Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương hai – Đảo ngược thế trận

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương hai

ĐẢO ĐIÊN TRONG VÒNG XOÁY

 

Đảo ngược thế trận

 

Nếu nói về thời gian, thì cả Hoàng Phu và Lê Đản đều hơn Nguyễn Thu Minh trong quan hệ với Lãi Nguyên. Nhưng sự sâu sắc trong quan hệ giữa con người với con người, thì thời gian chưa nói lên được điều gì.

Hoàng Phu vốn cùng cơ quan với Lãi Nguyên. Khi Hoàng Phu làm Giám đốc, thì Lãi Nguyên đang là Trưởng phòng. Ấn tượng sâu sắc nhất mà Lãi Nguyên có được ở Hoàng Phu là lá đơn tố cáo anh Nguyễn Hà. Nó được viết bằng tay với kiểu chữ nghiêng rạp, nét mực đậm, trên loại giấy rất trắng, đóng lại cẩn thận, dày cộp. Cuối đơn là chữ ký của Hoàng Phu. Không hiểu sao, Lãi Nguyên được Hoàng Phu đưa cho một bản sao lá đơn này, bây giờ anh vẫn giữ. Trong đơn, Phu kể đủ thứ tội về anh Hà. Lúc đầu, Lãi Nguyên rất ngạc nhiên. Là một người chất bao cấp, anh hay nhìn người theo chiều tích cực. Câu nói cửa miệng của anh khi nhận xét về người khác là tay ấy được đấy. Còn khi người khác nói về chuyện xấu của một người nào đó, anh thường hỏi lại thật thế không? Chuyện đấu đá, hoàn toàn xa lạ với anh. Không đồng ý việc gì, anh thường nói thẳng, nói vỗ mặt đồng nghiệp, thậm chí chửi bới tục tằn váng cả cơ quan. Cũng có lần điên tiết khi tranh luận, Lãi Nguyên lia cả bộ ấm chén vào góc phòng, vỡ tan tành. Rồi thôi, cho qua hết, không giận, không thù, không để bụng. Nay đọc lá đơn tố cáo toàn nói những chuyện trời ơi bằng cái giọng hằn học của Hoàng Phu, Lãi Nguyên ngạc nhiên là phải. Tìm hiểu kỹ, Lãi Nguyên mới biết nguyên nhân nào dẫn Hoàng Phu đến hành động như thế. Hoàng Phu rất mê tín, coi trọng tướng số. Không biết thầy tướng số nào đó đã phán rằng muốn sống, Hoàng Phu phải thay đổi công tác. Nếu cứ ở vị trí cũ, cái chết cầm chắc trong tay. Dù là người ham quyền lực, nhưng khi phải lựa chọn giữa mạng sống và quyền lực, thì Hoàng Phu đành chọn mạng sống. Hoàng Phu đã có ý định nghỉ hưu sớm hoặc xin thay đổi vị trí công tác, về làm chuyên viên ở một Vụ nào đó trên Bộ cũng được. Nay, trời xui đất khiến thế nào, ông ta lại có cơ hội để tiếp tục nắm giữ quyền lực mà vẫn bảo toàn mạng sống. Bộ quyết định đưa một số Công ty vào trong Tập đoàn Hoàn Cầu, để Tập đoàn này hoạt động theo cơ chế có Ban Lãnh đạo. Cả hai Công ty do Hà và Phu làm Giám đốc đều sẽ trở thành thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu. Sẽ có chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch Tập đoàn. Bộ dự kiến đưa anh Nguyễn Hà vào chân Chủ tịch Tập đoàn. Còn Hoàng Phu, sẽ được vào chân Phó Chủ tịch. Anh Hà có quá trình công tác lâu hơn Phu, đã từng làm đến cấp Cục trưởng, oai hùng một thủa, ngồi ghế cao hơn là phải. Lẽ đời là như thế. Nhưng Phu không thích theo lẽ đời. Lão thầm nhủ đây là cơ hội trời cho, phải giành lấy, giành lấy bằng mọi cách. Cái chân lý hại người cũng có thể làm lợi cho mình mà Hoàng Phu sớm nhận thức được, dù là lờ mờ, từ thời cải cách ruộng đất, thôi thúc lão hành động. Cái máu đấu đá cũng nảy sinh trong thời lão chạy theo ông Đội đấu tố bọn địa chủ cường hào gian ác bây giờ chảy rần rật trong huyết quản lão. Và lão hành động, nhằm vào mục tiêu duy nhất, đó là loại trừ Nguyễn Hà. Hành động ấy đã đưa lão lên chức Chủ tịch Tập đoàn Hoàn Cầu. Còn Nguyễn Hà, đành chấp nhận chức Phó Chủ tịch. Rồi, trong suốt thời gian làm Chủ tịch, cái máu đấu đá như căn bệnh ung thư cứ bành trướng trong cơ thể lão khiến cho Tổng Giám đốc Tuyết Nhung khốn khổ như ta đã biết. Có lẽ đấu đá quá cũng mệt, cần nghỉ ngơi, cho nên trong buổi lễ do cơ quan tổ chức để tiễn lão về hưu, lão đã tuyên bố: từ nay bỏ hết oán ân cho đời. Thật cảm động, lúc đó lão còn ôm hôn nữ Tổng Giám đốc Tuyết Nhung, tỏ lòng chân thực. Cả hai rơm rớm nước mắt. Vậy mà lão có từ bỏ cái oán đâu, lão vẫn đang tiếp tục gây thù chuốc oán đấy chứ. Lai lịch quan hệ giữa Hoàng Phu và Lãi Nguyên là như vậy.

Sau cái lần Hoàng Phu phát biểu trên báo Việc Làm chỉ trích Minh, rồi lại viết thư ngỏ kể tội Minh, Lãi Nguyên hẹn gặp Hoàng Phu tại nhà hàng bia hơi ở Vân Hồ. Lấy tình xưa nghĩa cũ, Lãi Nguyên khuyên Hoàng Phu: "Ông đã nói bỏ hết ân oán rồi cơ mà. Sao nay lại đơn từ, đấu đá. Thôi, về hưu rồi, nghỉ ngơi cho khoẻ!".  Nhìn khuôn mặt vốn căng tròn, hồng hào, bóng nhẫy, oai phong của Hoàng Phu nay đã hơi bệu xệu, Lãi Nguyên chân thành nói: "Tôi thấy thời gian qua ông bỏ công sưu tầm toàn là trang phục cổ truyền của các dân tộc, tạo thành một Bảo tàng tư nhân rất lý thú, sao ông không tập trung sức vào mà làm. Ông lại sưu tầm được toàn bộ tác phẩm của Hồ Xuân Hương, có nhiều tác phẩm xưa nay chưa ai biết, có những bản in rất cổ, việc ấy đáng nể lắm, sao ông không bỏ thêm thì giờ nghiên cứu. Hơi đâu mà đi viết đơn từ kiện cáo, mệt thân ra. Mà con Minh nó được lắm, nó đối với Công ty tôi thân thiết như người nhà, làm việc hết mình, vô tư vì Công ty tôi, nó có tồi như ông nói đâu!". Hoàng Phu chỉ uống bia, không nói không rằng. Mãi đến khi chuẩn bị đứng dậy, lão mới nói:"Thôi, tôi sẽ không đấu nó nữa!".  Lãi Nguyên đưa cho Hoàng Phu một túi nhỏ: "Tôi vừa nhờ được người đi Hàn Quốc mua thuốc tiểu đường. Loại này làm bằng thảo dược rất tốt. Ông dùng đi, hết, tôi lại gửi cho!".  Phu nhận thuốc, vẻ cảm động, rồi chia tay Lãi Nguyên. Dáng đi hơi ưỡn ngực về phía trước, hai chân dẫm mạnh, hai tay vung theo nhịp bước của lão, trông vẫn oai hùng lắm.

Đối với Lãi Nguyên, thì Lê Đản chỉ là loại đàn em. Hồi Đản mới lò mò từ quê Thanh Hoá ra, không nơi ăn chốn ở, không việc làm, thế nào lại tình cờ gặp Lãi Nguyên. Hồi ấy, cơ quan có một cái kho dưới Chùa Hàn đựng hoạ phẩm và một số đồ gỗ giả cổ chuẩn bị xuất khẩu, cần người trông coi. Lãi Nguyên báo cáo với Hoàng Phu, được lão đồng tình, anh đã bố trí cho Lê Đản làm chân thủ kho. Thấy gã khốn khó, thỉnh thoảng anh cho gã bộ quần áo cũ, bao thuốc lá hoặc tem phiếu thực phẩm cả một tháng. Thỉnh thoảng, anh cùng lão Phu và chú Đản này xuống Vân Hồ làm mấy vai bịa, vui vài câu chuyện. Trong bề rộng mênh mông của cuộc sống, Đản chỉ là chấm đen bé tí teo trước con mắt của Nguyên. Thực chất anh không để ý đến gã. Anh cũng không ngờ thằng cha nhà quê này bon chen giỏi thế, chỉ thời gian ngắn đã đứng gần ngang hàng với anh trên bậc thang tổ chức hành chính. Thỉnh thoảng Đản cũng có qua lại, thăm hỏi anh. Lần này, anh chủ động gọi Đản đến khuyên bảo: "Đản này, anh nói thật với chú, chị Minh là người tốt, lại có công giữ chú làm việc tại Liên doanh. Chị em có gì không phải thì đóng cửa bảo nhau. Chú đừng lấy oán báo ân. Cũng đừng tự bịt hết đường về của mình". Đản cãi: "Nhưng cái bà này cứ xồn xồn lên mọi chuyện, chẳng biết điều gì hết!".  Lãi Nguyên vỗ vai Đản:"Chị ấy khẩu xà tâm Phật. Đừng tự ái chấp nhặt thái độ mà hỏng tâm đấy. Thôi, chú suy nghĩ kỹ đi rồi hãy hành động". Đản vâng cụt lủn rồi xin phép ra về.

Gặp gỡ tâm sự, khuyên bảo xong hai người, Lãi Nguyên cảm thấy hài lòng. Anh gọi điện cho Minh: "Cô ơi, anh đã gặp cả Phu và Đản rồi. Họ đều hứa sẽ hoà giải với em. Em cứ yên tâm nhé!’’ Với lòng dạ chân thật, cả tin, Minh đáp: ‘‘Cảm ơn anh, em cũng tin ông Phu và chú Đản sẽ nghĩ lại!’’.

Thực ra, lòng tin của hai con người chất bao cấp này không hề có chỗ dựa vững chắc. Lòng dạ hai con người đậm chất thị trường kia đảo điên như chong chóng, làm sao dùng làm điểm tựa cho niềm tin được. Những người cả tin thường rất phẫn nộ khi lòng tin của họ bị phản bội. Kẻ phản bội sẽ bị họ vạch mặt chỉ tên trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Đại Hoạ sĩ lếu tếu sẽ có lúc nổi trận lôi đình và rồi dấn thân vào cuộc đấu tranh với những người mà trước kia, anh thường chung vui bia bọt. Lúc này, quan hệ thân thiết với Vị Lãnh đạo đã tạo thành một cường lực đấu tranh chống lại bọn cơ hội, ác độc. Vị Lãnh đạo thân Râu cho nên quan tâm hơn đến những sự vụ tại Tập đoàn, nơi mà Râu làm Giám đốc một Công ty thành viên. Quan tâm hơn, nên ông đã chỉ thị cho các cán bộ thân tín tìm hiểu kỹ hơn tình hình Công ty, ngầm điều tra về Đản và cả về Minh nữa. Bởi tình thân với Râu, Vị Lãnh đạo quan tâm đặc biệt hơn đến một vấn đề không phải thật hệ trọng lắm đối với công tác quản lý Nhà nước. Nhưng, là người làm chính trị, Vị Lãnh đạo phải kín kẽ, chắc chắn, không thể vội vàng tin lời người khác, cho dù người đó là bạn thân, không thể vội vàng xử lý những vẫn đề chưa có chứng cứ xác đáng.

Khi nhóm Phu, Đản, Lặng đã thể hiện hết sự táng tận lương tâm, tự bộc lộ bản chất xấu xa, không còn dừng ở cuộc đấu tranh nội bộ mà đã chuyển sang cuộc đấu đá mang tính chất đối kháng, Mai Chính Trực nhận thấy không thể đấu tranh bằng cách thuyết phục, giáo dục họ được nữa. Phải cứng rắn, quyết liệt. Anh đôn đốc Ban Kiểm tra Đảng khẩn trương kiểm tra, đưa ra kết luận. Anh chủ trương không dùng báo chí làm công cụ đấu tranh nội nộ. Những người đàng hoàng không muốn dùng báo chí để làm công cụ bôi nhọ đồng sự, cho dù đó là kẻ xấu. Họ càng ghét thói dùng đơn thư nặc danh gửi vung khắp nơi đánh bừa vào đối thủ, bởi họ nghĩ đó là hành động hèn hạ. Họ muốn tổ chức cuộc đấu tranh có tổ chức, kín đáo, êm ả, có hiệu quả, theo phương châm trị bệnh cứu người. Nhưng khi đối tượng cố tình chống đối, làm điều xấu, không thể cứu được nữa, thì phải dùng đến biện pháp cứng rắn. Khi đã phân định rõ đúng sai rồi, mới công bố trên báo chí. Lúc ấy, tư tưởng chỉ đạo là qua các bài báo, rút ra những kinh nghiệm giúp đấu tranh chống tiêu cực và giúp ổn định xã hội, chứ không phải là khuấy động lên làm rối loạn xã hội. Trực báo cáo với Bộ thực trạng Tập đoàn và Liên doanh, đề nghị Bộ cử đoàn Thanh tra vào thanh tra Liên doanh, thanh tra những vụ việc có liên quan đến đơn tố cáo Thu Minh và Lê Đản. Anh rất mừng, khi dự giao ban Bộ, phần nói về những vụ việc ở Tập đoàn, Vị Lãnh đạo Quang Minh tuyên bố dõng dạc :

- Tôi yêu cầu Thanh tra Bộ vào cuộc. Kỳ họp Nghị viện vừa rồi, ông Nghị Khắc Trọng ôm một tập đơn thư, một tập bài báo đến hỏi rằng tôi có biết vụ việc ở Tập đoàn Tri thức không, có biết chuyện bà Minh không. Tôi trả lời là tôi có biết, và tôi còn biết nhiều hơn những gì mà báo chí đã đăng tải. Tôi cũng có hàng chồng đơn tố cáo ông Đản. Ông cần nghe nhiều tai, đừng nghe một chiều. Có thể chính những người đang tố cáo bà Minh mới là những người đáng vào tù!

Nghe Vị Lãnh đạo phát biểu như vậy, Trực vừa cảm động vừa vững tâm. Chắc Minh sẽ mừng lắm. Trong cuộc đấu tranh này, Minh không đơn độc đâu. Vị Lãnh đạo bận biết bao công việc lớn lao, việc này chỉ là hạt cát trong sa mạc, mà Vị Lãnh đạo nắm chắc thế. Phải nắm chắc, mới có thể phát biểu đường hoàng như vậy. Và cũng có tâm nữa. Phải có tâm, mới thẳng thắn bảo vệ người bị oan như thế. Khắc Trọng đâu phải tay vừa. Ông này, kỳ họp Nghị viện nào mà chẳng gây chấn động dư luận bởi những câu hỏi chất vấn thẳng thắn, hóc búa. Thế nhưng, nhiệt tình đấu tranh chống tiêu cực là một chuyện, thẳng thắn nêu vấn đề trước quốc dân đồng bào là một chuyện, còn có nắm chắc được bản chất sự việc không, có giúp các cơ quan hữu trách xử lý chính xác và tới nơi tới chốn những bức xúc trong xã hội không, lại là chuyện khác, và đấy mới là vấn đề mang tính chất quyết định. Không khéo, chỉ nghe một chiều, dựa vào những thông tin giả, lại trở thành cái loa tuyên truyền cho kẻ tiêu cực bôi nhọ người tích cực. Các cụ vẫn bảo nói thì dễ, làm thì khó, đó là chân lý.

Vị Lãnh đạo phổ biến cho Hội nghị tinh thần chỉ đạo mới của Chính phủ về quản lý báo chí: Xử lý nghiêm túc đối với những cơ quan báo chí, những người có liên quan đến việc viết và đăng những thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật, không chỉ yêu cầu đính chính hoặc xử lý phạt vi phạm hành chính. Những đơn vị, những người bị báo chí viết sai sự thật cần thực hiện quyền khởi kiện ra toà theo quy định của luật pháp đối với các cơ quan báo chí đăng thông tin sai. Vị Lãnh đạo phân tích thêm:

- Thời gian vừa qua, đã có một số phóng viên, một số cơ quan báo chí lợi dụng tự do thông tin để đưa thông tin sai sự thật vì những mưu đồ xấu. Rất nhiều nơi, nhiều người, trong đó có cả những Bộ, Tỉnh, Thành phố cùng với những cán bộ lãnh đạo cấp cao bị báo chí xúc phạm, bôi nhọ, xuyên tạc, bịa đặt, không việc này thì việc kia. Nhiều nhà báo không gắn lợi ích của mình với đất nước, không nhạy cảm chính trị, viết ra những điều gây bất lợi cho đất nước. Đang đàm phán WTO với Mỹ thì báo Việc Làm tung lên bài về Việt Nam có chính sách ưu đãi ngành Vải lụa. Thế là Mỹ làm toáng lên. Chúng ta buộc phải huỷ cả văn bản của Chính phủ về vấn đề mang tính chiến lược này. Một số kẻ cơ hội trong nước càng lấn tới, công kích bừa bãi vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước, bôi nhọ cán bộ trên báo chí. Hậu quả là gây ra tâm lý hoang mang trong xã hội, làm cho người ta nản chí, lui vào phòng ngự, nhụt chí tiến công.

Vị Lãnh đạo chỉ thị cho cơ quan quản lý báo chí chuẩn bị nội dung làm việc với các báo, trong đó ghi rõ những cái sai cụ thể của báo chí trong thời gian qua.

Trực thấy hết sức tâm đắc với những lời phân tích của Vị Lãnh đạo. Sống trong đời thường, có thói quen quan sát của người làm báo, Trực nghe nhiều ý kiến của nhân dân. Có người nói: "Nghe báo chí bây giờ phải chọn lọc. Báo chí bây giờ cũng nói sai nói đúng". Có người còn nặng nề hơn: "Chợ có hàng thật hàng giả. Chợ báo chí bây giờ cũng có hàng thật hàng giả. Phải tinh ý để khỏi mua phải hàng giả. Phải nhạy bén để khỏi tin theo tin giả." Gì chứ, hàng giả trên báo chí thì Trực nhận mặt được nhiều lắm. Có thứ giả từ gốc, từ chính sự việc, để rồi khi lên mặt báo, nó trở thành hàng giả như thật. Trực nhớ mãi một bài báo nói về nạn quấy rối tình dục ở công sở. Có cả một cuộc hội thảo về chuyện này. Một phụ nữ được phóng viên tôn vinh danh hiệu người phụ nữ dũng cảm đã lên diễn đàn tố cáo về việc mình bị ông Giám đốc rồi ông Trưởng phòng sàm sỡ, đòi quan hệ. Theo lời chị ta kể, thì do không đáp ứng đòi hỏi của các vị lãnh đạo này mà chị bị trù úm, không được lên lương, không được đi học chính trị cao cấp. Trường hợp này, Trực  biết rõ là bịa đặt một trăm phần trăm. Người phụ nữ ấy không phải chỉ làm việc ở một cơ quan, mà thuyên chuyển tới ba cơ quan. Khi ở cơ quan cũ, một cơ quan thuộc về giới phụ nữ, chị ta vi phạm kỷ luật nên bị hạ lương. Còn cái ông Giám đốc mà chị ta tố rằng luôn luôn tìm cách quấy rối tình dục mình, sau đó bị cấp trên cho nghỉ, là hoàn toàn do trí tưởng tượng bệnh hoạn của chị ta. Vì trên thực tế, ông Giám đốc vừa nghỉ hưu mới làm Giám đốc được ba năm, trong khi chị ta đã là nhân viên ở đấy từ hơn chục năm rồi. Trước đó, chị ta đã sống và làm việc dưới quyền lãnh đạo của hai Giám đốc khác. Vậy thì lấy đâu ra một ông Giám đốc theo đuổi chị ta từ khi chị ta mới vào làm việc, mãi khi ông này bị cấp trên cho nghỉ mới thôi đeo bám chị? Lại nữa, một chi tiết phi lô gích do chị ta dựng lên, phóng viên không hề phân tích để tìm ra sự thật, mà vội vã tung lên mặt báo. Đó là chi tiết kể về việc chị phụ nữ này bị cản trở, không được đi học chính trị cao cấp, rồi khi thi lên chuyên viên lại bị đánh trượt. Phóng viên lẽ nào không hiểu rằng muốn được đi học chính trị cao cấp, ít nhất người ta phải là chuyên viên chính? Chị này chưa là chuyên viên, thì ai cho đi học chính trị cao cấp? Người phụ nữ này làm việc thì ít mà gây rối nội bộ thì nhiều, bị kỷ luật hai ba đận, vậy mà đã tự tô vẽ cho mình rồi được báo chí tung hô như một người phụ nữ dũng cảm, dám đấu tranh thẳng thắn với tiêu cực! Cái kiểu viết báo nghe hơi nồi chõ như thế này, nguy hiểm biết bao. Hồi còn ở Bộ, thường phải chuẩn bị những bài trả lời các câu hỏi chất vấn của các Nghị viên trong các kỳ họp Nghị viện, Trực nhận ra một điều là không ít vị Nghị viên hay căn cứ vào dư luận trên báo chí để chất vấn Bộ này, Ngành nọ, mà không thẩm tra thông tin trước khi chất vấn, cho nên càng làm cho tình hình rối rắm thêm, việc xử lý thêm phức tạp mà lại không đánh trúng ổ tiêu cực, không xoáy được vào chiều sâu mang tính bản chất của những nhức nhối xã hội. Tiếp xúc với nhiều Bộ trưởng, Chủ tịch, Bí thư Tỉnh, Thành, Trực nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại là nhiều người trong đội ngũ này tỏ ra vừa không ưa, vừa ngại, có vị lại coi khinh báo chí. Thế này thì nguy to rồi. Báo chí là công cụ của Đảng, Nhà nước, thế mà nhiều cán bộ cao cấp lại kiềng mặt nó, thì nguy cơ gậy ông đập lưng ông đang hiển hiện trước mắt. Trực đã có lần nêu ý kiến với Vị Lãnh đạo là quản lý báo chí phải toàn diện, một mặt mở rộng tự do ngôn luận hơn nữa, mặt khác phải quản lý chặt chẽ, xử lý đến nơi đến chốn những báo chí viết sai sự thật. Chính phủ đã tổng kết nhiều lần rằng những vụ việc tiêu cực nêu trên báo chí, có tám mươi đến tám lăm phần trăm là đúng sự thật. Vậy còn mười lăm đến hai mươi phần trăm sai sự thật thì ai chịu trách nhiệm? Biết bao con người, bao cơ quan đã bị bôi xấu trên mặt báo, lẽ nào không ai phải chịu trách nhiệm? Không ít cơ quan báo chí nước ta có căn bệnh mãn tính là không dám nhận khuyết điểm. Viết sai lè lè, có bằng chứng rõ ràng về những sai lầm ấy, nhưng nhất quyết không chịu cải chính, thậm chí còn nhè vào những sơ hở trong văn bản mang tính hành chính của người ta mà giáng tiếp những đòn thâm hiểm hơn. Như trường hợp báo Việc Làm đối với Tập đoàn Tri thức là một ví dụ sống động. Phóng viên Khánh Đô đã viết bịa đặt với dụng ý xấu như vậy, nhưng khi được cơ quan quản lý báo chí yêu cầu giải trình, thì vẫn khăng khăng cho rằng mình đúng, không những thế, còn đăng tiếp một bài viết mang tính vu cáo trắng trợn hơn. Thế mà rồi thì hoà cả làng, chẳng ai phân xử cho rõ trắng đen cả. Tại sao lại xảy ra tình trạng này? Có phải vì người ta lầm tưởng báo chí là quyền lực thứ tư rồi phóng đại cái quyền lực ấy lên? Có phải một số nhà báo, một số cơ quan báo đã tự coi mình đứng trên hết thảy? Muốn lý giải được điều này, phải có những công trình nghiên cứu khoa học thật nghiêm túc. Tiếc rằng, trong nước ta, chưa có ai, chưa có cơ quan nghiên cứu nào để tâm và dày công nghiên cứu về vấn đề này. Gần đây, chắc chắn đã nhận thức sâu sắc hơn tính chất nguy hiểm của việc buông lỏng quản lý báo chí, các Nhà Lãnh đạo bắt đầu có những bài nói, những văn bản chỉ đạo mang tính nghiêm khắc hơn với báo chí. Trong các bài viết, văn bản đó, phần khen ngợi báo chí bao giờ cũng có (vì tính tích cực của báo chí là chủ yếu), nhưng bây giờ, tỷ lệ đã ít hơn phần nói về tiêu cực. Sự phê phán tính tiêu cực trong hoạt động báo chí ở nước ta đã mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn. Trong phát biểu, một số Nhà Lãnh đạo đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của báo chí, là không chỉ làm chức năng thông tin mà quan trọng hơn là để góp phần xây dựng đất nước. ­Nhà báo Trường Thọ thì phát biểu trên báo Tuổi xuân, phủ định quan điểm xưa nay ngự trị trong làng báo về quyền lực thứ tư. Theo ông, báo chí không phải là quyền lực thứ tư mà là một thế lực quan trọng. Trực thấy nhà báo lão thành này đã có quan điểm thật chính xác. Tại nước ta, trong các văn kiện của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước đều không có câu chữ nào khẳng định báo chí là quyền lực thứ tư. Trên thực tế, báo chí cũng chưa hề thể hiện được quyền lực ấy. Như thế, trong hệ thống chính quyền nước ta, chỉ có ba cơ quan quyền lực - cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Báo chí chưa hề được xếp vào loại cơ quan quyền lực nào. Quyền lực thứ tư hoá ra là một quyền lực ảo, không có cơ sở pháp lý. Có lẽ ngộ nhận về quyền lực thứ tư đó, cho nên khá nhiều nhà báo, đặc biệt là một số nhà báo trẻ, thiếu bản lĩnh chính trị, thường tỏ ra kiêu căng, coi thường người khác. Nhà báo Trường Thọ tỏ ra lo ngại trước những vi phạm của báo chí, mà ông tổng kết có hai loại chính là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, và vi phạm pháp luật.

Đọc báo Tuổi xuân ngày hai mốt tháng sáu năm hai nghìn lẻ sáu, đúng vào ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Trực quan tâm đặc biệt đến bài "Đằng sau những dòng cải chính". Trong bài này, có lẽ là lần đầu tiên trên báo chí nước ta, những phóng viên công khai nói lên những suy nghĩ của mình về những sai lầm, khuyết điểm của chính giới báo chí. Những suy nghĩ của tác giả bài báo thật là sâu sắc và chân thực: "Điều đáng sợ nhất đối với một toà soạn là gì? Là sự vô cảm trước những dòng cải chính. Hãy nghĩ đến những gì đằng sau những dòng cải chính: tai hoạ ập xuống đầu một doanh nghiệp, danh dự một con người bị bôi xấu, sinh mạng chính trị một con người có thể bị kết liễu". Trực muốn nói thêm rằng, nếu không ngăn chặn kịp thời khuynh hướng viết sai sự thật, để những kẻ nhân danh tự do ngôn luận phát biểu bừa bãi trên báo chí, sẽ tạo nên mối nghi 0hoặc trong đông đảo quần chúng, sẽ làm cho quần chúng mất lòng tin. Mà mất lòng tin thì sẽ mất tất cả. Trực tự nhủ rằng đến một ngày nào đó, Tập đoàn của anh cũng phải tham gia cuộc đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực trên báo chí, mà tiêu điểm là báo Việc Làm.

Thực hiện chỉ thị của Vị Lãnh đạo, Thanh tra nhanh chóng vào cuộc. Trưởng đoàn là một phụ nữ hiền hậu tên là Thu Trang. Trong văn bản đề nghị thanh tra Liên doanh, Trực đề ra hai phương án: thứ nhất, thanh tra toàn diện, thứ nhì, thanh tra vụ việc liên quan đến đơn từ tố cáo Minh và Đản. Nếu thanh tra toàn diện được thì tốt nhất, vì ngay từ khi mới thành lập, Liên doanh này đã có những vấn đề không ổn. Chuyện xảy ra cách đây chục năm rồi, Trực vẫn thấy như mới hôm qua. Khi đó, chúng ta đang cần vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho đất nước. Chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm trong liên doanh, hợp tác với nước ngoài. Cho nên, gặp đối tác là mừng như vớ được thần tài. Chúng tôi có đất đấy, mời các ông bỏ vốn vào đầu tư. Vâng, đất sẽ được tính giá trị sử dụng, quy thành đô la để góp vốn. Đây là giá trị sử dụng chứ không phải là giá bán, cho nên rẻ như bèo. Dẫn đến phần vốn góp của chúng ta bao giờ cũng thấp, chúng ta bao giờ cũng bị lép vế. Nực cười một chuyện là khi đàm phán để thực hiện liên doanh khai thác mảnh đất ở khu vực đầm Bạch Liên, đối tác đưa ra một yêu cầu có tính bắt buộc là chúng ta phải thay Giám đốc Công ty Hân Hoan thì họ mới đầu tư. Thế mà ông Giám đốc kia bị mất ghế thật, thay vào đó là một Giám đốc khá nhanh nhạy với thị trường nhưng hay thu vén cá nhân. Chẳng thế mà cách đó vài ba năm, vị này đã bị thi hành kỷ luật ở mức cho thôi chức Giám đốc Công ty Da Ha. Kết quả, cả khu đất vàng bên đầm Bạch Liên quy ra tiền cũng chỉ bằng mười lăm phần trăm vốn đầu tư toàn bộ Khách sạn. Sau khi Tập đoàn Tri thức nhận làm đối tác thay "thây ma", Trực xem xét tình hình mà lòng đau căn cắt. Chọn phương thức liên doanh, chúng ta thiệt đơn thiệt kép. Mảnh đất vàng như thế mà kinh doanh chỉ có một năm có lãi, còn lại toàn là lỗ. Mảnh đất ấy, cứ san ra, trông xe ô tô cũng đủ giầu, thế mà đằng này lại lỗ mới cực chứ. Có lẽ đây là tình trạng chung của các Liên doanh với nước ngoài, cho nên có một Vị Lãnh đạo ở Chính phủ nói rằng với nước ngoài, cứ cho thuê đất là tốt nhất, chứ liên doanh, ta thiệt đơn thiệt kép.

Bộ chọn phương án hai, tức là khoanh việc thanh tra lại ở nhiệm vụ xem xét đơn thư tố cáo chị Minh và anh Đản. Đoàn Thanh Tra của Bộ xuống công bố quyết định về thanh tra Khách sạn Bạch Liên. Hôm sau, đoàn xuống làm việc tại đơn vị này. Lý Ngồ Ngộ hăng hái yêu cầu được đi cùng đoàn - vì tôi chưa xuống Bạch Liên bao giờ, tôi cùng đi để cùng nghe báo cáo, nắm chắc tình hình. Thực ra, Ngộ đã xuống Bạch Liên quá nhiều lần như ta đã biết. Không rõ trong khi làm việc tại Khách sạn, Lý Ngồ Ngộ phát biểu những gì về Minh, mà chị Trưởng đoàn phải cắt lời: ‘‘Xin anh đừng vội kết luận. Vụ việc chúng tôi còn phải thẩm tra, chúng tôi sẽ kết luận vào khi thích hợp’’. Còn khi về cơ quan, có anh trong đoàn thốt lên: ‘‘Lạ thật, tay Tổng Giám đốc này thù gì bà Minh mà lại muốn mượn gió bẻ măng!’’. Trực dặn Ngọc cộng tác chặt chẽ với đoàn thanh tra, cung cấp tài liệu đầy đủ cho đoàn. Còn anh, tránh tiếp xúc với đoàn để đảm bảo tính khách quan của công việc.

Giữa lúc tình hình căng thẳng tới đỉnh điểm thì một tin vui đến với cơ quan. Trong khi đang chủ trì cuộc họp Đảng uỷ, Trực nhận được văn bản của Cơ quan Chức năng Hà Nội. Công văn trả lời ông Hoàng Phu, với nội dung bác bỏ tất cả những lời tố cáo của ông đối với chị Minh. Anh liền đọc cho toàn Đảng uỷ nghe, trong đó có phần quan trọng như sau:

"Với những tài liệu thu thập được, Cơ quan Chức năng thành phố Hà Nội xác định:

Việc bà Minh nhận tiền phụ cấp, thưởng, chi phí đi công tác theo tinh thần Nghị quyết Ban Lãnh đạo Liên doanh Bạch Liên, đối chiếu với quy định của pháp luật hình sự thì không cấu thành hành vi nhận hối lộ. Cơ quan Chức năng không có cơ sở xác định việc bà Minh đã nhận số tiền 60.000 USD của Chu Dung như đơn ông Phu tố cáo."

Trực nói với Hội nghị: "Mọi việc rồi sẽ sáng tỏ. Chúng ta cứ bình tĩnh, tin tưởng ở cơ quan Chức năng!".

Họp xong, Trực ngồi suy nghĩ mà vui trong lòng. Tay Trung này tốt thật. Xử lý công việc công tâm như thế, thật đúng là có phẩm chất của một anh hùng. Nhận ra thiếu sót là chậm tiếp cận với những cán bộ có trách nhiệm giải quyết vụ việc ở cơ quan mình, Trực đã hẹn gặp Trung mấy lần. Trung rất nhiệt tình, vô tư nhận lời. Nhưng cứ đến hẹn, thì đùng một cái, lại có án, Trung lại phải lao vào cuộc chiến mới. Kể từ khi hẹn Trung, phải đến năm sáu lần lỡ hẹn vì Trung phải đi đánh án. Đời người chiến sĩ chức năng nếu thực sự vì dân thì nhọc nhằn biết mấy. Trong khi thực thi nhiệm vụ, người chiến sĩ ấy gặp biết bao hiểm nguy... Không gặp nhau lần nào, nhưng Trung vẫn hứa qua điện thoại với Trực là sẽ chỉ đạo anh em điều tra thật chính xác và có kết luận bằng văn bản cho Tập đoàn. Nay lời hứa đã thành sự thật, mà Trung vẫn chưa hề đặt chân đến cơ quan này lần nào.

Một điểm chốt quan trọng đã giải quyết xong, bây giờ phải đánh bung ra điểm chốt cuối cùng.

Trực lại gọi điện cho Đại Hoạ sĩ: "Ông Râu ơi, ông phải ra tay với tôi. Ông đến Vị Lãnh đạo đi. Mọi việc, ông rõ rồi đó. Bây giờ, ta phải đấu tranh trực diện. Vị Lãnh đạo cũng đã nắm rõ tình hình. Vị Lãnh đạo cần làm sao cho Khu trưởng Thành Đô cũng hiểu rõ tình hình để giải quyết công việc cho chính xác".  Ngay tối hôm đó, Vị Lãnh đạo đã ngồi với Đại Hoạ sĩ tại nhà Đại Hoạ sĩ. Vị Lãnh đạo nói thực với bạn rằng, tầm cỡ của ông, ông không thể gọi điện cho Trưởng Khu. Nhìn mặt bạn nghệt ra, mép nhếch lên, tỏ ra thất vọng, Vị Lãnh đạo cười lớn: "Bác đừng vội lo. Tôi sẽ bảo một người gọi điện cho mấy tay này, còn hiệu quả hơn tôi gọi!".  Đại Lếu tếu gọi điện báo lại tin cho Trực. Chưa yên tâm, Trực yêu cầu Đại Lếu tếu phải thân hành đi tới những nơi mà anh có quan hệ thân thiết mà có khả năng tác động để vụ án chuyển động nhanh chóng theo chiều tích cực. Đại Lếu tếu đi liền, ngày đi, tối cũng đi. Quả thật, Đại Lếu tếu râu có mối quan hệ rộng mênh mông, sâu thăm thẳm. Quan hệ với các Vị Lãnh đạo. Quan hệ với các cán bộ Chức năng. Quan hệ cả với các Đại ca. Râu vẫn khoe rằng gia đình Râu có cả bộ máy trừng phạt tội phạm và có cả nguyên tội phạm. Chẳng là họ hàng nhà Đại Hoạ sĩ lếu tếu râu này có người là tướng cảnh sát, lại có người là dân anh chị từng bị tù vì tội trót phang cuốc vỡ đầu một người làng bên trong một vụ tranh chấp đất đai ở quê. Khi ngồi tù, người này kết thân với mấy tay anh chị, sau này về đời thường trở thành những Đại ca. Mấy Đại ca nghe Râu kể tội lũ Phu, Đản thì nổi máu anh hùng - bác cứ để đấy, bọn này bảo lũ đàn em phang cho thằng Đản mấy chưởng, xin mấy cái xương sườn là nó câm họng ngay ấy mà. Đại Lếu tếu cười ha hả, vỗ vai Đại ca - thôi, người anh em đừng làm quá tay. Kẻo mình đang là người đánh bọn mất dạy lại trở thành kẻ phạm pháp. Bác chỉ cần cho đàn em theo dõi cách ăn chơi của thằng nhãi ranh này là được.

Những quan chức Chức năng, với tình bạn thân thiết, khuyên Đại Lếu tếu bảo Minh phải nhất quán trong lời khai, không dược nói lung tung, đề phòng hồ sơ xấu thì khó gỡ. Đại Lếu tếu gắt ầm lên - nó có nói lung tung gì đi nữa thì cũng không thể có hồ sơ xấu được. Việc của nó toàn đẹp, hồ sơ phải đẹp chứ. Mấy Vị Lãnh đạo chê Đại Lếu tếu ruột ngựa đầu bã đậu, chẳng hiểu gì những uẩn khúc cuộc đời, cứ tưởng rằng mình đúng thì mọi việc cũng sẽ êm đẹp. Nhưng, mấy Vị Lãnh đạo cũng hứa: Việc này quá nhỏ, không đáng để tôi phải can thiệp trực tiếp, nhưng tôi sẽ có tác động gián tiếp, cứ yên tâm.

Nhận tín hiệu ô kê từ Đại Hoạ sĩ, Trực gọi điện cho Vũ Hoàng, Thủ trưởng cơ quan Chức năng Khu Thành Đô, đăng ký làm việc. Quả nhiên, anh nhận được lời mời nhiệt tình: "Mời anh đến. Chiều nay được không? Vâng, ba giờ nhé!".

Khi Trực đang tổng hợp tình hình để đi đến bước đấu tranh cuối cùng trong nội bộ làm rõ đúng, sai, thì anh lại không biết rằng Trung cũng đang chỉ đạo sát sao việc phá vụ án này. Trực nghĩ rất tốt về Trung, nhưng anh vẫn chưa hiểu hết Trung. Người anh hùng thời kỳ đổi mới này tuy thân hình không cao to nhưng săn chắc, mạnh mẽ, và đặc biệt, ý chí tiến công tội phạm thì mạnh hơn Trực hiểu nhiều. Phát hiệt ra dấu vết tội phạm là anh cho bám theo, điều tra, chứ không chịu bỏ qua. Vụ án ở Liên doanh Bạch Liên cũng vậy. Người làm công tác bảo vệ an ninh cho đất nước phải có cảm quan nhạy bén. Cái cảm quan ấy giống như sự nhạy cảm của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ qua những rung động bất chợt xuất phát từ sự nhạy cảm của mình thường đi trước xã hội, phát hiện ra những điều sẽ xảy ra trong tương lai mà người khác chưa thấy, rồi biến nó thành hình tượng nghệ thuật. Còn người chiến sĩ chức năng, nhờ cảm quan nhạy bén mà phát hiện ra đầu mối của các vụ án. Tất nhiên, đó là đầu mối thôi. Nhưng bất cứ vụ án nào mà chẳng phải cần tìm ra được đầu mối rồi mới tổ chức phá án. Tiếp xúc với Đản, Trung đã cảm thấy tay này không đáng tin. Tiếp xúc với Minh, Trung lại nhận ra ngay con người này phổi bò, không thể có kiểu lừa bịp, ăn chặn. Tiếp xúc với Trực, anh cảm thấy dễ tin, dễ cảm phục. Từ chỗ cảm thấy như vậy, anh giao cho các chiến sĩ ngầm điều tra về các con người này. Anh đã tìm Giao, người từng đi Trung Quốc với Minh, để hỏi về chuyến đi ấy. Giao chẳng giấu diếm gì: "Đúng, tôi dẫn chị ấy đi Trung Quốc lấy thuốc cho con. Tại Bắc Kinh. Có địa chỉ đây, anh có thể kiểm tra vì Nhà thuốc này có hồ sơ khách hàng. Đi về có ba ngày, chỉ làm việc lấy thuốc và mua chút quà rồi về. Không tiếp xúc với ai khác". Muốn đi đến ngọn ngành một việc để làm cơ sở xét đoán việc khác, Trung đã nhờ đồng nghiệp ở Trung Quốc, Đài Loan kiểm tra tính chính xác của lời báo cáo của Giao. Quả nhiên đúng như vậy, mọi ghi chép trong sổ sách của nhà thuốc Lưu Gia Đường và trong Khách sạn Ban Mai cũng như sổ sách theo dõi xuất nhập cảnh đều cho thấy Giao và Minh có mặt tại những nơi này trong ba hôm. Cùng thời gian trên, các nhân sự tham gia Liên doanh của phía Đài Loan đều ở tại địa phương. Trung tự nhủ: "Lúc nào cũng phải cảnh giác. Phải cảnh giác với cả những người nhân danh chống tiêu cực, tham nhũng. Bây giờ, lợi dung dân chủ, khá nhiều người không ngại vu cáo, bôi nhọ người khác. Tay Đản này liều thật, dám dựng đứng chuyện bà Minh sang Trung Quốc gặp Chu Dung để bàn âm mưu chạy án vụ mại dâm." Biết cơ quan Chức năng khu Thành Đô đang thụ lý "vụ án" do Đản tố cáo chị Minh chiếm đoạt tiền của Đạt và đi Trung Quốc với hành động mờ ám, Trung chủ động gọi điện cho Trần Sơn, trợ lý của Vũ Hoàng, nhưng là bạn học của em Trung thời phổ thông. Anh trao tài liệu cho Sơn và dặn cứ bí mật theo dõi vụ án... Với Trung,"vụ án" này quá nhỏ. Nhưng phía sau nó, Trung cảm thấy có cái gì đó lớn hơn, nghiêm trọng hơn.

Cái vụ án mà Trung cảm thấy có gì đó lớn hơn ấy, nghiêm trọng hơn ấy liên quan đến một người có biệt danh là Tóc đen nhánh. Trung hẹn gặp một trinh sát mà anh đã phái đi nằm vùng mấy tháng qua. Trong quán cà phê Phố Quê sâu hun hút, mờ ảo ánh đèn công suất thấp, nhập nhoà trong khói thuốc lá bảng lảng, Trung ngồi ở bàn bên cạnh cây Địa lan đang nở hoa. Lát sau, một thiếu nữ dáng cao vừa, tóc buông lửng, nhẹ nhàng đến ngồi ghế đối diện.

Hai người chia tay nhau. Trung vừa đi vừa nghĩ: Lũ thằng Đản, Lặng chỉ là nhãi nhép. Cỡ bự, là Tóc đen nhánh kia. Gã này ẩn mình kỹ quá.

Vào thời gian này, toà án xử vụ án mại dâm tại Khách sạn Bạch Liên. Có báo đăng tin một cách chua chát rằng các tội phạm người nước ngoài mất tăm, nhân viên người Việt dắt nhau vào tù. Trung thấy đau lòng quá. Thực chất vụ án có phải như mọi người vẫn hiểu theo các phương tiện thông tin đại chúng công bố không? Hoạt động mại dâm bắt đầu từ năm nào? Ai mới thực sự là chủ mưu và tổ chức hoạt động?

Cũng lúc này, đoàn Thanh tra soi Đản theo đơn tố cáo của quần chúng. Nỗi uất hận bị nén lại, kéo dài bao năm ở Bạch Liên, nay mới có dịp bung ra. Quần chúng cung cấp cho Cơ quan Chức năng Khu Thành Đô và cho Đoàn Thanh tra của Bộ hai chứng cứ quan trọng. Đó là hai phiếu chi, có chữ ký của Đản nhận năm ngàn đô la Mỹ với lý do để giao tế công an, nhờ giải quyết êm thấm vụ mất hoá đơn, nhờ giải quyết thủ tục xác nhận chức danh Tổng Giám đốc Chin... Với hai phiếu chi ấy, Đản khó mà thoát tội, đó là tội đút lót nếu chứng minh được rằng mình đã đưa tiền cho những ai để cầu cạnh giải quyết việc gì, hoặc là tội biển thủ công quỹ nếu không chứng minh được đã chi tiền phục vụ công việc chung. Lê Đản đâu ngờ tình thế lại đảo ngược như vậy. Khi chị Minh bị gọi lên gọi xuống, tra đi tra lại ở cơ quan Chức năng Khu Thành Đô, Đản đã tưởng chị này chết đến nơi rồi. Sau đó, khi hai người anh em thông báo là đã gài bẫy tháo tiền khỏi quỹ Tập đoàn, chỉ chờ Minh nhận lại tiền, là có lệnh bắt, thì Đản coi như đã thắng trận. Đại Sư phụ Hoàng Phu đã làm chuyến du hành khắp các Công ty thành viên của Tập đoàn, kể cả ở thành phố Hồ Chí Minh, tung tin: Con Minh đang bị điều tra, chuẩn bị có lệnh khởi tố, bắt tạm giam. Vậy mà bây giờ, chính ông ta lại bị gọi lên gọi xuống, tra đi tra lại ở chính Khu Thành Đô và ở cơ quan Thanh tra. Hai người anh em lặn mất tăm. Ở Khu, tra hỏi Đản là anh chàng cao to, mặt hiền lành mà giọng đanh thép, cứ hỏi nhát gừng nhưng đưa dần Đản vào ngõ cụt, đành phải lòi đuôi cáo ra. Ở Bộ, làm việc với Đản là một phụ nữ dịu hiền, giọng mềm mỏng. Nhưng, lạt mềm buộc chặt, Đản trơ mình ra chịu trận và cuối cùng phải thừa nhận là chị Minh không lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt tiền của gã; tiền hai người nộp là do tự nguyện với nhau. Quan trọng hơn, Đản khai nhận chính mình đã đề xuất rồi được Tổng Giám đốc Liên doanh cấp cho năm nghìn đô la Mỹ để đi giao tế công an và một số cơ quan khác. Việc chi cho những ai, Đản xin không tường trình. Mọi lời khai của Đản, đều được ghi biên bản, không những thế, còn được ghi âm. Qua vụ chị Minh, Đản trở nên nổi tiếng về chất gian manh, lật lọng, cho nên mọi người luôn luôn phải kín kẽ khi giao tiếp với gã.

Chiều hôm ấy, đúng ba giờ, Trực tới trụ sở Cơ quan Chức năng khu Thành Đô. Cùng đi với anh có Phan Trí, Chánh Văn phòng Tập đoàn, chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ cơ quan. Trí có dáng người cao cao, tính tình thẳng thắn, đã có thái độ đúng đắn, kiên định trong việc đánh giá "vụ án" chị Minh. Trực muốn có Trí cùng dự buổi làm việc với Thủ trưởng cơ quan Chức năng khu để Trí có điều kiện hiểu sâu hơn bản chất sự việc. Phòng làm việc của Vũ Hoàng, Thủ trưởng Cơ quan Chức năng Khu, nằm trên tầng hai, trong một căn phòng rộng chừng bốn chục mét vuông. Căn phòng tương đối gọn gàng, kê hai cái bàn, trang bị một máy tính màn hình phẳng cỡ mười bảy inh. Bây giờ, thời hiện đại, phương tiện kỹ thuật rất cần thiết, vấn đề là phải biết làm chủ nó. Trong khi nhâm nhi chén trà sen do Hoàng mời, ngắm nghía chiếc màn hình phẳng mỏng dính, thoáng trong đầu Trực một ý nghĩ về sự lãng phí của biết bao nhiêu cơ quan khi người ta chạy theo mốt tin học hoá, cắm đầu cắm cổ thực hiện Đề án 112 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý hành chính, cứ trang bị máy tính, máy in, mô đem... rồi trùm chăn bỏ xó, không thực hiện được mục tiêu đã đề ra. Trực nhớ có nhiều lần vào cơ quan Bộ này Bộ nọ, anh thấy nhiều phòng được trang bị máy tính mới coong nhưng chuyên viên ở đấy lại hí hoáy ngồi viết báo cáo bằng bút bi và trao đổi thông tin qua điện thoại chứ không biết sử mạng. Cũng không hiểu những nhà tin học dịch thuật ngữ từ tiếng Anh sang tiếng ta thế nào, cứ cổ vũ rùm beng cho cái gọi là Chính phủ điện tử. Trực hiểu rằng, Chính phủ là một tổ chức gồm những con người, chẳng bao giờ những con người ấy biến thành điện tử được cho nên không bao giờ nên gọi là Chính phủ điện tử. Có chăng, là xây dựng một hệ thống điện tử phục vụ nền hành chính, phục vụ hoạt động của Chính phủ. Trực dứt khỏi dòng suy nghĩ khi Hoàng mời mọi người vào việc. Trực cũng cảm thấy thú vị khi quan sát Hoàng nhấn chuột máy tính, lôi ra hồ sơ về vụ Đản kiện chị Minh - tay này được đây. Cùng làm việc với Hoàng có một chiến sĩ người cao to, nét mặt hiền hậu, được giới thiệu là Trần Sơn. Sơn cùng ngồi phía bàn với Trực. Hoàng ngồi đối diện. Hoàng là một người đàn ông trung niên da trắng mịn màng, dáng vẻ thư sinh, lịch lãm. Hình thức ấy tương phản với hình ảnh mà người ta hay mô tả trên phim ảnh về những cán bộ Chức năng cao to vạm vỡ, da đen mắt sáng, sức vóc phi thường. Hoàng nói với Trực những câu mang tính nguyên tắc của nghề nghiệp mà ai cũng phải nói: "Ai cũng có trách nhiệm đối với nền an ninh quốc gia. Cần phải làm việc một cách khách quan và trung thực. Khi giải quyết công việc, chúng tôi tuân thủ nguyên tắc ấy, mong các anh hợp tác". Trực cũng vui vẻ nhắc lại nguyên tắc mà người quản lý nào cũng phải tuân theo, mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Cơ quan Chức năng để cho Tập đoàn được yên ổn mà thực hiện nhiệm vụ. Hoàng giới thiệu Trần Sơn nêu lên những ý kiến về vụ án này. Trực ngạc nhiên thấy tay Sơn này nắm khá chắc tình hình Tập đoàn, tình hình Liên doanh Bạch Liên, đưa ra những nhận xét sắc sảo về Đản cũng như những lập luận chặt chẽ bác bỏ những lời cáo buộc của Đản với chị Minh. Qua nhiều câu trao đổi, Hoàng kết luận: "Chúng tôi sẽ có văn bản trả lời Tập đoàn và Bộ Nhân văn về những vụ việc liên quan đến chị Minh, anh Đản. Nói chung, quan điểm của chúng tôi và các anh thống nhất với nhau. Lời anh Đản tố cáo chị Minh lợi dụng chức quyền bắt ép anh Đản nộp tiền rồi chiếm đoạt số tiền ấy là không có cơ sở. Ngược lại, lại có cơ sở để nói rằng Lê Đản có biểu hiện vi phạm pháp luật." Kết thúc buổi làm việc, Vũ Hoàng nói: "Lúc đầu, tưởng rằng đây là vụ tiêu cực thực sự, rồi nổi máu nghề nghiệp lên, anh em có hăng hái thái quá, mong anh thông cảm". Trực hiểu ngay rằng Vũ Hoàng gián tiếp xin lỗi mình về việc hai chiến sĩ Chức năng hơi sỗ sàng khi làm việc với Trực vào giai đoạn đầu của "vụ án". Vốn rộng lượng, Trực cười xoà: "Thanh niên mà. Ta cũng cần động viên anh em hăng hái với công việc". Hai cán bộ Chức năng tiễn Trực và Trí ra. Tới cửa, Hoàng quay vào, còn Trần Sơn đi tiếp với hai người theo dãy hành lang khá dài. Đi sát bên Trực, Sơn nói khẽ: "Anh Trung gửi lời thăm bác và nhắn bác cứ yên tâm!". Trực đưa tay xiết chặt bàn tay ấm áp của người chiến sĩ cao to mà hiền hậu này. Trên đường về cơ quan, lái xe của Trực báo một tin giật gân: ‘‘Trong Tập đoàn đang đồn ầm lên rằng tháng bẩy này chị Minh sẽ bị bắt?". Trực hỏi lái xe: ‘‘Cháu có tin như thế không?’’. Lái xe cười: "Cháu không tin. Nhưng như thế là ở Tập đoàn ta có những người vẫn có ác ý với chị Minh và có những người vẫn phao tin đồn nhảm!’’.

Nhận thấy cần phải tiếp tục tấn công, Trực hẹn làm việc với Trung. Dù chạy theo công việc đến rạc người, nhưng khi nghe Trực nói cần bàn chuyện để lật lại vụ án mại dâm ở Bạch Liên, Trung cũng cố thu xếp gặp anh. Hai người ngồi với nhau tại quán cà phê Hương Chiều, một quán khá rộng và yên tĩnh. Tranh thủ thời gian, họ không nói những câu xã giao, vòng vo, mà đi thẳng vào việc cốt yếu. Nhìn thẳng vào mắt Trung, Trực nói:

- Tôi hoàn toàn đặt lòng tin vào đồng chí. Tôi thấy có mấy điểm mà đồng chí cần lưu ý. Trong vụ án vừa qua, tôi thấy các cơ quan Chức năng mới chỉ dựa vào lời khai chứ chưa có bằng chứng xác đáng. Theo các quy định của Liên doanh, thì Chu không trực tiếp điều hành hoạt động của khách sạn. Việc này do ban Tổng Giám đốc phụ trách, sau đó đến trách nhiệm của Giám đốc Câu lạc bộ Hoàng Bo. Nếu muốn khẳng định rằng Chu đã có chủ trương và chỉ đạo hoạt động mại dâm thì phải tiến hành đối chất với Chu - việc này chưa được thực hiện. Trong khi đó, Giám đốc Câu lạc bộ Hoàng Bo, mắt xích quan trọng nhất của vụ án, lại đã bỏ trốn. Đản và Lặng khai rằng trong cuộc họp Lãnh đạo Liên doan, Chu nêu ý kiến chỉ đạo hoạt động mại dâm tại khách sạn, mà cuộc họp đó lại do Lặng làm phiên dịch, liệu Lặng có dịch trung thành lời của Chu không? Vả lại, có đúng là Chu đã chỉ đạo như vậy không? Phải có đối chất giữa Lặng và Chu. Ta cần tìm ra thực chất vụ mại dâm được tiến hành từ lúc nào? Tôi nghĩ, chắc chắn phải có từ lâu rồi chứ không phải vừa mới hoạt động đã bị bắt. Một số anh chị  em nhân viên Khách sạn có báo với tôi là Khách sạn tổ chức hoạt động mại dâm từ năm một nghìn chín trăm chín bẩy cơ. Họ còn cung cấp cho tôi một số phiếu đưa tiếp viên lên phòng từ năm đó, giống như những phiếu mà cơ quan Chức năng dùng làm bằng chứng để khởi tố vụ án mại dâm ở Bạch Liên hiện nay. Họ còn bảo cứ sắp có đợt kiểm tra của cơ quan Chức năng thì lãnh đạo Khách sạn lại báo cho họ tạm ngừng hoạt động. Lãnh đạo Khách sạn trực tiếp nói với nhân viên những điều như vậy, chỉ có thể là người Việt chứ không phải là người nước ngoài như Chu. Nếu như vậy, thì trách nhiệm của Đản, của Lặng thế nào? Lẽ nào chỉ có mấy nhân viên phải chịu tội. Ta không thể chỉ dựa vào lời tố của Đản, không kiểm chứng mà đã kết luận. Đản và Tổng Giám đốc cũ người Hồng Kông thân thiết tới mức Đản làm tay trong cho tay này rút năm chục ngàn đô la của Khách sạn gọi là vay, rồi chiếm đoạt và bỏ trốn luôn. Vậy, liệu Đản và tay này có hợp tác với nhau để tổ chức hoạt động mại dâm không? Cần kiểm tra cho chính xác. Anh em nhân viên còn rỉ tai với nhau những câu chuyện về một người có biệt danh là Đại Sư phụ Tóc đen nhánh và rằng Đản có quan hệ với nhân vật này, một kẻ bảo kê khét tiếng. Không rõ thực hư ra sao, nhưng tôi xin đồng chí lưu ý những ý kiến của quần chúng. Quần chúng tinh lắm, không che mắt họ được đâu...

Nói một mạch những suy nghĩ của mình, Trực dừng lại, vỗ vỗ bàn tay Trung:

- Xin lỗi, vì tôi đã múa rìu qua mắt thợ. Việc điều tra, các đồng chí có nghề, tôi chỉ là kẻ ngoại đạo. Nhưng, với trách nhiệm công dân, tôi cứ mạnh dạn trình bầy với đồng chí.

Trung xiết chặt tay Trực, mắt sáng, miệng tươi:

- Cảm ơn bác. Những thông tin bác cung cấp rất quý. Chúng cháu sẽ lưu ý và nghiêm túc điều tra!

 

 

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/gia-tu-tieu-thuyet-cua-pham-viet-long-chuong-hai-dao-nguoc-the-tran-a5473.html