Cha mẹ thân sinh cụ Phùng Văn Khầu mất sớm, cụ phải đi ở cho địa chủ nên chẳng biết mình sinh vào ngày tháng năm nào. Khi vào bộ đội cụ lấy ngày thành lập Đảng làm ngày sinh của mình: 3-2-1930. Cụ ra đi đúng vào ngày kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8-/1911- 25/8/2021).
*
Hồi còn là học sinh cấp ba (năm 1971), tôi được nghe anh hùng Phùng Văn Khầu kể chuyện đánh Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Gương mặt ông rạng rỡ. Áo ngực ông đeo đầy huân chương. Cả hội trường im phăng phắc, thỉnh thoảng lại “rào” lên những đợt vỗ tay tưởng như không dứt khi ông say sưa kể về cuộc đời và những trận chiến đấu của ông cùng đồng đội ở Điện Biên. Tôi ao ước sau này mình trở thành bộ đội để được như chú Khầu. Và rồi, trở thành anh bộ đội... thì có, mà “được” như chú Khầu... thì không.
Hơn ba mươi năm đã trôi qua, và cho đến hôm nay thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy ông đi chiếc xe đạp cà tàng chầm chậm bon trên đường phố. Mái đầu trắng như cước, vẻ mặt phúc hậu và nom ông vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Ở tuổi tám mươi nhưng ông vẫn tham gia công tác xã hội. Tôi nhớ, cái thời “khốn khó” những năm 80-90 của thế kỷ trước, vẫn chiếc xe đạp ấy, ông chở cả bèo tây hoặc thân cây chuối về nấu cho lợn. Ông còn xếp hàng lấy bánh mỳ, bánh rán... rao bán ở Sơn Tây. Hình như hồi đó nhiều người biết ông là anh hùng, lại đang làm cái việc cũng rất “anh hùng”... giữa đời thường. Lạ thật, chẳng biết ai “nhái” bài hát truyền thống của bộ đội pháo binh, có hai câu: “Gương anh Cư non nước đang còn ghi, ta hiên ngang tiến bước theo anh Khầu” thành ra: “Gương anh Cư đất nước đang còn nghi. Ta sang ngang không bước theo anh Khầu”. Thấy tôi nhắc lại chuyện này, ông cười lớn: Thì tụi trẻ thấy mình khổ quá mà “bịa” ra để hát cho vui thôi. Thời đó, vợ con mình nheo nhóc lắm. Khi Nhà văn Khuất Quang Thuỵ viết chuyện của mình lên tạp chí Văn nghệ quân đội, nhiều người “xôn xao”. Các ông cấp trên biết chuyện, quan tâm mới “đỡ” được phần nào. Ông lắc đầu. Nghĩ lại hồi đó mà thấy đau lòng. - Chú cảm ơn nhà văn Khuất Quang Thuỵ. Khi nào cháu bảo Thuỵ bớt chút thời gian đến với chú nhé. Thế là ông lại chuyển sang đề tài văn nghệ. Chuyện nọ, kéo sang chuyện kia, không khéo có mà đến đêm cũng không hết. Tôi “nhắc nhở” thì ông lại cười vang: - Lính tráng gặp nhau, khó dứt quá...
Đại tá Phùng Văn Khầu, người huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Nhưng mấy chục năm nay, thị xã Sơn Tây đã trở thành quê hương thứ hai của ông. Tôi chủ động tìm đến ông. Cuộc gặp gỡ chỉ báo trước với ông qua điện thoại có vài phút.
- Quốc Toản vào đây có chuyện gì phải không?
- Nghe chú kể chuyện chiến đấu và nghe chú kể chuyện... các chú đang “giữ đất”.
Ông cười:
- Chuyện giữ đất ở Điện Biên Phủ thì phải đổ xương máu của biết bao đồng đội mới có được, nhưng chuyện “giữ đất” bây giờ thì khó khăn hơn nhiều. Bác Hồ bảo đó là “giặc nội xâm” mà...
Thật ra, chuyện các ông chiến đấu ở đồi E- Điện Biên Phủ tôi đã được nghe kể, ngay cả trên báo, đài cũng nói về các ông đã nhiều. Hôm nay, ông như được trở lại những phút giây hào hùng ấy. Thế là cốc chén, gạt tàn, bút bi, bật lửa...có thứ gì trên mặt bàn đều trở thành pháo binh, xe tăng, bộ binh, lỗ châu mai...thôi thì tất tật, mọi thứ đều “vào trận” hết. Một “sa bàn” của chiến dịch Điện Biên, một trận chiến đấu ở đồi E, một cuốn lịch bỏ túi không biết từ năm nào, ông lấy ra để nhớ lại từng thời gian, thời điểm xảy ra trận đánh. Tôi bị sa vào trận đồ của ông. Những cái tên Trù, Trài, Pao, Quán... những người bạn chiến đấu của ông cứ thế được gọi tên. Những tiếng hô, những tiếng xe tăng, đạn pháo được tái hiện qua giọng kể say sưa của người lính già. Hồi ấy, ông không biết chữ, ông ngắm qua nòng pháo mà cùng đồng đội diệt gọn 4 lô cốt, 5 khẩu pháo, 6 ổ đại liên, 1 kho đạn của địch, đồng thời bắn yểm trợ cho bộ binh của ta tấn công. Nhiều lúc ông tưởng mình không thể sống mà trở về nữa, vì đã 3 lần địch bắn trúng trận địa của ông. 3 khẩu sơn pháo 75 ly của đại đội ông chiếm lĩnh đồi E. Vừa vào trận, 2 khẩu đã bị địch phát hiện. Chúng bắn như vãi đạn. Đơn vị hy sinh 7 người, bị thương 11 người. Khẩu đội của ông trước đó bị thương 5 người, nay chỉ còn lại 4. Cả đồi E duy nhất còn 1 khẩu pháo với 4 người. Các đã ông giơ tay thề chiến đấu đến cùng. Và cho đến khi chỉ còn lại mình ông, vừa ngắm bắn, vừa nạp đạn. Khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng đội của ông ôm nhau khóc. Kể lại chuyện này cho tôi nghe, ông vẫn rưng rưng nước mắt, câu chuyện cứ như là của ngày hôm qua.
Ngay trong trận chiến đấu, ông được thưởng huy hiệu Bác Hồ. Tổng kết chiến dịch Điện Biên ông được tặng 4 huân chương và vinh dự được gặp Bác và được phong Anh hùng. Năm 1957, ông vinh dự được cử đi tham dự Đại hội Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ 5 tại Ba Lan. Đó là hạnh phúc lớn trong đời quân ngũ của ông.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị phó chính uỷ trung đoàn, ông tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Thừa Thiên. Những Ái Tử, Khe Sanh, Làng Vây và biết bao trận đánh khác vẫn còn đọng mãi trong ông.
- Cái giá phải trả cho độc lập tự do được đổi bằng máu xương của bao nhiêu đồng đội, chúng tôi đã dũng cảm bám trụ, giữ vững từng tấc đất cho đến ngày thắng lợi. Nhưng hôm nay...
Ông im lặng và không nói hết câu. Hình như ông đang nghĩ về một điều gì thật hệ trọng. Mắt ông nhìn ra phía con đường trước nhà mà mấy chục năm nay nó vẫn là con đường đất đỏ.
- Cháu biết các chú “cực chẳng đã” mới phải đấu tranh thôi.
Không để ý tới câu nói của tôi. ông lại kể câu chuyện khác: Nhớ mãi cái lần tôi cùng các Cựu chiến binh phường Sơn Lộc đi tham quan Bảo tàng quân đội. Cô hướng dẫn viên chỉ vào khấu pháo 105 ly và nói với mọi người: Đây là khẩu pháo của anh hùng Phùng Văn Khầu tham gia chiến dịch Điện Biên. Tôi buồn quá, đành ghé tai cô nói nhỏ:
- Không phải khẩu pháo của ông Khầu đâu
- Dạ... đúng đấy ạ
- Chú Lê Mã Lương đâu? (anh hùng Lê Mã Lương là giám đốc Bảo tàng)
– Dạ, chú Lương đi công tác ạ.
- Cháu về nói với chú Lương: Đây không phải khẩu pháo của chú Khầu đánh nhau ở Điện Biên đâu. Rồi ông lại ghé tai: Chú là Khầu đây!
Cô hướng dẫn viên đâu ngờ trong đoàn đi hôm đó cũng có mặt ông Phùng Văn Khầu. Và cô có được một bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Trong lúc vui chuyện, tôi hỏi ông:
- Nghe nói khẩu sơn pháo 75 ly ở Bảo tàng Điện Biên mới thực là của chú?
- Thì đúng như thế. Nó bị xây xước bao nhiêu vết đạn, chú nhớ mà. Đằng này qua trận chiến rồi mà nó vẫn mới tinh thế... Ông cười: Chẳng hiểu sao ở Bảo tàng quân đội lại có một khẩu nữa. Có lẽ họ làm vậy để giáo dục truyền thống. Cái đó vô hại, mình chẳng nói làm gì. Còn biết bao thứ sai trái, vi phạm pháp luật, nói “rát cổ bỏng họng” họ đâu có nghe.
Biết là có thể “chuyển làn" tôi lại hỏi:
- Chuyện sử dụng đất vi phạm pháp luật ở Cổ Đông, chú biết không?
- Biết chứ. Ông khẳng định: Trong thời điểm thanh tra từ năm 2001 đến tháng 9/2005, UBND xã Cổ Đông đã không quản lý tập trung nguồn tài nguyên đất đai thuộc quỹ đất công, không lập sổ sách quản lý mà giao phân tán cho các hợp tác xã, thôn đội quản lý. Dẫn đến việc giao thầu, chuyển nhượng trái pháp luật, chuyển dần từ hình thức sở hữu nhà nước sang hình thức sử dụng lâu dài của cá nhân, gây thất thoát tiền của nhà nước. Một lần nữa ông khẳng đinh: Đây là những vi phạm mang tính hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng trên diện tích rộng lớn hơn 417 nghìn mét vuông đất
Tôi giật mình với con số ông nêu ra, thế thì số tiền tham nhũng có lẽ không phải là nhỏ?
- Vụ Đồ Sơn gần 3.500m2 đất đã bị cấp sai, thiệt hại hơn 23 tỷ đồng. Vậy thì ở Cổ Đông với hơn 417 nghìn m2 đất, thiệt hại chắc chắn không phải là nhỏ. Ông quả quyết.
Câu chuyện lúc này không còn là chuyện của cá nhân ông nữa, mà là chuyện của những công dân có trách nhiệm, đau lòng trước những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng đang huỷ hoại, xâm thực đất nước này. Ông nhìn tôi có vẻ trách:
- Tôi nói không biết có đúng không, các nhà văn, nhà thơ chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện này. Họ bận viết những cái gì thanh cao hơn. Việc này họ dành cho các nhà báo. Tôi nghĩ, là công dân thì ai cũng phải có trách nhiệm. Trách nhiệm của cả một cộng đồng, một dân tộc. Chuyện “động trời” ảnh hưởng tới “miếng cơm, manh áo”, người ta dễ an phận lắm. Thậm chí họ sợ nữa...
- Biết ông đang bức xúc. Tôi im lặng. Im lặng cũng là đồng ý. Im lặng cũng là nhận khuyết điểm. Dĩ nhiên cũng có người né tránh. Nhưng cũng nhiều nhà văn vào cuộc và dám đương đầu với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng. Nếu không có ông Phú ở Đồ Sơn, nếu không có nhà văn, nhà báo thì làm sao dân biết được các ông “quan ăn đất” đã phải ra hầu toà. Có thể nói, hiện nay ở một số nơi chính quyền đã quay lưng lại với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Các ông đấu tranh, các ông một lần nữa “giữ đất” để lấy lại niềm tin của dân đối với chính quyền, đối với Đảng.
- Vụ Cổ Đông thế nào rồi hả chú?
- Nghe nói sắp xử. Chẳng biết những ai sẽ phải đứng trước vành móng ngựa. Chẳng biết họ xử có nghiêm minh không, hay lại như kiểu xét xử sơ thẩm vụ Đồ Sơn Hải phòng, các ông quan chỉ bị cảnh cáo và phải nộp án phí 50 ngàn đồng...Lại còn thế nữa, hình như người dân bị mất niềm tin. Phải lấy lại niềm tin bằng những việc làm công khai, minh bạch, dân chủ. Dân không phản đối chủ trương chính sách của nhà nước, mà phản đối cách làm sai trái của chính quyền. Ở đâu chính quyền yếu, ở đâu có các ông quan tha hoá biến chất, ở đâu thiếu dân chủ ở đó ắt sẽ xảy ra kiện tụng.
- Cháu nghe nói còn cái chuyện cấp đất sai pháp luật để xây siêu thị ở thành phố?
- Chuyện đó có. Nhưng chưa đến hồi kết. Tôi muốn các cấp từ trung ương đến địa phương phải phân rõ đúng sai. Vì lợi ích của số đông nhân dân lao động chứ không thể vì lợi ích của một cá nhân nhỏ bé nào. Họ đã làm như sự đã rồi, dân chủ chỉ là hình thức. Cái đó rất nguy hiểm. Chính quyền không vì lợi ích của dân thì vì cái gì. Chúng tôi cầm súng chiến đấu, biết bao đồng đội tôi ngã xuống cũng chỉ vì cái quyền dân chủ ấy. Lẽ ra lúc này, tôi phải được an hưởng tuổi già, nhưng tôi không thể quay lưng lại với đồng đội của tôi. Tôi không thể làm ngơ trước cái ác.
- Cháu nghĩ sao về chuyện này?
- Cháu muốn sự thật phải được phơi bày. Phải rõ ràng như ánh sáng và bóng tối. Không thể mập mờ được. Cháu biết, ngày xưa các chú ra trận, người này hy sinh, lại có người khác xông lên. Trước cái chết mà không hề toan tính. Bây giờ không phải ai cũng được như các chú đâu. Chống “giặc nội xâm” gian khổ, quyết liệt, khó khăn hơn nhiều. Có khi người này “xông lên”, lại có người khác “kéo” họ lại. Gia đình, bạn bè, anh em...người đồng tình thì ít, người khuyên ngăn, người thờ ơ, an phận thì nhiều. Thậm chí có người biết sai mà chẳng dám nói ra. Phức tạp lắm chú ạ. Nhưng chỉ khi người dân thấy rõ sự thật, dám đấu tranh thì họ sẵn sàng ủng hộ và ủng hộ đến cùng.
- Hôm rồi, tôi gặp đồng đội cũ, nguyên là cán bộ cấp rất cao của Đảng, ông ấy cùng chiến hào với tôi ở mặt trận Tây Thừa Thiên những năm đánh Mỹ. Khi nghe tôi tâm sự, ông bảo: Sự tồn vong của dân tộc này không có gì khác là phải lấy lại niềm tin trong nhân dân. Có dân là có tất cả. Mất dân là mất tất. Phùng Văn Khầu giữ từng tấc đất trong chiến đấu thì hãy tiếp tục “giữ đất” vì dân. Dân tin Đảng, chính là vì tin vào những con người như chúng ta.
Khi viết bài này, tôi loay hoay không biết lấy đầu đề ra sao. Chuyện của các ông trong hai cuộc chiến tranh với bao nhiêu mất mát hy sinh, ai cũng biết. Nhưng chuyện của các ông trước cuộc sống đời thường với bao nhiêu nghĩ suy trăn trở thì mấy ai hiểu được. Tôi xin lấy câu nói của đồng đội ông, để làm đầu đề bài viết này:
“Anh hùng Phùng Văn Khầu tiếp tục ...”giữ đất”!
Sơn Tây, 2011 - QT
Quốc Toản
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-biet-cu-phung-van-khau-nguoi-anh-hung-tiep-tuc-giu-dat-a5885.html