Làng Láng là một làng cổ nổi tiếng của Hà Nội. Nó trải dài từ Cầu Giấy đến Cống Mọc dọc theo con đường Láng. Con đường này cũng có từ rất lâu rồi. Một bên đường là Làng Láng, một bên là sông Tô Lịch. Bây giờ làng bị chia thành hai phường là phường Láng Hạ và phường Láng Thượng, ngăn cách bởi đường Nguyễn Chí Thanh đã có thời được vinh danh là con đường đẹp nhất Việt Nam. Phường Láng Hạ chính là thôn Láng Hạ xưa. Còn phường Láng Thượng là hai thôn Láng Thượng, Láng Trung xưa hợp thành.
Trên dải đất của làng có nhiều chùa cổ, đình, đền khá là linh thiêng. Tính từ Cầu Giấy có Chùa Nền, chùa Láng ở Láng Thượng, Chùa Mứng ở Láng Hạ. Sự tích về Làng Láng được viết ở nhiều sách lắm nên xin phép không kể ở đây vì rất dài. Chỉ biết chùa Láng có thờ vị thánh của Làng tên là Từ Đạo Hạnh. Ngài là thánh nhưng sau khi đi tu lại thành chính quả tức là thành phật nên mới được thờ phụng ở Chùa. Tương truyền trong các kiếp chuyển sinh của mình, có lúc Ngài hoá thành con gián nên người Láng gọi con gián là con de chứ không gọi là gián sợ phạm huý ngài!
Con gái Làng Láng không có ai tên là Hạnh hay là Hoa cả vì kiêng tên huý của thánh Láng và một bà chúa được thờ tại đền Vườn thuộc thôn Láng Trung. Nếu ai không biết chót đặt thì không được gọi mà phải có một tên nữa để gọi thay. Đền Vườn ngày xưa linh thiêng lắm, trẻ con người ta không bế qua cửa đền, nhất là giữa trưa hoặc chập tối sợ các ngài thấy xinh xắn sẽ bắt mất. Nếu buộc phải qua thì người ta bế đi vòng đướng khác.
Hội chùa Láng vào ngày 7/3 âm lịch. Người Láng ăn tết bánh trôi bánh chay vào ngày hội Láng tức là mùng 7/3 chứ không phải mùng 3/3 như nơi khác. Lễ hội tổ chức lớn tới 3 - 4 ngày, có lễ tắm phật bằng nước hoa bưởi, có mời các đoàn nghệ thuật dân gian như chèo, quan họ... về diễn cho dân làng xem bây giờ vẫn vậy.
Đình Ứng Thiên thuộc Phường Láng Hạ thờ Mẫu Địa nổi tiếng linh thiêng. Ngày rằm, mùng 1 đầu tháng Âm lịch đông không kém Phủ Tây Hồ. Người ta kháo nhau rằng ai muốn mua bán nhà cửa, đất đai cứ đến lễ cầu xin Mẫu, Mẫu đồng ý cho thì sẽ mua được, bán được. Còn nếu Mẫu không đồng ý cho thì đừng cố làm gì vô ích.
Tôi có chị đồng nghiệp muốn bán nhà. Lúc đầu đến xin thì lễ xong xin Âm dương mãi lần thứ 3 mới được, trong lòng rất phân vân. Sau có người đến mua đã đặt một số tiền lớn. Chị mừng lắm mang lễ đến tạ và xin cho mua bán chót lọt. Lạ thay lần này chị khấn xin thế nào cũng không được. Trong lòng bán tín bán nghi chả lẽ người ta đặt số tiền lớn thế lại bỏ không mua vì theo cam kết mà không mua nữa sẽ mất số tiền đặt trước. Hôm đó tôi có đi với chị, sau quả nhiên người khách không mua nữa thật! Chị sợ lắm mới kể với tôi. Sau người ta làm đường, chị được đền bù một đám đất khác trong khu đô thị mới, làm nhà lên cho người ta thuê được nhiều tiền lắm, đủ tiền cho con du học, cuộc sống dễ chịu hơn nhiều. Chị bảo có lẽ trời phật thương chị cả thời trẻ vất vả đi dạy mãi tận Đông Anh, chồng muộn, con nhỏ vất vả ngược xuôi mãi mới được mảnh đất cạnh trường. Hồi đó mà bán thì bây giờ sao được an nhàn thế này mà có khi về hưu vẫn phải lăn ra mà kiếm sống.
Chả biết với người khác thế nào chứ tôi thấy đình bây giờ vẫn rất đông người đến lễ lắm. Mẫu thương người tốt phù hộ cho họ sở cầu như ý sở nguyện tòng tâm. Mẫu nuôi những người trông xe, bán hàng ở cửa Mẫu.
Nghề truyền thống lâu đời của Láng là trồng rau thơm cung cấp cho Hà Nội. Dân Láng có mặt khắp các chợ ở Hà Nội. Con trai, con gái đều biết đi chợ, biết làm rau nên đảm đang tháo vát và rất khoẻ. Những nhà có vườn rộng có khi phải gánh hàng trăm gánh nước tưới rau một ngày. Hồi nhà tôi mới về Làng nhìn các cô gái trắng trẻo mảnh mai mà gánh tới 4 thùng khi đi gánh nước ở máy nước công cộng mà sợ.
Con trai con gái đều khoẻ và đẹp, lao động vất vả từ sáng sớm đến tối mịt ngoài vườn rau rồi đêm lại đi chợ nên người họ săn chắc và cân đối. Tôi nhớ đợt cô em út tôi cưới chồng năm 1995 có quay một cuộn băng gửi sang Đức cho cô em thứ 3 xem. Em ấy cho bạn bè xem thì cả Tây lẫn ta đều bảo sao Làng mày toàn người đẹp thế. Nhà mày chọn toàn người đẹp để mời à! Từ cụ ông, cụ bà cho đến trẻ con đều đẹp. Em tôi cười ngất bảo cưới em tao mời cả làng 80 mâm cỗ thì chọn kiểu gì?!
Đấy là nhà tôi còn mới ở phố về nên còn quen ít đấy chứ cưới ở làng Láng có nhà còn tới 150 mâm ăn linh đình 3 ngày. Tối hôm trước ăn cỗ dựng rạp tầm 20-30 mâm. Hôm chính thức tiệc thì 80-120 mâm. Hôm cuối rỡ rạp cũng 20-30 mâm. Nói ra ai cũng sợ !
Phong tục cưới cũng rất lạ! Ở Hà Nội nhà gái thường yêu cầu nhà trai mang trầu cau, bánh cốm, mứt sen và trà để khi mời cưới chia cho họ hàng làng xóm và khi mời phải có thiếp để người được mời biết thời gian và địa điểm tổ chức cưới. Nhưng ở Láng không có thiếp cũng như không có chia quà. Họ chỉ mang một cơi trầu đến mỗi nhà thì bỏ một miếng trầu vào một cái đĩa nhỏ và mời cũng đơn giản là đến ngày này, giờ này tôi cho cháu đi ở riêng mời ông bà và gia đình sang nhà tôi xơi lưng cơm rau mừng cho các cháu và vợ chồng tôi! Thế thôi. Thường thì chủ nhà không trực tiếp đi mời mà nhờ chị, em, cô, dì, chú, bác đi mời hộ. Lời mời sẽ thay đổi tuỳ từng trường hợp nhưng tóm lại là họ chỉ mời xơi lưng cơm rau hoặc chén rượu nhạt thôi chứ không bao giò nói là mời ăn cỗ. Nhà gái thì không bao giờ nhận tiền mừng của ai. Vì nhà gái không phải bỏ tiền làm cỗ cũng như mua sắm đồ đạc cho cặp vợ chồng mới nên họ không nhận tiền mừng. Tiền cỗ của nhà gái cũng do nhà trai mang sang. Đấy là đám cưới cùng làng. Còn các đám lấy người thiên hạ thì có thể khác tuỳ nhà!
Bây giờ mất đất hết rồi nên họ làm đủ nghề để kiếm sống chứ không chỉ đi chợ bán rau như xưa nữa nên phong tục cũng thay đổi nhiều. Cưới bây giờ cũng dùng thiếp mời nếu không sẽ chẳng biết ai vì làng nhiều người bán đất, người tứ xứ quá nhiều nên cuộc sống cũng chẳng còn như xưa. Húng Láng mất đi và mất theo nó là nhiều nếp sống và sinh hoạt của làng rau nổi tiếng xưa của Hà Nội! Những cô gái, chàng trai của Láng bây giờ có phần mờ nhạt.
Chẳng có gì để phân biệt họ với những người khác. Nhưng cuộc sống vốn không lặng yên mà lúc nào cũng xô đẩy con người theo đà phát triển của nó. Nhớ tiếc quá khứ cũng chỉ là câu chuyện xưa trong lúc trà dư tửu hậu thôi. Mong muốn duy nhất có thể làm được là tình người còn mãi!
Theo Chuyện quê
Mai Anh Bùi Tuyết
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lang-lang-chuyen-chua-ke-a5712.html