Kỳ 49
Nổi bật trong khoa học xã hội là thành tựu nghiên cứu và giảng dạy lịch sử. Hồ Chí Minh là người đặt nền tảng cho nền sử học Việt Nam hiện đại. Sau cách mạng tháng Tám, ngành sử học Việt Nam phát triển rực rỡ với tên tuổi của các nhà sử học tài năng, xuất sắc như Giáo sư Viện sĩ Trần Huy Liệu, Giáo sư Trần Văn Giàu, Minh Tranh, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Văn Tân, Nguyễn Đổng Chi, Hoa Bằng, Chiêm Tế, Chu Thiên, Tôn Quang Phiệt, Trần Đức Thảo, Lương Ninh , Vũ Dương Ninh, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Trịnh Nhu, Phan Đại Doãn, Phạm Việt Trung, Nguyễn Lương Bích, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hồng Phong, Phan Hữu Dật, Vương Hoàng Tuyên, Hồ Gia Hường, Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Kính Chi, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Từ Chi, Cao Văn Lượng , Lê Mậu Hãn . v. v. Những tác phẩm quan trọng của nền sử học Việt Nam đương đại “Sơ thảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam” (1954 ), “Tài liệu tham khảo cách mạng cận đại Việt Nam” gồm 12 tập, bộ sách “Lịch sử 80 năm chống Pháp” do Trần Huy Liệu chủ biên và trước tác. Giáo sư Trần Văn Giàu đã trước tác 150 công trình với hàng vạn trang viết có chất lượng khoa học sâu sắc và uyên thâm như các bộ sách “Miền Nam giữ vững thành đồng” gồm 5 tập nêu lên chủ nghĩa anh hùng, ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam chống ngoại xâm. “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cáh mạng tháng Tám” gồm 3 tập là bộ sách đồ sộ. Bộ sách “Giai cấp công nhân Việt nam” là bộ sách chuyên đề của ông đã mở đàu cho việc nghiên cứu giai cấp công nhân nước ta. “Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông” của Giáo sư Hà Văn Tấn -Phạm Thị Tâm , “Khới nghĩa Lam Sơn” của Giáo sư Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn đã khôi phục tương đối chân xác những cuộc kháng chiến của dân tộc ta thời kỳ trung đại. Hàng nghìn giáo trình lịch sử Việt Nam và thế giới được biên soạn ở các Trường đại học, hàng trăm tác phẩm khoa học khác đã được xuất bản hay đăng tải trên các tạp chí của các nhà sử học, dân tộc học, khảo cổ học đã đưa sử học nước nhà lên bước phát triển chưa trong có. Sử học cùng với các môn dân tộc học, khảo cổ học đã giải quyết được vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, vấn đề xã hội chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam, trong đó liên quan đến nhà nước Văn Lang và Âu Lạc, vấn đề ruộng đất và nông dân trong lịch sử, phong trào nông dân Tây Sơn, truyền thống dân tộc và chủ nghĩa anh hùng trong lịch sử, sự hình thành chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam, vấn đề thành phần tộc người trong dân tộc quốc gia Việt Nam. Các nhà sử học cũng đã biên soạn, giới thiệu lịch sử thế giới để nhân dân ta học tập và hiểu biết lịch sử nhân loại, một trong những cầu nối giữa nước ta với thế giới bên ngoài. Các bộ “Lịch sử Quốc hội Việt Nam”, “Lịch sử Chính phủ Việt Nam” cũng đã được Giáo sư Lê Mậu Hãn chủ trì biên soạn ghi nhận sự phát triển của ngành lập pháp và hành pháp Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Giới sử học Việt Nam cũng đã biên dịch, công bố nhiều công trình lịch sử của các triều đại phong kiến từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ như “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Hậu Lê, tiểu thuyết lịch sử “Hoàng lê nhất thống chí” của Ngô Gia Văn Phái , “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú , Các bộ lịch sử triều Nguyễn như “Đại Nam Nhất thống chí “, “Lịch sử thông giám cương mục” và nhiều tài liệu tác phẩm sử học khác, góp phần to lớn vào việc học tập nghiên cứu lịch sử nước nhà .
Từ sau năm 1945, triết học Mác Lê nin trở thành tư tưởng chính trị chủ đạo của nhà nước Việt Nam, của xã hội Việt Nam. Từ nguồn gốc chủ nghĩa Mác- Lê nin kết hợp với những tư tưởng truyền thống tiến bộ của Việt Nam ra đời tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là thành quả lớn nhất của tư tưởng Việt Nam thời kỳ hiện đại. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu tư tưởng và triết học Mác-Lênin được đẩy mạnh. Trần Văn Giàu với các tác phẩm “Vũ trụ quan”, “Biện chứng pháp”, “Duy vật lịch sử” và bộ sách đồ sộ của ông “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám” gồm ba tập nêu lên lịch sử tư tưởng Việt Nam và những giá trị truyền thống dân tộc. Các nhà nghiên cứu triết học lỗi lạc khác như Giản Chi, Nguyễn Hữu Văn, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Khắc Viện. v. v . Các nhà triết học tư tưởng nước ta đã làm rõ vấn đề “Vũ trụ luận”, “Tri thức luận”, “Nhân sinh luận” và “Chính trị luận”. Các nhà nghiên cứu cũng đã đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học nhân văn. Trên cơ sở chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học quân sự Việt Nam hiện đại được hình thành, phát triển và được vận dụng thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong đó, không chỉ hoàn thiện và phát triển cao độ lý thuyết quân sự chiến tranh nhân dân mà còn sản sinh ra nhà quân sự thiên tài Hồ Chí Minh và các tướng lĩnh tài năng kiệt xuất như Võ nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh, Lê Duẩn. Các ông không chỉ là những nhà cách mạng lỗi lạc mà còn là những nhà quân sự tài ba, đã vận dụng tài giỏi lý luận chiến tranh nhân dân để chiến thắng những đế quốc hùng mạnh nhất trong thời kỳ hiện đại là Pháp và Mỹ. Trong số học trò của Hồ chí Minh nổi bật lên Võ Nguyên Giáp. Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã phát triển bổ sung thêm về lý luận và nâng khoa học quân sự Việt Nam lên một đỉnh cao huy hoàng. “Võ Nguyên Giáp không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ XX và một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại” (Cecilcurryy-nhà sử học Mỹ, trong cuốn Vichtory at anycost- Báo tuổi trẻ 25-4-2004).
Cuộc sống và chiến tranh đòi hỏi phải phát triển y học để phục vụ nhân dân và quân đội. Y học Việt Nam hiện đại kết hợp giữa y học Đông y cổ truyền với Tây y hiện đại. Đã xây dựng được một nền y học với những nhà khoa học tài năng, tận tuỵ với sự nghiệp và với nhân dân, đầy lòng nhân ái, y đức. Tiêu biểu là các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Bách, Nguyễn Tài Thu. v. v. Tôn Thất Tùng (1912-1982 ) là người có công lao nghiên cứu cơ cấu mạch trong gan, người đầu tiên cắt gan có kế hoạch, góp phần xây dựng ngành phẫu thuật gan thế giới. Tác phẩm “Viêm cấp tính và phẫu thuật” của ông là tác phẩm khoa học về y đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam. Đặng Văn Ngữ (1910-1967) là người có công xây dựng bộ môn sinh vật học và ký sinh trùng, sản xuất nước lọc Pênixilin, nước lọc Xteptômixin. Phạm Ngọc Thạch (1909-1968) có công lao phòng chống lao, chế tạo thuốc kháng sinh rẻ tiền, sản xuất thuốc phòng bại liệt. Ông là nhà Tây y nhưng lại đề cao Nam dược. Trong kỹ thuật, đã sản sinh ra những nhà sáng chế vũ khí như Trần Đại Nghĩa. Tiêu biểu cho các nhà khoa học xuất sắc như nhà nông học Lương Định Của, nhà vật lý Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Đình Tứ, Nhà toán học Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Văn Thiêm, Nhà giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu v. v.
Sau cách mạng và đặc biệt từ khi đổi mới, Việt Nam đã tiếp nhận thành quả cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, Chúng ta đã ứng dụng tin học vào tất cả các lĩnh vực, ứng dụng thành tựu thông tin liên lạc. Có thể nói cuối thế kỷ XX, Việt Nam đã bùng nổ thông tin trên nền Internet, phương tiện điện thoại di động và điện thoại cố định, phát thanh và đặc biệt là vô tuyến truyền hình. Năm 2007 trên toàn quốc, VNPT đạt 27,8 triệu máy thuê bao, trong đó có 19 triệu thuê bao di động. Năm 2007, VNPT đã phát triển mới được 514.000 thuê bao internet bằng máy megaVNN, nâng tổng số thuê bao VegaNN đến 740.000 máy. Việt Nam cũng đã áp dụng cách mạng xanh vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo nên những giống lúa mới, vi sinh, phân hoá học. Đã ứng dụng công nghệ mới vào giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, vận tải đường thuỷ. Cơ sở hạ tầng đô thị được xây dựng mở mang phồn vinh sầm uất. Nhiều thị trấn phát triển thành thị xã, nhiều thị xã phát triển lên thành phố. Trước đổi mới chỉ có thành phố Hà Nội, Hải phòng, Thái Nguyên, Việt Trì, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hoà, thành phố Hồ Chí Minh, Mỹ Tho và Cần thơ. Sau đổi mới cho đến nay, nhiều thị xã phát triển thành thành phố. Đó là các thành phố Lào Cai, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Yên, Hạ Long, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Tuy Hoà, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên, Cao Lãnh, Bạc Liêu, Cà Mâu, Rạch Giá. Nhiều đường sá mới được xây, những đường sá cũ được nâng cấp và mở rộng. Trong đó lớn nhất là đường Trường Sơn được mở rộng thành đường cao tốc từ Nam ra Bắc. Nhiều cầu mới đựơc bắc qua những con sông lớn như cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Tân Đệ, cầu Bãi Cháy, cầu Thanh Trì, cầu Hàm Long qua sông Mã, cầu Bến Thuỷ, cầu Nguyễn Văn Trỗi qua sông Hàn Đà Nẵng. Cầu Mỹ Thuận qua sông Tiền Giang hiện là một cây cầu lớn nhất Đông Nam Á. Nhiều khách sạn, dinh thự cao tầng mọc lên ở khắp các đô thị làm thay đổi diện mạo và bộ mặt đất nước qua mấy chục năm đổi mới .
Hết.
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-49-het-a5249.html