Nhớ ngày tôi vào Đảng

Quê tôi ở miền thượng của huyện Đức Thọ, bên dòng sông Ngàn Sâu, giáp với hai huyện Hương Khê và Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh.

hhd2b-1628762630.jpg

Ông bà nội tôi khai hoang được nhiều ruộng đất hơn mọi người trong vùng. Sinh được 3 người con, bố tôi là cả, rồi đến chú Quản, út là cô Điu. Gần đến thời cải cách ruộng đất thì ông bà qua đời. Bố tôi đi hoạt động cách mạng; ở đơn vị cảnh vệ đầu tiên, chừng 1 năm do sức yếu phải trở về gia đình, lúc này cô Điu đã chết yểu, chú Quản tiếp chân bố lên đường hoạt động, tham gia bảo vệ các cơ quan Trung ương cho đến ngày nghĩ hưu.

Số ruộng đất ông bà để lại, bố tôi bán, cho nhà nghèo và bỏ hoang vì sức khỏe quá yếu. Bố mẹ sinh tôi là con trai đầu, em trai kế tôi tên là Châu và một em gái tên là Nhung. Dù nghèo đói đến tận cùng, bố mẹ tôi vẫn nhận một đứa trẻ sơ sinh bị mẹ nó nhẫn tâm bỏ lại bên đường về nuôi, thành ra trong nhà có 6 người. Đến cải cách ruộng đất, người ta quy cho bố tôi là địa chủ nhưng không còn ruộng đất nữạ thành địa chủ phá sản... Được chừng 10 ngày, Nhà nước có lệnh sửa sai, bố mẹ tôi được quy thành phần bần nông, được chia một mẫu sáu cả đất lẫn ruộng; một con trâu chung với gia đình khác, sau này được gia đình kia thỏa thuận đổi cho bố tôi một con bò. Vì túng thiếu nên bố tôi đã trộm phép bán con bò để mua thuốc trị bệnh, cứu đói, nhưng không kịp. Bố tôi cùng hai em đã ra đi vinh viễn vì thiếu ăn và bệnh tật mà không có thuốc chữa. Mẹ tôi bần cùng dắt tôi và em gái về quê ngoại để được các cậu, dì giúp đỡ.

Đến 10 tuổi tôi mới được học lớp 1. Hết lớp 7, tôi đã chớm vào tuổi 18, chi bộ nhà trường cùng chi bộ địa phương nơi mẹ tôi sinh sống đã giới thiệu với Đảng bộ xã Đức Ân cho tôi đi học lớp đối tượng Đảng do Đảng bộ huyện Đức Thọ tổ chức. Lẽ ra, học xong lớp đối tượng này, tôi được kết nạp ngay. Nhưng dư âm của vấn đề (giai cấp trước đây) đã hạn chế tôi lại. Cùng những tháng năm này, giặc Mỹ ồ ạt đổ quân xâm lược miền Nam.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dù chưa đủ điều kiện nhập ngũ vi gia đình chỉ có mình tôi là con trai và được đặc cách lên thẳng cấp 3, nhưng tôi đã viết huyết tâm thư xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tôi được bổ sung vào Mặt trận Trị Thiên, thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324. Tôi đã được tham gia nhiều trận đánh, bên tôi nhiều đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị thân thương. Tôi cũng bị thương nhiều lần, nhưng vẫn quyết tâm ở lại mặt trận cùng đơn vị chiến đấu.

Ngày 24-11 -1967, đại đội chỉ còn 24 tay súng đang bí mật làm nhiệm vụ vận tải đạn cối 82mm cho một đơn vị bạn, chuẩn bị tập kích vào bãi pháo của Mỹ ở Quán Ngang, tại làng Trung Sơn, bên cạnh hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra.

Địch đã phát hiện ra chúng tôi, chúng đổ quân bao vây, trong mưa phùn gió bấc,

máy thông tin 2W không liên lạc được. Đơn vị phải tổ chức chiến đấu mở đường máu để thoát ra ngoài. Trong 30 phút đầu tiên, địch đã thất bại, lùi lại để gọi bom pháo tiếp tục tấn công. Đồng đội tôi đã có một số đồng chí hy sinh, trong số anh em còn lại chỉ có 4 đảng viên. Tranh thủ lúc địch ngừng tấn công, anh Hợi, Bí thư Chi bộ quê Ninh Bình, gọi tôi cùng 3 đảng Viên đến hầm chỉ huy. Phía trước vách hầm đã có lá cờ búa liềm. Anh Tính quân y sĩ là Bí thư Chi đoàn; anh Thái Mạnh Châu, quê Hà Tĩnh, Tổ trưởng tổ Đảng, giới thiệu về tôi nhanh gọn, tóm tắt. Anh Hợi đọc quyết định kết nạp tôi vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi vừa căng thẳng chiến đấu, vừa hồi hộp, giơ tay hứa trước cở Đảng và chi bộ quyết tâm cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho nhân dân.

Buổi lễ kết nạp Đảng cho tôi thật nhanh gọn, đơn giản nhưng vô cùng thiêng liếng. Bên trái, bên phải hầm chỉ huy đang có hai khẩu cối 60mm vẫn được các chiến sĩ hô dõng dạc: Độ âm..,, độ tà..., độ hướng... cấp tập bắn vào kẻ thù.

Quân địch ỷ đông, có đủ vũ khí trang bị, chúng lại ào lên. Tiếng súng nổ đùng đoàng….Tôi và đồng đội được phép bắn tỉa từng loạt đạn ngắn với những tên mình thấy, vừa rút chạy về phía làng Hảo Sơn của xã Gio An. Một tiếng sau, tôi bị địch bắn gãy tay trái ngang tầm tim, máu chảy ra nhiều nên bị choáng. Chẳng rõ đồng đội hay du kích địa phương đã cáng tôi ra gần sông Bến Hải, được lực lượng bờ Bắc tiếp chuyển dần ra hậu phương Vĩnh Linh.

Chừng 5 ngày sau trận đánh, tôi được điều trị ở Viện Quân y 48, cô y tá đưa cho tôi tờ báo mặt trận, trong đó, phóng viên viết rằng: Theo tờ diễn đàn thông tin quốc tế, ngày 24-11 -1967, tại làng Trung Sơn, Quảng Trị, Tiểu đoàn B Thủy quân lục chiến Mỹ đã bị Quân Giải phóng bắn hạ 58 tên, bị thương 100 tên, bỏ lại 34 xác chết trên chiến địa...

Còn 23 đồng đội của tôi thì không có tin tức gi. Sau ngày thống nhất, dù mang thương tật nặng (mất sức 81%) tôi vẫn trở lại làng Trung Sơn tìm kiếm đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ, nhưng không thấy mộ chí nào ghi đơn vị của tôi, chỉ thấy rất nhiều mộ chí chưa có tên. Mãi đến năm 1994 qua những thông tin trên Báo Quân đội nhân dân, Báo Cựu chiến binh Việt Nam và những manh mối cùng vài trang nhật ký và trí nhớ của mình, tôi đã tìm ra 3 trong số 23 đồng chí cùng chiến đấu trong trận tôi được kết nạp Đảng nay còn sống. Đó là Nguyễn Trung Dung, trận đó Dung bị địch bắt làm tù binh và được trao trả tại sông Thạch Hãn năm 1973; Nguyễn Văn Khôi, hôm ấy bắn hết đạn, anh mang súng chui xuống hố bom nước đầy bùn nằm im trong cốc rễ cây, chờ đến tối yên tĩnh, anh lặng lẽ bò về hướng bắc an toàn. Sau này, anh là Đại tá, Chỉ huy trưởng Huyện đội Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho đến ngày nghĩ hưu. Người thứ ba là anh Thái Mạnh Châu, Tổ trưởng tổ Đảng ngày ấy, cuối năm 1968, cấp trến cho anh phục viên vì sức khỏe yếu, nhưng về địa phương anh làm Xã đội trưởng, rồi Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đức Giang (Đức Thọ) hơn 20 năm nữa.

Còn hơn một năm nữa, tôi sẽ được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, sức khỏe đã cảm thấy yếu vì thương tật, song còn sống ngày nào, tôi nghĩ mình cần cố gắng tùy sức mình để sống có ích vì mọi người, tiếp tục cống hiến vì Đảng, vì dân; xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

Theo Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-ngay-toi-vao-dang-a5270.html