50 năm trước du học Đông Âu- Bài 2- Chuyến đi từ Bằng Tường - Mãn Châu Lý. (29/8-02/9/1971)

Khi tàu đến ga Bằng Tường, chúng tôi được hải quan TQ xác nhận nhập cảnh, mọi người tỏa xuống sân ga để đi vệ sinh, lúc đó mới nhận ra mặt, mũi ai cũng được phủ 1 lớp mỏng bụi than do đầu máy hơn nước chạy bằng than thải ra... Lãnh đạo các đoàn được triệu tập để nghe đại diện bộ Đại học phổ biến về chuyến hành trình tiếp theo và nhận tiền Nhân dân tệ, tiền Rúp để tiêu vặt cho chuyến đi.

tau-lvqt-tq-1630165428.jpg
dau-may-xe-lua-tq-thoi-do-1630165428.jpg
 
Tàu LVQT TQ - Tàu TQ thời 1971

Chúng tôi được chuyển qua tàu LVQT của TQ. Chia tay con tàu VN, chia tay đất nước còn chìm trong lụt lội của trận "Đại hồng thủy", chia tay nơi đã sinh ra và nuôi nấng chúng tôi, tạo điều kiện cho chúng tôi được ra nước ngoài học tập, để sau này trở thành những kỹ sư, bác sĩ về phục vụ cho tương lai lâu dài của đất nước. Tôi nghĩ chắc ai cũng có 1 chút gì lưu luyến, bâng khuâng khi phải chia tay con tàu cũ kỹ nhưng tràn đầy kỉ niệm, mặc dù chỉ 1 ngày đêm ngắn ngủi nhưng lắng đọng trong đó rất nhiều cảm xúc của sự chia li, xa cách, cũng như sự động viên nhau qua lời ca, tiếng hát và niềm tin về tương lai sau này.

Trên tàu LVQT TQ, chúng tôi được bố trí vào các khoang giường nằm của toa tàu, mỗi khoang có 4 giường, mỗi bên 2 giường, có trải đệm ra trắng tinh rất sạch sẽ, ở giữa có 1 cái bàn kề cửa sổ, trên bàn có sẵn bộ bình trà bằng sứ và các gói trà nhỏ, thấy trà tàu, ấm tàu là mê rồi (ngày đó, nói đến trà tàu thì chỉ người có điều kiện mới có được, vậy mà chúng tôi lại có thứ trà ấy và được thưởng thức suốt cuộc hành trình trên đất TQ), có cả phích nước nóng nữa. Ai cũng có cảm giác con người mình được nâng lên ở vị thế khác, có vẻ như sang trọng hơn. Ai cũng có một cảm giác lâng lâng như mình đang là một vị khách đặc biệt (đi tàu quốc tế thì đương nhiên là khách quốc tế rồi), chứ không còn là các cô cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông mặt còn búng ra sữa nữa, mặc dù trang phục thì rất quê mùa. Rồi đang từ con tàu cũ kỹ với ghế gỗ ê ẩm cả ngày đêm, nay được nằm trên đệm êm, chăn ấm để theo đuổi một hành trình dài đến nơi mà mình sẽ đến để học tập thì làm sao mà không lâng lâng cho được. Quá sướng! Sự chuyển đổi trạng thái, điều kiện làm cho mọi người đỡ thấy buồn nhớ hơn, các bạn nữ có lẽ cũng bớt nhớ nhà hơn.   

Hồi đó, tàu LVQT TQ còn chạy bằng động cơ hơi nước, (tốc độ không nhanh như bây giờ, chắc khoảng 60-80km/h) nhưng nhờ khổ đường ray rộng hơn bên VN nên chạy khá êm, có điều do đầu máy cũng là dạng đầu máy hơi nước chạy bằng than và tàu chưa có lắp điều hòa, khi chạy phải mở cửa sổ nên mũi ai cũng lại đen xì vì bụi than.

2 đầu toa đều có nhà vệ sinh rất sạch sẽ, có nơi rửa mặt, tolet riêng. Cuối hành lang của toa tàu đều có dán lịch thời gian đến và dừng của tàu ở các ga, điều này rất thuận lợi cho khách đi tàu khi muốn xuống tàu, hoặc đi dạo dưới sân ga, hay mua những cái cần thiết và hồi đó tàu LVQT này luôn chạy và dừng đúng như lịch này.

Trời mùa thu, khí hậu trên đất TQ cũng se lạnh, nên được nằm trên giường đệm ấm cũng là điều rất tuyệt vời. Nhân viên phục vụ trên tàu toàn là nữ và họ rất nhiệt tình, đến giờ ăn sáng, trưa, tối đều tới từng toa gọi "ăn cơm, ăn cơm". Do có thời kỳ tôi và 1 số bạn (Trần Lưu, Hùynh Hội, Mai Sơn...) học cùng ở trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi* ở Quế Lâm TQ gần 2 năm, nên vốn liếng tiếng Trung của chúng tôi cũng tạm dùng được trong giao dịch, mua bán... điều đó tạo nên sự thiện cảm với nhân viên trên tàu. Chúng tôi còn hát những bài hát TQ mà chúng tôi học lỏm được khi còn học ở Quế lâm cho họ nghe như "Đông phương hồng", "Lướt trùng dương ta vững tay lái"... họ rất ngạc nhiên không ngờ chúng tôi lại biết ngôn ngữ của họ nên tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi rất nhiều...

Qua ngày 30/8 cả tàu bị phát dịch đau mắt, chẳng hiểu bắt nguồn từ đâu, chỉ biết trên tàu 10 người thì đến 8,9 người mắt cứ đỏ và sưng vù, đến mức độ trước đoàn tàu họ phải treo băng rôn ghi chữ TQ là đoàn tàu này có dịch đau mắt, chắc là để khuyến cáo những ga mà tàu dừng, mọi người tránh tiếp xúc với những người đi tàu, các bác sĩ TQ cũng được điều lên tàu để phát thuốc cho toàn tàu. Trong khoang chúng tôi chỉ có tôi và Huỳnh Hội là mắt sáng như gương, nên khi tàu dừng ở ga nào lâu là 2 thằng bay xuống, mua bánh kẹo, trái cây, thuốc lá hoặc những vật dụng cần thiết... cho mọi người. Ngày đó nhìn cái gì cũng thích, ăn cái gì cũng ngon mà chẳng bao giờ phải lo nghĩ chuyện chất bảo quản, độc hại trong trái cây.

Nhờ "dân vận" với nhân viên trên tàu tốt, nên khi tàu dừng ở các ga nào lâu, nhân viên trên tàu đều mở cửa lên xuống và nhắc chúng tôi thời gian tàu dừng để chúng tôi có đi mua gì đó phải lưu ý để khỏi bị nhỡ tàu. Rất may thời đó, trong các ga tàu dừng đều có bán các loại trái cây, bánh kẹo, đồ dùng cá nhân... nên cũng chẳng phải đi xa, có những ga tàu dừng cả nửa tiếng để lấy nước, lấy thực phẩm. Khi có tín hiệu tàu sắp chạy, các nhân viên luôn dùng từ tiếng Việt để gọi chúng tôi (có lẽ học lỏm được của ai đấy) tiếng "lên tòong", "lên tòong" làm tôi nhớ mãi... 

Các bạn đi tàu đường dài biết rồi, khổ nhất là không được tắm rửa. Cho nên chúng tôi toàn phải tranh thủ buổi tối vào phòng rửa mặt, vệ sinh tắm trộm, rất may là trên tàu có nước nóng (nhân viên họ biết nhưng thông cảm nên chẳng nói gì). Tuy không được thoải mái như tắm giếng ở nhà, nhưng cũng giải quyết được sự hôi hám cũng như bụi than bám vào người...

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, TQ cũng là một trong những nước theo đuổi con đường xây dựng CNXH, những công trình lớn chưa có nhiều, những thành phố còn nhỏ bé, chưa có nhiều nhà cao tầng, xe hơi... nhưng phải nói rằng những nơi tàu LVQT chạy qua đều có phong cảnh rất đẹp, rừng núi, sông ngòi còn nhiều cái hoang sơ nên vẻ đẹp rất tự nhiên, kỳ vĩ, xen kẽ những ngôi nhà thấp, ngói âm dương, hay những đồng lúa y như làng quê mình... Nói chung hồi đó chỉ nghĩ mình đi học, chứ không phải đi du lịch nên không quan tâm đến cảnh quan, nhưng ấn tượng với tôi đó là cây cầu

cau-truong-giang-vu-han-1630165428.jpg
Cầu Trường Giang - Vũ Hán

 Trường Giang Vũ Hán, một cây cầu mang tính lịch sử của Cộng hoà nhân dân Trung hoa thời đó, đó là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Trường Giang, nhờ có sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, cầu được xây dựng 2 tầng (cầu Thăng long cũng được thiết kế theo mô hình này). Cho đến ngày nay, cây cầu này vẫn là điểm du lịch hấp dẫn du khách TQ và quốc tế.

    Đoàn tàu của chúng tôi không dừng lại ở Bắc Kinh mà chạy thẳng đi Mãn Châu Lý, cũng có thể do trên tàu vẫn còn người đau mắt nên họ sợ lây lan?

tp-man-chau-ly-1630165428.jpgMãn Châu Lý

Mãn Châu Lý là ga ở phía đông Bắc TQ giáp biên giới với Liên Xô và cũng là ga nối tiếp tuyến LVQT đi Maxcva. Hôm tàu đến Mãn Châu Lý đúng vào sáng ngày 02/9, ngày quốc khánh của nước VNDCCH, nên tàu chúng tôi được đón tiếp rất trọng thị, có các cháu thiếu nhi ăn mặc rất đẹp, má hồng, môi đỏ nhảy múa trông rất vui (các cháu không phải là Hồng vệ binh). Tôi và một số bạn học trường Trỗi thì quen với chuyện này, vì khi chúng tôi ở Quế Lâm vẫn thường được xem các cháu thiếu nhi TQ biểu diễn trong các ngày lễ của VN và TQ, còn phần lớn các bạn lần đầu tiên nhìn thấy nên rất ngạc nhiên và nhiều bạn chỉ nhớ mỗi chi tiết này khi hành trình qua đất TQ. Phải nói, ngày đó tình hữu nghị Việt - Trung như "môi với răng" vẫn "đời đời bền vững" nên việc bạn tổ chức một lễ mừng 02/9 cho nguyên một đoàn tàu của chúng ta như vậy cũng là điều rất đáng trân trọng. Có nhiều bạn còn nhớ là được các cháu thiếu nhi phát huy hiệu Mao Trạch Đông nữa....    

Một sự kiện mà tôi nhớ mãi là khi chuẩn bị chuyển qua tàu LVQT của Liên Xô, tôi với tư cách là tổ trưởng** tổ sinh viên đi Balan thuộc Ban Thống nhất TW được trưởng đoàn phụ trách toàn bộ LHS đi học ở các nước XHCN tên là Đức gọi lên gặp, ông ta đề nghị chúng tôi ở lại Mãn Châu Lý, chờ đi chuyến sau, nhường cho một số SV đi học Liên xô về phép đi trước (có lẽ số SV này đã trễ thời gian vào học), tự nhiên trong đầu tôi chợt nghĩ: Đã đi đến đây được 1/2 chặng đường rồi, giờ nghỉ lại khách sạn rồi không biết có được đi tiếp không hay lại hồi hương thì hỏng, thế là dứt khoát tôi không chịu, tôi đòi phải có giấy của ĐSQ đề nghị ở lại đi chuyến sau chứ nói miệng thế này thì không được... Sau một hồi thuyết phục không thành, ông ta đe sẽ viết thư lên ĐSQ để khiển trách tôi, tôi kệ, đòi phải cho chúng tôi đi liền. (Phải như bây giờ thì có khi ở lại Mãn Châu Lý chơi vài ngày, chờ chuyến sau qua lại hay, được nghỉ khách sạn, tắm rửa thoải mái, được thăm quan thành phố địa đầu của TQ giáp với Liên Xô...) Thế rồi chuyện đâu cũng vào đấy, hình như ĐSQ điều đình với LVQT Liên Xô để họ điều thêm toa hay thay toa ít giường bằng toa nhiều giường hơn thì phải...có điều tổ chúng tôi bị tách ra khỏi đoàn đi Ba lan và ở chung với số LHS ở Nga về phép qua học lại. Dù sao thì cũng yên tâm là được tiếp tục cuộc hành trình.

Chúng tôi chia tay đoàn tàu LVQT TQ, chia tay những nhân viên phục vụ TQ, chia tay cô nhân viên tốt bụng đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trên hành trình Bằng Tường - Mãn Châu Lý, tôi có tặng cô ta 1 tấm mành trúc, trên đó có vẽ hình tháp Rùa ở hồ Hoàn Kiếm.

 

 

Nguyễn Mạnh Quý

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/50-nam-truoc-du-hoc-dong-au-bai-2-chuyen-di-tu-bang-tuong-man-chau-ly-298-0291971-a5937.html