Tuy nhiên, việc hợp tác này vẫn chưa được thể hiện rõ ràng và quan tâm đúng mức, chưa có mô hình phù hợp; đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu sử dụng lao động. Vì vậy, cần đưa ra cơ sở lí thuyết của sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, phản ánh lên thực trạng để từ đó có giải pháp tăng cường sự hợp tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội
Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc: Xây dựng chương trình đào tạo; nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ; xác định nhu cầu và sử dụng lao động; tăng tính tương tác giữa giảng viên và sinh viên với các nhà chuyên môn đang làm việc tại doanh nghiệp,... Trong quá trình hợp tác giữa hai bên, nhà trường thường đóng vai trò là chủ thể chịu trách nhiệm chính trong đào tạo (cung ứng nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, bồi dưỡng, đào tạo lại kiến thức cho cán bộ công nhân viên,...); còn doanh nghiệp đóng vai trò là đơn vị phối hợp (định hướng, tiếp nhận tuyển dụng lao động, trao học bổng cho sinh viên,...). Thông qua nhà trường, các doanh nghiệp có thể tuyển chọn nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu.
Trong xu thế hiện nay, sự hợp tác giữa các trường đại học là một tất yếu của nền kinh tế - xã hội. Sự hợp tác càng chặt chẽ càng mang lại lợi ích cho cả hai bên và cho xã hội. Tuy nhiên, việc hợp tác của một số trường đại học và doanh nghiệp thời gian qua ở nước ta còn hạn chế. Hầu hết, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu trước mắt theo kế hoạch ngắn hạn chứ không phải chiến lược dài hạn. Vì vậy, các mối quan hệ hợp tác chưa có chiều sâu, các trường mới chỉ thông qua doanh nghiệp để đưa sinh viên đến trải nghiệm như: tham quan quy trình hoạt động, nguyên tắc làm việc,...; hoặc thực tập tốt nghiệp cuối khóa để viết báo cáo hay khóa luận tốt nghiệp. Như vậy, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp chủ yếu tồn tại hai dạng: Đối với nhà trường, phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng kĩ năng thực hành cho sinh viên trong thời gian thực tế, thực tập; đối với doanh nghiệp, phối hợp với nhà trường để tuyển dụng, tạo việc làm cho sinh viên trước và sau khi tốt nghiệp. Việc hợp tác chủ yếu mới dừng lại ở cấp độ tình huống, đơn lẻ, tự phát. Doanh nghiệp còn “ ỷ lại” vào các cơ sở đào tạo cũng như có cái nhìn phiến diện về sự hợp tác với nhà trường khiến họ chưa tham gia sâu vào việc phối hợp đào tào nguồn nhân lực theo yêu cầu của mình. Giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa xác định được nhu cầu và nội dung của việc hợp tác. Chất lượng đào tạo ở một số trường nhất là các trường địa phương chưa bắt kịp nhu cầu của nền kinh tế - xã hội. Do các trường chưa có điều kiện để đầu tư về chất lượng đội ngũ giảng viên, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy, thực hành, thực tập...; tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư thường xuyên cho các cơ sở đào tạo đang ở mức hạn chế. Hiện nay, ở Việt Nam, nhất là các trường địa phương, loại hình doanh nghiệp phổ biến vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, sử dụng ít lao động, chủ yếu là lao động thời vụ. Trong khi đó, các trường đại học lại được đào tạo theo chương trình đã lên khung cứng nhắc từ trước mà ít có sự đổi mới theo nhu cầu xã hội. Công tác đào tạo của trường đại học chưa đáp ứng yêu cầu của sử dụng lao động. Sự không “ăn khớp” giữa kiến thức lý thuyết trong nhà trường và yêu cầu thực tế về công việc; chương trình đào tạo còn thiếu sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành; phương pháp đào tạo lạc hậu, chậm đổi mới... Đây cũng là lí do khiến doanh nghiệp chưa tin vào việc tạo dựng mối quan hệ với trường đại học sẽ mang lại lợi ích cho họ. Nhiều đơn vị sử dụng lao động trong đó có doanh nghiệp, đã chỉ ra những hạn chế của nhà trường sau khi tốt nghiệp: Phần lớn sinh viên ra trường chưa thể bắt tay vào làm việc vì chuyên môn còn hạn chế; không tự lên được kế hoạch học tập; thiếu hoặc chưa có những kĩ năng mềm và kiến thức chuyên môn phục vụ cho công việc được giao. Thực tế có những ứng viên được tuyển dụng nhưng doanh nghiệp phải mất một thời gian đào tạo lại hoặc đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc”mới đảm nhận được công việc. Ngoài ra, mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ cả về trách nhiệm và quyền lợi. Trên thực tế, nhà trường vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” của mình chứ chưa thực sự đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp. Trong khi đó, hoạt động giới thiệu, đảm bảo việc làm cho sinh viên khi ra trường vẫn chưa tìm được cơ chế phối hợp với doanh nghiệp.
Từ những thực trạng trên, nhà trường cần phải đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp:Nhà trường cần đặt ra mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội; bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên về kiến thức, kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu khoa học và tiếp thu công nghệ mới; giảng viên cũng cần có những trải nghiệm trong môi trường doanh nghiệp để có những kiến thức thực tế áp dụng vào việc giảng dạy cho sinh viên; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lí nhà trường đủ khả năng điều hành và xây dựng chiến lược nhằm tạo dựng mối quan hệ lâu dài với doanh nghiệp; rà soát, cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo theo định kì và những thay đổi trong thực tế để đáp ứng nhu cầu của xã hội; nhà trường phải đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng cơ sở thực tế hoặc mô hình ảo tại trường và chủ động mời các giám đốc điều hành (CEO), nhân lực giỏi từ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo của nhà trường để quá trình nghiên cứu, giảng dạy được sát với thực tiễn; nhà trường nên thiết lập bộ phận chuyên trách về hợp tác với doanh nghiệp, tăng cường đào tạo kĩ năng mềm, xem đây là môn học bắt buộc cần đưa vào khung chương trình đào tạo. Các môn học phải mang tính thực tế thông qua việc đưa ra các tình huống và áp dụng trong các trường hợp cụ thể. Nhà trường cũng cần tăng cường xây dựng mối quan hệ với các tổ chức như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Doanh nhân trẻ,... để có chiến lược tổng thể, dài lâu.
Đối với doanh nghiệp: cần nhận thức đầy đủ về lợi ích của quan hệ hợp tác để hoạch định kế hoạch, chiến lược và cơ chế hợp tác; chủ động tìm hiểu các trường đại học để có thể chọn lựa đối tác; khuyến khích đội ngũ giáo sư, tiến sĩ là giảng viên của các trường đại học tham gia các dự án hoặc chia sẻ, cố vấn thông qua các chương trình đào tạo nội bộ; tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, thực hành nghề, tham quan khảo sát và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp của nhà trường.
Như vậy, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp được xem là động lực cốt yếu của nền kinh tế - xã hội. Thành công của mối quan hệ này sẽ trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo của trường đại học và việc làm cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và xã hội; thêm vào đó còn gián tiếp hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế tri thức.Để sự hợp tác nay hiệu quả: cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn về cơ chế tự chủ của các trường đại học phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế; thường xuyên thống kê cung, cầu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện cơ chế và tổ chức các hoạt động nhằm kiểm định chất lượng đào tạo; thiết lập nhiều kênh kết nối trường đại học với doanh nghiệp;tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi giai đoạn hợp tác để nâng cao hiệu quả liên kết trong tương lai./.
Trần Ngọc Chinh