Một quyết định ám ảnh

Sau ba ngày đi trinh sát, chúng tôi quay về khu vực tập kết để báo cáo. Nhìn thấy anh Lộc đại đội trưởng Đại đội 2 quấn khăn trắng ngang đầu, tôi hỏi vì sao. Anh Lộc trả lời khi nó bắn súng báo động, anh ấy cố nghển đầu lên nhìn để định vị các hỏa điểm, không may dính một viên xẹt qua đầu, may chỉ là phần mềm.

ttng-linh-1628650567.jpg
Trung tướng: NGUYỄN MẠNH ĐẨU (ảnh trên), nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ Thuật, Bộ quốc phòng

Tôi hội ý với anh Hào trước khi báo cáo tiểu đoàn. Kết quả hướng một tiếp cận ở phía nam, hướng 2 tiếp cận ở phía đông đạt kết quả tốt. Riêng hướng tây, tổ trinh sát của anh Xuân mới vào được hàng rào thứ hai, chưa vào được tận trong cùng trận địa. Vì vậy, khi nghe báo cáo, anh Thị tiểu đoàn trưởng đã yêu cầu cần trinh sát thêm. Anh Hào phân công tôi cùng đi lại hướng tây với anh Xuân một lần nữa mới bảo đảm chắc chắn. Thế là tôi, anh Xuân mũi trưởng mũi 2 và hai trinh sát lại lên đường.

Trong chiến đấu đặc công, việc vào cứ điểm địch để trinh sát (điều nghiên) chẳng khác một trận đánh, nhiều lúc còn căng thẳng hơn. Trong chiến đấu còn có lực lượng và hỏa lực trong tay để tiêu diệt địch. Còn đi trinh sát vào trong đồn địch chỉ có ba, bốn anh em, vũ khí gọn nhẹ, chủ yếu là để tự vệ lúc cần thiết. Và mỗi trận đánh, để đảm bảo chắc thắng, có khi phải vào căn cứ trinh sát nhiều lần. Trong điều kiện địch bố phòng bằng nhiều lớp hàng rào, nhiều bãi mìn các loại, nhiều vọng gác, nhiều lần tuần tra, việc một tổ trinh sát vào tận trung tâm địch, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, dũng cảm và mưu trí.

Tối hôm thứ nhất, sau khi đã qua được hai hàng rào, đến hàng rào thứ ba, giao cho trinh sát cảnh giới, tôi và anh Xuân luồn qua, mới đến giữa hàng rào thì bất ngờ có một tốp lính đi tuần, chúng tôi nằm bất động chờ chúng đi qua để trườn tiếp. Nằm được mấy phút, không hiểu sao, tôi buồn ngủ đến lạ lùng và thiếp đi. Đến khi anh Xuân dùng tay cấu nhẹ, tôi mới giật mình tỉnh giấc, suýt nữa thì bật nên lời. Trong chiến đấu, tôi thường có tật rất buồn ngủ trong 3 trường hợp: Khi ngồi trong hầm nghe pháo bắn cầm canh; khi ngồi phục kích địch; và khi tiềm nhập vào đồn địch. Nói ra có người không tin, nhưng đó là sự thật. Chẳng phải tôi bình tĩnh đến mức đó đâu. Theo tôi, có thể do căng thẳng quá, thần kinh tôi không chịu nổi, đã chùng xuống quá ngưỡng, gây buồn ngủ.

Đêm đó chúng tôi vào được trung tâm trận địa địch rồi quay ra an toàn.

Sau khi trinh sát xong, cả đoàn cán bộ quay về hậu cứ ở A-Lê-Thiêm báo cáo cấp trên và làm các công tác chuẩn bị. Hôm thông qua kế hoạch tác chiến trên sa bàn do anh Chu Phương Đới, Sư đoàn trưởng chủ trì. Tham dự còn có anh Thái Cán, Tham mưu Sư đoàn và cán bộ các cơ quan Quân khu, Sư đoàn, Trung đoàn. Sau khi nghe anh Trần Duy Thị, Tiểu đoàn trưởng báo cáo, các cơ quan thay nhau phát biểu khá sôi nổi.

Trước khi kết luận và giao nhiệm vụ, anh Chu Phương Đới nói :

- Từ sáng đến giờ chúng ta mới chỉ nghe các đồng chí đại diện các cơ quan phát biểu. Tốt thôi. Nhưng đó đều là ý kiến tư vấn của những người không trực tiếp đánh nhau. Bây giờ chúng tôi cần nghe chính kiến của mấy đồng chí cán bộ phân đội – là những người trực tiếp chi huy chiến đấu. Sự thành bại của trận đánh do kết quả thực hành chiến đấu của bộ đội ở cơ sở. Nào, tiểu đoàn 3 đã trình bày rồi, đến lượt cán bộ Đại đội 20 phát biểu đi.

Anh Hào giao tôi phát biểu. Tôi nói là:

- Báo cáo Sư đoàn trưởng Đại đội 20 chúng tôi nhất trí hoàn toàn về phương án tác chiến của toàn tiểu đoàn, do anh Thị tiểu đoàn trưởng trình bày. Riêng ở hướng thứ yếu, chúng tôi đã tiềm nhập vào cả 3 phía của mỏm B, thấy rằng, nếu bộ đội tiềm nhập tốt, khả năng mật tập có thể giành thắng lợi lớn. Còn khi bị lộ mà phải cường tập thì rất khó khăn, vì ở đó có tới 3 lớp hàng rào thép gai và một hàng rào cây đổ. Hơn nữa địa hinh ở ngoài vào rất dốc, hỏa lực địch dễ phát huy tác dụng.

Tôi vừa trình bày xong, anh Chu Phương Đới nói ngay:

- Đồng chí Đẩu nói đúng đấy. Phải mật tập chứ. Cường tập là vạn bất đắc dĩ thôi.

Sau phần thảo luận, Sư đoàn trưởng kết luận giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 3 và Đại đội 20. Theo đó, Tiểu đoàn 3 được tăng cường Đại đội 20 có nhiệm vụ tập kích, đánh tiêu diệt tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, phá hủy toàn bộ trận địa pháo. Phân công nhiệm vụ cụ thể là: Tiểu đoàn 3 đảm nhận hướng chủ yếu đánh vào Sở Chỉ huy, 2 đại đội thủy quân lục chiến Mỹ. Đại đội 20 đảm nhận hướng thứ yếu, đánh vào trận địa pháo và 1 đại đội thủy quân lục chiến Mỹ.

Anh Chu Phương Đới, dân tộc Tày, quê ở xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, có 8 năm liền làm Sư đoàn trưởng sư đoàn 324 trong kháng chiến chống Mỹ. Sau này anh là Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (BTL 678). Năm 2006, anh Đới từ Cao Bằng về điều trị ở Viện Y học dân tộc quân đội ở Hà Nội, biết tin tôi đến thăm, anh em ôn lại thời kỳ chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên ác liệt, khó khăn.

Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi tổ chức hội nghị quân nhân, họp chi ủy, chi bộ để quán triệt và bàn biện pháp triển khai thực hiện cụ thể. Ngoài việc thảo luận trên sa bàn, chúng tôi còn làm thao trường mô phỏng, có hàng rào, lô cốt, chiến hào, trận địa pháo để luyện tập. Khí thế đơn vị hăng hái lắm. Anh em tin tưởng và có quyết tâm cao. Trận này, do anh Dung bị sốt cao, đi tiểu ra máu, anh Chúng bị tái phát vết thương ở đầu gối, vì còn mảnh đạn, nên không tham gia được. Bởi thế, trong Ban chỉ huy đã phân công: Anh Hào, đại đội trưởng đi cùng Mũi 1 do anh Ba làm mũi trưởng đánh vào hướng nam. Tôi với cương vị phụ trách chính trị viên đại đội đi với Mũi 2 do anh Xuân làm mũi trưởng đánh vào hướng tây. Còn hướng đông do anh Nhụy mũi trưởng cùng anh Ngãi mũi phó Mũi 4 chỉ huy, không có cán bộ đại đội đi cùng.

3 giờ chiều ngày 16 tháng 6 năm 1969, chúng tôi xuất phát từ hậu cứ hành quân vào chân động Ta Tách, cùng đi còn có anh Nguyễn Văn Thuận, quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh, chủ nhiệm trinh sát Trung đoàn. Đến 6 giờ tối, khi đã qua thung lũng A Sầu, bộ phận đi đầu vướng mìn nổ, 3 người hy sinh tại chỗ gồm: anh Thuận chủ nhiệm trinh sát, anh Ba mũi trưởng Mũi 1 quê ở xã Đức Phong, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và một chiến sĩ. Cậu Nguyễn Văn Lợi quê ở nhà số 10, Ngô Gia Tự, thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh bị thương nặng khiêng được một quãng ngắn thì hy sinh. Đây là một tổn thất khi chưa bước vào chiến đấu. Sau khi an táng cho anh em xong, chúng tôi giao cho anh Thỏa mũi phó thay thế anh Ba chỉ huy Mũi 1. Cả đại đội tiếp tục đi vào vị trí tập kết và chuẩn bị mọi mặt theo kế hoạch chiến đấu.

7 giờ tối ngày 17 tháng 6 năm 1969, rời vị trí tập kết, tôi cùng Mũi 2 bắt đầu tiềm nhập vào phía đồn địch. Lực lượng Mũi 2 có anh Trần Viết Xuân mũi trưởng, anh Nguyễn Quốc Việt mũi phó và 3 tổ, mỗi tổ có 5 người. Đến 8 giờ tối cả Mũi 2 đã đến mép ngoài hàng rào cây đổ. 12 giờ30 đêm chúng tôi đã luồn qua hàng rào thứ nhất. Theo kế hoạch là tất cả các mũi trong toàn tiểu đoàn sẽ nổ súng vào lúc 1giờ30 phút sáng. Hiệu lệnh nổ súng là quả bộc phá của Đại đội 2 đánh vào sở chi huy tiểu đoàn địch. Nhưng bất ngờ lúc 1 giờ 5 phút, tôi nghe tiếng súng nổ giòn giã ở phía đại đội 2. Anh Xuân nói nhỏ với tôi, chắc là hướng chủ yếu bị lộ mất rồi anh ạ. Tôi bảo, hãy dừng lại, bình tĩnh nghe ngóng xem sao. Độ 10 phút sau, một tiếng nổ rất to ở trung tâm, chắc đó là quả bộc phá lệnh. Cùng lúc tiếng B40, B41, tiếng bộc phá của bộ đội ta nổ rền cả ở mỏm A và mỏm B. Tất cả các hỏa điểm trong mỏm B đồn địch đồng loạt nhả đạn ra phía chúng tôi. Cối 81 ly, súng phóng lựu M79, ĐKZ, súng chống tăng của địch bắn cấp tập ra ngoài hàng rào. Lúc này yếu tố bí mật không còn nữa. Máy thông tin 2 oát bị hỏng, không liên lạc được với tiểu đoàn. Tình huống lúc này buộc chúng tôi phải chọn lựa một trong hai cách: Hoặc là, cường tập vượt qua hàng rào trong cùng, rồi tiến đánh các mục tiêu theo phân công. Nhưng khoảng cách tới được mục tiêu còn khá xa, địa hình dốc, lại còn phải băng qua 2 lớp hàng rào, bãi mìn, dưới làn đạn dày đặc của địch, thương vong sẽ nhiều, khả năng tiến sát để đánh địch là rất khó. Hoặc là, nhanh chóng tổ chức bắn yểm trợ và cho anh em rút ra ngoài. Kinh nghiệm cho thấy, trong tình huống này, người chỉ huy phải quyết đoán nhanh, dứt khoát. Nếu ngập ngừng hoặc phủ phục tại chỗ để chờ cơ hội là rất nguy hiểm. Anh Xuân nói nhanh với tôi: “ Xin anh cho dùng hai khẩu B41 phóng mấy quả vào mấy hỏa điểm để anh em rút ra”. Tôi cho rằng, không còn cách gì khác, lao lên cường tập thì cũng không đánh chiếm được mục tiêu, mà sẽ thương vong hết. Thôi đành vậy. Tôi đồng ý với đề nghị của anh Xuân. Đây là một quyết định ám ảnh cả đời tôi. Là người chủ trì cao nhất lúc đó, tôi dám chịu trách nhiệm và sẵn sàng nhận kỷ luật của cấp trên về quyết định của mình. Có thể, có người cho là quyết định rút lui trong trường hợp đó là do dao động ý chí chiến đấu. Sợ chết ư? Đúng! làm người ai mà chẳng sợ chết. Song, một khi đã ý thức được chết cho ai, vì cái gì, đem lại cái gì, thì con người ta lại sẵn sàng đón nhận cái chết về mình một cách thanh thản. Thực ra, đã vào chiến trường bao nhiêu năm, chiến đấu bao nhiêu trận rồi, thì coi việc vào sinh ra tử như một lẽ tự nhiên. Nhưng, bao giờ cũng vậy, lòng quả cảm không đồng nghĩa với sự liều lĩnh. Gần hai chục mạng người lao vào chắc chắn là hy sinh cả, mà cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì, thậm chí chẳng diệt nổi một tên địch.

Nhiều năm sau này, tôi về Thái Bình họp mặt một số lần với anh em cùng Đại đội 20 đặc công thuở đó: Tạ Ngọc Dũng quê ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; Trần Quang Bình quê ở xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; Bùi Văn Tường và Bùi Văn Ký quê ở xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; Lê Văn Thảo quê ở Phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa; Nguyễn Viết Hiền quê ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; Mai Sĩ Thanh quê ở thành phố Thanh Hóa; Nguyễn Văn Tiên quê ở xã Tây Phong, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; Trần Văn Tảo quê ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Nguyễn Văn Quân quê ở xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình,…Mọi người nay đã trên dưới sáu mươi tuổi, thành ông nội, ông ngọai cả rồi. Anh em đều nói với tôi : “ Đêm hôm đó nếu anh không ra lệnh bắn yểm trợ và rút ra ngay, mà cứ đánh thốc vào hoặc lừng khừng, ngập ngừng ở giữa các lớp rào thì rồi cũng chẳng giải quyết được gì. Điều chắc chắn là toàn bộ anh em chúng ta sẽ chết hết như Mũi 4 của anh Nhụy cả rồi”. Nghe xong, tôi chẳng nói gì, lòng ngậm ngùi nhớ về gương mặt phúc hậu của anh Cao Hồng Nhụy và những anh em Mũi 4 thuộc Đại đội 20 đặc công ngày đó.

Sau khi ra khỏi hàng rào cuối cùng, pháo địch bắn phá dữ dội xung quanh cao điểm. Điều đặc biệt là, ở bên ngoài hàng rào độ 100 mét, địch đã đặt sẵn nhiều thùng chất độc hóa học. Khi pháo bắn trúng vào đó, chất độc bung ra trở thành một hàng rào chất độc. Mọi người bị cay sặc. Chúng tôi phải cởi áo ra, lấy nước tiểu của mình thấm vào và đặt lên mũi để vượt qua khu vực chất độc mờ mịt, ngột ngạt. Không biết sau này trong số đó có ai bị nhiễm chất độc hóa học của Mỹ hay không.

Khi chúng tôi về đến vị trí tập kết, thì Mũi 1 do anh Hào chỉ huy cũng vừa về. Tôi báo cáo với anh Hào, thì anh Hào nói bên đó tình hình cũng giống như hướng chúng tôi. Chờ đến trưa không thấy Mũi 4 của anh Nhụy trở về, chúng tôi bắt đầu lo lắng. Trước khi đưa anh em về hậu cứ, tôi và anh Hào trèo lên đài quan sát để nhìn lại vào trong căn cứ địch. Qua ống nhòm, chúng tôi thấy trong đó nhiều nơi vẫn còn khói lửa âm ỷ cháy. Một chiếc trực thăng đang nổ máy tại chỗ, lố nhố mấy tên Mỹ đang áp giải một số chiến sỹ ta (chắc là đã bị thương) bị địch bắt đưa lên máy bay. Chúng tôi nhận định là, Mũi 4 đánh vào bị mắc kẹt trong căn cứ, hy sinh gần hết, còn một ít bị thương rồi bị địch bắt. Thương xót anh em vô cùng mà chẳng biết làm sao.

Hôm sau, tôi hỏi lại anh Lộc đại đội trưởng Đại đội 2 – mũi chủ yếu, tại sao ở phía bên này, chúng tôi nghe súng nổ khoảng 10 phút rồi bộc phá lệnh mới nổ và kết quả ở hướng chủ yếu thế nào. Anh Lộc cho biết là, khi đang tiềm nhập qua hàng rào cuối cùng, thì bất thần các loại súng trong đồn bắn ra rất mạnh, tổ mũi nhọn 3 người hy sinh hết, chi ủy Đại đội 2 trao đổi chớp nhoáng với nhau là địch bắn báo động theo qui luật chứ không phải bị lộ, và cử người khác thay thế tổ mũi nhọn để tiếp cận vào đánh. Khi cả mũi đã lọt qua hàng rào, thì bất ngờ một tốp lính Mỹ đi tuần. Anh Lộc cho anh em dùng AK bắn liền mấy loạt. Mấy tên Mỹ chết gục tại chỗ, số còn lại chạy thục mạng vào trong. Mấy phút sau, tổ mũi nhọn mới lao lên đánh vào hầm chỉ huy và các mục tiêu lân cận. Do bị thương vong cả khi tiềm nhập và cả khi đánh vào trong, mũi chủ yếu không đủ lực lượng đánh tiếp, đành phải rút. Anh Lộc mặc dù đã bị thương vào chân, vẫn cố dìu được thương binh khác đưa ra ngoài. Ở các hướng khác đều phát triển không thuận lợi.

(Trích Hồi ký " Những nẻo đường thời gian ", Nhà Xuất bản QĐND, năm 2010)

Theo Trái tim người lính

P/s : Lời tựa bài do biên tập viên ghi

 

***

Đọc thêm tin chuyên sâu về Hội nhập Văn hóa & Phát triên - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/

Thành Đô

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mot-quyet-dinh-am-anh-a5215.html