Tháng vu lan, tưởng nhớ bậc sinh thành

Lời đầu: Đêm nay, đêm cuối cùng của 60 năm trước tôi được năm bên Mẹ (Mợ), để rồi vĩnh viễn rời xa. Tôi xin chia sẻ lại bài viết này, bài viết mang theo hồi ức của đứa trẻ mồ côi.

thang-vu-lan-1629052474.jpg
 

            Mợ ơi!

     ( Dâng lên hương hồn Mợ của tôi)

   Con không biết cái thời con bập bẹ học nói con đã gọi tiếng " Mợ " ấy như thế nào. Nhưng con nhớ tới ngày con cắp sách vào lớp vỡ lòng, trong một lần bị phạt úp mặt vào bảng, con nức nở khóc gọi.... Mợ ơi !

  Ngay lập tức một đống tiếng cười  rộ sau lưng con của đám trẻ trong làng, cùng lớp . Sao con không được gọi Mợ là Mẹ là U hay là Bầm như đứa trẻ khác? Và có bài hát ru con nào dành riêng cho Mợ không? Có lẽ con đã lăn vào lòng Mợ để hỏi về điều ấy. Mợ đã cười xoa đầu con, rồi cúi xuống hôn vào má thằng út bé bỏng của Mợ. Chắc chắn là thế rồi, phải không Mợ?

   Thế mà...Mợ nỡ bỏ con, bỏ lại đứa trẻ chưa đủ tuổi lên mười !

    Đó là một ngày bất hạnh khủng khiếp nhất đổ xuống đầu đứa con trai út của Mợ. 

     Ngày ấy...

  Bầu trời còn u ám bởi một cơn mưa ầm ĩ kéo suốt cả đêm. Tiếng sấm và ánh chớp chói lòa trong đêm. Những lúc mưa bão bao giờ con cũng vòng tay ôm chặt lấy Mợ. Đêm ấy chắc cũng vậy. Sao Mợ gỡ tay con ra, vụng trộm, bước ra khỏi nhà lặng lẽ và không đóng cửa. Mợ bước vào cái ánh sáng choạng vạng khi trời chưa sáng. Với đôi vai gầy, cả đời tần tảo   Mợ gánh hàng đi chợ phiên ở một nơi rất xa. Phiên chợ cuối cùng !

   Bây giờ con út của Mợ đã gần  tuổi 70 rồi. Con đã quên đi rất nhiều những gì đã xảy ra trong cuộc đời con nhưng con vẫn không thể quên những ký ức đau lòng về một thảm họa

   Mợ đã không về theo thường lệ. Chỉ khi có ai đó chạy tới đã gọi toáng lên trước cửa nhà mình . Tất cả người lớn lao ra đường. Con không hình dung được cái gì đã xảy ra. Con nhìn theo và khóc, tiếng khóc bao giờ cũng bắt đầu tiếng gọi Mợ ơi...

  Nay con đang gìn giữ một kỷ vật còn sót lại của Mợ. Đó là chiếc nồi khi Mợ nấu kẹo , trong đó chứa thứ bột gạo khô.Con ngồi chầu hẫu ở bên cạnh, chờ từng cái kẹo được cắt từ tay Mợ cho vào nồi và lắc lấy lắc để cho chúng khỏi dính vào nhau. Hôm ấy bao đứa trẻ mua nhũng chiếc kẹo bột cuối cùng của Mợ?

   Mợ không về, những đồ dùng thường nhật nằm bẹp mãi một chỗ để hứng bụi thời gian. Cái cối xay bột nước để làm bánh cuốn, những vệt bột xám lại, khô cứng , vỡ ra rơi xuống đất. Cái vại ngả tương vẫn tựa vào gốc cây xoan có đậy cái nón cũ. Nhưng cái nón bay đi mà chẳng ai hay

Có lẽ, chỉ còn cái đinh mười phân đóng ở cột bếp để Mợ đánh mật làm kẹo là sống lâu hơn cả. Rồi nó cũng  gỉ xét gẫy đi từ lúc nào

   Trông kìa một đám người đang dìu chị gái con về nhà quần áo bê bết bùn đất...lết đôi chân vô hồn.Lần đầu tiên con nghe nói đến tiếng " ngất ". Họ bảo chị con bị ngất.  Họ xua đuổi bớt người xung quanh để cho cho chị  ấy thở. Tỉnh dậy chị lại gào lên Mợ ơi.

    Anh trai nó kia đang lao về, nó chưa kịp chạy tới để nương tựa, thì anh lại ngã dúi vào bờ rào trước nhà. Nó bắt đầu hốt hoảng. Nó lại gào lên...

   Cả một vùng quê yên ả ven sông hồng bỗng dưng náo loạn.Tiếng trống,tiếng  chiêng kéo dài dọc con ngòi nước đang cuồn cuộn đổ ra sông. Họ xoay ngang các bè mảng và cắm những cây gỗ vạt nhọn xuống đáy ngòi để ngăn cái xác bất hạnh khỏi trôi đi mất. Những người trong làng lao đi lao lại, bới từng bui cây ven bờ. Mấy ngày sau họ lại lũ lượt đi theo những người chit khăn trăng, áo xô đưa Mợ ra đồng. Con đội ơn ân nghĩa của dân làng đã dành cho Mợ, cho con.

   Một lần nào đó con đưa vợ  và hai cháu về quê. Thuê một xuồng máy đi theo con đường ngày xưa Mợ vẫn  đi chợ phiên ở Vân Hội. Cái xuồng máy rền rĩ lách qua bao ngọn đồi xanh thẫm cỏ cây, nó giống như những hòn đảo giữa mênh mông hồ nước.Con kể về Mợ.  Rằng cứ năm ngày một lần Mợ cầm lái con đò tay cùng mấy bạn buôn bơi hết vài tiếng đồng hồ mang theo gánh hàng  vào bán cho người dân tộc. Những gói thuốc lào, lít dầu hỏa, kim khâu,  chỉ thêu có nhiều mầu xanh đỏ...Và mang về  măng rừng, mộc nhĩ, nấm hương, lá nón, bồ kết...

  Nếu bây giờ các cháu không còn nhớ câu chuyện đó nữa Mợ cũng đừng trách chúng. Chúng còn nhỏ, háo hức như đi du lịch vậy. Nhưng bố nó đứa con trai của Mợ lại đang xót xa. Mợ có trông thấy con dâu Mợ đang ôm cháu sợ nó nhoài ra mép xuồng không?. Với tất cả chỉ là câu chuyện xưa của dĩ vãng.

   Vào bến, cả nhà con đi lang thang tìm đến nơi Mợ ngồi xưa.Khu chợ Vân Hội còn đây.Chắng  có túp lều nào nữa. Hỏi những người già quanh chợ,  người ta chỉ còn mang máng biết về một tai nạn đắm đò từ rất lâu rồi....

    Tiếng trống ầm ĩ đã sang ngày thứ ba. Nước lũ đã rút. Mợ không muốn đi xa nên cuốn tóc mình vào bụi tre ven bờ... lập lờ, để ở lại. Ở  lại trên mảnh đất nhà chồng cùng các con.

    Con không được đi cùng tìm kiếm. Nhưng tiếng khóc gọi Mợ ơi của cả một đàn con kía đã cho con biết Mợ không bao giờ về nữa.Con trở thành đứa trẻ mồ côi từ ngày đó.

  Con giở tờ giấy giá thú ngày xưa Cậu để lại, để lần tìm về cội nguồn của Mợ. Mới hay Mợ không biết chữ. Ở đó chỉ có chữ ký của Cậu con và ngón tay điểm chỉ của Mợ. Cậu con kể rằng bấy giờ Cậu con đang làm thợ may ở Hàng Trống ( Hà nội ) thì ông nội gọi về lấy vợ. Ông nội con đã không nhầm. Mợ trở thành con dâu út đời thứ 11của dòng họ Nguyễn làng Hiền Lương trong buổi lễ trao duyên ngày  7-4-1934

Trong đời Mợ đó là ngày hạnh phúc nhất mà bấy giờ, chắc gì Mợ đã cảm nhận được. Người cùng Mợ đang quỳ gối trên chiếc chiếu hoa trong buổi lễ tơ hồng kia là Cậu con. Cả hai khi đó mới ngượng ngùng nhìn thấy nhau lần đầu tiên. Ông nội con đã thuê một đoàn chèo múa hát hai ngày đêm liền chúc phúc cho hạnh phúc của Cậu Mợ...

  Thế mà Mợ lại để ký ức ấy đắm chìm vào dòng nước oan nghiệt kia. Thế mà Mợ lại nằm trên một cái chiếu cũ kê trong cái lán bỏ không ở đầu làng... không về được nhà.

   Có ai đó đã bế con lên để nhìn Mợ. Bộ áo quần bê bết bùn đất đang được cởi ra.Con đã nhìn thấy bộ ngực mà con vẫn rúc đầu vào,  loang lổ những vệt xanh chằng chịt. Có lẽ con đã hét lên và người ta bế con rời xa nơi Mợ nằm. Thế là hết. Con đã bị cái vệt xanh đen ấy ám ảnh. Sau này mới biết đó là mạch máu đã bị đông lại của người chết khi ngâm nước lâu ngày.

   Đêm tân hôn trong tuần trăng mật ở khách sạn Minh Tâm ( Hà Nội ) ngày ấy Cậu Mợ đã thề thốt những gì với nhau? Mợ không nhớ sao?.. Thế mà Mợ lại đột ngột ra đi để lại Cậu con và 7 đứa con của Mợ. Con đã gào khóc gọi Mợ ơi trong nỗi đau tột cùng ngày ấy. Những đứa trẻ trong làng đã cười con ở lớp học đang đứng ở ngoài kia nhìn con. Chúng  không cười và con không còn biết xấu hổ nữa.

   Trong lúc đang bị dòng nước cuốn đi vài giây phút còn lại Mợ đã chỉ dành nỗi lo cho thằng út bé bỏng của Mợ. Chắc chắn là vậy !

   Nếu không thế, tại sao một ông thày bói ở Quảng Trị năm 1972 khi giải phóng lại nhìn con nói được Mợ đã chết như thế nào, khi con lên mấy tuổi. Một đồng đội của con có mặt lúc ấy, nay gặp nhau, nhắc lại mà vẫn lộ vẻ kinh ngạc ! Anh bảo: sao lại thế được nhỉ?

    Nếu không thế, tại sao một người lạ ở Hà nội khi con đến nhà chữa giúp ti vi  lại có thể nói chính xác Mợ mặc áo gì tóc cuốn vào đâu chính xác đến cả tháng cả năm như vậy.?

    Nếu không thế, sao con sống sót được ở Quảng trị bao nhiêu năm đầy bom đạn để lành lặn trở về.

Mợ ơi...Mợ vẫn luôn ở bên con để bảo vệ con phải  không?...

     Con đã được lên lớp 3 rồi. Mợ cũng biết đọc biết viết .  Cậu con là trưởng ban bình dân học vụ thời kháng chiến 9 năm. Cậu đã dậy chữ cho Mợ, đúng không. Mợ được đọc mấy lần giấy khen của con .  Mợ  thưởng con lợn đất mầu đỏ khoét cái khe ở hông, để mỗi khi đón Mợ đi chợ về, con lại nhét  vào con lợn mấy đồng xu lẻ.

   Tiếng trống., tiếng chiêng lai réo lên tiễn biệt một người xấu số sắp ra đi vĩnh viễn. Đám đông vây kín chiếc lán đầu làng.

Một người trong họ bế con chen lấn để tới chiếc quan tài đang đóng đinh Chiếc búa dừng lại.  Nắp quan tài mở lần cuối cùng cho con được nhìn. Khuôn mặt Mợ có tờ giấy bản che kín lại run rẩy thấm đẫm nước mắt trẻ thơ. Những nhát búa đóng những chiếc đinh nhọn vào lòng con từ đó... đeo đẳng đến bây giờ

    Tiếng Mợ ơi chỉ còn trong tâm khảm vào những ngày giỗ Mợ nữa thôi.  Ấy mà có lẽ cũng hơn 45 năm rồi ngày con đi bộ đội. Đợn vị đóng quân trong nhà dân. Tất cả anh em đều gọi bà chủ nhà là mẹ.Riêng con không gọi được.Trong buổi sinh hoạt đơn vị con đã bị chỉ huy phê bình công tác dân vận chưa tốt.Chỉ huy nói " Một tiếng" mẹ " khó khăn đến mức nào mà đồng chí không gọi được "? Con cố kìm nước mắt rơi. Làm sao ai có thể biết rằng con chưa gọi tiếng Mẹ bao giờ . Mợ ơi...tiếng gọi ấy con để dành riêng cho người đã sinh ra con trên đời này.

   Mợ đã đi xa. Con là đứa con thiệt thòi nhất vì không bên Mợ được nhiều. Chẳng biết nếu ở lâu hơn con có để cho Mợ phật lòng? Nhưng ngày còn Mợ con biết chắc Mợ yêu thằng út biết chừng nào. Đi đâu và ai đến Mợ chỉ khoe con. Vì con ngoan ngoãn và học giỏi. Con vừa ngượng vừa thích thú. Con tưởng tượng chỉ vài năm sau đó thôi, khi con là đứa trẻ học giỏi nhất làng  được đưa về tỉnh nuôi ăn học thì Mợ hãnh diện biết chừng nào.

Trước khi tiễn con tuổi 15 đi học xa  Cậu đã thắp hương trên ban thờ và nói điều gì cùng Mợ...Mợ có nghe thấy không?...

   Dân làng lại dồn lên đầu xóm nơi chia cắt thành hai  nửa làng bằng con  ngòi dẫn sát bờ sông.Người  ta dựng một cái cầu để  cho linh hồn người chết được lên bờ. Những đứa con của Mợ chít khăn trắng quỳ xuống, đầu cúi sát đất trong tiếng lầm rầm của ông thầy cúng ở xa đón về. Âm thanh tiếng nhị kéo tay cất lên rền rĩ ai oán. Con hé mắt nhìn lên chiếc cầu bằng thứ vải diềm bâu kéo từ mép nước lên bờ như đón chờ kỳ diệu được nhìn thấy dấu chân Mợ. Sao Mợ không về.

   Bấy giờ con là một đưa trẻ đang tuổi nô đùa. Nhưng khi con đã đeo lên đầu một vành tang trắng để trở thành đứa trẻ mồ côi thì con cũng biết thế nào là đau khổ. Con không còn được ôm Mợ mỗi khi có mưa to sấm chớp. Không còn háo hức lục tìm những đồng xu trong cái thúng Mợ đặt xuống mỗi khi đi chợ về để nhét vào con lợn đất quét sơn màu đỏ. Con không còn chê những con số và dòng chữ nghệch ngoạc trong sổ hàng của Mợ nữa . Cuốn sổ ấy đã trôi về đâu?

   Mợ ơi...thằng út đây ! Tóc nó đã bạc trắng cả rồi. Mắt nó đang rưng rưng khi viết những dòng này để nhớ về người đã sinh ra nó. Con đang cố đi tìm tháng ngày hạnh phúc của Mợ để tự an ủi mình

  Đó là năm tháng Mợ theo Cậu về Hà nội phải không?  Cậu kể rằng Nhà mình đã thuê ngôi nhà hai tầng ở Yên phụ gần Hồ Tây. Các anh chị con có bốn người sinh ra ở đấy. Mùa hè nóng nực còn được ra bè mảng cắm ở giữa hồ hóng mát nữa.Khi Cậu con là ông chủ gỗ bến phà Đen thì Mợ thành bà chủ. Một bà chủ đảm đang tháo vát đầy lòng nhân ái. Con đã gặp người  quản gia của của gia đình mình ngày ấy, để nhận lấy lời ân huệ của họ.Rằng chính Mợ là người cứu vớt gia đình ấy đang nguy cơ đổ vỡ. Giờ đây con cháu họ thành đạt mang ơn Mợ vẫn nhắc lại chuyện xưa.

     Nhưng chiến tranh đã phá vỡ sự yên bình ấy. Dắt đàn con về quê chồng lánh nạn ngày Toàn Quốc Kháng Chiến 1946. Mợ tần tảo dưng lại cơ nghiệp và sinh hạ ra con ở đấy. Một giai đoạn đầy biến động đã xảy ra. Mợ có khóc không khi bị đẩy khỏi ngôi nhà của chính mình vì "thành phần " hay vì tiếng gọi " Cậu Mợ " thị thành kia. Thằng út thiếu sữa, thằng út đòi cơm, các anh chị nó vẫn cầm bát ngô để giỗ nó. Những ngày đó chắc con hay dỗi hờn trên tay Mợ ? Và Mợ ôm con rất chặt...

   Con không thể hình dung được một người đàn bà mảnh mai kia lai có thể cùng chồng lên rừng đốn gỗ, đóng thành bè mảng đem giao bán cho Nhà nước. Khi được sửa sai, trả lại nhà, Mợ gồng gánh sạp hàng ở chợ nuôi một đàn con 7 đứa. Đứa nào cũng được học hành tử tế.

    Ngồi mộ nơi Mợ yên nghỉ đã ngót 60 năm rồi, gần ngôi đền của làng. Hàng ngày tiếng mõ tiếng cầu kinh của khách thập phương tới cầu nguyện Mợ có nghe thấy không.

Về già, Cậu con đã chỉ chỗ để nằm bên cạnh Mợ. Chúng con đã làm trọn ước vọng ấy. Cậu Mợ đã ở bên nhau. Hai nấm mồ lặng lẽ trong văng vẳng tiếng chuông chùa..

  Con không biết khi người ta thác đi thì linh hồn sẽ trôi dạt về đâu. Nhưng  Con không thể hiểu  nổi một người xa lạ không họ hàng lại nhìn thấy Mợ ngồi trên vai con quần áo ướt sũng nước đang nhỏ giọt. Và rồi...chính người đó bảo rằng Mợ còn dưới nước chưa lên được. Rằng chỉ con là người duy nhất trong nhà đưa  được hồn Mợ lên bờ. Theo lời mách bảo...con đã về quê. Buổi chiều  tắt nắng con đến nơi mà trước đây tóc Mợ quấn bụi tre. Gốc tre già ngày ấy không còn nữa. Bao thế hệ tre già đổ xuống rồi. Cây mới mọc lên. Nhưng bụi tre vẫn còn đó bám chặt vào bờ đất. Con đã quỳ gối xuống sát mép nước cắm ba thẻ hương để gọi Mợ.

Mợ ơi...vẫn tiếng gọi từ trong tâm khảm của thằng út bao lần gọi...Mợ có nghe thấy không.? Hãy về với các con về cái mảnh đất chôn đầy kỷ niệm tuổi thơ của con. Con đã lớn lên từ nỗi đau khôn cùng này.l

  Con của Mợ đã trải qua những năm tháng đầy hiểm nguy để trở về. Nó là đứa bình thường không tài năng, không có một chút danh vọng nào. Nó chỉ nặng lòng yêu thương mọi người. Chỉ vậy thôi !

    Cái ngày chúng con đưa Cậu về nằm bên Mợ ấy lại là lúc con vừa qua ca mổ ưng thư quái ác. Gia đình mọi người khuyên con không nên ra. Con không sợ nhưng con không chịu đựng nổi khi nhìn thấy hình hài của Cậu vừa đưa lên...Con đã bỏ chạy về nhà. Thế là con đã mất những người đã sinh ra con...mất vĩnh viễn.

  Đã mấy lần chúng con tôn tạo lại ngôi nhà của Mợ nhưng chẳng thấy yên lòng

Âm dương cách biệt biết làm sao được.

Hai thời khắc xa cách nhau . Đây là thời điểm thích hợp nhất để chúng con gặp lại Mợ

Mợ đã cho phép dỡ ngồi nhà cũ của mình. Đêm ấy...con đã lẩn trốn mọi người một mình ra nghĩa địa. Gần 12 giờ đêm trong cái lạnh lẽo ấy...thằng út đã quỳ xuống bên cái tiểu sành được đậy bằng viên ngói đã vỡ đôi chứa hình hài người sinh ra nó. Nó đã khóc như ngày xưa...Nó lại gọi...Mợ ơi

   Con lại khóc nữa rồi. Con đã bao lần dừng lại lau nước mắt khi viết bài này về Mợ. Ở cái tuổi sắp 70 này mọi thứ trong con đã già cỗi, đã yếu ớt đi nhiều rồi. Con đã lẩn trốn các anh chị con để viết. Nếu thấy con khóc...tất cả lại khóc theo.  Con vẫn giữ được những giọt nước mắt tuổi thơ khi ở bên Mợ bên Cậu. Con xin ngàn lần cám ơn người đã sinh ra con trên đời này.

   Hôm sau cả hai hài cốt của bậc sinh thành được đặt cùng một lúc. Nó đã nằm yên trọng lòng những đứa con.

Anh em con giờ cũng không còn đủ nữa. Ba người con đã lăn lộn khóc Mợ ngày nào cũng đã gửi mình trong lòng đất. Những linh hồn ấy vẫn bay về bên Mợ bên Cậu để đoàn tụ một gia đình.

   Mợ chẳng hề biêt mặt những con rể con dâu  của Mợ.Và cả một đàn cháu chắt nữa. Bọn trẻ nô đùa trong ngày giỗ bà, nô đùa đuổi nhau cả ngoài khu mộ  .

Rồi sau này chúng cũng lại khóc mẹ chúng như con khóc gọi Mợ ngày xưa

  Ôi cái kiếp luân hồi của tạo hóa. Sinh ra...tồn tại...rồi biến mất. Tất cả như đắm chìm trong một cõi hư vô

   Mợ ơi... con xin cúi đầu trước linh hồn của Mợ để trở về thành thằng út nhỏ ngày xưa

        

      TN 15-8-2021  ( Tức nhằm ngày 8-7 năm Tân Sửu )

Nguyễn Tiến Nhân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thang-vu-lan-tuong-nho-bac-sinh-thanh-a5396.html