Hình ảnh lão phó cối thi thoảng ẩn hiện trong ký ức tôi những ngày xa ngái. Lão người nhỏ thó, mặc bộ nâu xồng, khăn mặt vắt vai gánh đôi bồ củng củng đồ nghề là cưa đục bào, chạm rìu búa. Lão đi khắp nơi thôn cùng ngõ vắng. Vừa đi lão đủng đỉnh rao “Ai cối không”. Bọn trẻ chúng tôi bâu lấy lão tò mò xem đồ nghề rồi chạy về nhà hỏi bố mẹ có đóng cối không. Đây là cối xay thóc. Nó được dùng từ 10-15 năm mới mòn. Cối xay là tài sản của một gia đình buộc phải có. Ai không có đi xay nhờ thì phải để lại cho người cho mượn cối số trấu đã xay ra. Cũng sót của chứ, trông nghĩ cái cối là đơn giản bé tý, ấy vậy mà đóng cái cối xay thóc lắm chuyện, to tát. Người ta phải chuẩn bị đôi năm. Chặt tre già ngâm xuống ao cả năm, phơi cho kiệt nước để làm dăm cối, chọn mấy cây tre bánh tẻ ở bụi tre để làm đai cối. Loại tre này không cần ngâm.
Lão phó cối gặp được khách uống nước vối thương thảo giá cả thời gian hoàn thành, chuyện cơm nước, nơi ngủ nghỉ trong những ngày đóng cối. Đóng xong chiếc cối áng chừng ba ngày. Khi đã quyết định đóng cối thì nhà người thuê rộn rã cả tuần tiếng cưa, tiếng đục, tiếng rìu bổ phầm phập vào tre pheo. Nhưng vui nhất, ấm áp nhất là khi lão phó này phá cái cối cũ làm củi đun bếp, cả mội đống củi tre to tướng tha hồ mà đun nấu. Củi này nhanh bắt lửa, than đượm ghê. Bắt đầu từ đó bà chủ nhà tất bật chợ búa mua mớ cá, vài lạng thịt “làm cái gắp cho ông thợ”. Thôi thì ngày thường ăn thế nào cũng xong bữa, nay có thợ thì phải tươm tất để họ làm cho cẩn thận. Lão phó cối nhận “công trình” nhà ai thì ăn ngủ tại nhà ấy “ăn uống ra sao là tùy ông bà”.
Bây giờ tôi vẫn không quên những dòng mồ hôi chảy trên mặt lão phó cối. Lão chặt tre, cưa đục thành thạo lắm, nhất là khi vào dăm cối, khi chèn vanh cối (giống như tang trống). Lão giơ chân múa tay y như cánh bán thuốc ngoài chợ, thợ mộc, thợ nề còn võ vẽ bắt chước, học lỏm. Nhưng thợ đóng cối xay thóc thì không ai học lỏm mà cũng không ai học được. Có cả làng nghề đóng cối mà những người làm nghề này phần đông là gia truyền cả cho nên lão hưởng chế độ ưu đãi cơm ba bữa, tối có thêm cút rượu cho giãn xương cốt.
Khi cái cối xay làm xong thì phải xay thử. Hàng xóm láng giềng đến xem xay thử thóc. Cái cối có hai “thớt” chồng lên nhau, lão phó bào thế nào mà nhẵn thín các đầu giăm cối chỉnh cái cối xay thường mất nửa công thợ. Cối quay êm, hạt gạo không bị vỡ, trấu rơi đều không nhanh, không chậm ấy là bí quyết nhà nghề của lão phó cối. Nhờ bí quyết này, nhà nọ mách nhà kia nên lão phó cối quanh năm ăn cơm thiên hạ.
Với tôi điều thú vị hơn cả, là trốn học trốn chăn trâu, cắt cỏ để hóng hớt chuyện của phó cối. Lão đóng cối cho nhà ai, hàng xóm láng giềng thường sang chơi, sang xem rồi chuyện xa, chuyện gần, chuyện gia đình, phong tục làng xóm những nơi lão tùng ở cứ như mạch ngầm tuôn chảy. Và những người hàng xóm của làng tôi cũng biếu không lão những chuyên tương tự cho vui miệng. Nhờ hóng hớt chuyện của lão suy nghĩ của tôi vượt khỏi lũy tre làng lúc nào không hay. Sau lão phó cạo (cắt tóc) lão phó cối là người biết lắm chuyện. Người nhà quê rất “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” nên không gọi là Thợ mà gọi là Phó cho nó dễ nghe: Phó cạo, phó nề, phó mộc là vì thế.
Ôi những người nông dân cần cù, chắt chiu, tần tần tảo, khéo tay, hay làm tôi vẫn nhớ mãi. Lão phó cối là một trong những người như thế.
Hồi ức, đêm covid, 20-8-2021
Theo Chuyện Làng quê
Sông Đào
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lao-pho-coi-a5725.html