Việt Nam – Thụy Sĩ đẩy mạnh hợp tác về vaccine, phát triển bền vững, quản trị hiện đại, tất cả vì cuộc sống người dân

Chiều ngày 05/08/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Ignazio Cassis, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Sĩ.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ Ignazio Cassis trao đổi phương hướng và thống nhất quan điểm để nâng tầm quan hệ hai nước trong thời gian tới. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong bầu không khí hữu nghị, chân thành, cởi mở, hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau nhìn lại và đánh giá những kết quả hợp tác đã đạt được trong 50 năm qua; trao đổi phương hướng và thống nhất quan điểm để nâng tầm quan hệ hai nước trong thời gian tới, tập trung hợp tác phát triển bền vững, quản trị hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tất cả vì cuộc sống của nhân dân.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi một số nội dung để chuẩn bị cho chuyến thăm Thụy Sĩ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thời gian tới; đồng thời dành nhiều thời gian để thảo luận các biện pháp hợp tác trong phòng chống COVID-19 và chiến lược vaccine của Việt Nam. Phó Tổng thống Ignazio Cassis thông báo Chính phủ Thụy Sĩ quyết định viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam 500.000 bộ kít xét nghiệm, 300.000 khẩu trang, 30 máy thở và một số trang thiết bị, vật tư y tế khác. Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự hỗ trợ quý báu, kịp thời của Chính phủ Thụy Sĩ, đồng thời đề nghị Thụy Sĩ tích cực giúp Việt Nam tiếp cận nguồn cung vaccine phòng, chống dịch COVID-19 nhiều nhất, sớm nhất có thể cũng như các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết khác, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác về chuyển giao công nghệ, sản xuất dược phẩm, trong đó có vaccine và thuốc điều trị COVID-19.

Trao đổi với Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh nội dung về hợp tác vaccine phòng chống COVID-19. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hai bên cho rằng hai nước còn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác kinh tế; nhất trí đẩy nhanh đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) mà Thụy Sĩ là một thành viên, tạo đột phá trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước. Thủ tướng đề nghị phía Thụy Sĩ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa, nông sản của Việt Nam, nhất là trái cây theo mùa vụ vào thị trường Thụy Sĩ và EU; đồng thời đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mà Thụy Sĩ có thế mạnh như tài chính, ngân hàng, công nghiệp chế biến, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…, sớm nghiên cứu, xây dựng dự án hợp tác về chuyển đổi số giữa hai nước.  

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đánh giá cao việc Thụy Sĩ đã viện trợ phát triển cho Việt Nam 650 triệu USD trong hơn 30 năm qua, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Phó Tổng thống Ignazio Cassis nhấn mạnh, Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ đánh giá cao việc Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả nguồn hỗ trợ của Thụy Sĩ và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam giai đoạn 2021-2024 trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, trên tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết và nâng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên lên tầm cao mới.

Phó Tổng thống Ignazio Cassis thông báo Chính phủ Thụy Sĩ quyết định viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam 500.000 bộ kít xét nghiệm, 300.000 khẩu trang, 30 máy thở và một số trang thiết bị, vật tư y tế khác Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương trên bình diện quốc tế và khu vực. Phó Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá cao vai trò, đóng góp của ASEAN và Việt Nam trong việc hỗ trợ tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hòa bình, ổn định tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Hà Văn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-thuy-si-day-manh-hop-tac-ve-vaccine-phat-trien-ben-vung-quan-tri-hien-dai-tat-ca-vi-cuoc-song-nguoi-dan-a5009.html