Là địa phương có đông công dân sinh sống, làm việc ngoại tỉnh, khoảng hơn 8.760 người, những ngày qua, cùng với tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đón trên 2.000 công dân trở về, huyện Yên Lạc đã triển khai nhiều hoạt động hướng đến những công dân ở lại thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam khi thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc “ai ở đâu ở yên đó”.
Ông Nguyễn Khoa Văn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Lạc cho biết, qua rà soát, huyện có hơn 6.000 công dân đang sinh sống ở các tỉnh, thành phía Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hầu hết các công dân đều làm nghề tự do, cuộc sống còn nhiều khó khăn và mong muốn được nhận hỗ trợ. Để kịp thời hỗ trợ các đối tượng này, Huyện ủy Yên Lạc đã ban hành Thông báo số 300-TB/HU về phát động đợt vận động ủng hộ người dân Yên Lạc đang lao động, học tập tại thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam. Đồng thời, lên phương án vận động chuyển các nhu yếu phẩm, tiền mặt đến các công dân một cách nhanh nhất.
Theo ông Văn, ngay tại lễ phát động, huyện Yên Lạc đã quyên góp, ủng hộ được hơn 2,4 tỷ đồng, 20 tấn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm khác để gửi tới công dân Yên Lạc đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh: "Lan tỏa chương trình này, huyện Yên Lạc sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ cho các đối tượng này, đồng thời rà soát, lập danh sách các đối tượng trong diện được hỗ trợ, xây dựng phương án hỗ trợ, bảo đảm công khai, kịp thời, chính xác, đúng đối tượng".
Còn tại huyện Vĩnh Tường, chương trình vận động ủng hộ người dân địa phương đang sinh sống, làm việc ở các vùng dịch gặp khó khăn tiếp tục lan tỏa. Đặc biệt, với số tiền trên 3 tỷ đồng và 23 tấn gạo tiếp nhận được tại lễ phát động ngày 6/8, Ủy ban MTTQ huyện đã tiến hành rà soát các đối tượng và ngay trong ngày 7/8, đã bước đầu tiến hành cấp phát gạo đến tận tay người dân huyện Vĩnh Tường đang lao động, học tập tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do dịch Covid – 19.
Cảm thấy ấm lòng khi nhận được 4 suất quà là 80kg gạo từ người dân Vĩnh Tường gửi vào, chị Lê Thị Hạnh sinh sống ở quận 12, thành phố Hồ Chí Minh xúc động cho biết, gia đình chị rời xã An Tường vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp ngót 10 năm. Dịch Covid-19 kéo dài khiến cuộc sống mưu sinh của người người dân, nhất là những lao động ngoại tỉnh làm nghề tự do như vợ chồng chị càng thêm khó khăn vất vả. "Trong lúc khó khăn, được nhận những bao gao này, chúng tôi mừng lắm, ít nhất cũng không lo thiếu gạo trong 2 tháng tới. Đặc biệt, chúng tôi cảm nhận rõ hơn tình cảm ấm áp, sự quan tâm, chăm lo của các lãnh đạo tỉnh, sự quan tâm, đùm bọc của nhân dân Vĩnh Phúc với con em xa quê. Đây là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, sát cánh cùng chính quyền và người dân sở tại chiến thắng dịch bệnh." - chị Hạnh xúc động nói.
Vui mừng khi nhận được 60kg gạo nghĩa tình của quê hương, anh Lê Văn Quế, quê xã An Tường đang sinh sống tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Vợ chồng tôi làm nghề thu mua sắt vụn. Từ khi thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, cuộc sống của gia đình càng khó khăn hơn. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của chúng tôi, cả tháng nay không có việc làm nên gạo trong nhà đã cạn, nay được hỗ trợ gạo, chúng tôi hết sức phấn khởi".
Theo ông Văn Đăng Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện Vĩnh Tường, toàn huyện có 5.000 công dân sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố phía Nam. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc “ai ở đâu ở yên đó”, hơn 4.000 công dân của huyện đã ở lại, trong đó có khoảng gần 2.000 trường hợp đang gặp nhiều khó khăn do các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nỗ lực chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người dân, đến nay, Vĩnh Tường chuyển xong 23 tấn gạo đến người dân và trong 3 - 5 ngày tới tiếp tục chuyển 20 tấn gạo tới những người còn lại.
Theo thống kê, Vĩnh Phúc có gần 15.000 công dân đang sinh sống, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để đón các công dân có nguyện vọng trở về quê an toàn. Còn trong thời gian gần đây, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc “ai ở đâu ở yên đó”, hơn 1 vạn công dân Vĩnh Phúc sinh sống và làm việc tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đành tạm gác lại ước mong trở về quê nhà.
Trong hoàn cảnh ấy, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã gửi thư kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc trên địa bàn cả nước cùng lời nhắn “Vĩnh Phúc không bỏ rơi một ai”! gây xúc động mạnh trong nhân dân và trở thành động lực to lớn để các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân Vĩnh Phúc đang sinh sống, làm việc ở mọi miền tổ quốc vượt qua mọi khó khăn, chung sức đồng lòng đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh. Đặc biệt, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã hiện thực hóa quyết tâm này bằng nhiều chương trình, hành động thiết thực hướng tới người dân Vĩnh Phúc đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, mỗi đồng chí đã gửi ủng hộ mỗi huyện, thành phố trong tỉnh 1 tấn gạo để sớm gửi đến người dân Vĩnh Phúc đang gặp khó khăn tại các vùng dịch. Từ ngày 6/8 đến nay, 3 địa phương là Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch đã phát động ủng hộ công dân vùng dịch gặp khó khăn. Trong ngày 12/8/2021, thành phố Vĩnh Yên sẽ tổ chức phát động và các huyện Tam Dương, Sông Lô, Bình Xuyên sẽ phát động trong tuần tới. Lan tỏa tấm lòng tương thân, tương ái, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đã tích cực quyên góp, ủng hộ cho các công dân của Vĩnh Phúc đang sinh sống tại các tỉnh phía Nam.
Sự chia sẻ của người dân Vĩnh Phúc với đồng bào trong cơn hoạn nạn này tuy chưa giải quyết hết được những khó khăn mà họ đang gặp phải nhưng những bao gạo, số tiền nghĩa tình được chuyển kịp thời đến các công dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp thực sự đã làm ấm lòng những người con xa quê, là sợi dây kết nối, thắt chặt thêm tình cảm của họ với nơi chôn rau cắt rốn.
Thanh Nga
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-khong-bo-ai-o-lai-phia-sau-a5222.html