Năm 2018, từ một người đang rất khỏe mạnh, một lão nông tri điền thực thụ với giấc mơ xây dựng một trang trại mơ ước ở xứ đất Cồn Nồng (vùng giếng cổ Giờ An). Đất đai, ao hồ, đê đập, đường sá, đã được chuẩn bị xong. Lúc này cũng đã đủ điều kiện để xin nghỉ hưu theo chế độ 108, tôi bắt đầu tính toán để xây dựng một khu sinh thái mini khai thác tiềm năng, mạch nước ở gia trại gia đình. Dự kiến xin nghỉ hưu sớm để tập trung cho việc chăm sóc, kiến thiết gia trại. Vật liệu xây dựng đưa về, hệ thống ao ươm và hồ bơi đang xây dở thì tôi bất ngờ bị đột quỵ.
Lúc đầu cứ tưởng là mình chỉ trúng gió nên không chịu nghe lời vợ (là 1 bác sĩ đang công tác ở trạm y tế xã) để đi bệnh viện ngay. Rất may là lần đó bị nhẹ nên chỉ nằm bệnh viện đa khoa tỉnh 1 tuần thì khoẻ mạnh trở lại, tuy nhiên, sau 1 lần tái khám thì bệnh viện phát hiện nhồi máu não (đột quỵ lần thứ 2).
Điều đáng nói của căn bệnh quái ác này là nó diễn ra âm thầm, tạo ra cảm giác mình vẫn khỏe mạnh, cho đến lần thứ ba. Mặc dù trong suốt 2 lần điều trị ở bệnh viện, được chứng kiến nhiều ca nặng, ăn uống phải bơm qua đường mũi, tôi vẫn cảm thấy mình không có biểu hiện gì của việc mất trí nhớ hoặc sốc choáng. Bác sĩ điều trị khuyên phải thực hiện việc kiểm soát huyết áp thường xuyên bằng việc “sống chung với thuốc” (uống hàng ngày).
Sau mỗi đợt điều trị trở về nhà, tôi vẫn đi làm việc bình thường ở cơ quan và gia trại, thậm chí còn làm được 1 số công việc nặng nhọc. Có lẽ vì thế mà hình thành tâm lý chủ quan, không lường hết được sự nguy hiểm của căn bệnh.
Rồi một lần, vợ tôi khuyên nên vào trung tâm đột quỵ ở bệnh viện Trung ương Huế để kiểm tra. Tôi bị giữ lại để các bác sỹ tiến hành mổ nội soi mạch máu não. Đó chính là lần đột quỵ thứ ba (vào tháng 9/2018) và tôi phải điều trị mất cả tháng. Lúc này tôi lơ mơ nhận ra rằng đây sẽ là một căn bệnh thực sự phiền toái và nguy hiểm, nó khiến tôi phải vào bệnh viện liên tục.
Cho đến ngày 17/12/2018; thời tiết có những thay đổi sau những ngày mưa nắng thất thường, tôi cảm thấy trong người uể oải, nằm thiếp đi trên giường một lúc, cảm thấy chân tay mình có sự tê bì khác lạ. Vội vàng kêu xe đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh, các bác sỹ đưa ngay vào cấp cứu. Đầu cảm thấy đau như búa bổ, rồi hôn mê, chết đi sống lại. Khi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu đầy dây nhợ và máy móc, tôi được bác sỹ cho biết là vừa thoát ra khỏi cơn nguy kịch (lúc này nửa người và chân tay bên trái của tôi đã bị liệt hoàn toàn).
Kinh hoàng nhất là những cơn đau co thắt toàn thân, tôi không thể cử động hay trở mình ngồi dậy được, cái tấm thân to béo nặng gần 80 ký lúc đang khỏe mạnh, bây giờ trở thành một trở ngại đáng sợ cho việc phục vụ, chăm sóc của vợ con, tệ nhất và khổ nhất là việc đi vệ sinh, tiểu tiện, người bệnh không thể tự chủ được (có lẽ do việc chuyền thuốc liên tục).
Sau gần cả tháng ở phòng cấp cứu hồi sức, nhờ có đứa cháu gái là bạn học cùng lớp với con gái hồi học chuyên hoá Lê Quý Đôn nay làm bác sĩ trực tiếp điều trị, nên tôi xin chuyển vào khoa vật lý trị liệu phục hôi chức năng của bệnh viện. Mấy ngày cận tết nên cái khoa này vắng hoe vắng hoắt, một phòng bệnh rộng rãi, mà chỉ duy nhất có mỗi tôi là bệnh nhân. Chiếm dụng một phòng 4 giường bệnh viện, tự do, thoải mái ngay cả đến việc vệ sinh cá nhân hoặc di chuyễn qua lại xe lăn để đến phòng tập. Khi ấy tôi nhận thức rõ ràng về tình trạng bất hạnh của mình. Một cảm giác bi quan và buồn chán tràn ngập trong mọi ý nghĩ đến nỗi những câu thơ buồn tê tái đã bật ra:
“ Sao tôi buồn thế hả tôi
Còn đêm nay nữa là thôi một ngày
Sao tôi buồn quá thế này?
Bổng nhiên vạ gió tai bay xế chiều”!!!
Trong hoàn cảnh chẵng đặng đừng và xui xẻo ấy, vợ chồng con cái hợp sức, dựa vào nhau “chiến đấu”.
Tôi lúc đầu bị khủng hoảng vô cùng, tuyệt vọng và chán nản, nhiều lúc bật khóc thành tiếng. Không thể ngờ được rằng tai họa lại ập đến với tôi nhanh như thế, chỉ sau mấy ngày, tôi bị sụt cân nghiêm trọng, đã có lúc tôi nghĩ đến cái chết, tôi nghĩ rằng mình sẽ chết!
Tôi nằm bất động trên giường với những cơn đau nhức, đầu óc lơ mơ, mọi cái phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của gia đình và bệnh viện. May mắn cho tôi là có sự tận tâm chăm sóc và động viên thường xuyên của vợ và các con. 2 con của tôi phải bỏ việc, thậm chí bỏ học từ nước ngoài bay về tập trung nguồn lực để cứu chữa cho bố. Rồi cả nhà phân công nhau đi khảo sát và tìm nơi điều trị phục hồi chức năng. Đã có lúc chúng tôi lên phương án vào Nam, ra Bắc tìm nơi chữa trị.
May mắn có người giới thiệu giúp chúng tôi đến bệnh viện y học cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh Quảng Trị đóng tại Cửa Tùng, ở đó, có một đội ngũ y bác sỹ trẻ tài năng và tận tâm như Nam, như Trung mà tôi sẽ mang ơn suốt đời.
May mắn hơn là tôi đã được gặp một bác sỹ trẻ người Hàn Quốc sang Việt Nam làm công tác tình nguyện và được anh trực tiếp điều trị, tập luyện. Có bệnh thì vái tứ phương, nhưng đôi khi chúng ta không thể biết được rằng những người mang lại hạnh phúc và niềm vui cho ta lại ở gần lắm.
Với tôi, đó là tập thể cán bộ y tế bệnh viện cô Liễu (y học cổ truyền & phục hồi chức năng tỉnh). Niềm hy vọng được phục hồi sức khoẻ được mở ra khi tôi được tiếp cận các phương pháp và dụng cụ tập luyện ở bệnh viện này.
Tôi là một người làm thơ và thích viết lách. Trước khi bị ốm, một vài dự án sách tôi chưa kịp hoàn thành đó là tập thơ và một cuốn truyện ký về đồng đội. Vốn là một người lính từng trải qua sống chết ở chiến trường K, nhiều anh em đồng đội khi biết tôi bị bệnh đã gọi điện thăm hỏi, một số anh em gửi tặng những cuốn sách quý cho tôi làm tư liệu để viết về chiến trường xưa. Trong những ngày ở bệnh viện, tôi luôn được bạn bè, người thân thăm hỏi, động viên cố gắng hoàn thành các cuốn sách.
Phần tôi, đó không chỉ là một đam mê mà còn là một sự nỗ lực tự thân để chiến đấu với bệnh tật, để khẳng định mình và để trả ơn người thân, bạn bè, trả ơn bệnh viện. Cảm động nhất là việc 1 số anh em văn nghệ sĩ thân thiết muốn giúp đỡ tôi tập hợp bản thảo tập thơ thứ ba mà tôi đang để dỡ dang.
Bác sỹ người Hàn Quốc khuyên tôi: “Ngoài việc tập luyện phục hồi chức năng chân tay, ngồi, đứng, hàng ngày thì phải tập luyện bộ não bằng việc đọc sách, tư duy”.
Anh Lê Bá Dương trong 2 lần từ Nha Trang về Quảng Trị , cũng đã đến thăm tôi và nói nhiều với tôi về phương pháp rèn luyện nhu động não, thần kinh. Anh kể cho tôi nghe về nhiều tấm gương vượt qua bệnh tật, giúp tôi có thêm động lực và sự tự tin để mà cố gắng. Tôi đã kết hợp tốt giữa việc tập luyện và sáng tác, chưa bao giờ tôi viết nhanh và nhiều được như thế, mặc dù nhiều trang bản thảo, nhiều bài thơ. Tôi chỉ đánh máy được chỉ bằng một ngón tay cái không bị liệt.
Hàng ngày, ngoài việc tuân thủ chế độ luyện tập, điều trị của bệnh viện, tôi luôn tự đề ra cho mình một sự quyết tâm phải đứng dậy và tự vượt lên chính mình. Tôi tập luyện bất cứ lúc nào có thể từ việc ngồi đi chuyến trên xe lăn (có người đẩy), đứng dậy tập đi từng bước, từ phụ thuộc đến tự lực cánh sinh.
Việc viết lách đưa lại hiệu quả về sự hồi phục mạch lạc của tư duy và trí nhớ. Cả một chút tiền bạc do anh em đồng đội tài trợ, động viên. Vì thế mà tôi có điều kiện kinh phí để in tập thơ thứ ba của mình (xuất bản và tổ chức ra mắt đầu năm 2021). Suốt gần 2 năm tôi đánh vật với các trang bản thảo, với sự tập luyện miệt mài, tôi cảm thấy sức khoẻ gần như được hồi phục hoàn toàn vì tôi đã lấy lại được khả năng tư duy, cảm xúc. Cuối cùng thì tôi cũng đã hoàn thành được tập thơ Cảm Xúc Gọi Tên với trọn vẹn 100 bài thơ và nhiều bài viết về chiến trường, đồng đội để tập hợp trong một cuốn sách gần 300 trang in (sắp xuất bản).
Đây rõ ràng không chỉ là công việc mà còn là một liệu pháp chữa bệnh với người bị tai biến. Khi đầu óc trở lại bình thường thì đồng thời sự vận động cũng sẽ tốt dần lên. Bằng chứng là tôi đã dần dần kiểm soát và tự chủ được mọi cảm xúc và tự hồi phục tốt, tự chăm sóc được cho bản thân mình.
Bây giờ, sau gần 3 năm tích cực tập luyện, phục hồi chức năng, tình trạng bệnh tật của tôi đã được cải thiện rõ rệt. Từ chổ nằm liệt giường và rất khó khăn trong việc di chuyển, chăm sóc, luôn phải cần đến từ 2 người trợ giúp hàng ngày. Nay tôi đã có thể đi lại trong một chừng mực cho phép và có thể tự lực một vài việc như vệ sinh cá nhân, giao tiếp, đánh máy. Và tôi đã cơ bản dần lấy lại được phong độ những ngày còn khỏe mạnh!
Cảm ơn cuộc đời!
Cảm ơn cuộc sống mến thương!
Theo:Trái tim người lính
---
Đọc thêm thông tin liên quan trên trang Hội nhập Văn hóa & Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/, nơi cập nhật thông tin bài viết phân tích chuyên sâu về kinh tế đối ngoại, văn hóa hội nhập và phát triển bền vững.
Trần Bình
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cau-chuyen-cua-toi-a5173.html