Về ngụp lặn sông quê

 Những năm ở vùng kinh tế mới gia đình tôi trồng được nhiều cây công nghiệp: điều, hồ tiêu, cà phê và những cây ăn quả trên đất đỏ ba gian vùng Tây Nguyên. Đất không phụ người, nhờ bàn tay cần cù lao động. Kinh tế ngày càng khá lên, có thể nói gia đình chúng tôi đã tạm xa được cái đói thủa nào. Tôi cũng đã lập có gia đình và sinh con trên vùng kinh tế mới.

  

song-gianh3-1629615724.jpg
 

“Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết những lời mẹ ru"        ( Nguyễn Duy)

 Ngày ấy làng đói, cái đói triền miên, tràn lan khắp đường làng ngõ xóm, len lõi đến từng gia đình và từng con người, chỉ có con trâu con bò thì no. No là vì rừng nhiều cỏ mọc dày và hoang vu, cỏ mọc đầy trên đồi sim, đồi mua, đầy cả triền đề, mọc trải dài trên các dãi đất biền rộc, con người lúc đó còn non kém về kiến thức khoa học, chưa biết làm thế nào để cải tạo thiên nhiên, chưa biết làm sao để thâm canh tăng vụ tăng năng suất cây trồng. Ruộng nước chỉ cấy lúa có vụ chiêm, thu hoạch xong là bỏ đất hoang cho cỏ mọc đến mùa sau, vì không có nước, chưa biết đắp đập lấy nước tưới cho cây lúa. Các bãi phù sa cứ đùn lên màu mỡ nhưng chẳng ai biết đó là những bãi đất trồng khoai, trồng đậu, trồng ớt rất tốt, không khai thông thủy lợi nên nạn ngập úng thường xuyên xẩy ra, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, sản lượng lúa ngô khoai tăng chậm, mọi người cứ quanh quẫn lo tìm cái ăn, nhà nào đủ ăn là may mắn lắm.

 Miền Nam và vùng Tây Nguyên hồi đó, đất còn bỏ hoang, có chủ trương di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh, Sông Bé (Bình Dương + Bình Phước), Thuận Hải (Ninh Thuận + Bình Thuận). Đăk Lăk, Con Tum..

 Gia đình tôi đăng ký di dân vào nam lập nghiệp, chạy trốn cái đói.

 Bến phà Gianh những năm 1983 và vài năm sau đó nối dài những đoàn xe chở người di dân vào Nam. Vòi vọi những đêm chờ phà, thao thiết nhớ quê nhưng cũng đành dứt áo ra đi để tìm cái no, cái ấm, quê đẹp lắm nhưng quê nghèo lắm ngoái đầu nhìn lại chân bước lên phà Gianh mà lòng quặn thắt, nước mắt mẹ tôi giàn dựa đến tận bây giờ.

 Đứa bé nhỏ dại như tôi hồi đó chưa biết thế nào là ly biệt, níu chặt tay mẹ vì sợ lạc, nhà bác H cũng đang ký vào vùng kinh tế mới. Tôi và thằng tèo được ngồi trên xe mấy ngày liền mà vô cùng thích thú, mãi sau này khi lớn hơn, biết nhớ, biết thương có đôi lần tôi nằm mơ thấy dòng sông quê, nỗi buồn man man lâng lâng khó tả.

 Sông quê mát rượi, nhà tôi ở phía thượng nguồn sông Gianh, Giáp với Hà Tĩnh, nơi có dòng sông La, dòng xanh bát ngát đã đi vào thơ ca và có bài hát nổi tiếng “ Người con gái Sông La”thời kỳ chống Mỹ. Miền trung như chiếc đòn gánh oằn lưng vì bão lũ, những con sông đẹp lắm oai hùng lắm những mùa lũ rất dữ dằn.

 Quảng Bình quê tôi có Sông Gianh, nơi một thời Trịnh Nguyễn phân tranh, chia cắt xứ đằng trong đằng ngoài, sông Gianh chảy ngoằn nghoèo giữa các rãnh núi, nhiều thác lắm ghềnh, làng tôi lọt thỏm giữa những cánh rừng bao la, mở mắt đã nhìn thấy núi, núi rừng xanh một màu trong tâm khảm của tôi.

 Sông bồi đắp phù sa dâng cho những mành ruộng, mảnh vườn hai bên bờ thêm màu mỡ, sông nép mình dưới tán cây rừng, nước mát và trong xanh, cá đủ các chủng loại, tôm đu mình trong chùm rể tre loà xoà dưới nước, các loại sinh vật nương náu dưới lòng sông và dọc bờ sông, mỗi sáng mai cuộc sống trên mặt nước mới sinh động làm sao. Liền với sông là rừng, chim muông rủ nhau về làm tổ tiếng kêu rộn ràng giữa bát ngát mênh mông .Những ngày nắng sau buổi học chúng tôi rủ nhau ra sông nhảy ùm xuống nước mà ngụp, mà lặn, mà vẫy, mà vùng, sinh ra bên dòng sông nên đứa nào cũng được tập bơi từ rất nhỏ, đứa nào cũng như con rái cá, chúng tôi trèo lên cái cây Lộc vừng có cái nhánh chìa ra sông thi nhau nhảy, bùm bùm xuống nước, còn điêu nghệ hơn cả những vận động viên nhảy ván hiện giờ... Lại kể chuyện tuổi thơ không thể quên những ngày trốn học đi bẫy gà rừng, cơ man nào là gà lôi, chim trĩ, bìm bịp, đứa nào bẫy được nhiều, cả bọn tung tung hô như những chiến binh, chiến lợi phẩm được chúng tôi gom lại, đốt một đống lữa thật to, than đỏ, vặt lông, nướng ăn, chẳng khác nào thổ dân. Những hình ảnh ấu thơ ấy làm sao có thể quên, nó đã ăn sâu vào hoài niệm trẻ thơ, thỉnh thoảng nó lạc vào giấc mơ tôi, tôi mĩm miệng cười thầm.

 Những năm ở vùng kinh tế mới gia đình tôi trồng được nhiều cây công nghiệp: điều, hồ tiêu, cà phê và những cây ăn quả trên đất đỏ ba gian vùng Tây Nguyên. Đất không phụ người, nhờ bàn tay cần cù lao động. Kinh tế ngày càng khá lên, có thể nói gia đình chúng tôi đã tạm xa được cái đói thủa nào. Tôi cũng đã lập có gia đình và sinh con trên vùng kinh tế mới.

 Tuy nhiên, trong thẳm sâu của trái tim tôi không thể quên được quê hương với mùi hương khói bếp, với cánh đồng ven sông, với những cánh rừng thủa nào bẫy chim cùng lũ bạn. Cứ vài năm tôi dẫn con về thăm quê thăm lại cội nguồn, mỗi lần về quê tôi lại thích thú đầm mình vào sông quê, bụm từng ngụm nước mát và thỏa thích ngụp lặn trong ký ức tuổi thơ mênh mông diệu vợi.

 

Đinh Minh Thành

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ve-ngup-lan-song-que-a5923.html