Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 4)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

          

co-loa-an-duong-vuong-1629336477.png

Ảnh: lichsucogihay.com       

 Kỳ 4.

  An Dương Vương hỏi tiếp:

  -Bố trí vũ khí trên thành như thế nào?

  -Bẩm Thục Vương, thành vòng ngoài cứ 100 bước chân xây một tháp canh và một bệ đặt 100 nỏ Liên châu sẵn sàng nhả tên vào quân địch nếu chúng công thành, ngoài ra còn có các đơn vị bộ binh, thủy binh hỗ trợ tác chiến. Như vậy thành Cổ Loa vừa là kinh đô, vừa là căn cứ quân sự bộ binh, vừa là căn cứ thủy binh.

  An Dương lại gật gù vẻ hài lòng và hỏi tiếp:

  -Vật liệu xây dựng thành bằng đá hay là đất?

  Cao Lỗ đáp:

  -Thần sẽ kết hợp cả hai. Móng thành phải kè bằng đá, khi lên đến độ cao nhất định thì thành chình bằng đất sét, móng thành rộng 6 sãi tay của người lớn, thu hẹp dần và tường thành rộng 4 sãi tay người lớn. Sự vững chãi chắc chắn của thành rất cao, tồn tại dưới mưa nắng rất lâu dài.

  An Dương Vương nói:

  -Ta tin tưởng ở tướng quân.

  Ý tưởng của Cao Lỗ đã thành hiện thực. Hàng vạn nhân công lao động đã được huy động và làm việc trong một năm thành Cổ Loa đã được xây dựng nên, đồ sộ, vững chãi với 9 vòng thành sừng sững trên vùng đất Tây Bắc của bộ Giao Chỉ. Triều đình của An Dương Vương đã từ Bạch Hạc thiên đô về Cổ Loa. Cổ Loa thành kinh đô trung tâm của đất nước Âu Lạc. Trên vòng thành ngoài của Cổ Loa, những ngọn cờ vàng tung bay trước gió, phần phật reo vui dưới mây trời trắng xóa lang thang. Dưới những lá cờ, trên mặt thành chình bằng đất sét vững chãi có những tháp canh và những bệ đặt nỏ liên châu do Cao Lỗ chế tạo  chĩa ra ngoài sẵn sàng nhả hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh vào quân thù. Dưới vòng thành ngoài là hào nước rộng như sông bao quanh thành đủ để hai chiến thuyền dàn hàng ngang di động. Hào này nối với căn cứ thuỷ quân của Âu Lạc ở Đầm Vạc. Từ Đầm Vạc thủy binh đi qua đây và triển khai trên sông Hoàng Giang và tiến ra sông Hồng và tỏa đi các sông khác mà quan trọng nhất là đến Lục Đầu Giang và tiến ra sông Bạch Đằng ngăn chặn chiến thuyền Phương Bắc xâm lược.

IV.  Mùa đông năm 202 trước công nguyên, thám mã từ biên cương Đông Bắc Âu Lạc đưa về tin tức, phía bên kia biên giới của Âu Lạc,  nước Nam Việt đang tập trung rất đông bộ binh và thủy binh, có thể đang có âm mưu xâm lước và tấn công Âu Lạc. An Dương Vương đã phải họp triều đình một cách khẩn cấp. Trong trung tâm của Loa Thành, nơi đại điện dùng để thiết triều, An Dương Vương mặc áo gấm vàng dài, đội vương miện màu vàng ngồi trên cao chính điện. Bên dưới là hai bên quan văn võ ngồi thành hai hàng, có trụ cột của triều đình như Cao Lỗ, Cao Hầu, Đại Tướng Nội Hầu, Đinh Toán, Đại tướng quân Chiêu Công, Hoằng Trị, Thiên Đá, Phạm Dũng, Phạm Đá, Vũ Chiêu Tâm, Trung Thành, Đông Lương, Thung Vĩnh, Đinh Công Tuấn…Có những đại thần thuộc triều Hùng Duệ Vương nhưng đa số đều là những tướng đã theo Thục Vương từ khi mới khởi nghiệp, từng tham gia cuộc kháng chiến chống quân Tần như Cao Lỗ, Cao Hầu, Nồi Hầu, Chiêu Công…An Dương Vương trên ngai vàng cao nhìn xuống bao quát các đại thần một lượt rồi nói:

  -Hôm qua những thám mã của ta ở miền biên cương Đông Bắc đã báo về, phía bên Nam Việt gần biên giới với ta đang tập trung rất nhiều quân đội bộ binh và thủy binh có ý đồ xâm phạm Âu Lạc ta. Cao Lỗ khanh có biết  về Nam Việt hãy nói tường tận cho ta và văn võ bá quan nghe.

  Cao Lỗ bước ra khỏi ghế, chắp tay vái chào An Dương Vương và nói:

  -Dạ bẩm Thục Vương, Trung Nguyên từ nhà Hạ thay đổi sang triều Thương (Ân), từ triều Thương diệt vong lại sang triều Chu. Triều Tây Chu thì hưng thịnh nhưng sang giai đoạn Đông Chu thì Trung Nguyên hỗn loạn và suy yếu, Buổi đầu của Đông Chu là cục diện Xuân thu gồm 100 nước chư hầu hỗn chiến với nhau để giành quyền bá, thâu tóm đất đai của nhau, sau đó thời tàn của Đông Chu là cục diện Chiến quốc gồm 7 nước tranh hùng tiêu diệt nhau để thống trị Trung Nguyên. Năm 221 trước công nguyên, Tần Doanh Chính, vua nước Tần đã tiêu diệt 6 nước Hàn, Sở, Triệu Ngụy Yên, Tề và họ Tần thống trị Trung Nguyên, Tần Doanh Chính xưng là Tần Thủy Hoàng Đế. Nhưng Tần Thủy Hoàng đột nhiên chết. Nhà Tần suy yếu. Cục diện Trung Nguyên bước vào đại loạn. Năm 206 trước công nguyên nhà Tần bị Lưu Bang và Hạng Vũ lật đổ. Từ 206 trước công nguyên đến nay đang diễn ra cuộc chiến tranh giữa Lưu Bang và Hạng Vũ để tranh giành bá chủ ở Trung Nguyên, còn gọi là cuộc chiến tranh Hán (Lưu Bang), Sở (Hạng Vũ ). Nhân cơ hội đó năm 204 trước công nguyên, một viên quan của nhà Tần là Hiệu úy Triệu Đà trông coi miền Quảng Đông, Quảng Tây vốn là đất của nhiều tộc người Việt bị nhà Tần xâm chiếm đã tách ra khỏi đất Trung Nguyên, lập nên quốc gia Nam Việt. Triệu Đà xưng là Triệu Vũ Vương. Kinh đô của nước Nam Việt là Phiên Ngung. Thần cho rằng Triệu Vũ Vương đang có ý đồ xâm lược Âu Lạc ta và hiện đang tập trung binh lực.

  An Dương Vương nói:

  -Vậy là Âu Lạc ta đang đứng trước nguy cơ bị xâm lược. Các khanh có kế sách gì không?

  Đại tướng Nồi Hầu đứng dậy tâu:

  -Thưa Thục Vương, chúng ta nên phòng bị trước. Biên giói hiện nay đã có bố phòng nhưng sức chưa đủ mạnh để đối phó nếu địch tấn công. Mong Thục Vương phái các Đại tướng tài giỏi và các đạo quân mạnh bịt chặt các ngã đường tiến xuống. Nên bịt chặt cả cửa sông Bạch Đằng không cho quân địch tiến vào phối hợp với bộ binh.

  Cao Lỗ đứng dậy nói tiếp:

  -Lời nói của Đại tướng Nội Hầu là chí phải. Thần xin đem đại quân lên bộ Vũ Ninh chống giặc. Xin cử Đại tướng  Vũ Chiêu Tâm đem quân lên chấn giữ bộ Quảng Ninh, Đại tướng Đinh Toán đem thủy binh bịt cửa sông Bạch Đằng, Đại tướng Nồi Hầu ở nhà bố phòng bảo vệ Cổ Loa.

  An Dương Vương gật đầu:

  -Chuẩn tấu lời của Đại tướng  Cao Lỗ. Các khanh cứ theo sự phận công phận sự mà làm, không được sơ suất.

  Bấy giờ là mùa đông năm 182 trước công nguyên, suốt ba ngày ba đêm người dân kinh thành Cổ Loa thấy những Đại tướng cưỡi ngựa đi đầu, theo sau là những đội quân gươm giáo sáng lòa, cung nỏ đầy mình đi như gió về miền Đông Bắc. Những lá cờ vàng bay phần phật trên đầu các chiến binh. Cứ sau mỗi đạo quân thì có những cỗ xe ngựa kéo những dàn nỏ Liên châu to khủng khiếp, xòe những cánh nỏ như những cánh con đại bàng hung dữ lao đi. Bụi cuốn tung mù, trời mùa đông u ám, không gian đầy gió lạnh nhưng không khí nóng bỏng vì chiến tranh đã cận kề. Có những chiếc xe ngựa kéo những chiếc trống đồng khổ lớn cũng lao đi cùng với đại quân. Chiến thuyền từ quân cảng Đầm Vạc cũng di chuyển về sông đào Cổ Loa, xuôi trên Hoàng Giang, đổ ra sông Hồng và xuôi về Lục Đầu Giang. Trên những mạn thuyền vẽ hình những con chim lạc to tướng như đang xòe cánh tung bay. Thủy binh quân phục màu xanh gươm giáo cung nỏ đầy mình đứng trên những chiến thuyền cong đang đi như gió.

  Ở khắp nơi dọc đường quân đội hành quân, người dân Âu Lạc già trẻ lớn bé đổ ra đường xem và bàn tán:

  -Quân đội đi đâu vậy?

  -Không thấy à? Họ hành quân lên phía Bắc.

  -Chắc sắp có chiến tranh…

  Chiến tranh với ai? Nhà Tần à?

   -Không  phải, Nhà Tần đã sụp đổ rồi, cục diện Trung Nguyên đang hết sức rối loạn. Nghe nói chiến tranh với Nam Việt Triệu Đà.

  Triệu Đà cũng  là người Việt sao lại đánh ta. Không sợ thừa tướng Cao Lỗ và nỏ thần của ta sao?

  -Sợ thì sợ nhưng nổi máu tham đất nước của người thì hết sợ.

  -Chiến tranh ai nói trước được điều gì .

  Ngày mùa đông năm nay rét rất đậm. Bầu trời biên cương hai nước Nam Việt và Âu Lạc âm u, không một tia nắng mặt trời. Sự âm u càng tăng lên bởi những rừng cây bạt ngàn cao thấp đầy cành đầy lá. Gió bấc thổi hun hút lạnh lùng. Những núi non trùng điệp cao thấp uốn lượn muôn hình muôn vẻ điệp trùng tưởng như vô tận. Chim chóc, hổ báo dường như đã ẩn mình vào tổ ấm tránh rét, không một bóng chim trên bầu trời, không một âm thanh gầm rú của hổ báo. Chỉ có những làn sương trắng xóa phủ khắp non ngàn. Tuy vắng âm thanh của núi rừng nhưng  núi rừng lại rung lên bới những âm thanh của chiến tranh. Những bước chân hành quân của hàng vạn lính Nam Việt đang lao cấp tốc tiến về phương Nam, vào miền đất Âu Lạc gây chiến tranh xâm lược theo lệnh của triều đình Phiên Ngung. Hàng vạn người với quân phục đen, mũ đen, chân quấn cà cạp, người mang nặng giáo mác, trường thương, cung nỏ đi ngoằn ngoèo tưởng như vô tận theo những con đường mòn dẫn vào Âu Lạc. Cứ cách khoảng hai dặm dài của hàng quân thì lại có một võ tướng cưỡi ngựa tay cầm đại đao hoặc trường thương đi kèm đốc thúc, duy trì kỷ luật hành quân. Giữa đoàn quân vô tận đó nổi lên một cỗ xe màu vàng, cờ quạt cũng màu vàng phấp phới bay theo gió vàng rực thấp thoáng trong những tán lá cây xanh. Một lá cờ to hơn cả, đẹp hơn, sặc sỡ hơn có ghi chữ Hán: “Triệu Vũ Vương Nam Việt”.

  Triệu Vũ Vương đưa tay vén miếng lụa vàng che bên phải xe, hỏi tướng hộ vệ cưỡi ngựa đi bên cạnh:

  -Đây là đâu?

  Viên tướng đáp:

  -Thưa Bệ hạ đã qua bộ Lục Hải thuộc đất Âu Lạc, bây giờ  đến bộ Vũ Ninh.

  Triệu Vũ Vương nói:

  -Vậy là đã tiến rất sâu vào đất địch, Chuẩn bị triển khai thế trận chiến đấu.

  Triệu Đà vừa dứt lời, bổng nhiên phía tiền quân rối loạn bởi những trận tên như mưa của quân Âu Lạc từ hai bên sườn núi rừng bắn xuống. Mỗi lần như vậy hàng trăm hàng nghìn quân Nam Việt ngã xuống bên đường như gỗ mục. Đến trưa, quân Nam Việt đã nhìn thấy địa thế ít rừng núi, đồng bằng đã xuất hiện, có, lẽ đã đến cuối địa giới bộ Vũ Ninh, phía Bắc sông Cầu, không xa kinh thành Cổ Loa. Nhưng trước khi đến đồng bằng quân Nam Việt buộc phải đi qua một thung lũng rộng. Trên các gò cao quân Âu Lạc đã dàn sẵn thế trận. Quân Nam Việt trông thấy quân Âu Lạc đông bạt ngàn, quân phục màu nâu, cờ vàng phấp phới, gươm giáo sáng lòa. Triệu Vũ Vương lần đầu trông thấy trong quân Âu Lạc có những cỗ xe lớn, trên xe là những chiếc nỏ khổng lồ dang cánh rộng oai phong lẫm liệt như cánh những con đại bàng. Trên mỗi chiếc nỏ đó là hàng trăm mũi tên bịt đồng đã được đặt, sẵn sàng nhã tên về phía quân Nam Việt. Trên một chiếc xe cao nhất có một võ tướng cao lớn uy nghi, quân phục màu nâu mang trụ giáp bằng đồng, oai phong lẫm liệt. Triệu Vũ Vương hỏi một tùy tướng:

  -Người đó là ai vậy?

  -Dạ bẩm đó là Đại tướng của Âu Lạc tên là Cao Lỗ, người chế tạo nỏ thần, thiết kế xây dựng thành Cổ Loa, kinh đô Âu Lạc.

  Triệu Đà nghe xong kinh hãi nhưng vẫn sai một Đại tướng Nam Việt ra khiêu chiến. Viên tướng thúc ngựa xông ra thì  đã bị một mũi tên từ quân Âu Lạc phóng  xuyên qua ngực, ngã lăn xuống ngựa chết. Trong quân Âu Lạc một lá cờ vàng phất lên. Triệu Đà còn đang ngơ ngác thì  hàng loạt cánh của nỏ thần hoạt động, hàng nghìn mũi tên như mưa trút xuống quân Nam Việt. Quân Nam Việt cứ từ lớp này đến lớp khác gục xuống, máu lênh láng, kêu la thảm thiết vang động toàn bộ khu vực Vũ Ninh và khu vực Giao Chỉ. Những quân cận vệ của Triệu Vũ Vương lấy thân che đạn cho ông ta đã chết gần hết. Quân Nam Việt hoảng loạn, thế trận tan vỡ. Quân Âu Lạc thừa cơ từ trên các ngọn đồi lao xuống chém giết, hò reo như sấm vang động cả một vùng Đông Bắc, thế như cuồng phong gió cuốn, quân Nam Việt như lá rụng trước cuồng phòng, như kiến bơi trong thác nước, thây chồng như núi, máu chảy thành sông. Quân Nam Việt đại bại.

 Các tướng lĩnh cận vệ liều chết bảo vệ che chắn cho Triệu Đà tháo chạy. Xe của Vương bị lật úp. Triệu Đà lên ngựa cùng các tướng chạy tối tăm mặt mày, suốt một ngày mở đường máu mới ra khỏi đất Âu Lạc khủng khiếp. Triệu Đà thu nhặt tàn quân, khoảng 3 vạn người chết trận, còn hai vạn thoát chết nhưng cũng không còn hồn vía nữa. Đang khi đó ngựa do thám về báo:

-Đạo quân Nam Việt ở bộ Dương Tuyền (Hải Dương) cũng đã bị nỏ thần Âu Lạc tiêu diệt gần hết.

  Lại một ngựa do thám nữa về báo:

  -Đạo thủy binh bị chặn lại ở ngoài cửa sông Bạch Đằng, thiệt hại lớn cũng đã rút về Khâm Châu.

  Đà tức giận, hai mắt trợn ngược nhìn lên trời, hai tay giơ lên run rẩy, miệng rít lên không thành tiếng:

  -Ta thề sẽ chiếm được Âu Lạc, nếu không chết không nhắm mắt.

  Triệu Vũ Vương thu nhặt tàn quân, chỉnh đốn quân đội, sắp đặt trông coi biên giới. Vua dẫn bại quân về Phiên Ngung trong tâm trạng ảo não, căm thù.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-4-a5569.html