Vụ ông Nguyễn Đức Chung: Bài học sâu sắc về kiểm soát quyền lực

Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, từ vụ việc liên quan ông Nguyễn Đức Chung có nhiều bài học sâu sắc cần được rút ra, trong đó có bài học về kiểm soát quyền lực.

Ngày 17/8, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 bằng hình thức Cảnh cáo; thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Tứ - cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội. 

Việc kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên nói trên đều liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Ông Chung chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố.

Với vai trò là người đứng đầu chính quyền thành phố, ông Chung đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gói thầu số hoá hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư cho Công ty Nhật Cường thực hiện thí điểm số hóa với động cơ cá nhân. Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Tứ là Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội, nhận sự chỉ đạo của ông Chung, làm trái quy định về đấu thầu; nhận tiền biếu của nhà thầu; thiếu kiểm tra, giám sát, để các nhà thầu liên quan vi phạm Luật Đấu thầu.

Bài học về kiểm soát quyền lực

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông – Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Đảng ta có nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Vì vậy, việc kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 – 2021 khi để người đứng đầu UBND và cán bộ một số sở ngành ở Hà Nội vi phạm đến mức bị khởi tố là đúng quy định hiện hành.

“Khi tổ chức để một số cá nhân vi phạm thì khuyết điểm đó thuộc về tập thể lãnh đạo và phải chịu trách nhiệm chính” – ông Nguyễn Viết Thông cho biết.

Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, từ vụ việc liên quan ông Nguyễn Đức Chung có nhiều bài học sâu sắc cần được rút ra, trong đó có bài học về kiểm soát quyền lực. Văn kiện của Đảng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, kiểm soát quyền lực còn là khâu yếu và nguyên nhân khách quan do vấn đề này còn mới và khó nên Đảng ta với tinh thần vừa làm, vừa hoàn thiện để “nhốt quyền lực trong “lồng cơ chế”.

Ở nước ta hiện nay có nhiều thiết chế kiểm soát quyền lực như cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... Tuy nhiên, những vụ án xảy ra gần đây cho thấy, các thiết chế kiểm soát quyền lực, có nơi, có lúc còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Trong đó có nguyên nhân chủ quan từ cán bộ, đảng viên do không nắm chắc được nhiệm vụ, quyền hạn, thậm chí đã lợi dụng kẽ hở của luật pháp, kẽ hở trong quy định của Đảng để mưu cầu lợi ích cá nhân.

“Kiểm soát quyền lực yếu do cả 2 vấn đề, một là cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đầy đủ, chưa rõ; hai là người có chức, có quyền đã lạm quyền, lộng quyền do bản thân họ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” – ông Nguyễn Viết Thông cho biết.

Hơn lúc nào hết, vấn đề kiểm soát quyền lực nói chung, kiểm soát quyền lực của cán bộ công chức nói riêng phải được siết chặt một cách đồng bộ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực của người đứng đầu, đặc biệt là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân.

“Đảng đã nhìn thấy hướng phải hoàn thiện thể chế, hoàn thiện những quy định, quy chế về kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực của người đứng đầu vì họ dễ dàng lợi dụng vị trí để “lái” cả tập thể đi theo. Tuy nhiên, không thể ngày một, ngày hai là có thể hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, bởi vì hệ thống pháp luật, hệ thống các quy định hiện nay cũng cần phải rà soát lại một cách đồng bộ để hoàn thiện thì mới thực hiện được mục tiêu đặt ra” – ông Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh.

Buông lỏng kiểm tra, giám sát dẫn đến vi phạm lớn

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Tiến sĩ Vũ Trung Kiên – Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị khu vực II) cho biết, việc kỷ luật Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hà Nội và cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Nguyễn Văn Tứ tiếp tục là bài học cảnh tỉnh cho các tổ chức Đảng và đảng viên. Việc một cá nhân sai phạm, nhất là người đứng đầu không chỉ gây thiệt hại, thất thoát rất lớn tài sản Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức.

Theo TS Vũ Trung Kiên, mặc dù trong sinh hoạt Đảng hiện nay đã có nhiều quy định rất chặt chẽ, trong đó có nguyên tắc phê bình và tự phê bình, công tác kiểm tra, giám sát.. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, bên cạnh những tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thì cũng có những tập thể buông lỏng, hoặc tiến hành một cách qua loa, đại khái, không đúng đối tượng, không đúng nguyên tắc.

Hậu quả là khuyết điểm, sai sót mới manh nha nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, thậm chí được bỏ qua, mặc nhiên tồn tại, lâu ngày tích tụ lại thành sai phạm lớn. Trong đó còn chưa kể đến sự móc ngoặc, mua chuộc bằng lợi ích, chức quyền, thậm chí ép buộc, lôi kéo để hùa vào nhóm lợi ích. Vi phạm của một người trở thành vi phạm của nhiều người, vi phạm của cá nhân trở thành vi phạm tập thể.

“Chúng ta có những quy định rất chặt chẽ trong sinh hoạt Đảng, về thực hiện phê bình và tự phê bình, do đó, phải xem lại trong những biên bản sinh hoạt của các tổ chức đó có làm tốt nguyên tắc phê bình và tự phê bình đối với mình và đồng chí của mình hay không”- TS Vũ Trung Kiên băn khoăn.

Cho đến thời điểm hiện tại, cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung được xác định liên quan ít nhất 3 vụ án. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho thấy, với trách nhiệm là người đứng đầu chính quyền thành phố, ông Nguyễn Đức Chung đã đưa ra những quyết định mang tính cá nhân, không dựa trên lợi ích của tập thể, bỏ qua những quy định, nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến lạm quyền, lộng quyền. Các tổ chức đảng dù có thể biết người đứng đầu làm sai, làm trái quy định nhưng vẫn giữ thái độ im lặng, thỏa hiệp. Cấp dưới biết cấp trên làm sai cũng hùa theo dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến tổ chức, gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước. 

Rút ra những bài học từ những vụ việc cụ thể, điển hình như vụ cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cũng có thể căn cứ vào đó để hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hạn chế thấp nhất những vụ việc tương tự, vừa không để mất cán bộ, vừa giữ được niềm tin trong nhân dân./.

Quốc Phong-Đức Minh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vu-ong-nguyen-duc-chung-bai-hoc-sau-sac-ve-kiem-soat-quyen-luc-a5660.html