Hướng về Nam: “Trận chiến quyết định” đẩy lùi CoVid 19 tại TP Hồ Chí Minh

Những ngày Thu lịch sử này, chúng ta đều hướng về Nam tuyến đầu chống dịch CoVid 19 mà tâm điểm là TPHCM – nơi đông dân nhất, là đầu tàu kinh tế của cả nước.

bdua-di-hert1-1629716323.jpg
Bộ đội cùng cán bộ phường, xã tại TP HCM đưa nhu yếu phẩm đến tận nhà dân. Ảnh: SGGPO

 

Cả nước sát cánh cùng thành phố mang tên Bác

Hôm nay là ngày đầu tiên TP HCM thực hiện Công điện số 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng, chống dịch COVID-19 với quyết tâm là “Trận đánh quyết định” sau gần 3 tháng chống chọi để đẩy lùi loại dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới. “Trận đánh quyết định” này chưa có tiền lệ,  hoàn toàn không có tiếng súng, không như “trận đánh quyết định” 30/4/1975, với 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn cách nay 46 năm, dân chúng đô thành đổ ra các ngã đường hân hoan mừng chiến thắng, thống nhất non sông. Trận chiến với CoVid 19  hôm nay là “giặc vô hình” không trận tuyến, là kẻ thù không thể nhìn thấy, bao phủ toàn cầu, cướp đi sinh mạng nhiều người, không phải giặc xâm lược hữu hình có thể nhìn nhận rõ như những năm tháng kháng chiến cứu nước trước đây, là trận chiến thầm lặng đang vô cùng quyết liệt khẩn trương, phải giãn cách xã hội, hạn chế tối đa tiếp xúc để dập dịch.

Ngày hôm nay (23-8), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, đến nay TP ghi nhận 178.557 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 178.128 trường hợp mắc trong cộng đồng, 429 trường hợp nhập cảnh. 

Hiện TP đang điều trị 35.425 bệnh nhân, trong đó có 2.096 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.519 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 23-8 có 1.742 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến nay là 89.547 bệnh nhân. Có 321 trường hợp tử vong trong ngày. TP tiếp tục không ghi nhận ổ dịch mới, 16 ổ dịch đang diễn tiến.

TP triển khai lấy mẫu toàn dân tại "vùng đỏ", "vùng cam" bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Người dân sẽ tự lấy mẫu xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế. F0 tại khu cách ly tập trung được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR lần 1 trong vòng 24 giờ khi được tiếp nhận và vào ngày thứ 7. F0, F1 tại khu cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà được lấy mẫu vào ngày 1 và ngày thứ 14 bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh. 

Kết quả xét nghiệm RT-PCR từ ngày 27-4 đến 22-8, TP đã lấy 1.350.865 mẫu, (trong đó có 829.756 mẫu đơn, 521.109 mẫu gộp), với 4.825.372 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...). Tổng số mẫu chưa có kết quả: 9.122 mẫu, trong đó có 6.219 mẫu đơn và 2.903 mẫu gộp.

Thành phố  tổ chức các Trạm Y tế lưu động kết hợp với đội phản ứng nhanh của địa phương để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị tại nhà. Trang bị thuốc, trang thiết bị y tế cơ bản tại các Trạm Y tế lưu động. Cung cấp các túi thuốc điều trị phù hợp với tình trạng bệnh cho F0 điều trị tại nhà.

Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 42.624 người, trong đó có 21.178 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 21.446 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.858 người. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 2.867 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 16.519 người.

bd-2b-1629716627.jpg
Nhân viên y tế kiểm tra trang thiết bị, bình oxy phục vụ việc chữa bệnh cho người mắc COVID-19 tại Trạm Y tế lưu động số 1 tại Phường 11, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

 

Để “Trận đánh quyết định” thắng lợi, đáp lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng chục nghìn y, bác sĩ và lực lượng chức năng từ các tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên đã tham gia “Đoàn quân Nam tiến” chống dịch, ghi nhớ lời căn dặn “Chưa bao giờ người dân miền Nam cần sự giúp đỡ của chúng ta như bây giờ”

 Nhân dân cả nước sát cánh không phân biệt vùng miền, dân tộc, tôn giáo với tấm lòng bao dung “Thương người như thể thương thân”  cùng nhau “nhường cơm, sẻ áo” lúc khó khăn bằng nhiều hình thức tập hợp lương thực, rau quả, thực phẩm, quà từ thiện gửi tới TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch CoVid 19. Những siêu thị, máy ATM gạo, chợ thực phẩm, suất cơm không đồng gửi tới tuyến đầu, những nơi phải giãn cách phòng dịch đã thấm đượm nghĩa “đồng bào” của người Việt khi đất nước đứng trước gian lao, thử thách, sẻ chia bớt khó khăn thật là thiêng liêng, cao cả.

“Hai mũi tiến công” cùng “Pháo đài” chống dịch

Trên tinh thần đó, TPHCM đang thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng chuyển từ tập trung cao độ ở cấp tỉnh, thành phố sang “hai mũi” tiến công vừa tập trung, vừa phân tán xuống đến tận từng phường, xã. Mỗi xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp là một “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch. Thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Bắt đầu từ hôm nay (23/8) đến ngày 6/9, người dân TP HCM không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường, thì phải bảo đảm đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người dân, gồm nhu cầu y tế, nhu cầu ăn mặc, nhu cầu an ninh, an toàn.

bd-4-1629717763.jpg
Đường Lạc Long Quân, đoạn qua quận Tân Bình vắng người qua lại. Ảnh: Xuân Tình/TTXVN

 

Để đáp ứng nhu cầu y tế của người dân, TPHCM khẩn trương đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi. Phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý phù hợp, hiệu quả; bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên.

Trên cơ sở lấy hệ thống y tế địa phương làm nòng cốt, các lực lượng chi viện từ Trung ương gồm quân đội, công an, y tế, các địa phương khác hỗ trợ tối đa cả về nhân lực, vật lực cho TP. Hồ Chí Minh trong công tác khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng vaccine.

bd5-1629718460.jpg
Lực lượng dân quân tự vệ, chiến sỹ thuộc Ban Chỉ huy quân sự Quận 3 TP HCM mua hàng giúp dân. Ảnh: TTXVN

 

TPHCM cũng đã rà soát toàn bộ các xã, phường, tăng cường ô xy y tế, trang thiết bị, vật tư y tế, đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên… để điều trị tích cực cho ngay tại cơ sở cho bệnh nhân. Cùng với đó, thành phố lập thêm các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, tại các địa điểm phù hợp.

Bên cạnh việc thí điểm điều trị F0 không có triệu chứng tại nhà, tinh thần là thành phố mở rộng tối đa các hình thức điều trị F0 ngay tại cơ sở, điều trị tại bất kỳ nơi nào thuận lợi như tại trạm y tế, tại trường học, trụ sở UBND xã phường hay tại  nơi có không gian thoáng đãng, người bệnh thấy thoải mái; kết hợp đông y và tây y, tăng cường hướng dẫn điều trị qua các phương tiện thông tin đại chúng…

Thành phố chuẩn bị sẵn sàng các xe cấp cứu, trung tâm cấp cứu tại từng quận, huyện để đáp ứng khi cần. Sử dụng hiệu quả nhất Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch xét nghiệm 2716/KH-UBND và Kế hoạch 5811/SYT-NVY về hoạt động của 389 trạm y tế lưu động, quản lý 50 đến 100 trường hợp F0/trạm. Thành phố phải điều hành hoạt động của các trạm y tế lưu động này và có ưu tiên để các trạm kết nối được với lực lượng cấp cứu cơ động có chức năng chuyển tuyến, bố trí xe cấp cứu chuyển bệnh nhân cần cấp cứu lên tuyến trên kịp thời.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến trưa 21/8 đã có 14.543 cán bộ, y bác sĩ, sinh viên ngành y thuộc Bộ Y tế, các đơn vị thuộc Bộ và tại 35 tỉnh, thành phố đến các tỉnh, thành phố phía Nam đồng hành, hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Vật tư y tế, từ đợt dịch thứ 4 đến nay, kho dã chiến tại TP. Hồ Chí Minh đã quản lý, cấp phát 4.975 máy thở (trong đó có 4080 máy HFNC), 191 máy xét nghiệm RT-PCR, 93 máy tách chiết, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu và hàng triệu sinh phẩm xét nghiệm.

10 trung tâm hồi sức tích cực được lập tại khu vực phía Nam có khả năng tăng năng lực thu dung lên khoảng 10.000 bệnh nhân nặng.

Bộ Y tế đã lập tổ công tác ô xy. Ngày 21/8, Bộ Y tế đã có cuộc làm việc trực tuyến với 26 đơn vị sản xuất oxy y tế. Hiện tổng công suất, cung ứng oxy trên cả nước mỗi ngày đạt khoảng gần 1.200 tấn oxy lỏng/ngày. Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng oxy trên cả nước cam kết có thể nâng thêm 50% - 100% công suất khi cần.

Cũng trong ngày 21/8, Bộ Y tế đã xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19, tiếp theo 40.000 lọ thuốc được xuất cấp trước đó. Phần lớn số thuốc này được dành cho các tỉnh, thành phố phía Nam.

Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ được tăng cường tham gia phòng, chống dịch tại TPHCM bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. Các tổ công tác của nhiều xã phường, thị trấn của 21 quận huyện và TP Thủ Đức bắt đầu đi phát nhu yếu phẩm, túi thuốc an sinh và đi chợ thay dân ngay trong ngày đầu TPHCM tăng cường giãn cách xã hội.

Tín hiệu đáng mừng, ngày đầu ra quân trong “trận đánh quyết định”, TPHCM không ghi nhận ổ dịch mới, gần 90.000 bệnh nhân được xuất viện. Lượng phương tiện lưu thông đã giảm 85% so với ngày trước đó. Điều đó cho thấy sự chấp hành nghiêm túc của người dân trong việc thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội của Thành phố. Đối với các nhu cầu khác của người dân như ra sân bay, đi khám bệnh (không phải COVID-19),... sử dụng dịch vụ xe taxi, với số lượng 500 xe hiện là đủ đáp ứng.

Với sự vào cuộc quyết liệt, tin chắc rằng TPHCM sớm giành chiến thắng trong “trận đánh quyết định" này cùng các tỉnh phía Nam đẩy lùi “giặc CoVid 19” để cùng cả nước trở lại bình thường trong tình thế mới, thực hiện mục tiêu kép, tiếp tục vang lên giai điệu “Đất nước trọn niềm vui” của Nhạc sĩ Hồng Hà với câu kết:

Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ Quốc muôn đời

Trọn vẹn cả non sông thống nhất

Rạng rỡ Việt Nam!

VXB

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/huong-ve-nam-tran-chien-quyet-dinh-day-lui-covid-19-tai-tp-ho-chi-minh-a5765.html