Tri ân

Ước muốn được đặt chân lên thành cổ Quảng Trị của tôi đã thành hiện thực vào ngày nắng lửa, nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ. Tôi đã chạm tay vào Thành cổ- nơi 81 ngày đêm sinh tử, lặng nhìn dòng sông Thạch Hãn mà lịch sử không bao giờ quên.

tri-an-1628414527.jpg
 

Chiều ngày 4-6 -2013, đoàn chúng tôi vào thăm nghĩa trang Trường Sơn tại Quảng Trị. Khi đến cổng, chị Ruy dừng lại và nói: Anh trai chồng chị yên nghỉ tại nơi đây các em ạ. Anh tên là Trần Văn Tiến, hi sinh năm 1972. Hôm nay, đoàn mình vào viếng các Anh hùng Liệt sĩ, chị muốn dừng lại hơi lâu để thắp hương cho anh ấy. Thời gian trước, gia đình nhà chồng chị mới biết mộ của anh tại nghĩa trang này. Chị theo đoàn mình đi trước. Tháng sau, anh Lợi nhà chị sẽ đưa vợ anh Tiến sẽ vào thăm mộ chồng.

Cả đoàn lặng đi khi nghe giọng nghèn nghẹn của chị, rồi chị không cầm nổi nước mắt cứ thế sụt sùi. Mọi người khóc theo. Chúng tôi vô cùng xúc động vào thắp hương ở khu Tưởng niệm. Khi đến khu mộ dành cho các liệt sĩ thuộc huyện Lục Yên, chúng tôi kính cẩn thắp hương cho từng ngôi mộ. Chị Ruy bỗng ngồi thụp xuống và nức nở:

- Anh trai chị ở đây, các em ơi!

tri-an2-1628414528.jpg
Chú thích ảnh

Chị gục đầu xuống ngôi mộ. Những giọt nước mắt mừng vui xen lẫn đau xót cứ lăn trên gò má chị. Vui là chị đã tìm thấy mộ của anh trai, buồn là người đã đi xa mãi mãi. Tôi giúp chị sắp lễ đặt lên trên mộ của anh. Mọi người cúi đầu trước vong linh những người đã khuất. Chị chắp tay khấn vái, tiếng chị cứ thì thầm kể về hành trình đi tìm mộ với người anh trai của mình…

Chiều nghĩa trang Trường Sơn hôm ấy thời tiết cũng khác. Trên đường đi thì nắng như thiêu nhưng khi đến nơi lại râm mát. Một khoảng trời xanh, tiếng gió vi vu thổi như lời của bao chiến sĩ vọng về. Lần đầu tiên tôi được đến nghĩa trang Trường Sơn, mới biết hàng ngàn chiến sĩ đã yên nghỉ nơi đây, mới thấm thía sự hi sinh mất mát của một thế hệ không tiếc máu xương vì nền độc lập của dân tộc. Xúc động và tự hào. Nhưng thật sự là đau. Như cảm được nỗi đau của người mẹ, người vợ… khi người thân của họ ra đi mãi mãi.

Đêm hôm đó ở Đông Hà, chị Ruy kể lại cho tôi và chị Hoa nghe về người anh trai bên nhà chồng - Liệt sĩ Trần Văn Tiến.

Anh sinh ra và lớn lên tại làng Sâng xã Tân Lĩnh. Nhà anh nằm ở chân đồi núi Chàng Rể, đối diện với núi Vua Áo Đen. Năm anh 17 tuổi tham gia công tác xã hội tại huyện ủy. Chàng trai đang độ tuổi “ bẻ gẫy sừng trâu” ấy đã yêu một cô gái cùng làng cùng tên với anh. Chị là Nguyễn Thị Tiến, một cô gái xinh xắn, chăm chỉ nhất làng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go ác liệt. Năm 1968, anh xung phong lên đường đánh Mỹ. Gia đình vội vã tổ chức đám cưới cho anh chị. Thời gian đầu huấn luyện tại Thác Bà, chị Tiến xuống thăm anh được hai lần.Trước ngày ra trận, anh được về phép 3 ngày. Anh để lại một số tư trang giấy tờ và dặn dò vợ cẩn thận. Trong đó có cả bản sơ yếu lí lịch mà anh viết nháp.Lúc chia tay, chị Tiến gục vào vai anh khóc. Anh cười: yên tâm nhé, đừng khóc nữa nghe em ! Nhất định anh sẽ về!

tri-an2-1628414528.jpg
 

Không ngờ đó là giây phút bên nhau lần cuối.

Anh hành quân vào phía Nam. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân ( 30 – 1- 1968) ta đã đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ của Mỹ”. Đế quốc Mỹ điên cuồng huy động quân hòng khuất phục ý chí của quân ta. Quân đội ta tiếp tục mở các chiến dịch lớn với quyết tâm giải phóng miền Nam. Niềm vui của thượng sĩ trẻ Trần Văn Tiến - Tiểu đội trưởng, Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, K5 ấy đã được Bộ Tư lệnh tặng Bằng khen vào ngày 20 - 6 - 1970.

Một chiều hành quân, đó là ngày 1- 10 - 1972, Tiểu đội của anh mở đường đi trước. Anh dừng lại và tháo đồng hồ đưa cho người bạn ở tốp phía sau (tên là Ngôn cùng quê) và dặn:

-Tao gửi lại mày chiếc đồng hồ này, nếu tao có chuyện gì thì mày mang về đưa cho vợ tao, dặn cô ấy phải đi lấy chồng nhé.

-Tao không cầm, không có vấn đề gì đâu - Anh Ngôn nói.

Bất ngờ tiếng máy bay, đoàn người đi trước một số đã bị trúng bom của Mỹ đã hy sinh. Anh Ngôn ở tốp phía sau lao lên ôm lấy anh Tiến và khóc. Chiếc đồng hồ vẫn ở cổ tay người đồng đội. Là kỉ vật duy nhất ở chiến trường của người chiến sĩ trẻ ( sau năm 1975 anh Ngôn trao lại tận tay gia đinh).

tri-an4-1628414697.jpg
 

Mùa đông năm ấy, tháng 11 - 1972, gia đình anh nhận được tin anh đã hy sinh. Mọi người bàng hoàng trong nước mắt. Mẹ anh đã ngất đi , không tin điều đó xảy ra với anh.. Vợ anh cứ khóc thầm lặng lẽ. Có những đêm chị mơ thảng thốt gọi tên anh. Cả nhà thương chị lắm. Bố mẹ anh coi chị như con gái. Mẹ chồng giục đi bước nữa, chị không nghe (Sáu năm, kể từ khi anh mất và bốn năm về làm dâu là vừa tròn mười năm sống cùng gia đình nhà anh nên chị không nỡ). Mẹ chồng chị đã khóc khi khuyên giải chị. Cuối cùng chị nhận lời. Người mẹ ấy đã mối mai và đứng ra tổ chức đám cưới cho chị với một người cùng xã. Ngày chị đi lấy chồng, cả nhà ai cũng khóc. Chị khóc sưng cả mắt vì thương bố mẹ và các em.

Người chồng sau của chị rất hiểu và thông cảm nên chị sống rất hạnh phúc. Các con ngoan, hiếu thảo, thương mẹ. Nhưng bao nhiêu năm chị luôn mong mỏi tìm thấy mộ của anh. Anh Lợi ( em trai của anh Tiến) nhờ bạn bè giúp đỡ đã tìm được địa chỉ nơi anh yên nghỉ là Nghĩa trang Trường Sơn - tỉnh Quảng Trị.

Sau đó , chị Tiến và gia đình nhà chồng đã vào nghĩa trang viếng anh. Cuộc hội ngộ của hai vợ chồng sau 45 năm xa cách thật xót xa. Chị vòng tay ôm mộ chồng nức nở. Có lẽ chị hiểu hơn ai hết nỗi đau của chiến tranh. Chiều nghĩa trang Trường Sơn, cơn mưa đến bất chợt. Giọt ngắn giọt dài thi nhau rơi xuống như nước mắt của chị.

P/s: Rất mong đồng đội của liệt sĩ - thượng sĩ Trần Văn Tiến - Tiểu đội trưởng, Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, K5 đọc được câu chuyện này, xin bổ sung thông tin về anh khi tham gia chiến đấu. Trân trọng.

 

Yên Thế, tháng 8/2021- PTH - Ảnh và kỉ vật do gia đình cung cấp.

 

Phạm Thúy Hậu

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tri-an-a5109.html