Lần đó, sau một chầu nhậu quắc cần câu, hắn ngồi ôm lưng thằng bạn đi thêm tăng, vui vẻ tiếp... Nơi bạn đưa đến là một dãy nhà lụp xụp, mấy năm trước còn ồn ào, nhộn nhịp khi có lính Đại Hàn đóng quân trên đèo Rù Rì. Bây giờ, lính Đại Hàn đã rút quân về nước, xóm vui vẻ tàn tạ theo...
Chị chủ động đon đả chào hàng, có mấy em mới ra... Lan, Thúy, Thu... (tên nhân vật trong bài đã thay đổi), ra tiếp khách.
Một em còn nhỏ được hắn chọn ngay, em than vãn, mấy hôm nay mưa “gơi” (rơi) suốt. Hắn đẩy đưa :
- Em mới ga (ra)?
- Dạ, em mới “ga” (ra) mà.
Hắn đùa: bắt con cá gô, bỏ trong gổ, nó nhảy nghe gồ gồ. Phải em ở vùng..., đó phải không?
Em hỏi vặn lại:
- Bộ anh sống ở đó sao anh biết?
Muốn tìm hiểu thêm, hắn nói trớ:
- Hồi trước, anh có thằng bạn học, có tật nói không uốn lưỡi, như chữ “rồi” nó nói là “gồi”. Vần “r” đọc thành vần “g”. Nó nói dân ở vùng đó nói đớt đát như vậy. Rồi nó rủ rê anh về vùng nó chơi, anh hẹn nhưng chưa có dịp về nhà nó (Hắn thích thú biết mình đã dựng chuyện hợp lý).
Em ngây ngô kể ra nơi quê nhà em mà không một chút e ngại. Chắc hắn đã gợi chuyện xa nhà làm em nhớ. Em kể, nhà em ở trên đất một Cù lao lớn (cồn đất lớn nổi trên sông)... muốn đến phải qua bến đò B... Qua sông rồi đi thẳng gặp một quán nước, hỏi thăm nhà con Bé là nhà em...
Trong lần đi phép năm, hắn mượn chiếc xe máy đi tìm hiểu nhà Bé. Hắn liên tưởng chàng Thúc Sinh đã giải cứu Thúy Kiều, trong truyện thơ của Nguyễn Du. Bé không đẹp như Kiều, nhưng thấy có vẻ khờ khạo, như bị lừa gạt gì đó nên sa vào động nhền nhện. Hắn thử tìm đến nhà Bé xem sao? Có gút mắc gì đây ? Hắn đang làm việc nhà nước, chắc không ai kiếm chuyện rắc rối đâu? Sau khi tìm được nhà Bé, hắn ngồi trên bộ ván, chờ kêu ba của Bé từ trong đồng về. Chập sau, một người mình trần chạy ào vào nhà, quỳ ôm chân hắn mếu máo kể lể... Hắn nhận ra đúng đây là ba của Bé vì cái mùi mồ hôi, viêm cánh khó chịu...
Ba của Bé kể: hôm đó, con Bé Hai xin ông đi coi hát Cải lương ở xóm trên. Ông không cho vì em nhỏ của Bé hai đang bệnh .Vậy mà nó cãi vẫn đi, đến sáng bét mới về. Ông giận quá, lấy roi tre đánh cho bỏ tật cãi lời. Ban ngày ông ra đồng vừa làm ruộng vừa trốn lính bắt. Chiều ở đồng về nghe tin nó cuốn gói, mấy bộ quần áo mang theo đi mất... Khổ thân đang trốn bắt đi lính ông đâu thể ra khỏi xóm tìm kiếm nó... Từ đó đến nay, đêm nào ông cũng thắp hương cầu mong nghe tin tức của nó, cầu nó quay trở về. Ông bước lên sàn với tay lấy khuôn hình treo trên vách, mở ra lấy bức hình của Bé hai lúc còn nhỏ trao cho hắn. Vừa khóc vừa van hắn kêu gọi Bé hai về nhà, xin con tha lỗi cho ông.
Ngày trả phép, hắn đến gặp em ngay. Chờ em đóng cửa phòng, hắn gọi lên “Bé hai”. Em giật thót ngạc nhiên. Hắn đưa hình Bé hai cho em... Em run run cầm, hai hàng nước mắt chảy dài. Hắn khuyên em phải về nhà ngay, ở nhà đang trông đợi. Em rấm rứt khóc... Em không còn ở động nhền nhện đó nữa, hắn mừng thầm, mình đã làm một việc có ý nghĩa... Mấy ngày trước tháng 4/75, trên đường đến chỗ làm nghe có tiếng kêu. Hắn quay lại thì ra em, Bé hai gọi. Em trông rất tiều tụy, vừa ở trại giam thả ra. Thời gian qua hắn không gặp em, em đâu có về nhà, em vào cây số 9 Cam Ranh hành nghề. Hắn cho em một ít tiền, bảo về quê ngay, chiến tranh sắp tràn đến, đường từ Nha Trang về Sài Gòn bị cắt đứt.
Cách nay chừng 10 năm, hắn có dịp qua vùng đó. Hắn dặn anh xe ôm, lát nữa có ngang qua bến đò..., dừng xe lại cho hắn ghé thăm người quen một chút. Thời gian cảnh vật thay đổi nhiều, xa lạ. Xe bon bon bỗng dừng lại, anh xe ôm nói bến đò... bây giờ dời lên một chỗ khác. Bến đò... bị lở đất, bác chịu khó lội bộ một khoảng nữa mới gặp. Hắn đắn đo, thôi khỏi cần tìm, sông quê bên lở bên bồi... Bờ bên này lở thì bên em được bồi... Bù đắp cho những dại dột, lỗi lầm thời tuổi trẻ...
Người Pháp có câu ngạn ngữ: Đừng bao giờ đánh người phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa. Có bao nhiêu đổ vỡ, tan rã, chia tay, thù ghét... Chỉ vì một cú đấm, vì một tát tai. Hãy bình tĩnh, nhẹ nhàng, tha thứ, bỏ qua... để không còn hối tiếc, không còn có cơ hội sửa chữa...
Theo Chuyện quê
Tâm Nguyên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dung-danh-a5853.html