Cụ Hàng Xóm Nhà Tôi

Ông bà nói chuyện câu được câu không, thi thoảng lại nghe tiếng cười giòn giã vang lên trong căn nhà xưa cũ. Ngoài vườn lao xao tiếng lá rụng, ngôi mộ im lìm dưới trăng như đang cười tươi mãn nguyện.

240657014-135078218774799-6032595046132258496-n-1629982297.jpg

Bà Hồng xách ấm nước chè xanh mới nấu ra để trên chõng tre, bà với lấy cái ống sắt chỗ góc thềm, nhổ nước trầu đỏ choét vào đấy. Bà năm nay đã gần chín mươi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Thân hình gầy nhỏ và tấm lưng hơi còng. Bả thở dài một tiếng, nhìn tiết trời tháng sáu oi nồng, đôi mắt nheo lại, nếp nhăn kéo dài từng đường trên gương mặt hiền từ.

Bếp lửa cháy tí tách, nồi khoai luộc trên bếp nghi ngút khói, bà với tay tắt bếp lò, đổ khoai ra một cái rổ lớn, đặt chồng lên miệng nồi cho ráo nước. Mùi khoai chín thơm lừng lan toả trong căn bếp nhỏ. Bà kẹp chiếc rổ vào nách, lọ mọ ra vườn hái rau dền cơm. Rau dền mọc đầy vườn nhà bà, cây bé tí, khẳng khiu. Ông Hồng rất thích ăn rau dền luộc, dù răng cũng không còn mấy cái nữa. Ông bảo rau dền luộc vừa bùi vừa thơm. Vườn nhà ông bà rộng lắm, trong vườn có một ngôi mộ đá, là của con trai bà, nghe nói chú ấy chết trẻ. Cạnh ngôi mộ có một cây khế chua, quả lúc lỉu, trẻ con hay qua hái lắm, chẳng ngại chẳng sợ gì cả. Bà hái một lát được một rổ rau đầy ắp, non xanh mơn mởn, lá nhãn rụng rơi vương vãi đầy vườn, vén lớp lá ấy lên, rau dền xanh um, thi thoảng mọc xen vài cái màu đỏ, lẫn trong lớp lá xanh nổi bật.

Bà bưng rổ rau đi sát tường rào, gọi với sang nhà hàng xóm, ông Hồng đang nói chuyện với mấy cụ ông trong làng, chiếc gậy nâu dựng gọn gàng vào góc tường. Ông năm nay đã ngoài chín mươi, râu tóc bạc phơ hết cả. Ông để râu dài rất giống ông bụt trong mấy câu chuyện cổ tích. Ông rất hiền. Thi thoảng hay hái nhãn sang cho mấy đứa nhỏ gần nhà, nhất là đứa lớn nhà Hằng Đông. Hai ông bà thương nhau lắm, mấy chục năm cuộc đời chưa từng nghe ông to tiếng với bà một câu.

- Ông coi đứa lớn nhà Đông ở nhà không? Biểu nó ra lấy rau dền vô tối mà luộc này.

Ông Hồng nhìn quanh một lát rồi quay ra nói với bà, giọng ông khàn khàn:

- Con bé không ở nhà. Chắc đi chăn trâu rồi.

Nói đoạn, ông chống gậy chậm chạp đi đến chỗ bà đang đứng:

- Bà đưa đây tui đưa vô cho mà. Khỏi mất công chiều tối cháu nó lại phải chạy đi chạy lại.

Bà Hồng bốc hơn nửa rau trong rổ để trên tường, bà nói:

- Lấy nhiều vô cho nhà con bé. Hai ông bà mình ăn mấy mô.

Ông Hồng gật đầu, ôm mớ rau dền vô để chỗ bể nước. Bà Hồng nhìn theo bóng ông mãi, tới khi ông đặt cái gậy dựa vào tường và cẩn thận ngồi xuống bà mới yêu tâm vào nhà. Các ông ăn chuối luộc uống nước chè xanh, kể chuyện thời chiến tranh, chuyện đi bộ đội, chuyện con ông Hải, con bà Thành,... đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Mãi tới khi chiều muộn mới thấy ông chậm chạp chống gậy đi về. Ông mặc một bộ đồ màu trắng có sọc xanh, là kiểu quần áo ngày xưa có xẻ tà, đôi mắt mờ đục nhìn về phía xa xăm, ông đi nép sát vệ cỏ bên lề đường, lưng hơi còng xuống, dò dẫm từng bước một. Bà Hồng đang chất lửa thổi cơm, lửa rực hồng căn bếp nhỏ, ngọn khói vấn vít lên tận trời cao. Ông đi vào nhà, loẹt xoẹt tiếng tông lào. Bà Hồng nghe tiếng bước chân vội chạy ra đỡ ông ngồi xuống chõng tre, rót cho ông cốc nước rồi mang rổ khoai luộc ra, bà bảo:

- Ông ăn tạm củ khoai đi, tí nữa là cơm chín rồi.

Ông uống hớp nước chè xanh, súc miệng ùng ục, nước chè chát cả khoang miệng trôi xuống bụng, để lại vị ngọt thanh mát nơi đầu lưỡi. Ông cầm củ khoai bà bóc sẵn, cắn một miệng, vừa nhai vừa nói:

- Hồi nãy mới nghe tin ông Lâm bị tai biến mạch máu não.

Bà Hồng thở dài, tiếp lời ông:

- Ông nghĩ nhiều mần chi? Sống được ngày mô hay ngày nớ. Tuổi như tui với ông cũng là trời cho phước lành rồi.

- Bà nói cũng phải, gần đất xa trời rồi còn chi mô mà lo nữa.

Bà Hồng nhíu mày nhìn ông, đôi mắt cũng đã mờ đục, bà đeo kính lão nên nhìn mới tốt hơn.

- Ông ăn đi. Đừng nghĩ lung tung nữa. Tui vô nấu cơm cho được đây.

Chiều muộn, nhà ai nhà nấy đều sáng đèn. Ông bà sống trong căn nhà cấp bốn ngày xưa, bậc cửa còn có thanh gỗ chắn ngang. Nền xi măng cũng thủng lỗ chỗ, mái ngói vỡ nhiều, quanh sân dương xỉ mọc mấy khóm, cứ nhổ rồi lại mọc. Ông bà nuôi một con mèo đen và một con chó vện làm bạn. Mèo đen nằm vắt vẻo trên bậc thềm, lâu lâu nổi hứng thì đánh nhau hoặc bới đất góc nhà với con vện, làm bà Hồng ngày nào cũng phải quét phải dọn. Nhưng bà thương hai con vật ấy lắm, hai ông bà xem chúng nó như người thân mà bầu bạn. Con cái đều ở xa cả, cũng chẳng mấy thành đạt mà nhờ cậy. Ông bà đều sống dựa vào lương hưu và trợ cấp cho người cao tuổi. Tiền đủ ăn mấy món thanh đạm và mua cho ông vài chén rượu.

Bà Hồng có bốn người con, hai trai hai gái. Hồng là tên con gái đầu của bà. Người nhà quê vẫn hay gọi tên các cụ bằng tên con đầu, không ai trực tiếp gọi tên cúng cơm của các cụ cả, như thế được xem là thiếu tôn trọng người cao tuổi. Hai người con gái đều lấy chồng xa, cũng không khấm khá gì. Hai người con trai lấy vợ trong làng, tuổi già đổ đốn rượu chè rồi đánh đập vợ con, chẳng nhờ cậy được ai. Ông bà dìu dắt nhau từ lúc còn trẻ đến khi về già. Chăm lo cho nhau từng chút một. Nghĩ cũng vất vả, nhưng ông vẫn hay cười bảo với hàng xóm:

- Sống vầy cho nó thoải mái chứ ở chung với chúng nó tận mấy thế hệ trong nhà cũng bất tiện. Rỗi rãi qua thăm cháu tí là được. Chứ trông chờ chi chúng nó nuôi mình. Cha mẹ nuôi con con nuôi cháu, nhà mô cũng rứa cả. Ôi dào, con chăm cha mần răng mà bằng được bà chăm ông.

Dứt lời, ông quay sang nhìn bà, cười hiền từ, trong đôi mắt mờ đục toát lên yêu thương trìu mến:

- Bà thấy tui nói phải không?

Lúc đấy bà Hồng lại cười há há nhìn ông, đưa tay quệt nước trầu dính mép miệng. Có một dạo ông Hồng ốm nên được đón lên ở cùng người con trai thứ hai, bà ở nhà một mình nhớ ông tới sinh bệnh. Bà già rồi, không tự đi xa được. Bởi vậy nếu muốn chăm sóc đều phải đón cả ông cả bà cùng nhau, nếu không ông bà sẽ không chịu. Ông khoẻ liền đòi về dưới nhà, cả hai đều không chịu sống cùng các con, sợ thành gánh nặng của họ. Bà Hồng bưng mâm cơm đạm bạc để lên chõng tre, vài con cá kho, một đĩa rau dền luộc và một bát nước canh. Hai ông bà cũng chẳng ăn nhiều. Chục nghìn bạc cá ăn mấy ngày không hết. Ông Hồng thích uống rượu, bữa nào cũng phải uống một hai chén mới có hứng ăn cơm. Hai ông bà vừa ăn vừa cười, gắp đồ chậm chạp nhưng lúc nào ông cũng gắp cá gỡ hết xương rồi đặt vào bát bà. Tình cảm vẫn khăng khít như thuở đầu bên nhau. Ngày xưa cũng chẳng có yêu đương nồng cháy gì đâu, các cụ đến tuổi thì được sắp xếp gả cho nhà người ta, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nhưng vẫn một đời gắn bó son sắc, dù có chuyện gì cũng chẳng chia lìa được.

Ông bà hay bảo:

- Hết tình còn nghĩa, huống hồ bắt đầu làm chi có tình yêu, nên vợ nên chồng rồi về ở với nhau, vì cái nghĩa trước rồi mới đến cái tình, gắn bó cả đời rồi, xa nhau không được.

Ông nói phải, mà cũng đúng thật. Ông bà như hình với bóng, lúc nào cũng có nhau. Không giống như một số người, các cụ bảo về già hay sinh chuyện ông nơi bà nơi, nhưng tuyệt nhiên ông bà Hồng không bao giờ như thế. Những lần bạo bệnh, ông nửa tỉnh nửa mê, nhưng chỉ cần nghe thấy tiếng thở dài ông liền biết đó là bà mà quay mặt ra. Cũng chẳng nói gì, chỉ là ông bà luôn nắm chặt tay nhau. Cái nắm tay vượt qua cả bão tố cuộc đời.

Đêm nay mười sáu, trăng hè trọn vành vạnh, sáng dịu dàng. Gió nồm thổi mát rượi, ông bà ăn xong ngồi chỗ thềm, uống hớp nước chè xanh, bà vặt tai cà để muối, ông ngồi một bên phe phẩy quạt đuổi muỗi cho bà, con mèo đen với con chó vện ngồi cạnh chân hai người hóng chuyện. Ông bà nói chuyện câu được câu không, thi thoảng lại nghe tiếng cười giòn giã vang lên trong căn nhà xưa cũ. Ngoài vườn lao xao tiếng lá rụng, ngôi mộ im lìm dưới trăng như đang cười tươi mãn nguyện.

 

Theo Chuyện quê

Đông Hi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cu-hang-xom-nha-toi-a5856.html