Trên chuyến xe khách đường dài Lạng sơn Nam định, một người thanh niên áng chừng ngoài ba mươi tuổi, dáng người rắn rỏi, nước da nâu bóng. Vẻ mặt bồn chồn lo lắng khi anh ta liên tục nhìn qua cửa sổ ô tô và liếc nhìn vào mảnh giấy cầm trên tay.
Lâu lâu, anh chàng mở điện thoại điện cho ai đó với dáng vẻ nôn nao, lo lắng và hồi hộp.
Cậu lơ xe thi thoảng nhắc điểm dừng trước mặt để mọi người chuẩn bị đồ đạc:
- Cây xăng Hà Ninh. Sắp tới cây xăng Hà ninh ai xuống "lào.. oo..o"…
Chữ cuối cùng lúc nào cậu lơ cũng rướn lên cao vút như cố tình đánh thức mọi người sau chặng đường dài mệt mỏi.
- Tôi xuống, có tôi xuống ....
Chàng thanh niên vội vã lên tiếng. Anh nhắc chiếc túi du lịch dưới chân và khoác chiếc ba lô lên vai bước vội ra cửa xe.
Xe dừng, người thanh niên bước xuống. Anh ngần ngừ giây lát như xác định phương hướng rồi nhìn lại một lần nữa mảnh giấy trên tay: "Cây xăng Hà Ninh. Rẽ phải đi vào làng. Đi hết đường làng rẽ tay trái lên đê, chừng 200 m thì rẽ xuống hỏi thăm nhà bà Ốc".
Chàng phăm phăm bước đi. Chả mấy chốc đã đến cuối làng và trước mặt là triền đê bao lấy lưng ngôi làng Để. Chàng trai dừng lại khi gặp một bác chăn bò đang dong bò từ trên đê về nhà:
- Dạ, cháu chào bác!
Bác cho cháu hỏi nhà Bà Ốc ở đâu ạ?
- Nhà bà Ốc hử? Kìa kìa, cậu đi một đoạn nữa thì có cái đường nhỏ đi xuống, ngay cạnh chân đê ấy là nhà bà ý. Mái ngói ngay cạnh chân đê đấy. Tôi vừa gặp bà ý ngoài bãi. Nay ra nhổ lạc thuê chắc cũng được khối lạc. Mà cậu là ai thế? Bác chăn bò tò mò kéo áo chàng trai lại hỏi.
Tò mò là bản tính của người dân quê từ xa xưa rồi:
- Dạ, cháu là con bà Ốc ạ.
Là con? Bác chăn bò dừng chân, níu tay thừng ghìm con bò lại sửng sốt:
- Thế cậu là con lão xà lan đấy hử? Ối giời ơi sao mà gần ba mươi năm mày mới tìm về với mẹ thế cháu ơi.
Lão cột con bò vào gốc tre rồi kéo tay chàng trai đi như chạy miệng la bai bải:
- Ốc ơi ,Ốc ơi ... con trai mày nó tìm về đây này Ốc ơi...
Một vài người đi làm đồng dừng lại, rồi người này rút điện thoại người kia chạy nháo nhào về làng thông báo.
Chả mấy chốc mà đoàn người đã lên đến hơn chục người cùng nhau kéo về ngôi nhà ngói ba gian nằm cạnh chân đê.
Bà Ốc tong teo như một đứa trẻ lên mười, nghe ồn ào trước cổng thì mở cửa bước ra:
- Cháu chào các ông các bà. Em chào các anh các chị. Có việc gì thế ạ.
- Con mày đấy, con mày về đây này. Thằng xà lan cướp con mày đi bây giờ nó lớn nó tìm về đây này.
Bác chăn bò la lên. Chàng trai líu ríu hạ ba lô, chìa mảnh giấy ghi địa chỉ và bức ảnh người đàn ông râu ria lởm chởm đứng chống nạnh trên chiếc xà lan chở hàng:
- Mẹ, mẹ có nhận ra ông ấy không?
Ông Tác, chủ xà lan năm xưa vẫn chạy dọc con sông này đấy mẹ.
Cầm bức ảnh trên tay, bà Ốc run run cố nhìn vào khuôn mặt người đàn ông trong ảnh. Bà lập bập:
- Đúng là ông ấy rồi... lão Tác.. lão ấy cướp con tôi...
Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đen nhẻm nhăn nheo. Bà đưa tay ôm ngực loạng choạng:
- Cậu là con tôi ... Lộc của tôi...
Mặt bà tái xám, từ từ đổ xuống.
Chàng trai nhanh nhẹn đưa tay đỡ cho bà khỏi ngã, rồi bế bổng bà đặt lên chiếc giường kê góc nhà.
Mọi người xôn xao truyền tay nhau bức ảnh, người kéo đến càng lúc càng đông.
- Tôi vẫn tin thể nào cũng có đứa nó tìm về, năm đứa con chứ có phải ít đâu.
Ai đó cất tiếng bàn tán.
“Liệu có đứa nào con của mấy lão trong làng tìm về nữa thì hay lắm”. Kẻ độc mồm nào đó cất lên. Vài tiếng cười phụ họa nhưng rồi chợt nhận ra sự vô duyên nên đánh lảng:
- Mừng cho bà nhá bà Ốc. Từ nay có con nó chăm nuôi đỡ khổ rồi. Mày về nuôi mẹ là tốt rồi , chứ mẹ mày già yếu lắm rồi đấy cháu ạ!
Thì ra đây chính là cậu bé Lộc, cái tên cô hộ lý đặt cho khi đón cậu chào đời từ người mẹ bất hạnh ấy tròn 3 tuổi bị bắt đi khi cậu theo mẹ ra bãi nhặt cỏ lạc.
Bà Ốc năm nay đã ngót 60 tuổi, bà mồ côi cha mẹ và có thân hình như một đứa trẻ mười tuổi suốt mấy chục năm qua. Tính tình bà không được khôn nhanh như mọi người, bà sống một mình trong căn nhà ngói ba gian, nhờ Hội phụ nữ xã xây cho nơi cuối làng, cạnh một vườn chuối chân đê của một người tốt bụng cắt đất chia cho.
Bà tuy nhỏ người và tính tình không nhanh nhẹn, nhưng thời trẻ bà lại có khuôn mặt rất đẹp, sống mũi cao, cặp mắt sâu đen láy ẩn dưới cặp lông mi dày cong vút, khóe miệng lúc nào cũng như cười. Gặp ai bà cũng kêu là chị cho dù người đó nhiều hay ít tuổi hơn chị.
Ngày xưa đó hàng ngày chị Ốc đi nhặt cỏ, nhổ lạc, bẻ ngô thuê cho mọi người kiếm sống. Chị thường nhặt cây chó đẻ và ôm ra chợ bán.
Người làng này không biết chị từ đâu lạc tới, bố mẹ là ai, chỉ biết năm đó có một cô bé còi dí, lùn lùn lạc đến làng, cô bé cũng chẳng biết mình mấy tuổi. Ai hỏi cô bé chỉ cười và bảo:
- Cháu không biết!.
Thấy cô nhỏ thó nên mọi người gọi cô là Ốc và cái tên Ốc gắn liền từ đó.Người làng thương tình cho cô ở lại và giúp đỡ cô bé Ốc miếng ăn, ngụm nước, cho cô bé ngủ nhờ và cô bé Ốc trả công bằng những việc đồng áng vừa với sức vóc của mình .
Thời gian cứ trôi, ngôi làng Để có con sông Đào chảy qua, hàng ngày những chiếc xà lan chở đầy củi, than và hàng hóa từ sông Hồng chảy xuống, sông Ninh cơ chạy về. Trên xà lan có những gã trai đen nhẻm, vai u thịt bắp canh hàng, bốc hàng theo xà lan chạy trên sông. Những gã trai kẻ chưa vợ, kẻ xa vợ lâu ngày thi thoảng thả neo bơi thuyền ghé vào làng mua đồ ăn để mang lên thuyền. Chúng nhìn thấy cô bé Ốc thấp bé nay đã là cô gái xinh xắn như búp bê đang ngồi nhổ cỏ một mình trên bãi lạc ven sông. Chúng bế bổng cô Ốc lên thuyền và thi nhau thỏa mãn cơn khát thèm đàn bà.
Năm thằng đàn ông như trâu mộng quần cô Ốc cả đêm rồi quăng cô lên bãi lạc cùng một ít đồ ăn.
Thân cô thế cô, lại không khôn nhanh như mọi người cô chẳng biết kêu ai, chỉ biết khóc trong đau đớn và rồi cô có thai. Cái thai lớn dần, người làng eo xèo mãi cũng chán.
Rồi cũng đến ngày cô sinh con. Với chiều cao hạn chế và sức vóc của một người ăn uống kham khổ thiếu thốn đủ đường như cô Ốc, ai cũng lắc đầu khéo chết cả mẹ lẫn con. Ấy vậy mà trời không lấy của cô Ốc ấy tất cả, cô sinh thường. Một bé trai bé mà cứng cáp!
Cô Ốc vui lắm, thầm nghĩ sẽ ráng chăm sóc nuôi dưỡng cậu con để sau này nương tựa lúc về già.
Dân làng thương tình lại bảo nhau gom góp tã lót, quần áo, gạo khoai cho hai mẹ con. Cậu bé dần lớn lên và lẫm chẫm theo mẹ ra bãi nhặt cỏ thuê.
Một chiều chạng vạng, một cái xà lan dừng giữa sông. Con thuyền nhỏ trên có hai gã trai lực lưỡng áp vào bờ. Một gã bế đứa trẻ, một gã ẵm cô xuống thuyền. Chuyện cũ lặp lại. Sau khi thỏa mãn thú tính, lũ đàn ông ý quăng cô lên bờ cùng một số tiền đủ cho cô sống nửa năm và chúng đưa đứa bé con cô đi. Cô Ốc chỉ biết đứng gào khóc thảm thiết. Dòng sông vẫn cuồn cuộn chảy, vòng xoáy nước cuồn cuộn xoáy theo chuyển động của đoàn xà lan. Tiếng xình xịch ầm ào át đi tiếng gào khóc của người mẹ mất con!
Hàng ngày cô Ốc vẫn ra bãi nhặt cỏ, hóng mắt ra sông để ngóng con. Chiếc xà lan khác lại dừng giữa sông. Hình như chuyện cô Ốc lùn hầu được lũ đực rựa dâm dê ý cả đêm đã truyền tai nhau khắp các xà lan hay sao, mà từ sau đó thi thoảng cô Ốc lại bị bắt lên thuyền làm thú tiêu khiển cho lũ khốn ấy.
Và lần thứ hai cô Ốc mang thai.
Người làng lại thương xót cô, cùng gom góp giúp cô Ốc sinh nở nuôi con. Lần này cũng là một bé trai, khi bé được 5 tháng. Một đêm sau giấc ngủ mệt mỏi cô Ốc tỉnh giấc không thấy con đâu, cô nháo nhào chạy đi tìm trong vô vọng. Người ta bảo có người nghe tiếng xà lan dừng rất lâu và sau đó chạy đi ngoài sông!
Đang nuôi con nên cô nảy nở hơn, mấy lão già mất nết trong làng rủ nhau:
- Miếng ngon sao để kẻ khác ăn mãi. Ta cũng phải nếm tý chứ.
Lần thứ ba cô Ốc mang thai và lần này thì chính mấy bà trong làng quấn tã bế đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ ấy đi đâu mất. Các bà sợ đó là con của chồng mình .
Ngôi nhà tranh vách đất, cửa chỉ là tấm liếp chắn hờ nơi cuối làng là nơi nhiều gã dâm dê tìm đến .
Mấy mụ già nhiều chuyện thuờng khào kháo với nhau về cô Ốc. Có mấy mụ còn tai quái gọi Ốc vào bếp rồi lột quần kiểm tra và cười phe phé với nhau:
- Ối cha mẹ ơi, con Ốc người bé mà dé thì to.
Tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn xa, nhất là ở những vùng quê có nhiều người rảnh rỗi, Ốc trở thành câu chuyện mua vui của rất nhiều nhóm.
Nhiều gã trai từ các làng khác tìm đến.
Sau ba lần mất con, cô Ốc trở lên chai lì hơn và hình như nhu cầu chuyện ý cũng mạnh hơn. Ốc tiếp tất cả các gã đàn ông hư hỏng từ trai lơ cho đến già lụ khụ mà bà vợ già không hầu nổi.
Ốc cân cả thế giới bằng cái thân hình lùn lùn, nhỏ nhỏ của mình.
Ban ngày cô Ốc ra bãi nhổ cỏ, lang lẩm kiếm cây cỏ cho người làng nhờ tìm. Cô vẫn ngóng mỗi lần có tiếng xà lan phạch phạch, ì ì chạy trên sông và cũng không ít lần cô Ốc tự nguyện theo thuyền lên xà lan hầu hạ mấy gã. Ốc cố gắng dò hỏi về những đứa con của mình nhưng các gã đều chối:
- Ông Tác chủ cái xà lan ý bế con đi rồi nghỉ luôn, chúng tôi không biết ông ý ở đâu.
Ốc lại có thai .
Lần thứ tư, rồi thứ năm cô Ốc sinh con. Mà lạ, năm lần sinh duy nhất có một bé gái còn lại toàn bé trai. Hai lần sinh sau, cô còn không kịp nhìn thấy mặt đứa trẻ. Người ta thường lau chùi đứa bé và ẵm đi khi vừa cắt rốn xong. Người ta bỏ lại cho cô Ốc một số tiền nho nhỏ đủ cho cô Ốc sinh sống vài tháng phục hồi sức khỏe. Lần sinh cuối cùng một chị trong làng thương tình đưa cô Ốc đi triệt sản.
Thời gian dần trôi. Cô Ốc dần già đi, cơ thể bé nhỏ tóp teo dần và rồi xã hội phát triển, các nhà nghỉ, gái gọi sẵn hơn. Không ai quấy rầy cô Ốc nữa.
Cô vẫn lủi thủi đi về trong căn nhà vắng vẻ cuối làng, vẫn hàng ngày lủi thủi ra bãi tìm cây , nhổ cỏ kiếm sống. Và vẫn ngong ngóng đợi ....
Cậu bé Lộc năm xưa được lão Tác chủ xà lan bế về nuôi. Lão có ba cô con gái nên thèm khát một cậu con trai. Khi thấy Ốc sinh bé trai mặc dù lão cũng chẳng biết có phải con mình hay không nhưng sự khát thèm một thằng hương khói đã nảy sinh ý định bắt cóc khi nhìn thấy cậu bé chơi cùng mẹ trên bãi lạc ven đê.
Sang nhượng xà lan cho người khác lão dắt cậu bé lên Lạng sơn sinh sống. Tận khi gần kề cái chết của bệnh u phổi lão mới gọi con đến kể cho nghe về mẹ ruột và ghi lại địa chỉ cho cậu tìm về.
Tang ma cúng lễ 49 ngày cho người chàng trai vẫn gọi là cha ấy xong xuôi cậu quyết định đi tìm mẹ.
Nhìn người đàn bà bé nhỏ, gầy gò ốm yếu cô quạnh trong căn nhà trơ vơ giữa vườn chuối Lộc thấy xót xa trong lòng. Nhủ lòng sẽ ở lại chơi vài ngày rồi thu xếp đón người mẹ bất hạnh của mình về phụng dưỡng.
Bà Ốc mở cặp mắt nhòe nhoẹt nước nhìn đứa con bao năm xa cách tưởng không bao giờ gặp lại. Bà đưa bàn tay gầy gò sờ lên khuôn mặt rám nắng có đôi mắt sâu và cặp chân mày rậm rì. Cái khóe miệng cong cong như đang cười ấy y hệt khóe miệng bà.
Theo Chuyện làng quê
Minh Hằng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/trai-chin-a5627.html