Bất hạnh

Đến năm Nháng mười tám tuổi thì nó có bầu. Ba nó tức điên lên, nguyền rủa thằng chó chết nào đó lợi dụng đứa khùng khịu để thỏa mãn sinh lý. Ông đánh nó như điên hy vọng nó bị xẩy thai nhưng cuối cùng nó cũng sinh ra được một bé gái.

Ông Ba Túc có hai đứa con. Thằng Chạy và con Nháng.

Sự ra đời của Nháng làm chướng mắt ông Ba, ông cưng chìu thằng Chạy bao nhiêu thì ghét bỏ con Nháng bấy nhiêu. Bởi vì nó vừa lọt khỏi lòng mẹ đã vương lấy căn bệnh câm điếc bẩm sinh.

Và vì câm điếc bẩm sinh nên nó tách biệt khỏi cuộc sống muôn màu muôn vẻ, trở thành một đứa bé đần độn khùng khịu.

Bà Ba Túc có lẽ vì buồn khi mỗi ngày nhìn con gái ngây ngô vô thức nên sinh bệnh rồi qua đời khi Nháng mới lên năm tuổi.

Lúc mẹ còn sống, Nháng còn được tắm gội sạch sẽ, quần lành áo tốt nhưng khi mất mẹ rồi nó là gánh nặng cho ba và anh trai, không ai thèm quan tâm tới nó. Quần áo rách bươm, đầu bù tóc rối, thân thể dơ bẩn, ghẻ chốc đầy mình. Hôi hám không thể tả, ai cũng không dám đứng gần.

Nhà ông Ba cũng thuộc vào hàng khá giả trong xóm nên Nháng cũng được ăn no dù là cơm thừa canh cặn. Nó vô tư lớn lên không cần ai chăm sóc và càng lớn thì càng bẩn thỉu hơn. Thân thể hiếm khi sạch sẽ, cô và dì ruột của nó thỉnh thoảng cũng cho nó quần áo để thay đổi còn chị dâu thì không cho nó đụng tới thứ gì trong nhà. Khi Chạy có con đầu lòng, chị dâu cấm tiệt Nháng đến gần cháu, cây roi lúc nào cũng thủ sẵn để quất vào người nó dù Nháng đã mười bảy tuổi rồi.

Ba nó không bao giờ để nó trong tầm mắt. Ông luôn xem nó là của nợ đầu thai lên để báo đời.

Và vì nó khùng nên nó không buồn. Bị đánh đau thì khóc, khóc xong rồi thôi.

Đến năm Nháng mười tám tuổi thì nó có bầu. Ba nó tức điên lên, nguyền rủa thằng chó chết nào đó lợi dụng đứa khùng khịu để thỏa mãn sinh lý. Ông đánh nó như điên hy vọng nó bị xẩy thai nhưng cuối cùng nó cũng sinh ra được một bé gái.

Ba và anh nó đem đi cho người ta nuôi. Nháng gào thét mấy ngày liền rồi thì cũng qua. Từ đó ba nó cấm nó ra khỏi nhà. Sau thời gian nguôi ngoai, Nháng được trả tự do và lại có mang lần nữa.

Cảnh cũ tái diễn. Nhưng lần nầy Nháng bảo vệ đứa con mình bằng cách ôm khư khư trong tay. Nhưng sức của đàn bà mới sinh sao làm lại hai người đàn ông kiềm giữ cho chị dâu nó bế đứa nhỏ đem đi? Nháng giãy chết và nằm yên đến mấy ngày. Ba nó ghét bỏ, anh nó lạnh nhạt, chị dâu nó chì chiết. Nó có hiểu, có nghe gì đâu?

Nó vẫn sống bình thường, vẫn câm điếc, vẫn khùng, vẫn bầy hầy hôi hám, vẫn đi ra đi vào và ăn cơm thừa canh cặn của chính gia đình mình.

Một năm sau nó lại có mang lần nữa. Và lần nầy nó sanh ra một thằng con trai.

Đứa bé vừa lọt lòng mẹ, gói trong một cái chăn cũ là Nháng ôm con chạy một mạch ra đường, sau lưng nó là ba và anh Chạy của nó. Nháng nhắm hướng nhà dì nó chạy tới. Vừa tới cổng nhà dì nó khụy xuống, vừa ôm cứng lấy con, vừa quỳ mọp lạy ba nó, miệng ú ớ như van xin. Ba nó khựng lại, dì nó hãi hùng nhìn mình mẫy nó đầy máu tươi. Nước mắt lã chã rơi trên khuôn mặt dơ bẩn thất thần. Dì đón lấy đứa bé từ tay Nháng, khóc theo nó:

- Nó muốn nuôi đứa nhỏ nầy rồi. Anh để nó nuôi đi.

Ba nó gạt ngang:

- Nuôi sao được mà nuôi? Nó khùng vậy con nó cũng khùng theo. Nhà tui một người khùng dì thấy chưa đủ sao?

- Anh có khùng hôn? Chị có khùng hôn? Sinh ra nó khùng sao anh không nghĩ lại? Con mình dù khùng điên gì cũng do mình sinh ra, anh hắt hủi nó bao nhiêu năm chưa đủ sao? Nó sanh hai lần anh đem cho hai lần. Bây giờ không thương sau nầy cũng không thương. Vậy anh để cho nó có đứa con dưỡng già không được sao? Nuôi thêm một đứa con nít anh nghèo hả? Chứ vợ thằng Chạy đẻ liền liền sao anh không nói?

- Dì biết gì về chuyện nhà tui mà xen vô?

- Tui là dì ruột của nó. Nó là cháu tui. Tui nuôi nó cũng được nhưng sợ người ta cười chê anh ngóc đầu không được.

Nháng không nghe không hiểu ba và dì nó nói gì, chỉ biết khóc và quỳ lạy. Ba nó nói không lại dì nó nên đùng đùng bỏ về. Nháng giữ được đứa con. Thằng nhỏ được mọi người đặt tên là thằng Khổ.

Nháng tha con đi đầu trên xóm dưới xin ăn vì thường bị chị dâu bỏ đói và chì chiết. May mắn đi đâu Nháng cũng được cho tô cơm. Nó đút cho thằng Khổ ăn trước rồi mới ăn sau. Mặt mũi lem luốc, ánh mắt vô hồn chỉ khi nào nhìn con mới thấy lóe lên được niềm vui ít ỏi.

Thằng Khổ lớn như củ mì củ khoai. Lạ một điều nó không chạy nhảy vui chơi mà suốt ngày quẩn quanh bên mẹ. Không ai nghe nó nói chuyện, không ai thấy nó mở miệng cười.

Thôi chắc là nó cũng câm điếc như mẹ nó. Ông Ba Túc ghét ra mặt. Không thèm quan tâm tới mẹ con Nháng.

Nháng ở dơ vậy nhưng thằng Khổ được mẹ tắm rửa sạch bon. Người mẹ câm điếc cứ say sưa nhìn con và ôm hôn nó chùn chụt. Hai mẹ con thường dẫn nhau ra bờ sông ngồi nhìn lục bình trôi, chia nhau vài trái chuối chín bói trong vườn nhà ngoại nó.

Đến lúc thằng Khổ lên mười tuổi thì nó bắt đầu tắm gội lại cho mẹ nó. Hai mẹ con sống lầm lũi trong căn nhà khang trang khá giả mà ai cũng kỳ thị họ như thú hoang.

Chỉ có ông thầy giáo Hoàng đã về hưu là người đầu tiên biết thằng Khổ không khùng, không câm điếc mà lại có trí nhớ cực kỳ tốt.

Thầy mở lớp dạy cho trẻ nhỏ chưa vào lớp một. Hàng ngày mẹ con thằng Khổ đều đi ngang nhà thầy. Ít khi thầy bận tâm đến nó nhưng có một hôm thầy đang dạy, đưa mắt nhìn ra lộ thì thấy Khổ trì tay mẹ nó lại, chỉ vào nhà thầy. Khi thoát khỏi tay mẹ nó vùng chạy đến trước cửa, nép một bên nhìn vào lớp học bằng đôi mắt ham muốn khiến thầy chạnh lòng. Không do dự thầy bước ra hỏi nó:

- Có muốn đi học không?

Mắt nó sáng lên, khẽ gật đầu làm thầy vô cùng ngạc nhiên:

- Con nghe được hả?

Khổ lại gật. Thầy vui mừng hỏi tới:

- Con nói được không?

- Được.

Trong lòng thầy Hoàng như có một niềm vui vở òa, niềm vui thể hiện ra khuôn mặt nhân từ của thầy. Thầy vỗ đầu nó, nói:

- Về nhà tắm gội sạch sẽ, mai đến lớp học nghen con. Thầy dạy không lấy tiền. Tới đây thầy cho tập vở bút mực.

Khổ cười như mếu. Nó khoanh tay cúi đầu trước thầy rồi quay ra nắm tay mẹ dẫn ra bờ sông. Sau khi biết không ai nhìn thấy, nó an tâm đứng dậy hét lớn:

- Được đi học rồi.

Xong nó ngồi xuống, ôm tay mẹ vào lòng, rủ rỉ:

- Con đi học nhen mẹ?

Nháng giương mắt nhìn con, cười cười, vỗ vỗ vào tay Khổ không nói gì. Thằng nhỏ hoàn toàn không hiểu ý mẹ cũng như mẹ nó không hiểu vừa rồi nó nói gì.

Vậy là thằng Khổ ngày ngày được mẹ dẫn đi học. Tập sách bút mực do chính thầy Hoàng trang bị. Khi Khổ vào lớp học thì Nháng ngồi chờ dưới gốc cây me tây lớn trước cửa nhà thầy Hoàng. Tan học mẹ con dắt nhau ra bờ sông cho thằng Khổ học bài.

Được một tháng, trong xóm ai cũng rành thằng Khổ biết nói, được đi học thì ông ngoại và cậu mợ nó mới hay.

Ông Ba Túc không nói gì. Chạy chỉ trề môi giễu cợt nhưng mợ nó lại lồng lộng lên. Quá sức tưởng tượng. Mười năm qua nó làm thinh làm thế giờ lại phực nói ra và đi học. Đúng là còn nhỏ mà đã xảo quyệt như vậy lớn lên rồi sẽ ra sao nữa? Không chừng nhào vô giành lấy gia tài vốn nghiễm nhiên là của vợ chồng con cái mợ thì sao? Dẹp, không có học hành chi hết. Nghĩ như vậy, vợ Chạy đùng đùng xách cây đi một mạch lại nhà thầy Hoàng.

Thấy Nháng ngồi dưới gốc cây đợi con, vợ Chạy cầm cây vút vào người Nháng, tru tréo:

- Đi học hả mậy? Vô lôi đầu nó về cho tao.

Nháng như linh cảm có chuyện chẳng lành, nó đứng dang hai tay chặn không cho chị dâu tiến vào lớp học. Vợ Chạy xô Nháng ngã sấp xuống đất, xông vào lớp học nắm áo Khổ lôi tuột ra. Khổ xanh xám mặt mày, thầy Hoàng bất bình:

- Bây làm gì vậy? Đánh chó cũng kiêng chủ nhà chớ. Muốn gì phải từ tốn, đây là nhà của tao mà?

- Tui dạy cháu tui không liên quan thầy. Thầy im đi.

Rồi không chờ thầy Hoàng phản ứng, vợ Chạy lôi xềnh xệch thằng Khổ về. Nháng chạy theo níu lấy con. Khổ chậm một bước vợ Chạy đánh vào Nháng một cây. Thầy Hoàng bỏ lớp chạy theo. Hàng xóm thấy ồn ào cũng nối bước theo thầy.

Không có ông ngoại và cậu của Khổ ở nhà, vợ Chạy nhấc bổng thằng nhỏ quăng bịch lên giường. Dùng cây vụt tới tấp lên thân thể gầy gò ốm yếu của nó. Khổ đưa tay đỡ tới đâu mợ nó đánh tới đó. Nháng run bần bật quỳ lạy chị dâu, vợ Chạy tiện tay đánh luôn cả Nháng trước bao ánh mắt bất bình của mọi người.

Nháng ôm lấy Khổ. Hai mẹ con oằn oại dưới lằn rọi của chị dâu. Quá bức xúc, thầy Hoàng giựt lấy cây từ tay vợ Chạy, hét lớn:

- Bây là chị dâu không có quyền đánh em chồng như vậy. Con người ta có da có thịt đâu để bây muốn đánh là đánh chứ?

Vợ Chạy tức giận dằn lấy cây roi từ tay thầy Hoàng, rít lên:

- Ông thì biết cái gì. Để coi anh Chạy về xử ông ra sao. Bày đặt dạy học cho nó hả? Ai mượn ông?

- Bây nói chuyện tao nghe không có lọt lỗ tai. Con nít nó muốn đi học thì tạo điều kiện cho nó học. Tao có lấy đồng bạc điếc nào đâu? Vậy chứ con bây sinh ra đứa nào đi học đứa nấy sao không bị đòn roi?

- Ông nói chuyện tức cười quá. Con tui mà ông bì với nó.

- Con bây thì sao ha? Con bây là con vàng con bạc, con nó là bùn là sình sao?

- Thôi mệt ông quá. Mọi người đi về hết đi để tui đóng cửa dạy em.

- Mầy hành hạ con người ta chứ dạy dỗ gì. - đám đông lao nhao - chuyện gì cũng phải chờ ông ngoại nó về coi ổng tính sao chứ mầy quyền hạn gì mà quyết định? Dòm mẹ nó kìa, khùng khịu vậy chứ thấy con bị đánh cũng quỳ lạy van xin rồi cùng chịu đòn. Chỉ có trâu bò mới cầm lòng được thôi.

Vợ Chạy nghe tới đó, như muốn thị uy và cho đã cái nư của mình, ả giáng cây roi búa xua bất kể trúng nhầm Nháng hay Khổ. Khổ khóc rấm tức còn Nháng ú ớ luôn miệng, nước mắt tràn ra từ hai khóe mắt vô hồn. Mỗi lằn roi đánh xuống kèm theo tiếng the thé: " không có quyền hả? Không có quyền hả?" ả đánh như điên, bất kể ai đến can ngăn thì mũi roi sẽ quay sang người đó. Đang say máu ả chợt dừng lại khi nghe tiếng hét lanh lảnh của bà dì:

- Trời đất ơi mầy làm gì vậy vợ thằng Chạy?

Ả quay ra rồi tỉnh bơ tiếp tục. Bỗng nghe thằng Khổ la lên một tiếng rồi giãy đành đạch trên giường. Thầy Hoàng bay lại, Nháng sững người ngó con trân trân rồi vụt ra nhà sau rút cái mác vót phóng lên, vợ Chạy cười khẩy:

- Mầy chém tao hả? Tao thách mầy đó, ngon lợi đây.

Vợ Chạy nghênh mặt lên. Nháng không ngần ngừ đưa cái mác vót bổ thắng xuống. Ả thất kinh hồn vía đưa tay lên đỡ. Một tiếng bụp khô khan, máu bắn lên, cánh tay vợ Chạy đứt ngọt lịm rơi lông lốc xuống sàn nhà.

Trước khi ngất đi, ả còn la lên:

- Báo công an cho nó ở tù mọt gông.

Ông Ba Túc và Chạy về. Chạy kịp đưa vợ đến bệnh viện chứ không kịp biết rõ mọi chuyện.

Trước tình hình đó, Nháng quăng cái mác, bay lại ôm con. Thằng Khổ do bị đánh quá nhiều nên uất ức mà giãy khóc nhưng vẫn tỉnh táo. Nó giương cặp mắt hãi hùng nhìn mẹ và cũng ôm lấy mẹ mình.

Ai cũng hoảng hốt. Nhất là thầy Hoàng và dì của Nháng. Tiếng bàn tán vang dội khắp nhà:

- Công an nào mà xử đứa khùng câm điếc.

- Bị hiếp đáp quá mà, gặp tui tui cũng chém.

- Chị dâu gì mà lộng hành quá mức. Do ngày thường thằng Chạy để nó leo lên đầu nên vậy.

- Nó khùng mà thương con quá hén.

Thầy Hoàng từ tốn:

- Nó khùng nhưng nó cũng là mẹ rồi. Thấy con bị đánh quỳ lạy van xin, chịu đòn thay con. Quá sức chịu đựng nên mới phản kháng như vậy. Cho nên tình mẹ thật vĩ đại. Dù trong hoàn cảnh nào cũng cố bảo vệ con mình.

Bà dì ngậm ngùi trách móc anh rể:

- Sự thể nầy là do anh. Do anh đã bỏ bê con gái và cháu ngoại của mình để con dâu đối xử tàn bạo. Đã đẻ ra rồi thì điên khùng gì cũng là con mình. Nếu anh quan tâm nó hơn có thể sẽ dạy được nó vì bản chất nó hiền lành. Sau vụ nầy cũng khó sống với vợ chồng thằng Chạy. Anh nên suy nghĩ chia cho nó miếng đất để mẹ con nó đùm túm với nhau. May mắn là thằng Khổ bình thường, sau nầy nó sẽ lo cho mẹ nó.

Mỗi người một tiếng bàn vô. Ông Ba Túc ngồi im lặng lắng nghe. Ông nhẹ nhàng nhìn qua Nháng. Ánh mắt dịu lại. Từ khi biết Nháng hoàn toàn câm điếc, ông đã mặc định lớn lên nó sẽ khùng nên ruồng rẫy thờ ơ. Tại sao ông không nghĩ ra nó sẽ sống bình thường như bao đứa trẻ khiếm khuyết khác trong khi ông có tiền? Ông có thể cho nó đi học trường câm điếc để nó hội nhập với cộng đồng kia mà? Nếu nó khùng, sao nó biết cha và anh không ưa nó mà đi lang thang để bị kẻ xấu lợi dụng mang thai ba lần? Nếu nó khùng sao biết nuôi con, sao lén lút dắt con đi học ở chỗ thầy Hoàng? Nó khùng mà dám xả thân bảo vệ con bất chấp tính mạng mình? Ông chạnh lòng nhớ vợ. Bà Ba còn sống chắc sẽ không có cảnh nồi da xáo thịt xẩy ra. Ông làm cha nhưng đã làm gì cho con gái mình? Trơ mắt đứng nhìn nó bị chị dâu chửi bới suốt ngày, được thể lấn áp luôn cả cha chồng là ông đây.

Lần đầu tiên từ khi sinh con bé nầy ra, ông mới thấy hối hận về cách cư xử của mình.

 

Truyện của Lê Nguyệt.

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bat-hanh-a5521.html