Chương ba
HUYỀN THOẠI MỚI
Ngọn lửa đầm Bạch Liên
Nghĩ miên man, mệt quá, Lê Đản thiếp đi trong một giấc ngủ nặng nề. Gã không biết là có một thiếu phụ vẻ mặt hoảng loạn đang đứng chết trân nhìn gã, nhìn bức ảnh gã và Ban trên tường, phía đầu giường. Thiếu phụ ấy chính là Thuỳ Dương, vợ Lê Đản. Chị là một phụ nữ hiền lành và chăm chỉ, bản tính tự lập, không dựa dẫm vào chồng. Ngay từ hồi khó khăn, chị đã xoay xở kiếm thêm bằng cách mua đầu chợ bán cuối chợ. Dần dà, chị có được một cửa hàng nho nhỏ bán đồ dùng nội thất ở phố Cát Linh. Thời này, cả nước là công trường xây dựng, cho nên mọi thứ liên quan đến nhà cửa đều bán chạy. Làm ăn có uy tín, chị khấm khá dần. May mắn hơn, chị được Công ty nhựa Thanh Niên chọn làm Đại lý độc quyền ở Thủ đô. Hai vợ chồng chỉ có mỗi một cô con gái. Công việc bận túi bụi, chị không còn thời gian để chăm bẵm con và quan tâm đến chồng. Vả lại, chồng chị cũng ít dành thời gian cho gia đình. Anh ta cũng bận túi bụi với công việc ở Liên doanh. Thỉnh thoảng, vào ngày nghỉ, cả nhà mới có bữa cơm chung. Đêm, có khi Đản ngủ ở nhà, có lúc ngủ tại Khách sạn. Cũng có khi chị đi lo hàng hoá vài ba ngày mới về nhà. Chuyện chăn gối, chị ít quan tâm. Bởi chị quá bận bịu, quá mệt mỏi với công việc hàng ngày, cứ nằm xuống là chìm vào giấc ngủ nặng nề. Thỉnh thoảng, trong đêm mà hai vợ chống có dịp ngủ chung, Đản đòi tòm tem. Mặc dù chẳng có lợn kêu, con khóc, nhưng chị vẫn gạt tay chồng ra. Lúc ấy, Đản làu bàu đồ đàn bà khô khốc, vô dụng rồi quay mặt đi nơi khác làm một giấc. Hồi còn son trẻ, chị không đến nỗi vô dụng như Đản nói. Hồi đó, chị còn khoẻ, tuổi xuân phơi phới, sức lực tràn căng, chị đã cho Đản những ngày tháng cuồng nhiệt trong ngọn lửa bừng bừng của tình yêu và tình dục. Thế rồi, sau khi sinh nở, chị gần như bị trầm cảm, phải chữa chạy bao lâu mới tạm yên ổn. Cũng từ đó, chị cảm thấy ngại sinh hoạt vợ chồng. Tính tình đơn giản, không muốn sinh hoạt thì chị đẩy phắt tay chồng ra, gắt thôi ngủ đi rồi để mặc chồng ấm ức nằm quay mặt vào tường. Chị đã phạm phải sai lầm đặc thù của giới phụ nữ. Khi người phụ nữ đẩy tay khiến chồng mình quay mặt đi trong khi anh ta muốn mặn nồng, thì đấy chính là cú đẩy đưa anh ta rơi vào vực thẳm của nỗi cô đơn, của cảm giác bị ruồng bỏ, cảm giác thất bại, khiến anh ta muốn vùng lên phản kháng. Có người phản kháng bằng cách lao vào các cuộc nhậu nhẹt với bạn bè, bê tha việc nhà, xa rời vợ con. Có người lấy công việc làm vui, không thiết ngó ngàng đến vợ nữa; ngọn lửa tình của anh ta tắt ngấm. Còn có người thì đi tìm lại khí thế của mình bằng cách chinh phục những người phụ nữ khác. Có người lại bỏ tiền ra mua những cuộc tình trong chốc lát, coi phụ nữ như trò chơi, như món hàng rẻ mạt, theo kiểu ăn bánh trả tiền. Chồng Thuỳ Dương không phải thuộc loại nào trong số đàn ông vừa dẫn ra. Gã vốn trăng hoa từ rất lâu rồi, cho nên gã không có cảm giác tủi thân, muốn phản kháng. Sự thờ ơ của chị chỉ khiến cho gã yên tâm mà thôi. Yên tâm vì như thế là vợ gã không còn cần đến vũ khí của gã nữa, cũng vì thế, gã có thể đem sử dụng nó ở đâu, với ai tuỳ ý, không phải băn khoăn gì, không phải chịu mặc cảm tội lỗi với vợ...
Cứ như vậy, cuộc sống vợ chồng trôi đi, không mặn nồng, cũng chẳng sóng gió, cứ bàng bạc một màu. Chị biết làm ăn nhưng không ham làm giầu lắm. Chị cũng không quan tâm lắm đến chuyện làm ăn cũng như tiền của Đản đưa về cho chị. Nhiều cũng được mà ít cũng xong, chị cho vào quỹ tiết kiệm tất cả. Thế rồi, những sự cố gần đây khiến Thuỳ Dương không thể sống bình lặng được nữa. Đột nhiên, có nhiều người lạ đến nhà chị với những thái độ khác nhau. Người hung hăng đe doạ - chồng mày là đồ phản phúc, vợ tao làm công ăn lương, thế mà chồng mày gán cho vợ tao tội chứa chấp, tổ chức mại dâm, đưa vợ tao vào tù. Người khóc lóc thê thảm - chồng chị thất đức quá. Con tôi có tội gì mà đưa nó vào tù. Ông Đản bảo thu tiền thì nó thu tiền, nó biết gì là mại dâm mà bị khép tội... Có người lại đưa cho chị tờ báo Văn Trẻ, trong đó có hẳn một trang đăng bài về Lê Đản, với hàng tít lớn Bùn đen dưới đáy đầm. Vừa mới đây, chị lại đọc bài của Khánh Đô trên báo Việc Làm kể tội Lê Đản. Đọc bài báo, đến dòng nào, Thuỳ Dương như thấy ruột mình đứt từng khúc dòng ấy. Chồng mình tệ hại thật thế này sao? Anh ta gây thù chuốc oán thế này sao? Rồi có người đưa cho Thuỳ Dương cả bản luận tội Lê Đản loạn luân, kể vanh vách từng tình tiết trong mối quan hệ tình ái giữa anh rể và cô em ruột vợ. Kèm theo bản luận tội là một bản sơ đồ về ngôi nhà tím, những chỉ dẫn chi tiết để tìm ngôi nhà đó. Khốn khổ cho chị là con bé Hồng nhà chị vốn ngoan ngoãn ham học, tự dưng đổi tính đổi nết, về nhà thì lầm lầm quàu quạu, hỏi có việc gì, nó cứ vùng vằng mẹ đọc báo thì biết. Rồi đùng một cái, con bé tung hê sách vở, bỏ nhà đi bụi. Một tuần sau nó mới về, từ hình thức đến tác phong đã trở thành một con người khác - một đứa con gái bụi đời - tóc nhuộm vàng vàng đỏ đỏ, xơ lên như bó rơm, mặt mày hốc hác. Dương sợ nhất là đôi mắt nó, khi nhìn mẹ và nói đến bố, đôi mắt ấy ánh lên vẻ hằn thù một cách man rợ như con thú hoang. Về nhà lục lọi lấy tiền, quần áo rồi Hồng lại đi. Hỏi nó đi đâu, thì nó buông chát chúa một từ dạt.
Hôm nay, công việc bơn bớt, Thuỳ Dương thử đi theo sơ đồ, xem thực hư ra sao. Khi nhìn thấy ngôi nhà tím, chị đã thấy tim mình thắt lại rồi. Thế là người ta nói đúng, không bịa đặt. Thấy cổng, cửa không khoá, chị lần lần bước vào. Như có ma quỷ dẫn lối, chị trôi đi trong sự mờ ảo vô thức để tới bên chiếc giường mà Lê Đản đang ngủ say như chết. Nhìn tấm ảnh, chị hiểu tất cả. Nước mắt chưa kịp trào ra làm nhoè đôi mi, chị lại phát hiện ngay trên mặt bàn cạnh đầu giường có một bức thư viết tay bằng mực tím rất đậm, đúng là nét chữ của em gái chị (hồi bé kèm nó học, chị nhớ như tạc nét chữ của nó, nét chữ rất đẹp trong vẻ chân phương).
"Anh Lê Đản!
Khi anh đọc lá thư này, em đã đi xa rồi.
Đọc báo, em mới biết anh lại quay về chốn Tiết Hạnh. Thế là anh không giữ lời hứa với em. Em đã hứa với anh sẽ mãi mãi từ bỏ kiếp bán trôn nuôi miệng và em đã làm đúng như vậy. Anh cũng hứa không chơi bời hoang đàng nữa, và anh đã không làm như vậy.
Thật tiếc đời con gái!
Em lại nhớ thời non dại, em đã dâng cái quý nhất đời người con gái cho Đại Sư phụ của anh. Hồi đó, em tưởng rằng vì em ham vui nên bị cuốn vào cuộc chơi bời trác táng. Nay, em mới biết rằng chính anh đã sắp đặt nên vụ đó.
Thật tiếc đời con gái!
Đời người mất đi có còn lấy lại được không? Không, đời con gái chỉ có một, mất đi là vĩnh viễn không lấy lại được nữa.
Em đi đây.
Em chỉ thương chị!
Nhà Tím bên đầm Bạch Liên.
Em, Thuỳ Ban!".
Thả rơi lá thư của Ban xuống nền nhà, Thuỳ Dương đứng như trời trồng, mắt mở trừng trừng. Nước mắt không còn chảy xuôi trên đôi gò má Thuỳ Dương nữa. Nước mắt chị đã chảy ngược vào trong, làm xót buốt con tim.
Trong khi đó, Lê Đản vẫn ngủ mê mệt. Gã mơ một giấc mơ khủng khiếp. Trong mơ, gã thấy mình đang hành lạc trong khu nghỉ dưỡng Tiết Hạnh thì lửa bỗng bùng lên khắp nơi trong phòng. Lửa bén vào rèm cửa, ga, đệm, bốc lên phừng phực. Gã thét lên và vùng dậy. Có lửa thật. Trước mắt gã là một cột lửa đang cháy đùng đùng...
*
* *
Chiều hôm ấy, có cuộc chiêu đãi khá lớn tại Khách sạn Bạch Liên do Ban Giám đốc Liên doanh mời, mừng sự kiện Câu lạc bộ Hoan Hỉ hoạt động trở lại và chúc mừng Tập đoàn về việc đã hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hoá mười tám đơn vị thành viên. Tổng Giám đốc Liên doanh Nghiêm Kỳ Giang và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thắng Ngọc hân hoan đón khách. Đông thật. Nườm nượp đại diện các ban, ngành, đoàn thể. Những người có liên quan trực tiếp với sự kiện Bạch Liên vừa qua cũng có mặt khá đầy đủ. Nào là Mai Chính Trực, Phó Tổng Giám đốc Bùi Bình, Đại Hoạ sĩ lếu tếu Lãi Nguyên, Giám đốc Giao. Nào là Vũ Hoàng, Trần Sơn. Có cả anh hùng Trịnh Hoài Trung. Rồi còn Lý Ngồ Ngộ và mấy cán bộ phòng ban của Tập đoàn. Thằng Bạch cũng có mặt cùng với Minh, với dáng vẻ hoạt bát, mạnh khoẻ. Nhờ trời, cứ cái đà này, có khi Bạch khỏi hẳn bệnh cũng nên.
Sau khi cùng nhau đi thăm Câu lạc bộ của Khách sạn - khang trang hơn, nền nếp hơn, dù mới mở lại nhưng cũng thu hút lượng khách đông nườm nượp - mọi người bước lên du thuyền Bạch Liên. Đây là một phương tiện mới phục vụ khách đi tham quan vùng đầm, giúp du khách vừa ngao du, vừa tiệc tùng, hát hò giữa trời nước bao la. Gọi là du thuyền, thực ra đây là một con tàu khá lớn, trông như một ngôi nhà hai tầng. Phía mũi tàu, có tạc hình một bông sen trắng muốt, biểu tượng của sự trong trắng, nhắc mọi người nhớ tới huyền thoại về đầm Bạch Liên. Bông sen trắng cũng ngầm nói lên rằng từ nay, Khách sạn Bạch Liên sẽ hoạt động lành mạnh, thấm đẫm chất văn hoá, tôn trọng con người, lánh xa mọi điều phàm tục, nhơ nhớp. Mọi người nâng cốc chúc mừng sức khoẻ, hạnh phúc, chúc tương lai thêm xán lạn. Nhân dịp này, Trực thông báo: Bộ đã duyệt phương án thay đổi mô hình tổ chức và hoạt động của Tập đoàn để đi đến cùng chương trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Còn một điều không vui, Trực giữ kín, là vừa nhận được phiếu chuyển của Bộ Chức năng, trong đó ghi rõ là chuyển đơn của công dân tố cáo Tổng Giám đốc Lý Ngồ Ngộ sử dụng bằng cấp ba giả, khai man lý lịch, lại ăn chơi sa đoạ, lãng phí, có nhiều biểu hiện mờ ám về kinh tế trong khi điều hành Công ty Miền Nam, yêu cầu Thanh tra Bộ Nhân văn và Tập đoàn Tri thức kiểm tra, làm rõ, báo cáo cho Bộ Chức năng. Vừa mới hôm qua, Trực nhận được một đĩa hình ghi cảnh sinh hoạt trác táng giữa Lý Ngồ Ngộ và một cô gái có thân hình mảnh mai. Kèm theo là một mảnh giấy đánh máy vi tính: "Đây chỉ là một trong nhiều cảnh sinh hoạt thường ngày của Tổng Giám đốc Lý Ngồ Ngộ. Nếu cần xem đầy đủ, xin vui lòng mở trang Web: http//www.lyngongo.com. Đồng kính gửi: Bà Lê Bích Ngà (vợ ông Ngộ), ông Trưởng ban Kiểm tra Đảng uỷ". Chiếc đĩa hình và mảnh giấy được bọc trong hai lớp phong bì, gửi qua đường bưu điện, không có tên và địa chỉ người gửi, nhưng có dấu bưu điện nơi chuyển đi là Ba Đình - Hà Nội. Trực cũng giữ kín trong lòng thông tin về vụ kiện cáo mới do Lê Đản đạo diễn đối với Tập đoàn liên quan đến vụ giải thể Công ty Hân Hoan, khiến cho cơ quan Chức năng lại sắp vào cuộc. Anh muốn để cho mọi người được tận hưởng không khí trong lành, vui vẻ ngày hôm nay rồi mai này hãy chuẩn bị bước vào cuộc đấu tranh mới...
Được men bia gây hưng phấn, Lý Ngồ Ngộ bốc lên, nâng cốc hét to: "Dô! Nào dô!". Mọi người cùng nâng cao cốc. Minh bỗng ngơ ngác: "Anh Trực đâu rồi?". Ngộ chẳng để ý gì, cứ nâng cốc rồi nốc ừng ực, rồi lại nâng cốc "Dô!". Chưa đã cơn hứng khởi, Lý Ngồ Ngộ hét to hơn: "Nhà báo đâu rồi? Lại đây chụp kiểu ảnh, mai đưa lên trang nhất!". Minh nhìn Ngộ, vẻ khó chịu. Thời gian trước, vụ Công ty Miền Nam rộn lên, Ngộ xám mặt xám mày vì lo lắng bị quy trách nhiệm. Nghe nói anh ta điều vợ từ Sài Gòn ra, ôm theo một bọc tiền, suốt mười ngày đêm chạy hết cửa này đến cửa nọ, từ cửa tổ chức tới cửa thanh tra, qua cửa tài chính, rồi cả cửa mấy VIP, rộc cả người. Khi chấm dứt cuộc chạy, anh ta chảy máu dạ dày, phải vào viện gấp... Không hiểu được các quan trên hứa hẹn những gì, chỉ sau đó ít ngày, Ngộ hoàn hồn, trở lại huyênh hoang, tuyên bố với Chánh Văn phòng Tổng Công ty: "Êm rồi!". Trong cuộc nhậu này, Ngộ trở lại cái nết bốc rời, trăm nghìn đổ một trận cười như không. Thực ra, Ngộ đang mượn men bia để khoả lấp đi nỗi uất hận trong lòng. Cái chuyện ô nhục hồi cưới Ngà, Ngộ cố chôn chặt, nào ngờ bây giờ lại bị bới tung lên. Hồi đó, khi Ngộ cầm tờ Quyết định bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Công ty Miền Nam, cũng là lúc Ngà bồng về một thằng con trai đã gần một tuổi, tuyên bố đó là con riêng của mình. Hoá ra, khi gia đình đưa Ngà đi giải quyết cái thai thì bác sĩ nói rằng nó quá lớn rồi và tim của Ngà có vấn đề, không thể giải quyết được. Cho nên, trong thời gian mang thai, Ngà trốn biệt trong buồng. Khi đẻ xong, Ngà bồng con lánh mặt mấy tháng về một vùng quê từng là nơi sơ tán của gia đình ông Cục trưởng thời chiến tranh phá hoại. Khi ván đã đóng thuyền, Ngà trao khối tình của mình cho Ngộ cùng gồng gánh. Ngộ đành chặc lưỡi cá vào ao ai người ấy nuôi! Sau này, Ngà sinh thêm một thằng con trai. Hai đứa khác hẳn nhau vì mang hai dòng máu dị biệt. Đứa đầu nhỏ thó, thông minh nhưng chỉ thiên về khoa học tự nhiên, tính tình khô khan (bố đẻ nó thông minh nhưng cũng không đến nỗi bé nhỏ, có lẽ do Ngà cuốn khăn quanh bụng quá chặt khi đang mang thai để giấu khối tình của mình khiến thằng cu bị nén lại, không phổng phao lên được). Học giỏi, cậu ta tự thi trên mạng và trúng tuyển du học tại Mỹ với khoản học bổng khá cao. Còn thằng thứ hai, giống hệt Ngộ: Cao lớn như hộ pháp, tóc rễ tre rậm rì, môi dày, phàm ăn. Chỉ phải cái học dốt, không tài nào thi vào nổi lớp mười. Thằng bé này đã tiếp thu trọn vẹn cái gien dốt đặc cán mai của gia đình Ngộ - cả tám anh chị em Ngộ không ai học vượt quá cấp hai (riêng Ngộ có bằng Thạc sĩ là do chạy chọt chứ không phải do mài dùi kinh sử). Bù lại, thằng cu này đàn địch tung giời, tính tình bay bướm, cho nên Ngộ cho theo học lớp Ghi ta để nhập vào ban nhạc Trẻ, cho nó có nghề có ngỗng. Quả đắng thời ấy tưởng đã được tiêu hoá xong, nào ngờ vừa qua cha đẻ thằng lớn là một Việt kiều khá giầu tại Mỹ bỗng liên lạc với Ngà và Ngộ đòi nhận lại con! Nghe đâu hai cha con đã gặp nhau ở bang California. Bị đẩy vào bi hài kịch Công anh chăm nghé bấy lâu/Bây giờ nghé lớn thành trâu ai cầy, Ngộ điên tiết lắm, nhưng chưa biết giải quyết thế nào cho xuôi lọt. Một vài lần vừa nói đến chuyện con cái thì Ngà lăn đùng ra, tím tái cả người, phải đi cấp cứu. Ngộ sợ rằng nếu cứ làm căng, vợ cậu ta sẽ chết bất đắc kỳ tử bởi bệnh tim, cho nên đành nén lòng lại chờ con tạo xoay vần...
Để mặc Ngộ lăng xăng đạo diễn cảnh chụp ảnh, Minh chạy quanh tìm Trực. Trong khoang chỉ có mấy nhân viên. Minh chạy lên boong, nhìn về phía mũi tàu, thì thấy Trực đang ngồi trầm ngâm. Minh có biết đâu trong lòng Trực lúc này đang dậy lên những cơn sóng quặn thắt. Nghĩ mà chua xót. Trong chiến tranh, phải giương súng, bóp cò chống giặc ngoại xâm đã đành. Mà ngay cả khi ấy, thẳm sâu trong tâm can cũng chỉ mong giặc tan, quẳng hết súng đạn về với gia đình, sống trong hoà bình lao động, trong tình thương yêu của người thân và đồng loại. Còn bây giờ, trong hoà bình xây dựng, sống giữa đồng nghiệp, đồng chí, nào ai muốn tuốt gươm! Vậy mà tại sao Trực cứ phải vướng vào những cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt, cuối cùng bị cuốn vào vùng tâm bão để rồi phải gồng mình lên chịu trận! Với những người cùng đội ngũ, thắng thua mà làm gì. Nhưng nếu không có thái độ rạch ròi, nghiêm minh của người lãnh đạo, thì ai sẽ phân rõ đúng, sai, thì làm sao chống được cái xấu và cả cái ác nữa... Đến bao giờ cái ác, cái xấu mới bị loại trừ khỏi cuộc sống...
Trực giật mình khi nghe tiếng gọi lớn phía sau:
- Anh Trực, mọi người đang tìm anh!
Trực từ từ đứng dậy, chậm rãi bước về phía Minh. Bóng anh lừng lững in trên nền trời đang thẫm dần. Tóc anh bay loà xoà trước gió. Minh nhìn Trực, lòng chợt se lại. Đột nhiên, Minh thấy một quầng sáng bừng lên phía sau lưng Trực, khiến trong phút chốc thân hình anh như được viền bởi một vầng hào quang huyền ảo. Đứng sững một lúc, rồi Minh thảng thốt kêu lên: "Cháy, cháy kìa!". Chị chỉ tay sang phía bờ đầm. Lúc này, Thiên Nga đang bơi ven bờ, gần ngôi nhà tím. Trong ráng chiều nhập nhoạng, Minh và Trực nhìn rõ trên ban công ngôi nhà tím có một bó đuốc di động đang cháy đùng đùng, lửa rừng rực soi xuống mặt đầm Bạch Liên. Đột nhiên, bó đuốc ấy vọt lên cao rồi rơi xuống đầm, lửa vẫn ngùn ngụt bốc lên...
Ấy chính là lúc Lê Đản tỉnh giấc ngủ nặng nề, thét lên tiếng thét kinh hoàng. Gã nhìn thấy ngoài ban công soi bóng nước có một người quấn vải bùng nhùng đang bốc cháy dữ dội. Lê Đản hoảng hốt lao ra ban công. Ngọn đuốc người ấy nhanh hơn Lê Đản, đã nhảy qua lan can, rơi xuống đầm. Lửa vẫn bốc cháy rần rật trên cơ thể người ấy. Bất lực, quay vào nhà, Lê Đản há hốc mồm khi nhìn thấy đôi giày thấp gót của vợ gã để ngay trên bàn. Chỉ có vợ gã mới đi loại giầy thấp gót này, vì chị rất sợ đi giày cao gót; hồi thiếu nữ, chị đã bị ngã trẹo chân suýt thành tật vì đi một đôi giầy có cái gót nhòn nhọn, cao cao.
Nguy đến nơi rồi. Chỉ kịp nghĩ vậy, Lê Đản hốt hoảng rời khỏi ngôi nhà tím./.
Hà Nội, 2007 - 2008
Phạm Việt Long
MỤC LỤC
TỰA Trang 1
CHƯƠNG MỘT: Những hỡnh hài đen đỏ - 8
CHƯƠNG HAI: Đảo điên trong vòng xoáy- 99
CHƯƠNG BA: Huyền thoại mới - 424
NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN
65 Nguyễn Du - Hà Nội
Tel & Fax: 8222135
Email:nxbhnv@.vnn.vn
GIÃ TỪ - Tiểu thuyết
PHẠM VIỆT LONG
Chịu trách nhiệm xuất bản
NGUYỄN PHAN HÁCH
Chịu trách nhiệm bản thảo
NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG
Biên tập: THANH VÂN
Vẽ bìa: NGUYỄN HỮU KHOA
Sửa bản in: ĐỨC DUY
|
Sinh ngày 01 tháng 7 năm 1946
Nguyên quán: Ninh Bình
Sinh quán: Ngô Khê Bắc Quang
Hà Giang
Một số tác phẩm chính:
Hà Nội, viết ngày 28 tháng 5, xong ngày 17 tháng 6 năm 2006.
Sửa lần cuối từ ngày 22 tháng 2 đến ngày 08 tháng 12 năm 2007.
Phạm Việt Long
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/gia-tu-tieu-thuyet-cua-pham-viet-long-chuong-ba-ngon-lua-dam-bach-lien-a5784.html