Từ vấn đề dân cày đến hiện đại hóa nông nghiệp
Ngày 25/7/1938, dưới bút danh Vân Đình và Qua Ninh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh đã xuất bản tác phẩm "Vấn đề dân cày". Tác phẩm thể hiện sự vận dụng lý luận của nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng vào thực tiễn khảo sát đời sống nông thôn, khi đặt vấn đề nghiên cứu thực trạng nông thôn Việt Nam dưới ách áp bức thực dân và phong kiến, đề cập đến vấn đề ruộng đất và dân cày. Tác phẩm phê phán quan điểm sai lầm đối với dân cày và vạch rõ vị trí của người dân cày trong cách mạng Việt Nam. Tác phẩm cũng đã lên án tố cáo chính sách phản động của đế quốc phong kiến về ruộng đất, tô thuế, nạn vay lãi nặng...và nêu lên yêu sách của dân cày Đông Dương trước Mặt trận nhân dân Pháp.
Đặc biệt trong tác phẩm "Vấn đề dân cày", Đại tướng và đồng chí Trường Chinh thể hiện một niềm tin vào vai trò của dân cày đối với sự nghiệp cách mạng của Đất nước, khi cho rằng: “...Dân cày thường chiếm số đông trong nhân dân, dân cày là một lực lượng hậu bị khá mạnh của cách mạng, cho nên phàm một cuộc cải tạo xã hội một cách lớn lao phải có dân cày tham gia mới có kết quả”.
Đồng thời, tác phẩm cũng đã khẳng định, khi nào những người dân cày được giác ngộ, có tổ chức và có lãnh đạo thì họ có một sức mạnh quật cường to lớn. Lúc đó họ sẵn sàng san phẳng những trở lực trên bước đường tiến thủ của họ và của dân tộc. Song tất cả vấn đề là ở chỗ: Giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo được dân cày...
Những tiến diễn lịch sử qua các thời kỳ từ Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước đến quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế trong 35 năm qua đã minh chứng cho những luận điểm đúng đắn và toàn diện mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh nêu ra trong tác phẩm "Vấn đề dân cày" hơn 90 năm về trước.
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1977, Đại tướng được sự phân công làm Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Đó là trách nhiệm lớn lao của một anh hùng vĩ đại trong cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ đất nước, nay lại đảm nhiệm một lĩnh vực rất quan trọng trong xây dựng và kiến thiết nước nhà.
Từ những năm 1978, Đại tướng đã đặt vấn đề phải “Đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nước ta” với chủ trương động viên lực lượng khoa học kỹ thuật trong cả nước ra phục vụ nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, lấy khoa học làm động lực để nâng cao năng suất nông nghiệp, cải thiện đời sống cho nông dân.
Đại tướng đã triệu tập một Hội nghị khoa học kỹ thuật toàn quốc phục vụ nông nghiệp đặt ra mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp dựa trên ba mũi nhọn: Thủy lợi hóa, cơ khí hóa, hóa học hóa. Tại Hội nghị Đại tướng khẳng định nhiệm vụ đưa nông nghiệp nước ta thành một nền nông nghiệp nhiệt đới tiến lên sản xuất lớn ngày càng hiện đại, có năng suất lao động cao, có sản phẩm hàng hóa nhiều để thỏa mãn ngày càng đầy đủ hơn những nhu cầu về lương thực, thực phẩm, về nguyên liệu cho công nghiệp, về nguồn hàng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng yêu cầu xây dựng quốc phòng vững mạnh. Đó là con đường làm cho nông nghiệp ngày càng thực sự trở thành cơ sở để phát triển công nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nền kinh tế công - nông nghiệp ngày càng hiện đại của nước ta.
Đại tướng phân tích, phải trên cơ sở động viên và tổ chức được hàng triệu, hàng chục triệu nông dân lao động, công nhân, đặc biệt là thanh niên cùng hăng hái vươn lên, tiến quân mạnh mẽ vào mặt trận khoa học kỹ thuật, bằng cách thay đổi lề lối canh tác theo chỉ dẫn của nhà khoa học, thì mới có thể “tạo đà cho nông nghiệp phát triển thắng lợi” trên đồng ruộng nông thôn.
Việc mở mang những vùng kinh tế quy mô lớn, theo Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp “đòi hỏi đầu tư khoa học kỹ thuật, điều tra nghiên cứu rất nghiêm túc để xây dựng những kế hoạch tổng thể có chất lượng”. “Khoa học kỹ thuật không những phải xác định đúng phương hướng sản xuất, mà còn phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nông nghiệp với lâm nghiệp và vấn đề nước. Có đất đai, lại phải có nước thì mới có sự sống, mới có nông nghiệp. Rừng là một điều kiện thiên nhiên có mối liên hệ rất mật thiết với trữ lượng nước. Nước ta lại nằm bên bờ biển Thái Bình Dương, cho nên đất, nước, rừng, biển đều có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau”.
Phát triển kinh tế biển gắn với phòng thủ từ đại dương
Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiến nghị với Bộ Chính trị và được ghi vào Nghị quyết ngày 25-3-1975: "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo mà quân Ngụy đang chiếm giữ, vì nếu không khẩn trương giải phóng các đảo và quần đảo, nước ngoài sẽ chiếm mất, rất phức tạp và khó khăn về sau”.
17 giờ 30 phút ngày 4-4-1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh gửi Chính ủy QK5 Võ Chí Công và Tư lệnh Chu Huy Mân bức mật lệnh số 990B/TK với nội dung: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân Ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Lưu ý: Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”. Từ đó, chúng ta đã chủ động giải phóng các đảo và bảo vệ vững chắc để tạo được ra những tiền tiền cho phát triển kinh tế biến gắn với phòng thủ từ đại dương cho những giai đoạn tiếp theo.
Trên cương vị Phó Thủ tướng, tại Hội nghị về biển lần thứ nhất ở Nha Trang (Khánh Hòa) diễn ra vào ngày 2/8/1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất chiến lược về khoa học biển và kinh tế biển. Đại tướng chỉ rõ: “Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả, để góp phần thúc đẩy việc khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển cả sẽ đem lại cho đất nước ta”.
Tại Hội thảo trên, Đại tướng đã đặt câu hỏi cho các nhà quản lý, nhà khoa học về việc khai thác dầu khí ngoài biển Việt Nam đã là chuyện trước mắt. Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch thủy triều của nước ta chứa đựng một tiềm lực quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Đại tướng đề nghị các nhà khoa học vật lý biển phải trả lời vấn đề trên và đề nghị ngành cơ khí phải đi trước một bước.
Đại tướng căn dặn với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa phải coi trọng kinh tế biển có mạnh thì quốc phòng mới mạnh. Muốn bảo vệ biển thì kinh tế biển phải mạnh, rất mạnh. Cần chú trọng tới Trường đại học Hải sản, đi sâu nghiên cứu về kinh tế biển; muốn làm được điều đó, tất nhiên phải có sự hỗ trợ đầu tư của các cơ quan Nhà nước. Chúng ta đều mong muốn tăng cường hải quân, việc này Chính phủ sẽ phải lo, nhưng ở địa phương phải cố gắng xây dựng cho được những đội hải thuyền đi đánh bắt ngoài khơi xa.
Đặc biệt tại Hội nghị quan trọng này, Đại tướng lần đầu tiên đề xuất về mối liên hệ sản xuất trong đất liền gắn kết với kinh tế biển: "Như vậy là kinh tế vùng biển từ đất liền mà phát triển ra, dựa vào vùng ven biển ở đất liền mà phát triển, mà vùng đất liền ven biển của ta thì có nhiều đặc điểm, phong phú, đa dạng có chỗ là bãi cát, có chỗ là đất phù sa, cõ chỗ là đá,..vv...Dựa vào các đặc điểm đó, chúng ta sẽ phát triển nghề biển một cách đa dạng. Như vậy, bố trí lại sản xuất trong cả nước có một hướng là lên trung du, lên miền núi, một hướng là ra biển".
Tiếp đó, tại Hội nghị khoa học về biển lần thứ III diễn ra vào ngày 8/6/1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách về khoa học, kỹ thuật đã phân tích những giá trị to lớn của biển Đông về chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng; về quyết tâm sắt đá của cha ông ta từ ngàn xưa để gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và phát triển kinh tế biển.
Đại tướng đã chỉ rõ, là một đất nước có biển, diện tích vùng biển lớn gấp 3 lần diện tích đất liền, nhưng chúng ta còn quay lưng lại với biển. Khai thác và sử dụng tài nguyên biển phải gắn liền với bảo vệ môi trường biển, bảo vệ sự cân bằng sinh thái của biển. Làm vậy là vì lợi ích lâu dài của đất nước, vì thế hệ chúng ta và vì các thế hệ mai sau.
Đồng thời, Đại tướng cũng nhắc nhở, phải đặc biệt chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh...Việc phân bố lực lượng sản xuất, phân bố lại lao động, phát triển kinh tế biển của các ngành, các địa phương phải theo sự bố trí chiến lược thống nhất, nhằm làm chủ cả về kinh tế và quốc phòng. Thế bố trí về mặt địa bàn vừa tạo điều kiện khai thác toàn diện và tổng hợp các nguồn tài nguyên, vừa hình thành một thế trận liên hoàn có chiều sâu, thuận lợi cho tác chiến. Xây dựng vùng biển vững mạnh về kinh tế, có đời sống văn hóa và tinh thần tốt đẹp, phát triển đồng đều trên suốt dải ven biển. Mỗi huyện vùng biển phải được xây dựng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội để thực sự trở thành một pháo đài vững chắc, duy trì tốt trật tự, an ninh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa phương và bảo đảm được hậu cần tại chỗ.
Đặc biệt, Đại tướng lưu ý, việc phải ra sức xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh, tăng cường năng lực làm chủ trên biển, dưới biển và ven biển như các dàn khoan, tàu thuyền đánh cá nhiều ngày trên biển khơi, nơi quần tụ của các luồng cá, các cơ sở công nghiệp hóa dầu, các xí nghiệp chế biến hải sản, các kho tàng, bến bãi. Bảo vệ bờ biển, chống lại sự xâm nhập của đối phương qua đường biển. Huy động mọi khả năng, mọi phương tiện, mọi ngành, mọi cấp, với sự tham gia của phong trào quần chúng rộng rãi để phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Điều đó một lần nữa cho thấy, với tầm nhìn chiến lược Đại tướng Võ Nguyên Giáp sớm quan tâm tới phát triển kinh tế biển gắn với vấn đề phòng thủ từ đại dương. Đại tướng không chỉ là một nhà quân sự thiên tài mà với tư duy của một nhà khoa học, nhà chiến lược kiệt xuất, mà còn là người đầu tiên đề xuất về chiến lược biển, tạo môi trường hòa bình, ổn định trên biển lâu dài cho đất nước.
Bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững
Những tư liệu cho thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người truyền cảm hứng về lối sống hòa đồng với thiên nhiên, phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại nhiều Hội thảo khoa học chuyên ngành, Đại tướng cho rằng, cùng với mặt trận nông nghiệp, thì rừng và biển có tầm quan trọng rất to lớn không những về mặt tiềm năng các sản phẩm quý giá có thể cung cấp cho xã hội, mà còn có cả việc giữ gìn môi trường và cân bằng sinh thái tốt nhất đối với toàn bộ đất đai nước ta, đối với việc phát triển các ngành kinh tế quốc dân trong cả nước và ở từng vùng.
Sinh thời, Đại tướng luôn dành thời gian động viên những người đồng chí của mình dấn thân vào việc phát triển hoa cây cảnh, sinh vật cảnh, cây xanh, trồng rừng không chỉ ở góc độ một thú chơi nhân văn tao nhã mà ở góc độ một cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới gắn với đời sống mới; bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sinh thái, di tích lịch sử và danh thắng đất Việt. Đại tướng cho rằng, đây là việc làm thiết thực để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện trong phong trào Tết Trồng cây do Người phát động ngày 28/11/1959.
Vấn đề này được Đại tướng phân tích cụ thể tại Hội thảo Rừng và Môi trường vào tháng 6 năm 1990. Đại tướng cho rằng trải qua 30 năm thực hiện Tết trồng cây, ta liên tục phát động phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc và cũng được nhân dân hưởng ứng. Nhưng trồng rồi cây sống không được nhiều, tỷ lệ thành rừng thấp. Đại tướng đặt câu hỏi: "Phải chăng vì ta chưa chú trọng đúng mức đến vai trò con người, chưa quan tâm đầy đủ những biện pháp làm cho nhân dân gắn bó với rừng....?". Rồi Đại tướng phân tích: "Bây giờ ta phải kết hợp song song việc phát triển rừng với tổ chức xã hội nghề rừng, phải xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và văn hóa, mở mang ngành nghề, nâng cao đời sống vất chất và tinh thần cho nhân dân ở vùng đồi núi...". Từ đó, Đại tướng đề ra giải pháp: "Phải tăng cường giáo dục nhân dân ý thức bảo vệ rừng, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện vai trò làm chủ thực sự của mình bằng cách giao đất, giao rừng cho dân. Đây là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với đất nước ta trong giai đoạn tới".
Noi gương Bác Hồ, Đại tướng thường trồng cây khi đi thăm các địa phương; Ảnh Trần Tuấn (TTXVN)
Năm 1990, Đại tướng về thăm quê và có buổi trò chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình. Trong đó, Đại tướng nhấn mạnh tích cực trồng cây gây rừng đi đôi với bảo vệ môi trường để từng bước giảm sự tác động của các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan như: cát bày, gió Lào, xâm nhập mặn...Từng bước phát triển nền nông nghiệp ít phụ thuộc vào tự nhiên để cải thiện đời sống của nhân dân. Đại tướng cũng đặt ra yêu cầu lãnh đạo các cấp cùng các đoàn thể phải phấn đấu là chỗ dựa vững chắc nông dân vươn lên, giúp họ phát triển nền kinh tế hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, nếu độc canh, độc nông thì nghèo; nghiên cứu để phát triển kinh tế vùng gò đồi; phải trồng rừng nhiều hơn nữa, phải trồng cây gây rừng phủ xanh đồi cát để cải thiện môi trường hướng đến sự phát triển bền vững.
Cách đây gần 30 năm, khi mà Việt Nam còn thiếu ăn, thiếu mặc thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến việc bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế. Năm 1992, khi biết có đoàn thám hiểm hang động của Hoàng gia Anh tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm hỏi động viên và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám phá ra các hang động để sau này phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, khoa học, đồng thời lưu ý các nhà khoa học phải chú trọng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, phục vụ sự phát triển bền vững.
Ngày 06/9/1992, tại Hội thảo khoa học về văn hóa Sinh vật cảnh Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài phát biểu gây ấn tượng trong giới khoa học và cổ vũ mạnh mẽ những người làm công tác Sinh Vật Cảnh cả nước với chủ đề “Mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên”.
Tham luận tại Hội thảo, Đại tướng nhấn mạnh: "Con người là một bộ phận của thiên nhiên, phải sống hài hòa với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, biết làm chủ thiên nhiên để làm cho thiên nhiên là một nguồn sống của mình. Nếu con người tự tách mình ra khỏi thiên nhiên, nói cải tạo thiên nhiên mà lại đi với hoại hủy thiên nhiên thì đó là hành động trái với quy luật dẫn tới tai họa không thể lường hết được. Ta nên có kế hoạch vừa phát triển kinh tế gia đình vừa đi tới sản xuất lớn, tận dụng đặc điểm của của nước ta là nơi hội tụ nhiều nguồn động vật, thực vật, có nhiều loại cây, loại hoa,loại quả, có nhiều vùng đặc sản nổi tiếng, tận dụng những vùng có điều kiện thuận lợi như Đà Lạt, Ba Vì, Cúc Phương và nhiều nơi khác vốn có truyền thống trồng hoa, cây cảnh, nuôi chim, cá cảnh. Làm được như vậy thì ta vừa được kinh tế vừa được văn hóa. Muốn vậy thì ta phải có sự đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có sự tham gia của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và trước hết là làm sao để mọi người nhận thức được sâu sắc những giá trị về nhiều mặt của Sinh vật cảnh Việt Nam".
Cho đến tận bây giờ, doanh nhân Phạm Hồng Điệp (Hải Phòng) vẫn nhớ như in về vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2008. Sau khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam nói về một doanh nhân trẻ tên là Phạm Hồng Điệp ở Hải Phòng 3 lần đạt giải Nhất toàn quốc về đề án bảo vệ môi trường, một người làm kinh tế mà đã quan tâm bảo vệ môi trường, Đại tướng đã viết thư biểu dương khen ngợi và tiếp thân mật tại nhà riêng. Ngay khi gặp, Đại tướng đã căn dặn: "Bác muốn gặp để động viên cháu làm tốt hơn nữa, cần luôn xác định là phát triển doanh nghiệp thì phải gắn với bảo vệ môi trường, như thế mới là phát triển bền vững''.
Tại buổi gặp, Đại tướng đã kể lại rằng, từ năm 1976, trong cuộc họp Bộ Chính trị tại Nha Trang, Đại tướng đã có một bản báo cáo gửi Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng kinh tế khôi phục đất nước gắn liền với chiến lược bảo vệ môi trường, biển, đảo Việt Nam. Đại tướng dặn bây giờ các doanh nghiệp, doanh nhân cần ý thức rõ được việc phải bảo vệ môi trường. Mấy chục năm chiến tranh đã tàn phá rất nhiều rừng nguyên sinh của Việt Nam. Đế quốc Mỹ đã rải chất độc da cam, ném bom napan thiêu trụi hàng triệu ha rừng. Trong chiến tranh, đó là nơi “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Việt Nam chúng ta là nước có khí hậu nhiệt đới, cây cối quanh năm xanh tốt, vì vậy cần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng quốc gia.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), chúng ta cùng ôn lại một số tư liệu có liên quan để thấy rõ hơn sự quan tâm của Đại tướng về một nền nông nghiệp hiện đại gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Từ đó, rút ra được những bài học để vận dụng vào thực tiễn xây dựng nền nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển nông thôn bền vững ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
-------------------
* Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp.
* Đón đọc những bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên Chuyên trang Tạp chí điện tử Hội nhập Văn hóa và Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/
Vương Xuân Nguyên