Đêm cuối thu. Một vùng quê yên tĩnh thức giấc. Trời tối đen choàng vào cơn gió lạnh.
Dường như, cả đêm qua tôi không ngủ.
Ngọn đèn nhỏ thắp trên ban thờ chập chờn. Một bóng người đàn ông từ trong buồng bước ra đi về phía tôi nằm. Ông cúi xuống, tôi cứ vờ vờ nhắm mắt. Yên lặng. Đoạn ông đi về phía chiếc tủ thờ kê ở giữa nhà. Tôi thấy tay ông run run châm mấy thẻ hương cắm vào bát nhang. Ông lầm rầm nói gì với bức ảnh của mẹ tôi? Mắt tôi đã cay xè và không nhắc nổi mình ngồi dậy. Một chút nữa, một chút nữa thôi... tôi sẽ rời khỏi căn nhà này.
Khi ngọn đèn ba dây treo phía trên chiếc bàn dài kê sát cửa sổ được thắp lên, ánh sáng xòa ra hết cả căn nhà, thì bóng người đàn ông hiện lên rất rõ, đó là cha tôi. Khuôn mặt cha đờ đẫn đang dốc tung những gì tôi đã sếp trong chiếc túi vải từ chiều hôm trước. Một cuốn sách dầy và mấy tập giấy trắng rơi ra. Chiếc bút máy lăn xuống đất.
Con gà sau nhà bất chợt vỗ cánh cất tiếng gáy. Một cái cớ để tôi vùng dậy và dụi mắt giả bộ ngơ ngác. Tôi không muốn cha tôi biết tôi đã nhìn thấy tất cả.
Mấy ngày qua một không khí đầy giả tạo len lỏi trong căn nhà này. Cha tôi vẫn đứng bên chiếc bàn trải tấm vải của khách hàng, vẫn cầm chiếc kéo cắt lượn theo đường phấn vừa vạch, vẫn nghiêng đầu cắm cúi đạp từng nhịp ngắt quãng chiếc máy khâu đã cũ. Cha tôi, một thời là thợ may phố Hàng Trống ( Hà nội ) dạt về quê ngày toàn quốc kháng chiến, vẫn giữ nghề ấy tới tận cuối đời. Còn tôi, vẫn cầm sách đọc mà không biết mình đọc gì. Vẻ bình thản của hai cha con càng ngày càng thêm gượng gạo. Cho tới lúc này thì tôi không dám nhin vào đôi mắt đang giấu đi nỗi lo buồn kia của cha tôi nữa. Từ ngày mẹ tôi chết, cha làm thêm bổn phận của một người mẹ. Cả tuổi thơ của tôi chưa bao giờ tôi nhìn thấy ông giơ roi và nghe thấy một câu chửi mắng. Tôi là đưá trẻ ngoan và học giỏi, lại là con út mồ côi nên vẫn được cha chiều chuộng. Ông đặt bao hy vọng vào tôi. Nhưng giờ đây... tôi sẽ để lại cho ông nỗi lo lắng khôn nguôi.
Tôi nhìn cuốn Kiếm sống" (M.gorky) mà bác tôi - một nhà giáo - tặng tôi trước lúc tôi đi xa. Cuốn sách này đang ở trên tay cha tôi, bàn tay ấy đang run run.
Lại thêm vài tiếng gà gáy sáng. Trời vẫn tối đen. Cha tôi nói khi tôi đang lại gần :
- Con mang sách đi làm gì ?
- Cứ kệ con - Tôi trả lời gần như giận dỗi.
Ánh sáng ngọn đèn ba dây treo trên cao in hai cái bóng chới với xuống mặt bàn. Cả hai cùng lúc nhìn về chiếc đồng hồ báo thức đang nhích dần một cách vô tình.
- Con đã chào hết mọi người chưa?
- Dạ... hết rồi - cổ tôi bắt đầu nghẹn lại.
- Con nhớ luôn viết thư về gia đình
Làm sao tôi có thể trả lời ngay được, tôi bước ra mở tung cửa giữa, một cơn gió lạnh xộc vào khiến tôi rùng mình. Những ngôi nhà hàng xóm vẫn chìm trong bóng đêm im lìm và ngơ ngác.
Một lát nữa tôi sẽ rời xa nơi này. Ban chiều tôi đã ngồi yên lặng rất lâu trên cây sung ngả ngang ở bờ ao sau nhà. Tôi thấy quả sung chín rớt xuống, và chờ đợi con cá nhảy lên đớp, mà không thấy.
Tôi mang một đống thư bè bạn ra đọc mà cũng không đọc trọn vẹn bức thư nào Ai đã kể về cái giá rét ở nước Nga xa xôi? ai đã kể về một giảng đường đại học? Và ai đã gửi tới tôi lời an ủi? Mọi thứ trở nên hỗn độn, rời rạc.
Cuộc đời đã không xắp xếp theo một trật tự của lòng người. Biết vậy sao tôi vẫn chạnh lòng. Ngày ấy tốt nghiệp lớp 10 không phải thi đại học. Tôi cũng háo hức như các bạn của tôi để chờ một giấy gọi nhập trường. Nhưng... sao giấy gọi mãi không về?
Ở cái tuổi chưa tới 15, mấy năm về trước, tôi cũng mang một cái túi vải đưng những tập giấy trắng, lên tầu, đến một nơi xa lạ. Cha tôi đưa tiễn tôi vui vẻ biết chừng nào. Thằng út được về tỉnh học một lớp "Toán đặc biệt" gì đấy, nó không phải ăn sắn ăn khoai, nó có gạo nhà nước, nó có cả tiền hỗ trợ hàng tháng nữa. Ông thích dân làng hỏi về chuyện học hành của nó, ông muốn được khoe con.
Giờ đây, ngày mai lại một chuyến đi xa, nó cũng mang theo những tập giấy trắng. Ông bảo nhớ viết thư về sao nó chưa trả lời.
Chiếc kim đồng vẫn tíc tắc vô tình. Tôi cầm chiếc túi vải trên bàn, nhìn vào cha theo cái ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn ba dây vừa bị gió lùa, bùng lên như ánh chớp.
- Con đi đây... Cậu đừng lo (Tôi gọi cha mình là "Cậu")
- Đến nơi... con nhớ viết thư về ngay!
- Vâng ạ - tiếng " vâng" vịn vào cánh cửa nhà đã mở sẵn, chỉ đủ nghe cho hai người. Ánh sáng ngọn đèn ba dây tóe ra thành trăm mảnh trong mắt tôi.
Bỗng dưng tay tôi bị cha kéo lại. Ông dúi mấy đồng tiền ở ngăn kéo máy may, đưa thêm, như sợ ngày mai con mình bị đói. Tôi đẩy lại... tôi muốn khóc òa lên nức nở mà cổ đã nghẹn từ lúc nào. Tôi bước vội vào khoảng không mung lung trong đêm. Mà sao, cha tôi còn cứ bám... để đi theo.
Thế là tôi đã ra khỏi ngôi nhà của mình mà không biết khi nào quay trở lại. Tôi bỏ lại cả ước mơ học hành của tôi. Bỏ lại đằng sau một dải đất ven sông Hồng đã bao lần nước ùa về ngập lũ. Trước đấy, tôi đã giấu mọi người một mình ra mộ mẹ, nhưng không thắp được một nén nhang. Đám đất trên mộ đã trùm kín cỏ dại. Phút yên lặng đến se lòng. Sẽ không còn có mặt tôi của những lần giỗ tiếp theo nữa. Ai sẽ lau ảnh và bát hương cho mẹ?
Hai cha con đến bến sông. Đã có nhiều người ồn ào ở đó. Họ đứng thành tụm riêng rẽ và vây quanh các chàng trai tuổi 18 của gia đình họ.Tôi chắc đêm qua họ cũng không ngủ Họ cũng tránh những cặp mắt nhìn vào nhau. Cha mẹ họ cũng gắp những miếng thịt hiếm hoi cho con trai mình vào bữa cơm chiều cuối cùng, để tiễn đưa. Giờ đây họ lại mang tiếng sụt sùi để níu kéo lại, mặc người lái đò chống sào đứng đợi.
Tôi ôm chầm lấy cha tôi, chiếc đèn trên tay cha lảo đảo. Tôi lao vội xuống thuyền, chiếc thuyền chao nghiêng, cái sóng nước chấp chới in thứ ánh sáng vàng vọt từ những ngọn đèn- Những ngọn đèn sờ sững ở trên bờ.
Sau đêm cuối thu năm ấy. Ngày 20-8-1970 - TÔI ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI LÍNH!
Tháng 8/2021 - TN
Tiến Nhân
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dem-cuoi-thu-ky-uc-xua-a5399.html