Âm nhạc xoa dịu những mệt mỏi, âu lo

Có lẽ chưa khi nào, kể từ 2 cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20, âm nhạc Việt Nam có một vai trò cụ thể và mạnh mẽ như những ngày này, giai đoạn có thể coi là lịch sử khi chúng ta đang chống chọi với dịch bệnh Covid-19.

Đã gần 2 năm kể từ khi thế giới đương đầu với đại dịch Covid-19. Chúng ta dần quen với những khoảng cách, người giãn cách với người, nhà giãn cách với nhà; những khu dân cư, những thành phố biệt lập... Vaccine, tiêm chủng, thuốc điều trị trở thành  những câu chuyện nóng mỗi ngày. Nhưng, sự ngăn cách về vật lý không thể ngăn những tâm hồn đồng điệu, chia sẻ kết nối nhau thông qua nghệ thuật, âm nhạc. Âm nhạc vẫn vang lên khắp nơi như một liều thuốc an ủi tinh thần xã hội trong cơn đại dịch.

Hòa nhạc trực tuyến: Chia sẻ để gần nhau hơn

Ở nước ta thời gian qua, chẳng ai bảo ai, từ những nghệ sĩ ở các nhà hát thuộc Chính phủ đến những nghệ sĩ tự do đều cất lên tiếng hát, đem tài năng của mình đóng góp vào công tác phòng chống dịch. Có lẽ nhiều người cảm thấy xúc động khi chứng kiến hình ảnh nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, với chiếc khẩu trang "đặc biệt" che kín nửa mặt, đục một lỗ ở miệng, say sưa thổi kèn tại sân bệnh viện dã chiến ở thành phố Thủ Đức. Càng ấn tượng hơn khi Trần Mạnh Tuấn chia sẻ rằng, bản thân anh mắc nhiều bệnh nền nhưng "khi Tổ quốc cần thì tôi sẵn sàng lên đường".

"Trần Mạnh Tuấn là người may mắn được biểu diễn ở rất nhiều sân khấu lớn nhỏ, nhưng khi biểu diễn ở bệnh viện dã chiến vào ngày 24/7 vừa rồi đã mang lại cho Trần Mạnh Tuấn cảm xúc rất đặc biệt", nghệ sĩ saxophone tâm sự trong chương trình hòa nhạc Chia sẻ để gần nhau hơn.

"Bắt đầu từ ý tưởng của các bạn Nhà văn hóa Thanh niên, khi được mời ban đầu Trần Mạnh Tuấn cũng có chút băn khoăn vì bản thân là người mắc bệnh nền khá nhiều. Nhưng bằng trách nhiệm của người nghệ sĩ, Trần Mạnh Tuấn quyết định tham gia chương trình này và đã nhận được rất nhiều sự cỗ vũ của các y bác sỹ, nhân viên y tế, đặc biệt là các bệnh nhân. Có lẽ mọi người đều đồng cảm với cảm xúc của các nghệ sỹ, cảm xúc của Trần Mạnh Tuấn nên đã đón nhận rất nồng nhiệt như vậy".

Cũng trong chương trình "Chia sẻ để gần nhau hơn" lên sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia tối 8/8, chúng ta cũng được nghe tâm tư và đóng góp nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ khác. Đó là nhiếp ảnh gia Minh Hòa đi tìm một "Sài Gòn vắng lặng, bình yên trong cơn đại dịch". Những bức ảnh này khiến người ta nhận ra rằng, Sài Gòn dù "bị ốm" nhưng vẫn mang một vẻ đẹp riêng, mang tính lịch sử đáng để lưu lại cho các thế hệ mai sau. Chúng ta cũng được chứng kiến gia đình diva Thanh Lam sát cạnh bên nhau, con đàn mẹ hát. Và cả tiếng hát da diết của ca sỹ Đoan Trang cùng con gái trong ca khúc nói thay tâm sự của người mẹ bác sỹ gửi con ở nhà.

Lắng nghe những bản nhạc ấy, chúng ta sẽ tạm quên đi những con số bao nhiêu ca mắc bệnh, bao nhiêu người tử vong... để được thả hồn mình vào cảm xúc đẹp mà các nghệ sỹ mang đến. Đó cũng là mong muốn của ê-kíp, khi thực hiện liên tiếp 2 chương trình hòa nhạc trực tuyến trong 2 tháng để đem lại những cảm xúc lạc quan, yêu đời cho tất cả.

"Trong 1 năm rưỡi vừa qua, tâm trạng của mọi người trong tất cả các lĩnh vực đều rất căng thẳng". MC Vũ Anh Tuấn, đạo diễn chương trình Chia sẻ để gần nhau hơn nói. "Cấp cao sẽ có những điều vĩ mô phải lo, còn người dân thì cũng có cuộc sống thường ngày để căng thẳng. Hiện giờ quan trọng nhất là phải giữ tinh thần. Nếu chúng ta để cho tinh thần đi xuống, không có sự lạc quan thì tất cả đều là một màu đen tối. Nhưng nếu chúng ta có tinh thần lạc quan thì sẽ cất tiếng hát được ngay, cảm thấy yêu đời. Khi đó não bộ chúng ta sẽ sản sinh ra nhiều nơ-ron để giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn trong kinh doanh, trong cuộc sống".

Và còn rất nhiều những chương trình âm nhạc trực tuyến diễn ra ở khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Như chương trình của nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân tổ chức trực tuyến vào tối 8/8 là một ví dụ khác. "Với mong muốn đóng góp về mặt tinh thần cho công tác phòng chống dịch của Chính phủ, Xuân và ê-kíp kết hợp với các nghệ sĩ 2 miền Bắc – Nam tổ chức buổi hòa nhạc online này, dưới sự ủng hộ của Đại sứ quán Romania tại Việt Nam", nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân cho biết. "Chúng mình mong muốn thông qua hoạt động âm nhạc ý nghĩa này sẽ góp một phần công sức nhỏ bé trong cuộc chiến khó khăn của đất nước, hy vọng xoa dịu những tâm hồn mệt mỏi bằng âm nhạc thuần khiết, giúp mọi người có thể vững tâm vượt qua đại dịch”.

Các ca khúc viral cổ vũ tinh thần chống dịch

Không chỉ biểu diễn trực tuyến, các nghệ sĩ còn tung ra các sản phẩm âm nhạc để cổ vũ tuyến đầu chống dịch. Ca khúc "Covid nhanh đi đi" của K-ICM ra đời hôm 5/8 nhanh chóng tạo nên cơn sốt trên các mạng xã hội Tiktok, Youtube với lời ca và giai điệu vui vẻ, sôi động như: "Trái đất tôi yêu màu xanh yêu màu xanh xoay vòng quanh mặt trời/ Covid sẽ đi thật nhanh trong tình yêu tinh thần luôn rạng ngời/ Áo trắng xin mạnh mẽ lên, kiên cường thêm qua hằng đêm/ Vì mọi người vẫn luôn trao niềm tin lên đôi vai suốt bao ngày".

Một ca khúc khác cũng được nhiều người yêu thích là "Sài Gòn sống như tia nắng mặt trời" của ca sĩ Đình Bảo. Những ca từ trong ca khúc như vẽ nên một Sài Gòn ấm áp tình người: "Về đây ta trao yêu thương thật gần/ Người thành phố vẫn sống chân thành/ Đổi những ưu tư bằng tiếng cười/ Tìm thấy nhau trong niềm đau". Hơn 40 nghệ sĩ đã tham gia thực hiện ca khúc không lấy cát-xê, ai cũng mong đóng góp cho thành phố yêu thương của họ.

Đại diện ê-kíp, hoa hậu H'Hen Niê chia sẻ: “Hen cùng các anh chị em nghệ sĩ mong rằng, ca khúc này sẽ là một lời động viên, tri ân, một cái ôm ấm áp gửi đến tất cả mọi nhà. Và trên hết là một lời cảm ơn sâu sắc gửi đến tất cả các y bác sỹ, các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, những tổ chức thiện nguyện, những bàn tay đã cùng nhau giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn vất vả với một niềm tin: chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch với sự đoàn kết và tình yêu thương”.

“Hãy giữ vững tinh thần lạc quan, giữ sức khỏe và chấp hành các chỉ thị điều phối của Chính phủ; chung tay với mục tiêu hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Giữ gìn sức khỏe bản thân mình cũng chính là bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng. Việt Nam chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch”.

Vĩ thanh

Trong lịch sử âm nhạc thế giới, rất nhiều ca khúc đã xuất hiện với vai trò hàn gắn xã hội sau mỗi cơn khủng hoảng. "Vua nhạc Pop" Michael Jackson sẽ được nhớ mãi với 2 ca khúc "Heal the world" và "We are the World" nhằm kêu gọi chấm dứt chiến tranh, chống nạn đói và săn bắt thú quí hiếm. "Imagine" của John Lennon cũng là một ca khúc hòa bình nổi tiếng khác vừa vang lên tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 nhằm kêu gọi con người sống nhân ái với nhau hơn. Sau những cơn địa chấn như sóng thần ở Nhật Bản, Thái Lan... luôn có những ca khúc ra đời để động viên tinh thần xã hội.

Archimedes từng nói rằng, chỉ cần cho ông một điểm tựa, ông có thể nâng được cả trái đất. Trong những thời khắc khó khăn, gian nan, một tiếng hát yêu đời cất lên sẽ đem đến sức mạnh tinh thần, thắp sáng lòng tin, xua đi không khí u ám. Những bài hát, chương trình nghệ thuật ra đời thời gian qua không nằm ngoài mục đích này. Đó mới là ý nghĩa đích thực của âm nhạc.

Anh Tuấn/VOV2

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/am-nhac-xoa-diu-nhung-met-moi-au-lo-a5225.html