Chuyện sửa lời bài hát

Bài hát “Chú ếch con” của nhạc sĩ Phan Nhân đã nổi tiếng lại trở nên nổi tiếng hơn khi video clip bài hát này (do cô bé Lê Nguyễn Hương Trà - hiện đang học tại Trường THPT Chuyên ngữ ĐHQG HN - biểu diễn cách đây 18 năm (2003), bằng tiếng Việt và tiếng Ý, tại Cuộc thi hát thiếu nhi quốc tế Zecchino d’Ono lần thứ 46 ở Bologna, nước Cộng hoà Ý) đột nhiên được lan truyền trên mạng.

sua-bai-hat-1629386895.jpg
 

Tuy nhiên, nhiều bạn học sinh (và các bậc phụ huynh) đã có thắc mắc về một từ trong bài hát này. Số là gần đây, đa số mọi người đều quen thuộc bài hát trên qua giọng hát của bé Xuân Mai. Khi đối chiếu ca từ qua lời hát của Xuân Mai và Hương Trà, người nghe thấy có đôi chỗ khác biệt. Nhưng có một từ mà ai đó nghe quen sẽ nhận ra ngay. Hương Trà đã hát là “rô ron” trong khi Xuân Mai hát “rô non” ở đoạn: “Bao cô cá trê non cùng bao chú cá rô ron”. Có ý kiến cho rằng, nên hát là “rô con’ hay “rô non” mới đúng (để tương ứng với “trê non” ở trên). Có người không đồng tình, cho rằng phải hát là “rô ron” mới hay và đúng với lời bài hát gốc do nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác.

Theo chúng tôi được biết, ban đầu, nhạc sĩ Phan Nhân đã viết là “cùng bao chú cá rô con” trong lời 1 của bài hát. Nhưng thời gian sau đó, trong một lần trao đổi, nhạc sĩ Văn Dung có đề nghị ông nên thay chữ “con” thành “ron”, vì “con cá rô bé, nhỏ ở miền Bắc người ta gọi là rô ron”. Phan Nhân quê ở An Giang, chưa thật rành tiếng Bắc, lúc đó đã reo lên vui sướng như một phát hiện và ông quyết định đổi ngay (thành rô ron). Như vậy, toàn bộ lời bài hát (phần tiếng Việt) mà Hương Trà biểu diễn là chính xác. Mà thực tế, ta nghe cũng thấy hay vì tính độc đáo, giàu biểu cảm của nó.

Cũng cần nói thêm một điều, ở một số địa phương miền Bắc, dân gian đã có những tính từ chuyên biệt để chỉ các loại cá ở giai đoạn đầu, khi còn rất nhỏ. Chẳng hạn, “cá rô” có cá rô ron, cá rô hạt bưởi; “cá diếc” có cá diếc ve; “cá trê” có cá trê hẻn hoặc cá hẻn; “cá chuối, cá quả” có cá chòi nhõn, cá chòi; “cá mè” có cá mè ranh, cá mè lưỡi hái; v.v. Các định ngữ kết hợp này có tính định danh chặt chẽ và giá trị khu biệt của nó cao đến mức người ta có thể rút gọn, bỏ yếu tố chính trong kết hợp mà vẫn không bị nhầm lẫn: nói hẻn, chòi, chòi nhõn vẫn được hiểu dùng để chỉ 2 loại cá trê và cá chuối ở giai đoạn sinh trưởng ban đầu, còn nhỏ.

Nhiều người hát sau này, đã tự ý đổi đôi chỗ trong lời bài hát: Chú ngồi học bài một mình bên hố sâu kề vườn xoan (đúng phải là: …bên hố bom kề vườn xoan); Bao cô cá trê non cùng bao chú cá rô non (nhon) (đúng: …cá rô ron); Tung tăng chiếc vây son nhịp theo trống ếch vang ròn (đúng: …nhịp theo tiếng ếch vang dồn)… Điều lạ là rất nhiều bài hát quen thuộc, trong đó có những bài rất nổi tiếng, gần đây đã bị các ca sĩ tự ý “biên tập” lại (do vô tình, hay được coi là đúng, hay là để hát cho sung?). Và bây giờ nếu quá bộ vào bất kì nhà hàng karaoke đang nhan nhản ngoài phố, ta sẽ thấy rất nhiều lời bài hát đã bị “xuyên tạc” dễ sợ: hoặc là sai từ, hoặc là sai chính tả tới mức ngay cả ca sĩ lừng danh một thời cũng phải… “cứng mồm” không hát theo được.

Ca từ không chỉ có giá trị ngữ nghĩa mà còn có giá trị lịch sử và văn hoá. Nó là một nét của lịch sử đất nước (trong đó có lịch sử ngôn từ) để lại. Với sức mạnh lan toả nhanh, mạnh và rộng rãi. Cái sai của sự tuỳ tiện cũng vì thế mà phát tán và không kiểm soát nổi. Tôi nghĩ, đây cũng là một lĩnh vực mà tiếng Việt ta rất cần giữ gìn sự trong sáng.

 

Phạm Văn Tình

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-sua-loi-bai-hat-a5608.html