Kỷ niệm với Thượng tướng Lê Khả Phiêu

Thượng tướng Lê Khả Phiêu (27/12/1931-7/8/2020) là Tổng Bí thư duy nhất đi lên từ chiến sĩ trực tiếp cầm súng, từ người lính binh nhì, tới Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Là người lính, ông đã tham gia hầu hết các chiến dịch quân sự lớn, lăn lộn trên nhiều chiến trường ác liệt, giai đoạn chống Mỹ cứu nước và chiến trường Campuchia, lập nhiều chiến công và trở thành một vị tướng dày dạn kinh nghiệm, có tài thao lược. Ông là tấm gương tiêu biểu về người cộng sản tâm huyết, là nhà chiến lược chính trị và quân sự xuất sắc của Việt Nam.

lkp1-1628589025.jpg

 

Những kỷ niệm dưới đây được ghi theo lời kể của Thượng tá Đinh Thanh Niên, nguyên Trưởng Ban Thông tin sư đoàn 968 quân tình nguyện Nam Lào như một nén nhang vĩnh biệt của chúng tôi-những cựu chiến binh với Thủ trưởng Lê Khả Phiêu.

1. Tháng 9 năm 1978 tôi từ trường Sỹ quan thông tin về thực tập tại trường Quân chính Quân đoàn 2. Lúc này đất nước khó khăn lắm, phía Tây Nam bè lũ Polpot-Yengseri-Khieusamphon xua quân lấn chiếm các tỉnh biên giới của Việt Nam, ở phía Bắc thì quân bành trướng Bắc Kinh đang áp sát biên giới suốt từ Quảng Ninh tới Hoàng Liên Sơn. Cả nước căng thẳng, thắt lưng buộc bụng, chuẩn bị chống trả các cuộc xâm lược. Vào một ngày chủ nhật được nghỉ tôi rủ Hưng (một đồng đội thuộc Lữ đoàn 299 của Quân đoàn 2) được phép ra ngoài bèn rủ nhau sang Cục Hậu cần của Quân đoàn mua kem. Nhưng vì không có giấy ra vào nên chúng tôi đánh liều chui qua lối tự mở phía sau trạm khách T.50. Vừa lọt vào địa phận Quân đoàn liền bị vệ binh tuần tra bắt được giải về đại đội vệ binh gần cổng chính.

Đi ngang qua Cục Chính trị, thấy một cán bộ người tầm thước, khoảng gần 50 tuổi có gương mặt hiền từ gọi lại.

- Này các cậu, hai đồng chí này vi phạm chuyện gì ?

- Báo cáo Thủ trưởng hai đồng chí này chui rào vào cơ quan ạ.

- Hai cậu sao không đi cổng chính mà lại chui rào?

- Báo cáo Thủ trưởng chúng em thèm ăn kem nhưng không được vào cổng chính ạ.

Người cán bộ già thấy vậy, cười:

- Này các đồng chí vệ binh, đưa hai cậu này xuống căng-tin ăn kem và nói là tớ trả tiền. Lần sau không được chui rào nữa nhé.

Hai thằng chúng tôi mừng quá, đã không bị bắt mà còn được ăn kem miễn phí nữa chứ. Tôi chỉ kịp nói:

- Em cảm ơn Thủ trưởng.

lkp2-1628589134.jpg
Đinh Thanh Niên (bên phải), CCB F968 Quân Tình nguyện Nam Lào với Thượng tướng Lê Khả Phiêu.

 

Trên đường xuống căng-tin chúng tôi hỏi mới biết người cán bộ già đó là đồng chí Lê Khả Phiêu, Cục trưởng Cục Chính trị Quân đoàn 2. Với tôi có lẽ những chiếc kem ngày ấy là ngon nhất bởi lẽ nó chứa chan tình người. "Tướng sỹ một lòng phụ tử " sau này trong đời quân ngũ khi đã là sĩ quan dù ở cương vị nào tôi luôn nhớ và học cách hành xử của Thủ trưởng Phiêu để cấp dưới thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ bằng sự nể phục chứ không đơn giản là mệnh lệnh.

Tháng 7/2007, Thủ trưởng Phiêu về Sư đoàn 968 lúc này đóng quân ở Đông Hà, Quảng Trị để dự kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trung đoàn 9 (Ông từng là Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 khi Trung đoàn 9 chưa về đội hình sư đoàn 968). Trước hàng trăm Cựu chiến binh Quân đoàn 2 tôi có nhắc lại chuyện chui rào thuở trước, Thủ trưởng Phiêu cười và nói: Cậu nhớ dai nhỉ.

2. Tháng 5 năm 2007, khi tham gia viết lịch sử Trung đoàn 9, tôi ra trạm 66 của Bộ Quốc phòng 10 ngày. Hàng ngày tôi sang văn phòng của Bác Lê Khả Phiêu ở 64 Phan Đình Phùng để lấy tư liệu. Ông tự tay pha trà và dành cho tôi một cái bàn trong văn phòng của Ông. Ông đưa cho tôi hàng chục quyển sổ nhật ký chiến trường rồi bảo tất cả những gì từ khi tớ làm Tiểu đội trưởng cho đến Chính ủy đều ở trong đó. Việc của cậu, cậu cứ làm, còn việc tớ thì tớ làm. Cần gì thì hỏi nhé.

Ngồi làm việc trong văn phòng của nguyên Tổng Bí thư mà tôi cứ ngỡ mình như là trợ lý của Ông.

lkp3-1628589257.jpg
Hội viên Hội VH-NT Trường Sơn Việt Nam.

 

Khi nói chuyện về Trung đoàn 9 (Trung đoàn Cù Chính Lan), Ông kể có hai kỷ niệm khó phai. Kỷ niệm thứ nhất, đó là khi cấp trên có ý định giải thể trung đoàn 9 sau thất bại ở trận Đồng Hến (Lào). Vào đêm 7/3/1965, khi tấn công địch, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 9 đã bị tổn thất nặng nề, hầu hết cán bộ, chiến sỹ bị thương vong, cả tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó hi sinh. Trận đánh thất bại do nhiều sai lầm: Do nhận định sai, Mặt trận và trung đoàn đã không theo phương châm chỉ đạo của Bộ là đánh địch ngoài công sự mà chọn đánh địch trong công sự. Việc đánh giá thấp, chủ quan khinh địch; chỉ thấy chỗ yếu của chúng nên đã giao nhiệm vụ tác chiến cho tiểu đoàn 3, đủ quân số, sung sức, trang bị nhưng chưa qua chiến đấu và chưa được huấn luyện đánh công kiên. Ngoài ra khi trinh sát, ta đã để lộ ý đồ chiến thuật dẫn đến địch kịp thời bố tăng cường lực lượng, hỏa lực gấp 3 lần ta, tăng cường xe bọc thép, rào thép gai dày đặc và chuẩn bị kế hoạch đối phó, mặt khác chọn hướng tiến công vào đúng nơi địch phòng ngự vững chắc và trên địa hình trống trải…

Với cương vị là Chính ủy Trung đoàn, đồng chí Lê Khả Phiêu đã trực tiếp gặp Quân ủy Trung ương xin giữ lại Trung đoàn. Chỉ trong một thời gian rất ngắn chỉnh huấn, chỉnh quân, Trung đoàn 9 đã trở thành một trong những Trung đoàn xuất sắc của toàn quân. Cuối năm 1965 Trung đoàn được điều vào chiến trường Trị Thiên Huế. Trung đoàn đã liên tục giành được những thắng lợi quan trọng ở La Vang, Mỹ Thủy…đặc biệt trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, Trung đoàn 9 đã cùng với quân và dân Thừa Thiên Huế giải phóng và giữ vững thành phố Huế trong 25 ngày.

Kỷ niệm thứ hai đó là vào năm 1968, sau khi rút khỏi thành phố Huế lên khu vực A Lưới, lúc này cả trung đoàn 9 chỉ còn 3 tạ gạo, số gạo này chỉ đủ nấu cháo cho Thương binh. Nhiều đồng chí ở các đơn vị không chịu nổi phải đi nhổ trộm sắn của dân. Ông dằn lòng kỷ luật anh em và nói với họ rằng: Đồng bào dân tộc thiểu số họ suốt đời đi theo cách mạng, họ đã chịu hy sinh gian khổ nhiều rồi ta là chiến sỹ quân đội dù có chết đói cũng không được lấy của dân. Ngày hôm sau rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số vào đơn vị và đòi gặp bằng được Chính ủy Lê Khả Phiêu. Thay vì kiện bộ đội lấy trộm sắn thì đồng bào lại kiện Chính ủy tại sao lại kỷ luật bộ đội vì rằng "Đồng bào đói còn biết đi tìm rau rừng mà ăn bộ đội chết đói ai thì lấy ai đánh giặc. Sắn đồng bào trồng, bộ đội cứ lấy mà ăn".

Nhắc lại những kỷ niệm với đồng chí, đồng đội của trung đoàn 9 anh hùng, với nhân dân, với các chiến trường mà ông từng gắn bó, tôi thấy nguyên Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu rơm rớm nước mắt.

7/8/2020

Theo  Trái tim người lính

Lê Lợi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-niem-voi-thuong-tuong-le-kha-phieu-a5190.html