Tôi biết anh từ lúc anh theo đoàn văn công Huyện Bình Minh (Vĩnh Long). Anh nổi tiếng với bài tân cổ Dòng sông quê em với nghệ danh MINH HIỀN. Giọng hát của anh trong veo cao vút pha một chút sang sảng hơi đồng của Thành Được, một chút lã lơi bay bướm của Hùng Cường, một chút mùi đến lạ lùng của Minh Cảnh... ai nghe anh hát cũng thầm nghĩ:
- Thằng này mà đi theo cải lương chắc chắn sẽ được hát kép chánh.
Nghệ danh là Minh Hiền nhưng tên thật của anh tên Dữ, là em của anh Hung, một võ sĩ thời đó ở Bình Minh, là em vợ của chú Ba Xừ. Mà chú Ba thời đó trong mắt tụi con nít xóm tôi chú có dáng dấp của một Lãng tử hào hoa một cặp bài trùng với chú Chín Mừng. Chỗ nào có đá gà, cờ bạc đánh bi da, cá độ là có mặt hai chú. Chú Ba Xừ có 4 người con là: Thành, Nhơn, Chi, Mỹ cũng trạc tuổi tôi.
Anh Dữ sau đó đi theo cải lương lấy nghệ danh là Ngân Cường, vợ anh chị Bảy Sen một thôn nữ ở Rạch vồn mê giọng hát của anh nên chị theo sát anh như hình với bóng. Khi anh làm kép chánh có tiếng tăm thì mặc dù biết anh có vợ con đùm đề (anh có bốn đứa con đặt tên cũng dễ nhớ: Bé Hai, Bé Ba, Bé Tư và một đứa con gái út tôi quên tên) họ vẫn tới tìm anh và ngõ ý sẵn sàng làm "bé" nhưng chị Sen nhất quyết không chịu làm kiếp chồng chung. Tuy nhiên mỗi lần chị dắt con về thăm nhà vài hôm là anh lại có bồ. Không ít lần tôi chứng kiến chị rình bắt ghen và rượt anh chạy trối chết...
Khi về hát cho đoàn Chợ Mới của bà bầu Trương Ánh Ngọc anh đổi nghệ danh là Chí Linh và cái tên của anh thời đó ở vùng Long Xuyên - Đồng Tháp cũng là một cái tên nổi tiếng không khác gì các Tài danh ở Sài gòn.
Anh tuổi Ngọ lớn hơn tôi bốn tuổi lại là đồng hương Bình Minh nên mỗi lần gặp nhau là mừng lắm. Mà cũng lạ từ Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang... tôi và anh hay đi chung gánh hát với nhau. Vài ngày thì anh kêu chị Sen mua mồi và rủ tôi qua nhậu với anh. Hai anh em chỉ nhậu đúng ba xị là nghỉ và chỉ có nhậu với tôi chị Sen mới làm thinh. Chắc vì chị cũng biết tôi là một người đồng hương với vợ chồng chị.
Anh hay kể rằng:
- Má tao đặt tao tên Dữ nhưng đi hát lấy tên Dữ coi sao được nên tao lấy nghệ danh là Minh Hiền. Mà cái tên Minh Hiền hát hoài cũng không lên nổi nên tao đổi lại là Ngân Cường. Rồi khi đổi tên Chí Linh mới có tiếng tăm một chút không ngờ sau này trên Sài gòn cũng có nghệ sỹ Chí Linh. Ai cũng nói tao là Chí Linh giả, thiệt là vô duyên phải không mậy?
Đoàn hát cuối tôi gặp anh là Đoàn Bông Hồng Kiên Giang của Bầu Nhi. Anh không còn hát được vai chính vì tuổi cũng đã cao với lại cũng không chen nổi khi hai người em của Bầu Nhi là Tiến Vương và Thanh Liêm cùng hát kép chính và anh nào cũng trẻ và đẹp trai hơn anh.
Thằng Bé Tư cũng đi theo ba nó, nhưng nó không có hơi ca như anh nên Bầu gánh cho nó vô Hậu đài và chuyên đóng vai... quân sỹ.
Khi các gánh hát Cải lương miền tây dẹp tiệm anh chị bồng bế nhau về cái khóm 3 Lò heo cất căn nhà nhỏ bên hông nhà chú Ba Xừ (hình như ngay cái chòm mả của chú Tiên Xường) chị Sen thì đi làm thuê cho các gia đình bên khu chợ, anh thì lâu lâu cũng có người kêu đi hát đám cưới lẫn đám ma. Khi không ai kêu hát thì anh và mấy đứa nhỏ lãnh vé số đi bán. Tuy ở đậu ở miếng đất toàn mồ mả vậy mà cha con anh trúng hai lần độc đắc trong vài tháng. Tưởng đâu anh đổi đời nhưng sau một thời gian bà con lại thấy anh trở lại nghề bán vé số.
Nghe kể lại người quen hay yêu cầu anh hát vài câu vọng cổ rồi họ sẽ mua ủng hộ vé số cho anh. Một lần đang ca dứt câu vọng cổ trong một đám cưới thì anh đứt hơi lật ngang rồi... chết tốt.
Chuyện về anh Nghệ sỹ Minh Hiền, Ngân Cường hay Chí Linh cũng là anh Dữ, một người anh cùng xóm, trong chợ Bình Minh ham mê ca hát bỏ nhà lăn lóc theo các đoàn hát Cải lương từ thủa vàng son đến lúc hết cuộc đời nó kết thúc "Buồn" như vậy đó các bạn./.
Theo Chuyện quê
Bùi Trung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/anh-kep-hat-xu-binh-minh-a5761.html