Cả một đời nhớ thương

Tôi lên chuyến bay gần nhất lúc 6 giờ sáng để vào Sài Gòn trong một ngày mùa hè rực rỡ. Nắng nhảy nhót trên từng phiến lá, đâm thẳng xuống lòng đường nhựa một mảng sóng sánh phiền muộn. Sài Gòn mùa này nóng lắm, đường phố tấp nập người qua khiến không khí có đôi ba phần ngột ngạt.

ca-mot-doi-nho-thuong-1629012397.jpg

(Nguồn ảnh: Đoàn Công Tính)

 

Chuyến bay hơn hai tiếng đồng hồ, tôi mệt rã rời và đầu thì ong ong, chẳng khác gì tiếng cánh quạt xay thóc đang quay vù vù bên tai cả. Đón một chiếc taxi, tôi chạy vội đến nơi đã được dặn dò.

Phật tự yên lặng, sư thầy dẫn tôi vào một căn phòng nhỏ, không gian yên ắng thanh tịnh chỉ còn vang lên tiếng gõ mõ tụng kinh cùng tiếng lá bay xào xạc. Lòng tôi bỗng an ổn tới lạ, chẳng còn lo lắng hay căng thẳng sợ hãi nữa.

Cửa phòng mở ra, một người phụ nữ trung niên ngồi trên chiếc bồ đoàn màu nâu đậm, bà mặc bộ đồ của nữ tu nhạt màu, đầu đội mũ, cô tôi xuống tóc rồi. Tôi ngẩn người, biết mình đã đến muộn một bước. Một tay cô nhẹ nhàng gõ mõ, một tay lần theo từng hạt trên chuỗi tràng, miệng niệm nam mô a di đà phật. Sư thầy gọi cô, cô dừng lại, ngước mắt nhìn tôi. Gương mặt của người phụ nữ đã ngoài sáu mươi phúc hậu và hiền từ lắm. Cô đẹp. Đẹp theo cách của người đã có tuổi. Tôi nhìn cô, đôi mắt mờ dần đi, cố ngăn xúc động muốn khóc, tôi nói:

"Cô, là con đây. Hi nhà bố Đông đây ạ."

Cô nhìn tôi rất lâu, dường như cố tìm kiếm thứ gì đó quen thuộc trên gương mặt của người trẻ tuổi trước mắt. Khoé mắt cô đã hằn nếp nhăn, và cái ánh nhìn sao mà xa xăm thế, nó vương buồn thăm thẳm. Tôi chẳng biết phải diễn tả như thế nào nữa. Chỉ là nhìn vào mắt cô lòng tôi lại quặn đau từng hồi.

"Bố Đông con cô Châu?"

Cô nhìn tôi hồi lâu rồi hỏi lại. Dù không có dáng vẻ thân thiết năm nào đã từng, tôi vẫn không chút nào ngại ngần. Đó là cô của tôi, người chảy chung dòng máu với tôi.

"Dạ. Đúng rồi ạ."

Cô yên lặng rất lâu, đôi mắt lúc nào cũng trông về xa xăm, phảng phất như xuyên qua không gian, thời gian tìm về một nơi nào đó mà tôi chẳng rõ, tôi nhìn cô, đợi cô nhớ lại. Cô trầm ngâm một lúc, sau đó nhìn tôi, trên gương mặt hiền từ nở nụ cười:

"Con lớn như thế này rồi sao?"

"Dạ."

Tôi gật đầu, cô bảo tôi lại bàn trà ngồi, sư thầy chắp tay trước ngực cúi chào chúng tôi rồi nhẹ nhàng ra ngoài, cũng không quên đóng cửa phòng lại. Bàn trà bằng gỗ, có bốn cái ghế nhỏ, tôi ngồi xuống, rót trà mời cô, hơi nóng từ tách trà vương trong không khí mùi thơm dịu nhẹ.

"Gia đình con khoẻ cả chứ?"

"Dạ. Mọi người đều khoẻ cả ạ."

Tôi nhìn cô, dáng vẻ nghiêm khắc thuở xưa chẳng còn nữa, cô giờ đây dịu hiền như Bồ Tát vậy.

"Cô đã khoẻ hơn chưa? Chị Lý hôm trước bảo bệnh tim của cô lại tái phát."

Tôi hỏi, thay vì căng thẳng thì tôi lại lo lắng, tôi đối với cô chính là cảm giác vừa sợ hãi lại vừa cảm phục ngưỡng mộ. Nói như thế nào cũng không hết được.

"Cô không sao rồi. Con vào đây phải chăng có chuyện quan trọng?"

Cô nhìn tôi, cất tiếng nhẹ nhàng, giọng nói của cô đã thuộc về Sài Gòn ồn ã, không phải thứ tiếng địa phương có chút nặng như tôi nữa.

"Dạ. Hài cốt của bác Long đã được chuyển về quê rồi, chôn cất ở hòn Lụi..."

"Từ Hà Nội về sao?"

"Dạ."

Cô "ừ" một tiếng rồi yên lặng chờ đợi tôi nói tiếp.

"Mọi người muốn cô về quê một chuyến..."

Tôi nói trong ngập ngừng, vừa nói vừa để ý đến nét mặt của cô. Cả đáy mắt tôi đều là lo lắng, lo lắng tràn ra không cách nào giấu nổi. Cô tôi có bệnh, lại là người có tuổi rồi, chúng tôi đều không yên tâm để cô một mình nơi này.

"Là ai bảo con vào đây?"

Cô bỗng quay sang hỏi tôi, trong đôi mắt trắng đen rõ ràng ấy như hiểu rõ mọi chuyện, cô bảo tôi, giọng chậm rãi từ tốn:

"Cô đã là người xuất gia, chỉ muốn quãng đời còn lại nương nhờ cửa Phật cho tâm hồn thanh tịnh, cũng chẳng còn bao lâu nữa mà đi đi về về một chuyến, e là sức khoẻ không cho phép."

Tôi định nói rằng cô có thể ở quê luôn, dù sao mọi người vẫn còn ở đấy, nhưng tôi chưa kịp mở lời, cô lại tiếp tục:

"Tóc cũng đã cạo rồi, lược Hoàng Dương cũng không dùng đến, đời này chẳng còn gì vướng bận nữa. Con về bảo mọi người như thế, nếu nhớ có thể vào thăm cô, đừng khiến cô khó xử."

"Cô..nhưng mà.."

"Nghe nói con giờ làm việc ngoài Hà Nội, con lớn lên khác quá, cô có chút ngạc nhiên."

Cô cắt ngang lời tôi, khiến bao nhiêu điều tôi muốn nói ra đều nghẹn ở cổ.

"Dạ."

Tôi biết cô nói tôi lớn lên đã không còn giống bố nhiều như lúc nhỏ nữa.

"Chắc con bận lắm phải không?"

"Không ạ. Công việc của con cũng bình thường ạ."

"Muốn đi dạo một chút không? Cô nghe nói con cũng rất thích chùa chiền?"

"Dạ."

Tôi gật đầu, muốn nói lại thôi. Cô tôi, người hình như chẳng còn vướng bận hồng trần nữa.

Đã từ rất lâu rồi, cô đều ăn chay niệm Phật, cho tới gần đây mới có ý định xuống tóc, vào chùa ở hẳn. Chúng tôi muốn can ngăn, nhưng không kịp. Suy cho cùng lòng cô đã hướng về nơi này, tôi có nói gì đi nữa cũng không thay đổi được.

Cô là người phụ nữ mạnh mẽ, ngoan cường lại thuỷ chung. Thuỷ chung tới mức khiến người khác đau xót không thôi. Tôi nhớ mãi chuyện xưa, hồi nội tôi vẫn còn sống hay kể, cây cau và giàn trầu nhà tôi hồi ấy vẫn còn ngát xanh, bầu trời vẫn còn trong lành lắm...

Độ ấy mùa hoa cau nở, ngày cô còn là cô gái mười ba tuổi, áo tứ thân màu nâu, tóc tết bím, miệng đỏ chót quệt vôi nhai trầu. Cô đẹp lắm. Đẹp sắc sảo lanh lợi. Cô với chú tâm đầu ý hợp, chỉ đợi cô lớn rồi về một nhà, nhà hai người cách nhau một giàn trầu không.

Năm ấy nước mình còn chưa thống nhất, miền Nam và miền Bắc chia cắt, đất nước oằn mình chống đỡ từng đợt tấn công như vũ bão của giặc Mỹ. Chú theo tiếng gọi của Tổ quốc mà lên đường nhập ngũ. Nội tôi kể rằng, cô tôi chính là người động viên chú đi đánh giặc. Tuổi trẻ phải xông pha hết mình vì nước nhà, độc lập dân tộc là trên hết. Nội tôi còn bảo rằng, cô tôi là con gái nhưng máu anh hùng lắm, không ai ngăn được. Chú hứa rằng đất nước thống nhất sẽ hoành tráng rước cô về làm vợ.

Thời gian đầu thi thoảng còn nhận thư chú gửi về. Nội bảo mỗi lần như vậy cô vui lắm, ôm bức thư ấp trong lòng, đêm đêm kê dưới gối rồi ngủ. Những ngày nhớ chú, cô đều viết nhật kí, viết rất nhiều trên những cuốn sách màu nâu đậm, nước giấy xù xịt, lúc đưa tay sờ lên còn nghe cả tiếng sột soạt.

Vài năm sau, thời điểm ấy vào khoảng năm 1968, quân ta đã đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, cô nhận được thư báo bình an của chú. Năm đó cô mười lăm tuổi, cũng quyết định lên đường cống hiến cho Tổ quốc. Cả hai đều mong chờ ngày giải phóng, trong tiếng vui cười rộn rã của quê hương, họ sẽ làm một vài mâm cỗ rồi về chung một nhà.

Cô tôi khăn gói lên đường theo lớp trẻ bấy giờ trong làng là thanh niên xung phong. Lúc cô ngoài bốn mươi có từng về thăm quê, kể cho chúng tôi, những đứa nhỏ lúc đấy vẫn còn chân đất lấm lem chạy nhảy bị cô mắng suốt, về những ngày tháng dọc theo con đường Trường Sơn rải đầy bom Mỹ. Cô ở trong tổ trinh sát phá bom. Tất nhiên, cô tôi được đào tạo bài bản, ngày ấy cô vẫn còn khoẻ mạnh, bệnh tim là mãi sau này mới bị.

Cô kể rằng dọc đường Trường Sơn chất độc hoá học cùng bom rải xuống, cây dứa dại quắt queo, cây cối xung quanh cháy khét, cành khô xơ xác, trọc trơ sỏi đá. Ở trong một cái hầm sâu, cô cùng năm người nữa thuộc tổ trinh sát phá bom, ngày ngày nghe tiếng máy bay địch rè rè trên đầu. Tôi từng hỏi cô có sợ không, cô bảo rằng sao lại không sợ? Sống chết trong tích tắc đồng hồ, không cẩn thận bom nổ hoặc sập hầm chết mất xác, có ai mà không sợ chết chứ? Chỉ là so với độc lập dân tộc, cái chết ấy chẳng bõ bèn gì. Cô nói, tôi nhớ cô còn nâng vạt áo lên, lộ phần bụng trắng tinh, nơi đó có một vết sẹo dữ tợn, mấy chục năm rồi chẳng mờ hết. Cô bảo đây là do một lần phá bom không may bị mảnh vỡ của bom cứa vào, sâu lắm, đợt đấy còn tưởng nhiễm trùng chết rồi. Người cô chằng chịt sẹo, dài có ngắn có, có vết đã nhạt màu chẳng rõ, có vết vẫn còn nguyên. Cô cười, xem vết thương như là một minh chứng hào hùng của những năm tháng đấu tranh gian khổ.

Ngày ngày vẫn đào đất, phá bom. Cô bảo rằng giống như bài hát "cô gái mở đường" mà chúng tôi hay nghe ấy. Cô là một trong số những cô gái mở đường đấy. Ngày đó lâu lâu lại nhận được thư của chú. Cô vui lắm, cả trung đoàn đều biết cô có bạn trai đang chiến đấu nơi tiền tuyến. Nhiều người để ý cô lắm, nhưng biết cô có người trong lòng rồi nên đành thôi.

Năm 1972, sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, cô theo đoàn vận chuyển lương thực dọc theo đường Trường Sơn vào Sài Gòn nhận nhiệm vụ khác. Cả hai mất liên lạc từ đó. Cô vừa làm nhiệm vụ, vừa nghe ngóng tin tức về chú nhưng không được.

Mùa xuân năm 1975, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân ta giành thắng lợi, đánh tan quân xâm lược cùng bè lũ tay sai, đất nước từ đây thu về một mối, thống nhất vẹn toàn. Chỉ là, người cô thương không còn nữa. Chú hi sinh trong trận tiến công về Sài Gòn, chết bởi giặc Mỹ, không rõ thi thể. Ngày đó người sống phải thầm lặng mà chiến đấu, người chết cũng phải chết trong âm thầm, lộ ra sẽ khiến địch tìm được giấu vết.

Cô nhận được tin mà bàng hoàng rất lâu, giống như cô không bao giờ tin chú sẽ ngã xuống vậy. Đồng đội của chú gửi lại tín vật cho cô, chiếc lược răng thưa bằng gỗ Hoàng Dương cùng một bức thư vương mùi máu. Cô nhận lấy, gật đầu nói lời cảm ơn rồi xoay người rời đi. Thời điểm ấy, có người còn mắng cô bội tình bạc nghĩa, biết tin người yêu chết chiến trận cũng không rơi lấy một giọt nước mắt. Nhưng họ không biết rằng, cô tôi, cô đã dùng cả cuộc đời chỉ để yêu chú.

Đêm đó mọi người vui mừng, đất nước hô vang thống nhất, kháng chiến gian khổ trường kỳ cuối cùng cũng đã giành thắng lợi. Còn cô tôi, trong niềm hân hoan rạo rực đó là cả bầu trời thương đau. Có cuộc chiến nào mà không đổ máu hi sinh? Cô đã vì chú mà gắng gượng đến ngày giải phóng mặc cho những đêm sốt rét hành người rã rời, mặc cho mưa bom bão đạn vẫn ngoan cường đứng lên. Nhưng mà cô kiên cường đứng lên, chú lại can trường ngã xuống. Họ vĩnh viễn chẳng thể gọi nhau hai tiếng vợ chồng.

Sau này khi cuộc sống đã ổn định, nhiều người muốn hỏi cưới cô, nhưng cô không đồng ý. Mang cái tráp gỗ nhỏ để chiếc lược Hoàng Dương và một lọn tóc tết đuôi sam, cô tôi khăn gói vào Sài Gòn, cô sống luôn trong đó, chỉ thỉnh thoảng mới về thăm quê.

Đôi lần cô trở về, vẫn nghiêm khắc, khó tính như vậy. Người ta bảo phụ nữ không lấy chồng đến khi có tuổi sẽ khó ở như thế. Nhưng họ không hiểu được rằng, cô tôi sẽ không bao giờ lấy ai ngoài người đàn ông đó, người đàn ông cô đã thích từ năm mười ba tuổi. Nhiều đêm trăng lên, tôi thấy cô cầm chiếc lược gỗ ngồi chỗ thềm chải tóc, mái tóc bóng mượt níu răng lược dịu dàng như bàn tay người thương nâng niu từng lọn tóc. Gỗ Hoàng Dương làm lược chải tóc sẽ rất bóng mượt, tôi không biết vì sao chú biết được điều đó, chỉ biết là chú đã tự tay tỉ mẩn làm tặng cô và cô tôi nâng niu nó như báu vật cả một đời.

Ngoài bốn mươi, cô bắt đầu ăn chay niệm Phật. Nhưng có lẽ đau thương cùng nhớ nhung khắc khoải khiến cô tôi mắc bệnh. Độ ấy bố tôi vào Nam đi làm, nói rằng cô bị bệnh tim rồi. Tôi nghe mà lòng đau nhói. Cô có căn nhà thái ở quê, bảo rằng sau này cô chết, tro cốt mang về đấy thờ cúng. Nhưng cô của hiện tại hình như chỉ muốn ở mãi nơi chốn bình yên này.

"Con ở lại ăn bữa cơm chay cùng cô nhé?"

Cô dừng lại, quay sang tôi. Gương mặt hiền từ ấy hằn rõ những nếp nhăn. Năm tháng đã xoa dịu hết những khổ sở cô từng trải qua, duy chỉ có đôi mắt là mãi vấn vương xa xăm như thế.

"Dạ."

Bữa cơm chay đạm bạc nơi chốn thanh tịnh khiến lòng tôi an ổn.

Chuông chùa ngân lên, vang trong khung trời chiều đổ nắng, bầu trời xanh thẳm, vài chiếc lá khô bị gió cuốn bay lả tả, cây si già toả bóng mát rượi , cô tôi đứng dưới bóng cây, an nhiên mỉm cười.

Nơi này năm ấy, nơi này bây giờ, nơi này của ngày sau, bầu trời sẽ mãi xanh trong như vậy, cô tôi vĩnh viễn một đời thương nhớ chú.

Theo Chuyện làng quê

Đông Hi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ca-mot-doi-nho-thuong-a5384.html