Tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh, nhiều và sớm nhất

Ngoại giao vaccine là một “mặt trận” rất quan trọng, bởi vận động có được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi chiến lược vaccine.

Chú thích ảnh Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine chủ trì cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, ngày 16/8/2021. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp do xuất hiện các biến chủng mới và vaccine phòng COVID-19 được coi là giải pháp mang tính chiến lược, bền vững trong cuộc chiến chống đại dịch, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine (Tổ công tác). Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác, đã trao đổi với báo chí về những mục tiêu cụ thể của Tổ công tác này và những đóng góp của ngành Ngoại giao vào nỗ lực chung của Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19.

Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của việc thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine và kế hoạch sắp tới của Tổ công tác để ta có thể tiếp cận nguồn vaccine nhanh, nhiều và sớm nhất có thể?

Với sự xuất hiện các biến chủng mới từ đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới và ở trong nước, có thể nói cuộc chiến chống COVID-19 ở nước ta bước sang giai đoạn mới.

Với phương châm "5K + vaccine + công nghệ", chiến lược vaccine vừa là nhiệm vụ rất cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài để kiểm soát và tiến tới đẩy lùi dịch COVID-19. Trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vaccine phòng COVID-19, yêu cầu phòng, chống dịch rất cấp bách, trong khi nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm, ngoại giao vaccine là một “mặt trận” rất quan trọng, bởi vận động có được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi chiến lược vaccine.

Thực tiễn cho thấy, thông qua ngoại giao vaccine, đến nay nước ta đã tiếp nhận hàng triệu liều vaccine từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, không chỉ trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội.

Xuất phát từ yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh và tầm quan trọng của ngoại giao vaccine, ngày 13/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Tổ trưởng; thành viên là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Khoa học và Công nghệ. Việc thành lập Tổ công tác này có ý nghĩa rất quan trọng; tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có vaccine, để sớm đẩy lùi dịch COVID-19, đưa hoạt động kinh tế - xã hội, cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể. 

Việc thành lập Tổ công tác cũng khẳng định quyết tâm rất cao và sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện chiến lược vaccine để mở rộng tiêm chủng cho toàn dân. Bên cạnh việc tạo mọi thuận lợi để đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trước mắt cần đẩy mạnh ngoại giao vaccine để tiếp cận nhanh nhất, đưa vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị COVID-19 về nước nhiều nhất và sớm nhất có thể.

Bên cạnh đó, Tổ công tác của Chính phủ là cơ chế tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và đồng bộ giữa các bộ liên quan nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao vaccine, đáp ứng kịp thời và tốt hơn nữa yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trong nước.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập, Tổ công tác đã họp và thống nhất phương châm của Tổ công tác là phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, sáng tạo, hiệu quả, “đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa”, “đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa”.

Với phương châm và tinh thần đó, Tổ công tác dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham mưu, triển khai vận động quyết liệt, đồng bộ ở kênh lãnh đạo cấp cao và các cấp, các kênh song phương và đa phương, trong nước và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, dưới mọi hình thức trực tiếp, trực tuyến để tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội tiếp cận vaccine nhanh, nhiều và sớm nhất.

Trong đó, Tổ công tác sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh xúc tiến, vận động các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 càng sớm, càng tốt. Cùng với đó, nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, kết nối, thúc đẩy, đôn đốc các đối tác nước ngoài trong đàm phán, nhập khẩu và tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế; đẩy mạnh vận động các đối tác giao vaccine cho Việt Nam đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký; đồng thời chủ động, tích cực thẩm tra, xác minh các đối tác nước ngoài, thông tin liên quan đến khả năng cung cấp vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế mà Việt Nam có thể tranh thủ, nhập khẩu hoặc hợp tác sản xuất.

Trên cơ sở thống nhất kế hoạch, lộ trình triển khai, Tổ công tác đã phân công các thành viên cụ thể hóa, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nói trên.

Chú thích ảnh Sáng 3/8/2021, tại Hà Nội, đại diện Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam trao cho đại diện Bộ Y tế 415.000 liều vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca do Chính phủ Anh tài trợ, giúp Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Xin Bộ trưởng cho biết đóng góp của ngành Ngoại giao vào nỗ lực chung của Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19?

Quán triệt đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín đất nước, ngành Ngoại giao đã triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, cùng các cấp, ngành đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19.

Thông qua theo dõi sát diễn biến dịch COVID-19 và kinh nghiệm các nước trên thế giới, Bộ Ngoại giao đã sớm tham mưu cho Chính phủ về xu hướng các nước xác định vaccine là yếu tố quyết định để đẩy lùi dịch bệnh, mở cửa và phục hồi phát triển kinh tế.

Ngành Ngoại giao cũng đã đi đầu tham mưu việc triển khai ngoại giao vaccine; chủ động kiến nghị đưa nội dung vận động vaccine vào các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhất là các cuộc tiếp xúc, điện đàm của Lãnh đạo ta với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế. Bộ Ngoại giao đã trực tiếp và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vaccine, tích cực vận động các đối tác viện trợ vaccine, trang thiết bị y tế. Đến nay, hầu hết các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đều đã hỗ trợ Việt Nam với hàng triệu liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị y tế, trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nước, nhất là ở các tỉnh, thành phố ở phía Nam.

Phát huy tối đa mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam, ngành Ngoại giao đã chủ động, tích cực đẩy mạnh tìm hiểu, tổng hợp kinh nghiệm của các nước về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế, trên cơ sở đó góp phần tham mưu cho Chính phủ có các biện pháp phù hợp nhằm thực hiện "mục tiêu kép" một cách linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ nhiều biện pháp về tạo thuận lợi đi lại của chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đẩy mạnh bảo hộ công dân và hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài vượt qua khó khăn của đại dịch, góp phần tăng cường tình cảm, gắn bó kiều bào ta với Tổ quốc, quê hương, tranh thủ được nguồn lực lớn của kiều bào cho phòng, chống dịch. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện 543 chuyến bay, đưa về nước khoảng 136 nghìn công dân. Kiều bào ở nước ngoài đã hỗ trợ nhân dân trong nước hơn 50 tỷ đồng, nhiều vật phẩm y tế, trong đó đóng góp hơn 11 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, ngành Ngoại giao tiếp tục cùng các cấp, ngành, trong đó có cơ chế Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, nỗ lực và đóng góp hết sức mình vào thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", sớm đẩy lùi dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

TTXVN

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tranh-thu-toi-da-thoi-co-co-hoi-tiep-can-vaccine-phong-covid-19-nhanh-nhieu-va-som-nhat-a5501.html