“Phù du ơi, phù du buồn đến độ…”
Nhiều ngày sau khi bà mất, tôi vẫn nhìn thấy bà mặc cái áo cộc tay phin nõn trắng, chống gậy tre đi lại chậm rãi trong nhà. Giường và chăn của bà vẫn còn mùi trầu thuốc giống như bà chỉ mới vừa đi đâu đó thôi chứ không phải là một chuyến đi xa ngàn dặm không có có ngày trở về.
Chị em tôi lớn lên chỉ biết có bà, ông nội đi từ khi bố tôi mới có 6 tháng tuổi ( mãi mấy chục năm sau khi nhận giấy báo tử mới biết ông là tình báo, chứ lúc đó bà và bố tôi sống trong sự dè bỉu của cả làng cả tổng vì có bố theo giặc) vậy mà bà vẫn vượt qua hết thảy mọi điều tiếng thị phi nuôi dạy bố tôi. Vì thế khi chúng tôi có mặt trên cõi đời này thì đó cũng là niềm vui và hạnh niềm hạnh phúc vô bờ bến của bà. Trên đời này, chị em tôi chỉ biết có bà, bà cũng chỉ có chúng tôi là nơi để bà dành trọn tình yêu thương và những năm tháng của cuộc đời. Bố mẹ tôi thoát ly đi suốt, 6 chị em ở nhà với bà, đứa lớn bảo ban đứa nhỏ. Bà là người dạy chúng tôi nói những câu đầu tiên, dạy những chữ cái đầu tiên và tất tật nhưng gì mà một con người cần phải có theo cái cách của bà, đúng như câu thơ của Nguyễn Duy “ Sữa nuôi phần xác – hát nuôi phần hồn”.
Sau này, khi lớn lên nếm trải đủ mọi đắng cay, gian khó của kiếp người, chỉ cần nghĩ đến bà thôi tự dưng có thêm sức mạnh để đối mặt và vượt qua tất cả. Bà ra đi cũng nhẹ nhàng thanh thản giống như phần việc trên thế gian bà đã làm xong hết, chỉ có chị em tôi là là quay quắt và không thể chấp nhận được sự thật là bà đã vĩnh viễn rời xa chúng tôi nhanh như một cơn gió chỉ sau mấy ngày mệt mỏi.
Mới đó thôi mà đã hai mươi mấy năm trời vắng bà. Tết đến anh trai mở bài hát văn “ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” rồi cứ khóc một mình. Còn tôi, vẫn nhớ da diết những buổi trưa ngồi chồm hỗm đầu cổng chờ bà đi chợ về, nhớ lắm, nhớ ngày đưa bà ra đồng, là mùa đông cuối năm nhưng hôm ấy nắng to lắm. Nhớ câu hát “ Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, một mình bà đội cả trời nắng to…”
Bố tôi yêu thương con cái đến độ khắc nghiệt
Ngày bé toàn ở với bà, mỗi khi chủ nhật bố về là phải mang phấn ra hè hoặc sân ( đã lát xi măng để làm toán cho bố kiểm tra, mà ai ghét tôi thế nào thì tôi ghét và sợ toán như thế ). Bố kiểm tra xong mà vẫn còn thời gian thì sẽ tranh thủ xem xe đạp có cái nào hỏng không thì mang ra sửa, tôi lại lạch bạch cái quạt nan bên cạnh cho bố đỡ nóng đến bao giờ xong thì thôi.
Roi vọt với chị em chúng tôi là chuyện quá bình thường, tối thứ bảy hàng tuần căng thẳng không khác gì kỳ họp chi bộ hay kiểm điểm công chức bây giờ. Tôi bé nhất nhà ít bị đánh hơn các anh chị khác nhưng quả thực mỗi lần nghĩ đến bố vẫn sợ phát run phát dế vì không biết mình có lỗi lầm gì không và bố sẽ xử mình ra sao nữa.
Nhưng chúng tôi càng lớn, bố càng già thì càng dễ tính, hiền như Bụt chả bao giờ nói nặng các con nửa lời. Một lần bố bảo tôi: Bố sắp chết rồi thế nên bố sẽ cùng với mẹ vào viếng mộ ông nội lần cuối cùng ( ông tôi khi mất an táng tận trong nghĩa trang Bạc Liêu). Tôi nghĩ chắc bố lẩm cẩm nên trêu: bố chỉ bị mỗi tiểu đường, huyết áp giữ ổn định là được có sao đâu, chết thế nào được ! Chuyện có vậy thế mà chỉ sau mấy hôm cơn đột quỵ đã mang bố tôi đi mất trong sự ngỡ ngàng và đau xót của cả nhà khi bố cũng không kịp trăng trối nửa lời.
Cô tôi ( là chị của bố nhưng quê tôi cứ con gái gọi là cô hết bất kể là chị hay em của bố) không có gia đình nên ở với nhà tôi luôn
Khi lớn lên chúng tôi đã thấy như vậy nên mặc nhiên thừa nhận mà chả ai có ý định tìm hiểu hay thắc mắc gì chuyện tại sao cô lại sống một mình. Cô thương chị em tôi như con và bố tôi cũng thương cô một mình nên khi cô còn đi làm trên Ba vì, mấy chị em được bố cử thay phiên nhau lên ở với cô hết đứa nọ đến lượt đứa kia. Cô có một mình nên sạch sẽ và khó tính lắm, nói chuyện thì văn thơ hò vè đâu ra đấy, chị em tôi đuổi theo dài không kịp.
Những năm cuối đời, cô ốm không đi lại được nên chị cả tôi nhận phần chăm sóc cô cho tiện. Cô tuy ốm đau về thân thể nhưng tinh thần đầu óc thì vẫn minh mẫn. Chả thế mà hôm cô cháu gái nấu bếp ngẫu hứng làm bài thơ con cóc đưa lên fay búc:
“ Canh sườn mà nấu với ngô
Thế nào cũng có đứa vồ vào ăn
Dì Oanh ơi hỡi dì Oanh
Hôm nay cháu cũng trở thành nhà thơ ”
Mấy chị em, dì cháu cả dể nữa chém tơi bời trên fay, chị cả tôi thấy thế đọc cho cô nghe, nghe xong cô buông một câu :
“ Chùa dột lại đóng oản chiêm
Ông sư ngớ ngẩn lại thêm bà vãi rồ”
Cuộc sống là vô thường, mới đó thôi tất cả vẫn còn mới nguyên như bài thơ còn chưa khô mực mà hôm nay đã là ngày giỗ đầu của cô tôi. Ngày cô mất, cây đào đầu ngõ trổ hoa rực rỡ, trắng ngần như một lời tiễn biệt. Ngẫm ra mới thấy mọi thứ trên đời này thực sự chỉ là phù du mà thôi, ngay cả những người mà ta thương yêu nhất, gần gũi nhất thì cũng không tránh được quy luật tất yếu; Thành, trụ, hoại, diệt.
Tuy nhiên tình yêu mà chị em tôi dành cho bà, bố và cô thì mãi còn, bất chấp vô thường, bất chấp vô ngã, bất chấp tham vọng hay si mê …cho dù ngày mai có ra sao đi chăng nữa.
Theo Chuyện quê
Vy Doãn Thị
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phu-du-canh-mong-a4889.html