là lo cái ăn, cái mặc mà còn việc học hành, lo tương lai, sự nghiệp cho các cháu nữa chứ.
- Biết là vậy, nhưng hoàn cảnh thế này, em cũng phải chịu thôi chứ biết làm sao !?
- Thảo biết không, cậu Dũng trước đây đã thi đỗ đại học đấy, nó học giỏi lại có nhiều tài vặt, chịu khó, sống tình cảm và rất yêu quý trẻ con…
- Vâng, em cũng rất thương cậu ấy. Dũng là chàng trai tuyệt vời, nếu không có chiến tranh, không bị thương nặng như thế thì tương lai của cậu ấy rộng mở vô cùng. Em muốn dành sự quan tâm, chăm lo cho Dũng nhiều hơn, bù đắp phần nào những thiệt thòi mà Dũng phải chịu đựng, cũng là thể hiện lòng biết ơn với những thương binh, đã hiến dâng một phần xương máu của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc. Dũng vẫn hướng dẫn việc học cho con gái em, hai cháu cũng rất quý chú Dũng, thằng Tùng (con trai của Thảo) từ hồi mới tập nói cứ gọi “pố Pũng, pố pũng”.
Một hôm, ngồi với Dũng tôi bảo hay là cậu và cô Thảo lấy nhau đi. Dũng tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Thảo hơn em 2 tuổi, em vẫn gọi là chị mà.
- Thì đã sao, trước gọi chị ơi thì bây giờ gọi mình ơi hay Thảo ơi cũng được chứ sao, gọi mãi thành quen thôi. Các cụ vẫn nói: gái hơn hai, nghĩa là lấy vợ hơn mình 2 tuổi là tốt lắm đấy.
- Quả thật, hôm nay anh làm em bất nghờ quá.
- Quan trọng là cậu có thương yêu mẹ con cô Thảo không ?
- Có, đúng là em có tình cảm với mẹ con chị Thảo, nhưng việc làm chồng chị ấy thì chưa bao giờ nghĩ đến. Thực tình, khi có mẹ con chị ấy ở bên em cũng thấy rất vui, rất ấm cúng.
- Ở trung tâm, thương binh nặng được nhà nước nuôi dưỡng suốt đời, nhưng đây vẫn là nơi ở và sinh hoạt cộng đồng thôi. Những đồng chí đã lấy vợ được cấp nhà là họ có không gian riêng của mình. Chẳng lẽ em không muốn thế ?
- Có chứ anh, nếu có nhà riêng em sẽ trang hoàng ngôi nhà thật đẹp, sẽ dạy các con hoc, dạy con hát, em còn làm được nhiều thứ cho vợ con em…
Nhìn vẻ mặt Dũng, tôi cảm nhận thấy cậu ấy đang mơ màng về ngôi nhà Hạnh Phúc của mình. Đột nhiên Dũng nói:
- Nhưng mà em mất cái “của quý” ấy rồi, làm sao lấy vợ sinh con được !?
- Thì hai con của Thảo đó, bố các cháu đã hy sinh, các cháu còn quá nhỏ, em làm bố dượng các cháu tốt quá chứ sao. Anh vẫn thấy cu Tùng gọi em là bố Dũng đấy thôi.
Dũng ngồi im suy nghĩ, tôi nói thêm: Tuy không sinh ra các cháu, nhưng mình thương yêu, chăm lo cho các cháu từ lúc nó còn nhỏ, nó gọi mình là bố, coi mình là người Cha thân yêu của nó. Rồi lớn lên các cháu lấy chồng, lấy vợ, em sẽ có cháu nội, cháu ngoại, hơn nữa có thể còn có chắt gọi bằng Cụ nữa đấy. Nghe nói vậy Dũng có vẻ vui lắm. Tôi nói tiếp: Em được nhà nước nuôi dưỡng suốt đời, lại có phụ cấp cho người chăm sóc, hai cháu có trợ cấp con Liệt Sĩ đến tận lúc đủ 18 tuổi, Thảo đi làm có lương, như vậy về kinh tế là ổn, về tình cảm hai đứa cũng thực lòng thương quý nhau. Có điều anh hơi ái ngại:
- Còn việc gì nữa anh nói luôn đi, em đang sốt ruột đây.
- Tuy chỉ còn hai tay, nhưng em có sức sống tràn trề của tuổi trẻ, đã là vợ chồng rồi, nằm bên nhau em thoải mái làm điều em có thể làm, nhưng em lại không thể làm được điều Thảo muốn, thế thì tội cho cô ấy quá !?
- Em sẽ cố kìm chế !
- Thảo mới 28 tuổi, cô ấy còn trẻ, còn khỏe, còn khát khao… em ạ
Nghe nói vậy Dũng có vẻ trầm ngâm, thoáng chút buồn.
- Chiều mai anh sẽ trao đổi cụ thể với Thảo về chuyện này.
- Ai lại nói ra chuyện ấy hả anh, kỳ cục lắm !
- Anh em mình đã từng là người lính, phải biết đối diện với sự thật dù sự thật ấy có trần trụi đến đâu, để cùng xác định tư tưởng. Có như thế mới đảm bảo cho sự bền vững của hôn nhân em ạ.
Chiều hôm sau tôi đến sớm ngồi chơi với hai cháu, Thảo đang tưới mấy luống rau tăng gia. Xong việc, tôi nói chủ nhật này anh nhờ xe ô tô con của cơ quan đưa ba mẹ con về quê em thăm gia đình hai bên (vợ chồng Thảo ở cùng quê), thắp nén hương cho bố các cháu và thăm dò xem ý tứ các cụ thế nào. Có chuyện anh vẫn rất ái ngại nhưng không thể không trao đổi với em. Hình như Thảo đã thấu hiểu điều tôi sắp nói ra, cô ấy bảo: khi em sinh cháu Tùng rất khó, bác sĩ thăm khám cho biết thai nhi không được bình thường, họ chỉ định phải mổ, không đẻ thường được. Để đảm bảo sự sống cho cả mẹ và con, phải cắt cả hai buồng trứng, không thể sinh đẻ tiếp. Vì vậy em cũng không nặng về chuyện sinh hoạt vợ chồng đâu, chỉ thương Dũng thôi, có vợ mà lại không được mãn nguyện khi nằm bên vợ.
Hôm chủ nhật, với danh nghĩa là đồng đội cũ của chồng Thảo, tôi về thăm gia đình. Mẹ chồng Thảo và cả nhà rất vui, ôm cháu nội đích tôn vào lòng, cụ bảo: “mẹ cháu nó còn trẻ, nó có thể đi bước nữa, nếu cháu nội tôi có được người bố dượng tốt nuôi dạy thì khi nhắm mắt, xuôi tay tôi cũng yên lòng”. Tôi thưa chuyện với các cụ và gia đình hai bên về hoàn cảnh của Dũng, về tình cảm của Dũng đối với ba mẹ con cô Thảo. Nghe chuyện tôi nói, cả hai bên gia đình đều đồng tình ủng hộ.
Ngày 5.9.1986 đám cưới của Dũng - Thảo được tổ chức vui vẻ.
Bây giờ gia đình Dũng đã chuyển về quê, kinh tế gia đình rất khá, hai cháu đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, đã xây dựng gia đình riêng. Ông bà Dũng-Thảo đã có 1cháu nội và 2 cháu ngoại đều học giỏi, khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
Hôm đến dự buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 30 năm ngày họ nên vợ, nên chồng (như cách nói của Dũng), tôi thực sự mừng vui với hạnh phúc của người đồng đội. Ngồi giữa vòng anh em, bè bạn-Dũng phấn chấn cầm đàn chơi bài “cuộc đời vẫn đẹp sao”, hòa chung trong tiếng hát của mọi người. Thảo ngồi đó, nước mắt lăn dài trên má, tôi hiểu đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Có lẽ giờ này, Thảo đang nghĩ đến người chồng đã hy sinh và thầm nói với anh rằng: “hai con của chúng ta đã được nuôi dưỡng tốt và đã trưởng thành”. Thảo cũng thầm cảm ơn Dũng đã làm tất cả những gì có thể cho cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc của ba mẹ con cô.
Chiến tranh đã lùi xa, sự sống của mỗi con người, mỗi cuộc đời vẫn luôn cần có nhau, chia sẻ với nhau. Có tình yêu thương là có tất cả, khó khăn, gian khổ, thiếu thốn gì rồi cũng vượt qua. Đúng như lời bài hát CUỘC ĐỜI VẪN ĐẸP SAO.
Ngày 29 tháng 7 năm 2021
Theo Chuyện làng quê
Kiều Vĩnh Lộc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cuoc-doi-van-dep-sao-a4882.html